•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025

25/12/2024
Ngày 18/12/2024, Viện Nhà nước và Pháp luật đã long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 tại Hội trường tầng 1, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Hội nghị chào đón sự có mặt của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); các đồng chí đại diện cho Ban Quản lý khoa học, Ban Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm và toàn thể viên chức, người lao động Viện Nhà nước và Pháp luật. Đến dự Hội nghị còn có các nhà khoa học trong Hội đồng khoa học của Viện, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, PGS.TS. Vũ Thư và PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương.

 

Đoàn Chủ tịch Hội nghị (từ trái sang): TS. Hoàng Kim Khuyên, TS. Phạm Thị Thúy Nga, TS. Nguyễn Linh Giang

 

Sau phần chào cờ, Hội nghị đã bầu Đoàn Chủ tịch điều hành cuộc họp gồm 03 đồng chí: TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện), TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng), TS. Hoàng Kim Khuyên (Chủ tịch Công đoàn). TS. Nguyễn Thị Hường là thư ký Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, TS. Phạm Thị Thúy Nga trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025. Phần trình bày tập trung vào việc chỉ ra những mặt tích cực, nổi bật cũng như hạn chế, khó khăn trong hoạt động của Viện, từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

 

Về công tác quản lý điều hành, trong năm 2024, bằng nhiều hình thức khác nhau, Chi bộ, Chi ủy, Lãnh đạo Viện đã thường xuyên, kịp thời phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các buổi sinh hoạt chi bộ, tại các cuộc họp giao ban hay các buổi toạ đàm, sinh hoạt khoa học của Viện, đồng thời gửi qua thư điện tử cho viên chức, đảng viên nghiên cứu, thực hiện.

 

Công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đã được Lãnh đạo Viện thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phân công, ủy quyền, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy vai trò của người đứng đầu (Viện, phòng, đoàn thể). Ngay từ đầu năm, Viện đã quán triệt, hưởng ứng và phát động thi đua theo phương châm “Đoàn kết, Kỷ cương, Sáng tạo, Phát trin” do Viện Hàn lâm đưa ra. Nhiệm vụ được giao cho từng đơn vị và cá nhân cơ bản phù hợp với chức năng, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực viên chức, người lao động. Viện đã tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động nghiên cứu của Viện và của từng lĩnh vực nghiên cứu. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, Viện đã tổ chức thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 2025

 

Viện có chính sách khuyến khích các cá nhân xuất bản sách chuyên khảo từ chuỗi đề tài cơ sở thực hiện trong 2-3 năm; có hình thức khen thưởng với các cá nhân, tập thể thực hiện đề tài cơ sở có thể xuất bản thành sách hoặc có bài tạp chí ISI/Scopus từ kết quả nghiên cưu của đề tài. Viện cũng thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên phục vụ nội dung 08 phiên họp Chính phủ gồm 15 thành viên để thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được kịp thời và có chất lượng.

 

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Đề tài cấp Nhà nước “Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế - nội dung trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 – 2025, mã số KX.04/21-25 của Hội đồng Lý luận Trung ương đang chuẩn bị hồ sơ để nghiệm thu cấp cơ sở. Viện cũng đã tham gia đấu thầu thành công 02 đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước, mã số KX.03/21-30.

 

Giai đoạn 2023-2024, Viện thực hiện tổng số 09 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ, trong đó có 06 đề tài cấp Bộ chuyển tiếp từ năm 2023, 01 báo cáo thường niên năm 2024, 01 đề tài cấp Bộ thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ của Viện Hàn lâm và 01 đề tài cấp Bộ đột xuất (thời gian thực hiện đến tháng 3/2025). Trong 08 đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm, có 04 đề tài đạt loại xuất sắc và 04 đề tài đạt loại khá. Trong năm 2024, Viện cũng thực hiện 24 đề tài cấp cơ sở và đã được nghiệm thu với 08 đề tài đạt loại xuất sắc.

 

Ngoài các hội thảo, tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ các đề tài, Viện tổ chức thành công 02 hội thảo phối hợp với Trường Đai học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 01 hội thảo cấp quốc gia phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi, 02 hội thảo cấp Viện chuyên ngành, 15 tọa đàm thuộc hoạt động khoa học chung.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Hoạt động tư vấn, góp ý xây dựng văn bản pháp luật cho các bộ, ngành vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, Viện được Chủ tịch Viện Hàn lâm tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị nội dung tại 08 phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật (61 hồ sơ đề án, đề nghị xây dựng Luật, văn bản quy phạm pháp luật).

 

Trong hoạt động hợp tác nghiên cứu, bên cạnh việc duy trì hoạt động hợp tác với các đối tác truyền thống, Viện đã mở rộng hoạt động hợp tác trong nước thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Thủy Lợi. Kết quả của thoả thuận này là sự phối hợp trong việc đồng tổ chức hội thảo cấp quốc gia về chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững” tổ chức vào ngày 21/5/2024. Hoạt động hợp tác với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục được duy trì thông qua việc phối hợp tổ chức 02 hội thảo, trong đó có 01 hội thảo về chủ đề “Xây dựng mô hình hiệu lực quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam và 01 hội thảo quốc tế về chủ đề “Hiệu lực của hiến pháp trong luật tư: Kinh nghiệm Châu Á và góc nhìn so sánh trong khuôn khổ đề tài Quỹ Nafosted.

 

Trong triển khai thực hiện KPI, các viên chức trong Viện đã chủ động hơn trong việc tham gia vào các hoạt động khoa học và thống kê, minh chứng. Đặc biệt, trong năm 2024, số lượng các bài viết, xuất bản công bố quốc tế tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước (09 bài thuộc danh mục ISI/Scopus, 03 bài chỉ số ISSN, 06 cuốn sách quốc tế). Viện đã tuyên truyền và khuyến khích toàn thể viên chức trong Viện chú trọng đến công tác thống kê các kết quả nghiên cứu một cách hệ thống kèm theo minh chứng đầy đủ để từ đó nâng cao điểm số KPI của toàn Viện.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác năm 2024 của Viện Nhà nước và Pháp luật còn một số mặt hạn chế, yếu kém sau:

 

- Chất lượng sản phẩm khoa học và tư vấn chính sách chưa sâu, khả năng dự báo tin cậy, giải đáp những vấn đề thời sự, cấp bách đang đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cần được nâng cao hơn.

 

- Số lượng viên chức có trình độ chuyên môn cao giảm nhiều trong 6 năm qua nhưng Viện vẫn chưa được tuyển dụng bổ sung dẫn đến thiếu hụt lực lượng nghiên cứu, tương lai sẽ dẫn đến hụt hẫng lực lượng nghiên cứu trình độ cao. Đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu về Nhà nước, pháp luật hình sự, luật biển chưa có lực lượng thay thế đủ khả năng đảm đương thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, sự say mê nghiên cứu khoa học bị ảnh hưởng một phần do sức hút từ các hoạt động giảng dạy mang lại thu nhập cao hơn.

 

- Hoạt động hợp tác quốc tế gặp một số khó khăn do việc xin phép thực hiện các hoạt động hợp tác còn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt việc quản lý các nguồn viện trợ theo Nghị định 80/2020/NĐ-CP chưa được hướng dẫn cụ thể trong việc tiếp nhận viện trợ và quản lý về mặt tài chính dẫn đến việc Viện không xin được giấy phép cho hai hoạt động hợp tác quốc tế trong năm 2024.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên công bố các quyết định khen thưởng năm 2024

 

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025, mục tiêu chung của Viện Nhà nước và Pháp luật là toàn thể viên chức giữ vững tinh thần nhiệt tình say mê công tác trong bối cảnh thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống các tổ chức thuộc Chính phủ. Xây dựng tập thể đoàn kết, ổn định, phát triển; hoàn thành đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất do Lãnh đạo Viện Hàn lâm giao; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ; nâng cao hiệu quả làm việc, nhất là chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học; duy trì kỷ luật lao động, đạo đức và trách nhiệm công vụ.

 

Năm 2025 là năm Chi bộ thực hiện Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030, Viện có nhiều nhiệm vụ cần phải triển khai thực hiện. Trong bối cảnh đó, nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và thúc đẩy những chuyển biến tích cực trong năm 2025, Viện Nhà nước và Pháp luật xác định các định hướng trọng tâm sau:

 

- Tiếp tục xây dựng môi trường công tác lành mạnh, môi trường học thuật liêm chính để có thể động viên, phát huy năng lực, trí tuệ của từng cá nhân, tập thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

 

- Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, hoàn thiện thể chế, kiện toàn nhân sự, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy. Đổi mới toàn diện công tác tổ chức - cán bộ theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đề cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

 

- Tiếp tục nâng cao chất lượng và bảo đảm hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn chính sách; chú trọng nghiên cứu cơ bản, kết hợp với tư vấn chính sách và đào tạo. Đổi mới căn bản hoạt động công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học theo hướng điện tử hóa, số hóa; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; tăng cường công bố quốc tế dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học.

 

Từ thực tiễn triển khai các hoạt động công tác năm 2024 và căn cứ phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025, Viện Nhà nước và Pháp luật đề xuất, kiến nghị với Lãnh đạo Viện Hàn lâm, các Ban chức năng của Viện Hàn lâm về công tác tổ chức - cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

 

Trong đó, về công tác tổ chức – cán bộ, cùng với việc thực hiện tinh giản biên chế, Viện Hàn lâm cần có chính sách cụ thể hơn trong thu hút, giữ chân, tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, say mê nghiên cứu khoa học về làm việc hoặc tiếp tục gắn bó với Viện Hàn lâm và các Viện nghiên cứu. Trong công tác hợp tác quốc tế, Viện đề nghị Viện Hàn lâm và Ban Hợp tác quốc tế quan tâm hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam với sự tham gia của đại diện các Bộ ngành có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao).

 

TS. Nguyễn Linh Giang trình bày dự thảo Kế hoạch công tác năm 2025

 

Sau phần trình bày dự thảo Báo cáo của TS. Phạm Thị Thúy Nga, TS. Hoàng Kim Khuyên công bố các quyết định khen thưởng năm 2024 đối với tập thể và cá nhân và TS. Nguyễn Linh Giang trình bày dự thảo Kế hoạch công tác năm 2025. Sau khi chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, TS. Linh Giang cho biết những nhiệm vụ cụ thể mà Viện cần thực hiện trong các mảng công tác như nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức – hành chính – tài chính, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do Viện Hàn lâm giao… đồng thời, cũng đề ra các giải pháp chủ yếu như: phát huy vai trò của các viên chức; nghiêm túc và công minh trong đánh giá cán bộ; khuyến khích các viên chức tìm kiếm cơ hội đào tạo; các hình thức khen thưởng trong nghiên cứu khoa học...

 

Tiếp theo, Hội nghị đã tiến hành góp ý, thảo luận về nội dung các dự thảo Báo cáo tổng kết và Kế hoạch công tác. Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, các bản dự thảo đã được xây dựng rất nghiêm túc, bao quát được hầu hết các hoạt động của Viện, đánh giá đầy đủ những điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động của Viện trên tinh thần thẳng thắn, trung thực.

 

ThS. Cao Việt Thăng trao đổi về nhiệm vụ góp ý các dự thảo luật

 

Trao đổi về nhiệm vụ góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới cho phiên họp Chính phủ, ThS. Cao Việt Thăng cho biết, đây đều là các công việc đột xuất và gặp phải những khó khăn trong việc tìm hiểu các bản dự thảo, để tiếp cận được phần lớn là qua các quan hệ cá nhân. Tuy nhiên, việc góp ý này lại không được tính vào KPI của Viện. Vì vậy, ThS. Cao Việt Thăng kiến nghị với Lãnh đạo Viện Hàn lâm bổ sung công việc này vào hạng mục KPI của Viện.

 

Phản hồi về việc này, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh gợi ý, việc góp ý các dự thảo luật giống như việc thực hiện một chuyên đề của Viện. Đây sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, thuộc về công việc tư vấn chính sách của Viện. Ông cho biết, trong thời gian tới, Viện Hàn lâm mong muốn sẽ có những sản phẩm khoa học theo dạng báo cáo mở rộng, đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn chính sách pháp luật.

 

Thảo luận tại Hội nghị, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, theo như gợi ý của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, nếu Viện đề xuất hoạt động tư vấn chính sách thành hạng mục công việc riêng của Viện thì cần đội ngũ có năng lực và triển khai thực hiện kỹ, có chất lượng. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm cần có sự cân đối về phân bổ công việc cũng như phân bổ kinh phí để hoạt động này được thực hiện tốt. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị rất ấn tượng với chất lượng các sản phẩm khoa học của Viện, khi số lượng các đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở năm 2024 được nghiệm thu đạt loại xuất sắc và các bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus tăng hơn nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học của Viện cần phải chủ động tham gia, tìm hiểu các hoạt động của các tổ chức bên ngoài, các bộ, ngành, doanh nghiệp... nhiều hơn nữa để nâng cao hoạt động nghiên cứu thực tiễn.

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị chia sẻ ý kiến về hoạt động tư vấn chính sách và chất lượng các sản phẩm khoa học

 

Hội nghị cũng lắng nghe ý kiến của TS. Hoàng Kim Khuyên. Trong bối cảnh hiện nay khi Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, có thể sẽ có những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, vì thế, tiến sĩ mong muốn Công đoàn Viện Hàn lâm sớm có những hướng dẫn, tập huấn cho Ban chấp hành Công đoàn các đơn vị về kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Hội nghị cũng nhận được các ý kiến góp ý của PGS.TS. Vũ Thư, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, ThS. Bùi Thị Hường, ThS. Phạm Hồng Nhật về các vấn đề liên quan đến: phát triển nguồn nhân lực, xét nâng ngạch viên chức, xuất bản Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, hoạt động của Đoàn Thanh niên…

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Ngọc Đức (Ban Quản lý khoa học) ghi nhận thành tích của Viện trong hoạt động quản lý khoa học, các công việc phát sinh khách quan và chủ quan do Viện Hàn lâm giao đều được Viện hoàn thành tốt. Đồng chí cho biết, năm 2025 sẽ áp dụng quy chế quản lý khoa học mới cho nên các đề tài sắp tới triển khai cần sửa lại nội dung căn cứ vào biên bảo thẩm định kinh phí, có báo cáo cụ thể, thuyết minh rõ ràng.Về kinh phí cho hoạt động góp ý văn bản pháp luật, Ban Quản lý khoa học sẽ báo cáo Lãnh đạo Viện Hàn lâm sau khi có quyết định phân bổ ngân sách chung cho Viện Hàn lâm.

 

Đ/c Đặng Ngọc Đức (Ban Quản lý khoa học) phát biểu

 

Đồng chí Nguyễn Phương Mai, đại diện Công đoàn Viện Hàn lâm, ghi nhận tập thể Viện tham gia rất nhiệt tình các hoạt động công đoàn và giành được nhiều thành tích. Ghi nhận đề xuất của Công đoàn Viện, đồng chí sẽ báo cáo Ban thường vụ Công đoàn Viện Hàn lâm về việc xem xét tổ chức lớp tập huấn về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng chí cho biết, trong năm tới, Công đoàn Viện Hàn lâm sẽ tổ chức một cuộc hội thảo có quy mô lớn cũng như hội thao với nhiều môn thể thao và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của các công đoàn viên trong Viện. Hội nghị cũng thu nhận ý kiến trao đổi của đồng chí Trần Đình Hưng đại diện cho Ban Hợp tác quốc tế và Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm.

 

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đánh giá cao kết quả đạt được của Viện trong năm qua và chia sẻ với những khó khăn mà Viện gặp phải, đặc biệt là nguồn nhân lực bị giảm sút, kinh phí cấp bị chậm, ít và công tác hợp tác quốc tế gặp vướng mắc. Để triển khai kế hoạch công tác năm 2025 đạt hiệu quả, chất lượng, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đề nghị Viện bám sát vào các kế hoạch cụ thể theo: nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất và tự quản. Đối với nhiệm vụ thường xuyên, cần bám sát vào cơ cấu tổ chức của Viện; với nhiệm vụ đột xuất, cần bám sát vào các sự kiện đất nước và các cơ quan, tổ chức; nhiệm vụ tự quản là nhiệm vụ tự chủ như trách nhiệm xã hội, từ thiện... Kế hoạch nên sắp xếp theo tháng, quý sao cho linh hoạt, dễ thực hiện. Sau khi kế hoạch được Lãnh đạo Viện Hàn lâm phê duyệt, cần sớm triển khai thực hiện, người đứng đầu sẽ theo dõi, bám sát các hoạt động này.

 

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Nguyễn Đức Minh đánh giá cao kết quả đạt được và đề nghị Viện bám sát

vào các kế hoạch cụ thể theo nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất và tự quản

 

Về công tác tổ chức cán bộ, trong thời gian tới sẽ có quy định mới về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm các đầu mối của Viện Hàn lâm. Vì thế, Viện cần chủ động xây dựng dự thảo quy định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Viện, phối hợp với Ban Tổ chức cán bộ để kiện toàn cán bộ cấp Viện và cấp phòng.

 

Phát biểu tổng kết Hội nghị, TS. Phạm Thị Thúy Nga khẳng định, Viện sẽ lĩnh hội những ý kiến chỉ đạo, góp ý của Phó Chủ tịch PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và các đồng chí của các Ban, đoàn thể Viện Hàn lâm về nhiệm vụ trong thời gian tới liên quan đến phát triển nhân lực, tư vấn chính sách, triển khai các đề tài nghiên cứu, hỗ trợ cho các nhà khoa học. Đồng chí Phạm Thị Thúy Nga chúc các vị đại biểu và toàn thể viên chức có một năm mới an khang, thịnh vượng.