•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Kết quả nghiên cứu, đào tạo và định hướng chính hiện nay của Viện Nhà nước và Pháp luật

25/10/2010
Năm 1967, Viện Nhà nước và Pháp luật được chính thức thành lập với tên gọi là Viện Luật học mà tiền thân là Tổ Luật thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, thành lập năm 1959. Từ đó đến nay, Viện Nhà nước và Pháp luật đã từng bước trưởng thành và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của khoa học về Nhà nước và pháp luật cũng như của thực tiễn xây dựng và phát triển Nhà nước và pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, Viện Nhà nước và Pháp luật đã trở thành một trong những cơ sở nghiên cứu và cơ sở đào tạo có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực khoa học nhà nước và pháp luật ở Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật - cơ quan ngôn luận của Viện Nhà nước và Pháp luật, đồng thời là diễn đàn khoa học của giới nghiên cứu Luật học Việt Nam - là tạp chí lý luận, có uy tín trong lĩnh vực luật học. 

Hoạt động nghiên cứu tại Viện Nhà nước và Pháp luật được triển khai trên hầu hết các lĩnh vực cơ bản của khoa học nhà nước và pháp luật. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới đất nước, bên cạnh các lĩnh vực nghiên cứu truyền thống như: Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Kinh tế, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Quốc tế, Viện Nhà nước và Pháp luật đã đi tiên phong trong việc phát hiện và tổ chức nghiên cứu những lĩnh vực mới về Nhà nước và pháp luật như: Luật học so sánh, Xã hội học pháp luật, Pháp luật về Cạnh tranh và chống độc quyền, Pháp luật về An sinh xã hội, Pháp luật Môi trường... Đồng thời, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tập trung nghiên cứu một số chủ đề lớn của đất nước như: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xã hội dân sự, quyền con người, cơ chế bảo hiến, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các vấn đề pháp lý nảy sinh trong quá trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam. Viện Nhà nước và Pháp luật đã tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật thông qua việc đề xuất ý tưởng, tham gia vào các ban soạn thảo, tổ biên tập, thẩm định và đóng góp ý kiến cho các dự án Luật, Pháp lệnh. Kết quả nghiên cứu khoa học tại Viện Nhà nước và Pháp luật đã cung cấp cơ sở lý luận cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển Nhà nước và pháp luật trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Hoạt động đào tạo sau đại học ngành Luật tại Viện Nhà nước và Pháp luật được triển khai từ năm 1985 với bậc đào tạo tiến sĩ và từ năm 1992 với bậc đào tạo thạc sĩ. Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ sở đầu tiên đào tạo sau đại học ngành Luật tại Việt Nam. Đến năm 2010, đã có gần 100 tiến sĩ và hơn 600 thạc sĩ được đào tạo tại Viện. Trong số đó, nhiều người đã và đang đảm nhiệm trọng trách cao trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội. 

Viện Nhà nước và Pháp luật có quan hệ hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo như: Các viện nghiên cứu khoa học pháp lý thuộc các cơ quan Đảng và Nhà nước; Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội… Trong nghiên cứu ứng dụng, Viện Nhà nước và Pháp luật có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước như: Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và các thiết chế xã hội khác. Viện Nhà nước và Pháp luật có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, là nơi quy tụ các nhà khoa học có trình độ cao, những nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý có chung mối quan tâm về những vấn đề pháp lý nảy sinh trong quá trình phát triển của Việt Nam và thế giới. 
 
 Viện Nhà nước và Pháp luật có quan hệ quốc tế rộng rãi trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Trong nhiều năm, Viện Nhà nước và Pháp luật giữ mối liên hệ tốt và cộng tác thực hiện hiệu quả nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các tổ chức quốc tế và các tổ chức của CHLB Nga, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Na Uy, Thụy Điển. Trong xu thế hội nhập hiện nay, Viện Nhà nước và Pháp luật tiếp tục mở rộng phạm vi các đối tác như: Úc, Mỹ, Đan Mạch... và mong muốn thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo với quy mô lớn.

Viện Nhà nước và Pháp luật có Thư viện chuyên ngành luật học với số lượng đầu sách rất lớn được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng và nguồn tư liệu đa dạng, phong phú, trong đó có những tư liệu quý hiếm. Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật có hệ thống khai thác thông tin chính xác và thuận lợi. 

Hiện nay, hướng nghiên cứu chính của Viện Nhà nước và Pháp luật tập trung vào các vấn đề sau: 
+ Lý luận và thực tiễn về hệ thống chính trị và các mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong hệ thống chính trị; quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền với xã hội dân sự, với kinh tế thị trường;
+ Lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền, gồm: đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và con đường tiếp tục hoàn thiện Nhà n¬ước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực và tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 
+ Lý luận về hệ thống pháp luật; xã hội học pháp luật; luật học so sánh, nhà nước học so sánh; 
+ Lý luận và thực tiễn về quyền con người và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;   
+ Lý luận và thực tiễn về cải cách lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ, bảo đảm quyền con người và hội nhập quốc tế ở Việt Nam; 
+ Lý luận và thực tiễn về pháp luật kinh tế, thương mại trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; pháp luật Dân sự; pháp luật Hình sự; pháp luật về Đất đai, Môi trường; pháp luật An sinh xã hội;
+ Những vấn đề pháp lý của quá trình hội nhập quốc tế;  
+ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam, lịch sử Nhà nước và pháp luật của các nước trên thế giới.