•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Phòng Lý luận Nhà nước và Quản lý hành chính

10/01/2008
Nghiên cứu lý luận về Nhà nước, chính trị học cũng như pháp luật về tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước và tổ chức quản lý nhà nước là một phương hướng hoạt động lớn, chủ yếu của Viện Nhà nước và pháp luật suốt hơn 40 năm qua.
Các khoa học Lý luận về Nhà nước và pháp luật, chính trị học, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính là những lĩnh vực khoa học có liên quan trực tiếp với nhau. Đối tượng nghiên cứu của chúng xoay quan vấn đề tổ chức và thực thi quyền lực chính trị (quyền lực nhà nước). Nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, chủ yếu trong thời kỳ đổi mới hiện nay của các khoa học này là nghiên cứu về xây dựng, hoàn thiện nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước. 

1. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY NGHIÊN CỨU
    - Thời kỳ 1959-1967, để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu về nhà nước, bộ máy nhà nước trong Tổ Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước đã tổ chức ra các phân tổ chuyên môn sau: Phân tổ Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp quyền do luật sư Trần Công Tường phụ trách và Phân tổ Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Lao động do luật gia Trương Tấn Phát phụ trách. Từ sau khi Viện Luật học được thành lập vào năm 1967, các phân tổ trên được đổi gọi là tổ.
- Thời kỳ 1967-1990, việc nghiên cứu các vấn đề trên được tập trung về một đầu mối là Tổ Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật. Những năm sau đó lần lượt được đổi gọi là Ban Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật, Phòng Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật và Phòng nghiên cứu hệ thống chính trị.
- Thời kỳ từ năm 1991 đến nay, thực hiện việc chuyên sâu hoá nên từ cơ cấu của Phòng Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật và Phòng nghiên cứu hệ thống chính trị đã tách ra các bộ phận nghiên cứu: bộ phận nghiên cứu lịch sử Nhà nước và pháp luật được tách riêng thành Phòng nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật; bộ phận nghiên cứu về lý luận pháp luật chuyển sang phòng Lý luận và xã hội học pháp luật. Vấn đề nghiên cứu về lý luận về Nhà nước và bộ máy nhà nước, quản lý hành chính cũng như hệ thống chính trị được thực hiện bởi hai bộ phận: Phòng nghiên cứu bộ máy và quản lý Nhà nước và Trung tâm Khoa học chính trị. Vào những năm nửa đầu thập kỷ 90 do yêu cầu tập trung nghiên cứu vấn đề cải cách hành chính nên Phòng Phòng nghiên cứu về bộ máy và quản lý nhà nước chuyển mang tên Phòng nghiên cứu khoa học hành chính, nhưng với thời gian không dài. Hiện tại hai bộ phận nghiên cứu trên được chuẩn hoá lại là Phòng Lý luận về Nhà nước và quản lý hành chính và Phòng Chính trị học. 
Về lực lượng nghiên cứu, thời kỳ đầu cán bộ cơ hữu chuyên ngành lý luận, Hiến pháp, hành chính của Viện không nhiều, phần lớn mang tính tập hợp, kiêm nhiệm. Tham gia nghiên cứu lĩnh vực này có các nhà các nhà nghiên cứu có uy tín lúc bấy giờ như Phan Anh, Phạm Văn Bạch, Phạm Giảng, Vũ Bội Tấn, Vũ Đình Hoè, Tạ Như Khuê, Đàm Văn Hiếu. Thời kỳ những năm 60-70 có thêm các cán bộ mới như: Nguyễn Niên, Trần Trọng Hựu, Đào Trí Úc, Trần Thị Tuyết, Phạm Văn Điềm. Những năm 80 được bổ sung một thế hệ cán bộ được đào tạo ở trong và ngoài nước như Bùi Xuân Đức, Đinh Thiện Sơn, Dương Đức Dũng, Lê Minh Thông, Nguyễn Thị Việt Hương, Nguyễn Văn Động, Trương Đắc Linh, Phạm Tuấn Khải, Vũ Thư... Những năm gần đây, thêm một số cán bộ trẻ mới được bổ sung.
Phương thức nghiên cứu chủ yếu được thực hiện theo ba phương diện:
- Hoạt động nghiên cứu cá nhân, chuyên sâu về một vấn đề với các đề tài cấp Viện được đăng ký hàng năm. Phương thức nghiên cứu này nhằm tạo ra các chuyên gia chuyên sâu về một lĩnh vực;
- Hoạt động theo các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, các nhiệm vụ cấp Bộ, các đề án hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước để tập hợp lực lượng giải quyết một vấn đề khoa học cấp bách đặt ra;
- Hoạt động giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh tại Viện về chuyên ngành lý luận về Nhà nước, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính.

2. HOẠT ĐỘNG VÀ THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU
1. Trước khi tổ chức ra các cơ quan, bộ phận nghiên cứu chuyên trách như đã nêu trên, khoa học pháp lý Việt Nam nói chung, các khoa học pháp lý chuyên ngành đang được hình thành nói riêng đã có các nghiên cứu về Nhà nước và tổ chức nhà nước, đặc biệt là xung quanh việc ban hành Hiến pháp năm 1946. Nhiều luật gia, luật sư, nhân sỹ, trí thức thời kỳ này, trong không khí hồ hởi của nền dân chủ mới được thiết lập, đã tích cực nêu các quan điểm, trong đó có hiến kế xây dựng một mô hình tổ chức bộ máy nhà nước mới.
Đương cử là trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1946 đã đưa ra hai quan điểm về tổ chức bộ máy nhà nước mới ở nước ta thể hiện trong hai dự thảo: quan điểm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Quốc hội một viện; Chính phủ do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội; Chủ tịch nước do Quốc hội bầu và là người đại diện Nhà nước Việt Nam trên thế giới; chính quyền nhân dân địa phương có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính (của Uỷ ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chí Minh làm chủ tịch) và quan điểm thiết lập một chế độ đại nghị với hai viện dân biểu phỏng theo mô bản chế độ đại nghị phương Tây, có những điều chỉnh thích nghi với tình hình thực tế của đất nước (của Uỷ ban kiến quốc do Chính phủ thành lập, tập trung các nhân sĩ trí thức có tiếng ở Hà Nội và trong cả nước như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Trần Văn Chương, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển...).  Kết quả là việc tổ chức bộ máy về nguyên tắc là theo nguyên lý của cách mạng vô sản nhưng có sự nhân nhượng: Hiến pháp năm 1946 xây dựng cơ chế quyền lực của nhân dân trên tinh thần dân chủ rộng rãi, song đã bảo đảm quyền lực nhân dân (thực chất là công - nông, người lao động) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (tuy rút vào hoạt động bí mật). Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Nghị viện nhân dân (Quốc hội) và Hội đồng nhân dân - là cơ sở nền tảng của bộ máy nhà nước. Các cơ quan nhà nước khác được thành lập ra trên cơ sở các cơ quan này và dưới sự giám sát, chịu trách nhiệm giữa chúng. Tuy nhiên, còn áp dụng một số yếu tố phân quyền phù hợp với điều kiện của Nhà nước dân chủ nhân dân (tức dân chủ rộng rãi đa dạng các lợi  ích, các nhóm xã hội). Qua thực tiễn này có thể thấy sự nghiên cứu về chính quyền nhà nước ở nước ta đã được đặt nền móng từ những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và đã có những kết quả và đóng góp nhất định.

2. Thời kỳ những năm sáu mươi - bảy mươi của thế kỷ trước, tuy Viện Nhà nước và Pháp luật  mới được tổ chức ra và còn non trẻ nhưng các cán bộ của Viện đã quan tâm nghiên cứu về lý luận Nhà nước và pháp luật, về Hiến pháp phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Các vấn đề như: về bản chất nhà nước, chế độ chính trị, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc pháp chế XHCN trong tổ chức quyền lực nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; về tính bất hợp pháp của chính quyền Sài Gòn, khẳng định Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là người đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam, v.v... được tập trung nghiên cứu. 
Đặc biệt thời kỳ này là các nghiên cứu về tổ chức nhà nước trong việc sửa đổi và ban hành Hiến pháp năm 1959 và tiếp sau đó là nghiên cứu làm rõ nội dung các chế định của Hiến pháp, việc thực hiện Hiến pháp, đấu tranh phê phán chính quyền do Hoa Kỳ lập nên ở miền Nam. 
Trong điều kiện chỉ có một số ít cán bộ, nhân viên, việc tổ chức nghiên cứu các vấn đề nêu trên trong Tổ Luật học (Viện Luật học, Viện Nhà nước và pháp luật sau này) thường có sự tham gia của đông đảo các cộng tác viên từ các cơ quan, tổ chức khác nhau như: Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Trường cán bộ Toà án, Văn phòng Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam... Các kết quả nghiên cứu được công bố trong tập “Nghiên cứu Nhà nước và pháp quyền” ra đều đặn hằng năm do Nhà xuất bản Khoa học  ấn hành. 

3. Từ năm 1967, với việc thành lập Viện Luật học, công tác nghiên cứu lý luận về Nhà nước và pháp luật, pháp luật về tổ chức bộ máy chính quyền được đẩy mạnh. Những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về Nhà nước và pháp luật và việc vận dụng trong điều kiện đặc thù Việt Nam như về bản chất chế độ nhà nước XHCN ở miền Bắc, bản chất của Nhà nước kiểu mới ở nước ta, khẳng định tính ưu việt của chế độ Nhà nước XHCN, phê phán các quan điểm tư sản về Nhà nước và pháp luật. Do hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc lan rộng, Viện phải đi sơ tán (về Hà Tây, tiếp đó là Hà Bắc) nên hoạt động nghiên cứu cũng gặp nhiều khó khăn. Tập “Nghiên cứu Nhà nước và pháp quyền” không còn được xuất bản nữa, vì vậy các công trình nghiên cứu của các cán bộ của Viện được chuyển sang công bố trên tập sách “Nhà nước và Pháp luật” của Hội Luật gia Việt Nam do Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, hoạt động nghiên cứu của Viện nói chung, hoạt động nghiên cứu về Nhà nước, Hiến pháp, quản lý nhà nước càng được tăng cường.Viện cũng đã có một tờ tạp chí làm nơi công bố các công trình nghiên cứu là tạp chí “Luật học” (từ năm 1972, nay là tạp chí Nhà nước và Pháp luật). Nhiều cán bộ nghiên cứu mới về chuyên ngành Lý luận về nhà nước, vê Hiến pháp được bổ sung. Điều kiện mới thuận lợi đó đã góp phần làm cho hoạt động nghiên cứu của Viện nói chung, nghiên cứu về các vấn đề về Nhà nước, về Hiến pháp được đẩy mạnh. Các vấn đề lý luận được tập trung nghiên cứu trong thời kỳ này gắn liền với nhu cầu của quá trình thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Các bài viết của các tác giả như Nguyễn Ngọc Minh, Ngô Bá Thành, Trịnh Khánh Phong v.v...  đã góp phần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh pháp lý của việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước và pháp luật ở nước ta.
Năm 1978 Viện cho xuất bản cuốn sách “Những vấn đề pháp lý qua Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng” phân tích những vấn đề pháp lý đặt ra qua những đường lối, quan điểm mà Đại hội đề ra như vấn đề bản chất, đặc điểm của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đi lên CNXH trên phạm vi cả nước, về chế độ làm chủ XHCN, cơ chế tổ chức bộ máy nhà nước, về tăng cường pháp chế XHCN.
Một nội dung nghiên cứu lớn về Nhà nước, Hiến pháp thời gian này là việc xây dựng chế độ nhà nước và cách thức tổ chức bộ máy nhà nước của nước Việt Nam thống nhất đi lên CNXH. Viện Luật học đã tổ chức  nghiên cứu những vấn về Hiến pháp. Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong cuốn: “Hiến pháp xã hội chủ nghĩa (một số vấn đề lý luận cơ bản)” do NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1977. Đáng chú ý là các chương “Những nguyên tắc hiến pháp về chế độ chính trị” (Nguyễn Ngọc Minh), “Những nguyên tắc tổ chức nhà nước chuyên chính vô sản: nguyên tắc quyền lực tập trung trong tay nhân dân và nguyên tắc tập trung dân chủ” (Tạ Như Khuê), v.v.. Đây là công trình góp phần vào việc chuẩn bị cho việc ban hành Hiến pháp mới sau khi đất nước được thống nhất – Hiến pháp 1980. 
 Các bài nghiên cứu như: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và vấn đề xây dựng Hién pháp” của Quang Như, “Việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng  và mối quan hệ giữa hai cơ quan đó với nhau trong dự thảo Hiến pháp mới” của Ngô Hướng Đàm... đăng trên tạp chí Luật học đã có những ý kiến đóng góp nhất định vào quá trình xây dựng dự thảo Hiến pháp năm 1980. 

4. Thời kỳ từ sau khi ban hành Hiến pháp năm 1980, việc tổ chức nghiên cứu lý luận về  nhà nước, tổ chức bộ máy nhà nước và quản lý nhà nước được đẩy mạnh một bước đáng kể. Về nhân lực đã có thêm một số cán bộ mới tốt nghiệp ngành luật chính quy chuyên ngành luật Hiến pháp-Hành chính ở các nước XHCN như Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức được tăng cường về Viện và được bố trí về phòng chuyên môn – Phòng Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật. Có thể nói, về mặt tổ chức cán bộ, đây là giai đoạn mà lực lượng cán bộ nghiên cứu về lĩnh vực này được tăng cường mạnh mẽ nhất. Lực lượng này sau này đều trưởng thành và trở thành đội ngũ nghiên cứu chủ lực về lĩnh vực  Luật Hiến pháp, Luật Hành chính của Viện.
Công trình nghiên cứu lớn về lĩnh vực Hiến pháp–Hành chính giai đoạn này do Viện chủ trì, có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, xã hội có uy tín là bộ “Bình luận Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” gồm hai tập, do nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1985. Bộ sách làm rõ dưới góc độ khoa học pháp lý đã phân tích ý nghĩa, nội dung của Hiến pháp năm 1980; luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn của các chế định, đặc biệt là các nội dung mới của các chế định trong Hiến pháp 1980. Công trình đã góp phần đáng kể vào việc nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiến pháp năm 1980, đưa Hiến pháp vào cuộc sống. 
Phục vụ việc thi hành Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, Viện đã tập trung nghiên cứu những vấn đề về tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước mà theo nhận định của Đại hội là “chưa mạnh” và đã cho ra mắt cuốn sách: “Tăng cường hiệu lực Nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta” Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1983. Công trình đã tập trung làm rõ 5 nội dung lớn là: Thời kỳ quá độ ở Việt Nam và vấn đề tăng cường hiệu lực của nhà nước XHCN; Tăng cường hiệu lực của hệ thống các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân- chỗ dựa vững chắc của nhà nước; tăng cường pháp chế XHCN; Nâng cao ý thức pháp luật XHCN; Xử lý kịp thời và nghiêm minh các vi phạm. Công trình có sự tham gia của đông đảo cán bộ của Viện trong đó có những cán bộ trẻ mới ở nước ngoài về đã kịp trưởng thành  như Lê Minh Thông, Bùi Xuân Đức, Nguyễn Mạnh Kháng...
Tiếp theo là hai đề tài nghiên cứu lớn cấp Nhà nước mà Viện được giao chủ trì là “Nhà nước quản lý trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, ký hiệu A5 (thời gian thực hiện 1984-1986) và “Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong thời kỳ quá độ” , ký hiệu A8, (thời gian thực hiện 1987-1988 và 1989-1990). Để thực hiện hai đề tài này Viện đã tập trung lực lượng mạnh trong và ngoài viện để nghiên cứu; vừa nghiên cứu lý luận vừa đi tìm hiểu thực tế ở các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phú, v.v... theo thư giới thiệu và yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Báo cáo kiến nghị của đề tài A5: ”Một số kiến nghị bước đầu phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý” (4-1986) và A8: “Kiến nghị khoa học tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước hiện nay”(1989) đã có những kiến giải, đề xuất tốt góp phần hoàn thiện bộ máy nhà nước ở trung ương, địa phương và hoạt động quản lý nhà nước, nhất là góp ý kiến vào việc chuyển sang cơ chế quản lý mới sau này.

5. Thời kỳ từ khi nước ta tiến hành đổi mới mạnh mẽ về chính trị tiếp theo sau đổi mới về kinh tế (được tiến hành từ năm 1986), sự nghiệp nghiên cứu về nhà nước, hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách hệ thống hành chính có một bước phát triển nhảy vọt. 
Tiếp theo các nghiên cứu bước đầu về tăng cường hiệu lực của nhà nước, đẩy mạnh vai trò  quản lý nhà nước, đến lúc này nhiệm vụ nghiên cứu được tập trung một cách chính diện vào việc đổi mới hệ thống chính trị trong đó đặc biệt là đổi mới nhà nước và quản lý nhà nước. 
Đề tài “Đổi mới hệ thống chính trị” là đề tài khoa học lớn cấp Nhà nước được Nhà nước giao cho Viện nghiên cứu chính là biểu hiện theo hướng đó. Đề tài do TSKH.  Đào Trí Úc làm chủ nhiệm với lực lượng nòng cốt là Phòng nghiên cứu hệ thống chính trị với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín khác. Báo cáo tổng hợp đề tài: “Đổi mới hệ thống chính trị” và một số bài viết trong phạm vi đề tài như “Hệ thống chính trị – một đề tài nghiên cứu khoa học xã hội trong quá trình đổi mới ở nước ta” của Đào Trí Úc thể hiện các kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần luận giải về mặt lý luận cũng như thực tiễn các như cầu phải đổi mới cũng như nội dung đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị rtường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. 
Tiếp đến là việc nghiên cứu về tổ chức bộ máy nhà nước trong việc xây dựng dự thảo Hiến pháp năm 1992 và những vấn đề thi hành Hiến pháp sau đó. Sự tham gia của Viện về lĩnh vực này là hết sức sôi nổi và có nhiều thành công cũng như đóng góp quan trọng. Lãnh đạo của của Viện được tín nhiệm mời  tham gia trực tiếp vào các Ban biên tập sửa đổi Dự thảo  Hiến pháp. Các cán bộ khác của Viện đã tích cực viết bài công bố trên các ấn phẩm khoa học cũng như các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung cần quy định trong Hiến pháp, đóng góp vào dự thảo Hiến pháp khi được công bố lấy ý kiến nhân dân. 
Trên cơ sở quán triệt nguyên tắc chủ đạo của cải cách bộ máy nhà nước trong thời kỳ đổi mới được Đảng đề ra tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (thông qua tại Đại hội VII của Đảng (1991) là: "Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp với sự phân công rành mạch ba quyền đó" và sau này được Đại hội VIII (1996) chuẩn hoá: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” các nghiên cứu của các cán bộ trong Viện đã đưa ra những thiết kế đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương, cũng như đưa ra các ý kiến đóng góp phản biện về Dự thảo Hiến pháp. Đáng chú ý là các đề xuất về đổi mới Hội đồng Nhà nước – cơ quan thường trực, Chủ tịch nước tập thể thành hai cơ quan: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đa dạng; thành lập cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, v.v... và nhiều đề xuất khác. Một số đề xuất của các nhà nghiên cứu của Viện  đã được các cơ quan có soạn thảo Hiến pháp chú ý và tiếp thu.
Sau khi Hiến pháp được ban hành, trong các năm từ 1992 đến 1995, Viện đã tập trung nghiên cứu triển khai thi hành Hiến pháp. Các nhà nghiên cứu trong Viện đã có nhiều bài viết về các nội dung của Hiến pháp như của Bùi Xuân Đức: “Những điểm mới trong tổ chức bộ máy Nhà nước nước ta quan Hiến pháp năm 1992”, “Chính phủ trong cơ chế quyền lực Nhà nước theo Hiến pháp năm 1992”; của Đào Trí Úc: “Nền hành chính Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước” v.v... Lớn hơn cả trong hoạt động này là việc Viện đã chủ trì thực hiện xây dựng cuốn sách lớn“Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992” dưới sự chủ biên của TSKH. Đào Trí Úc với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, quản lý có uy tín. Đây là công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc và lý giải cơ sở lý luận và thực tiễn những nội dung của Hiến pháp năm 1992, góp phần nâng cao nhận thức lý luận, đóng góp vào khoa học pháp lý về Hiến pháp, đồng thời góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Hiến pháp ở nước ta.
- Thời kỳ này cũng là thời kỳ mà Viện tiếp tục việc nghiên cứu sâu rộng vấn đề đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước, cải cách nền hành chính nhà nước. Những đề tài và công trình nghiên cứu tiêu biểu của Viện về lĩnh vực này gồm: 
+ Đề tài cấp Nhà nước “Vấn đề xây dựng nền chính trị và hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ quá độ”, mã số KX.01.14 do TS. Trịnh Hồng Dương làm chủ nhiệm, TS. Bùi Xuân Đức làm thư ký, thời gian thực hiện 1993-1996). Đề tài đã trình bày một hệ thống quan điểm lý luận và thực tiễn xây dựng nền chính trị và hệ thống chính trị nước ta cũng như những quan điểm, giải pháp xây dựng, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng mô hình lý luận một nền chính trị và hệ thống chính trị phù hợp bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền lực nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước.
Cùng với kết quả nghiên cứu về hệ thống chính trị của GS. TSKH Đào Trí Úc ở giai đoạn trước, các công trình nghiên cứu về hệ thống chính trị sau này đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về nền chính trị và hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, khẳng định hệ thống luận điểm, quan điểm về xây dựng, củng cố và phát triển nền chính trị và hệ thống chính trị với t­ư cách là một bộ phận hợp thành của lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đ­ường đi lên chủ nghĩa xã hội ở n­ước ta; thiết kế mô hình hệ thống các tổ chức chính trị và cơ chế hoạt động bảo đảm thực hiện  quyền lực chính trị của nhân dân d­ưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với điều kiện và yêu cầu khách quan của tiến bộ xã hội. 
 +  Đề tài cấp Nhà nước “Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”, mã số KHXH 05.05 do TSKH. Đào Trí Úc làm chủ nhiệm, TS. Đinh Ngọc Vượng làm thư ký, thời gian thực hiện 1998-2000. Đề tài đã làm rõ nội dung và phương hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, đề ra các yêu cầu bảo đảm trên con đường đó là phải bảo đảm quyền lực nhân dân (dân chủ), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, xây dựng cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp rõ ràng trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
+ Công trình tập thể- cuốn chuyên khảo “Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật”, NXB Chính trị quốc gia, H., 1995 do TSKH. Đào Trí Úc chủ biên đã đề cập những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước, hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước phục vụ hoạt động đào tạo sau đại học của Viện. Có thể nói, cuốn sách này đã trở thành cuốn sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ nghiên cứu sinh và học viên cao học của Viện.
+ Cuốn chuyên khảo của TSKH Đào Trí Úc “Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới”, NXB Khoa học xã hội, H., 1997 là công trình nghiên cứu cá nhân, đem lại những nhận thức mới về Nhà nước và pháp luật cũng như  lập luận cho nhu cầu, phương hướng, giải pháp đổi mới Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam.
+ Một loạt đề tài khoa học cấp Viện  về nền hành chính và cải cách hành chính như: "Những vấn đề cơ bản của khoa học Hành chính".  H., 1996, "Những vấn đề về khoa học Luật Hành chính". H., 1998-1999;  "Cơ sở khoa học của việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong điều kiện đổi mới". H., 2000 v.v... và các bài viết như của Bùi Xuân Đức "Vấn đề cải cách nền hành chính Nhà nước ở nước ta hiện nay", Lê Hồng Sơn “Thủ tục hành chính bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay” đã có những đóng về mặt nhận thức và tạo cơ sở lý luận cho công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước nước ta.
+ Đề tài cấp Viện: "Mô hình tổ chức và hoạt động của toà án hành chính" do TS. Bùi Xuân Đức làm chủ nhiệm, H., 1994 và một số bài báo khoa học của các học giả như Đào Trí Úc, Bùi Xuân Đức, Vũ Thư đã luận cơ sở lý luận và thực tiễn củaviệc tổ chức xét xử hành chính (giải quyết tranh chấp hành chính bằng Toà án - tư pháp hành chính) như là một phương thức cần thiết và chủ yếu trong việc giải quyết các tranh chấp hành chính vốn đang được thực hiện hầu như duy nhất bằng con đường khiếu nại. Kết quả là đã góp tiếng nói chung vào việc Nhà nước ta đã quyết định đưa vào áp dụng giải quyết các vụ án hành chính bởi Toà án nhân dân với việc quy định thành lập Toà hành chính và ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996.
Ngoài ra còn nhiều đề tài cấp viện khác cũng được triển khai.
- Phục vụ Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996), Viện đã có những hoạt động nghiên cứu đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội và triển khai nghiên cứu những vấn đề pháp lý đặt ra qua nghị quyết của Đại hội. Cuốn sách “Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề cấp bách của khoa học về Nhà nước và pháp luật” do NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 1997, dưới sự chủ biên của TSKH. Đào Trí Úc thể hiện các kết quả nghiên cứu đó.
 - Vấn đề nghiên cứu một số nội dung hoàn thiện nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền liên quan đến việc Nhà nước ta tổ chức sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vào năm 2001 và ban hành các luật (sửa đổi) về tổ chức bộ máy nhà nước các năm 2002-2003 cũng được Viện tập trung nghiên cứu và đóng góp. Một số đề tài khoa học trực tiếp gắn liền với công tác này được Viên triển khai nghiên cứu như: 
+ Hội thảo khoa học lớn về vấn đề này được Viện tổ chức và tập hợp các báo cáo khoa học được xuất bản thành sách “Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”  do TS. Lê Minh Thông chủ biên, NXB Khoa học xã hội, H., 2001: 
+  Đề tài cấp Nhà nước “ Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, mã số KX04-02, do GS., TSKH Đào Trí Úc làm chủ nhiệm (thời gian thực hiện: 2002-2005) đã xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; 
+ Đề tài cấp Nhà nước "Cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân" mã số: KX.04.08 do PGS., TS. Lê Minh Thông làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện: 2002-2005 thuộc Chương trình KHCN cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005 "Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân”; 
+ Đề tài khoa học cấp Bộ "Pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước ở địa phương: Hiện trạng và giải pháp" do TS. Bùi Xuân Đức làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện năm 2001;
+ Nhiệm vụ khoa học cấp Bộ "Chính quyền cơ sở: Hiện trạng và giải pháp đổi mới" do GS. TSKH Đào Trí Úc làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện năm 2002;
+ Các bài viết của các cán bộ trong Viện đóng góp trực diện vào vấn đề này như: “Vấn đề hoàn thiện bộ máy Nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. T/c Nhà nước và pháp luật, số 4/2000; “Hoàn thiện cơ sở pháp lý của tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nước ta hiện nay”. T/c Nhà nước và pháp luật, số 5/2001, “Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Chính phủ”. T/c Nghiên cứu lập pháp. Số chuyên đề tháng 4/2001. “Một số vấn đề cần hoàn thiện trong tổ chức và hoạt động của Uỷ ban nhân dân các cấp”. T/c Nhà nước và pháp luật, số 10/2000.
 v.v... 
Những ý kiến đề xuất khoa học của Viện về những nội dung trên đã được dư luận xã hội đánh giá cao và được các cơ quan hữu quan tiếp  thu trong quá trình soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
 Tiếp đến là các bài viết làm rõ những điểm mới về tổ chức bộ máy nhà nước qua những sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đã góp phần làm sáng rõ những nội dung đổi mới.

6. Hiện tại, việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện Nhà nước, hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, tiếp tục cải cách nền hành chính dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng (năm 2006) hiện đang là tâm điểm của lĩnh vực nghiên cứu về nhà nước, bộ máy nhà nước và quản lý nhà nước. Việc đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam  đang đặt trước khoa học lý luận về Nhà nước, hệ thống chính trị, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính những thách thức mới. Phát huy những thành tựu đã đạt được, Viện đã và đang bắt tay vào việc nghiên cứu những nội dung mới này với tự tin. Một số công trình tiêu biểu trên lĩnh vực này của Viện đã được nghiên cứu và công bố gần đây như một sự khởi đầu tốt đẹp. Đó là các công trình:
+ Chuyên khảo ”Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay” của PGS.TS. Bùi Xuân Đức, NXB Tư pháp, H., 2004, tái bản có sửa chữa và bổ sung, 2007;
+ Chuyên khảo “Xây dựng Nhà nước  pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tập thể tác giả. Chủ biên: GS.TSKH. Đào Trí Úc, NXB Chính trị quốc gia, H., 2005;
+ Chuyên khảo “Mô hình tổ chứcvà hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Chủ biên: GS.TSKH. Đào Trí Úc, NXB. Tư pháp, H., 2006;
+ Nhiệm vụ khoa học cấp Bộ: “Đánh giá tình hình quan liêu, lãng phí và cuộc đấu tranh chống quan liêu, lãng phí ở nước ta trong thời kỳ đổi mới” do GS.TSKH Đào Trí Úc làm chủ nhiệm, PGS. TS Võ Khánh Vinh và PGS. TS Phạm Hữu Nghị làm thư ký, thời gian thực hiện: 2005. 
+ Nhiệm vụ khoa học cấp bộ: “Đánh giá kết quả của cải cách hành chính và các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở nước ta”. Chủ nhiệm đề tài: GS.TSKH Đào Trí Úc, Phó Chủ nhiệm: PGS.TS. Bùi Xuân Đức, thư ký: TS Lê Hồng Sơn, thực hiện trong hai năm 2005-2006.
+ Các đề tài cấp viện: “Xây dựng mô hình tài phán hành chính ở nước ta” do GS.TSKH Đào Trí Úc thực hiện và  "Hoàn thiện mô hình xét xử các vụ án  hành chính"do PGS, TS. Bùi Xuân Đức thực hiện, trong các năm 2005-2006 đã đề xuất mô hình mới về tổ chức giải quyết tranh chấp hành chính trước hết bằng cơ quan tài phán hành chính nằm trong hệ thống hành chính thay cho khâu giải quyết khiếu nại hiện nay và sau đó nếu không thoả mãn mới khiếu kiện  ra toà án.
+ Một số đề tài cấp Bộ, cấp Viện về lĩnh vực này đã và đang được thực hiện như: “Giới hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý xã hội“, ”Vấn đề thể chế hoá chức năng của Nhà nước trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay” tập trung làm rõ sự chuyển đổi  và trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp xác định lại về mặt pháp lý, vai trò, chức năng của Nhà nước ta trong điều kiện chuyển đổi xã hội hiện nay. 
Trong thời gian trước mắt cần tập trung vào các mặt nghiên cứu sau: Vấn đề vận dụng hạt nhân hợp lý của nguyên tắc phân quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước; nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. 

7. Hoạt động khoa học trên lĩnh vực này còn được triển khai thông qua đào tạo sau đại học (cao học và nghiên cứu sinh). Trong những năm qua Viên đã định hướng cho NCS và các học viên cao học tham gia nghiên cứu và lựa chọn các đề tài luận văn, luận án phù hợp với hướng nghiên cứu chung của Viện. Nhiều luận án, luận văn về lĩnh vực chuyên ngành này đã được thực hiện và bảo vệ thành công góp phần lý giải khoa học các vấn đề về Nhà nước, hiến pháp, hành chính đang đặt ra và đóng góp vào thành quả nghiên cứu chung của Viện. Đó là các luận án Tiến sỹ “Quyền giám sát tối cao của Quốc hội” của Phạm Ngọc Kỳ; “Chế tài hành chính: lý luận và thực tiễn” của Vũ Thư; “Uỷ ban nhân dân xã” của Trần Nho Thìn, “Chức năng kinh tế của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” của Trần Thái Dương, “Chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” của Lê Thị Hằng, “Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thực hiện quyền con người ở Việt nam hiện nay” của Lê Hồng Sơn, “Hoàn thiện thủ tục pháp lý về giải quyết khiếu nại của công dân” của Nguyễn Hạnh và luận văn thạc sỹ “Tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong cải cách hành chính” của Trần Quốc Vượng,  “Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền tỉnh” của Lê Thị Thảo, v.v...
Các cán bộ của Viện đã tích cực tham gia tích cực vào hoạt động đào tạo sau đại học vừa xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu học tập, vừa trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn luận văn, luận án. Qua hoạt động đào tạo, trình độ, năng lực của các cán bộ cũng được củng cố và nâng cao.
8. Hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực hiến pháp – hành chính cũng được tiến hành thường xuyên đều đặn. Viện đã tích cực tham gia các hội nghị khoa học quốc tế, các cuộc trao đổi khoa học với các nước trong khu vực và thế giới. Các nhà khoa học như GS.TSKH Đào Trí Úc đã tham gia Hội thảo khoa học quốc tế “Hành chính và chính sách”tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) năm 1992, PGS, TS. Bùi Xuân Đức tham gia Hội thảo khoa học quốc tế “Cơ chế ban hành chính sách quản lý” tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) năm 1994, Đại hội “Chủ nghĩa lập hiến quốc tế” họp tại Tokyo (Nhật Bản) năm 1995, Hội thảo khoa học “Sự thay đổi Nhà nước, Xã hội và cải cách pháp luật” tổ chức tại Nagoya (Nhật Bản) năm 2006, NCVC Trần Thị Tuyết, TS. Lê Hồng Sơn... thực hiện các cuộc trao đổi khoa học tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga... Tại các hội thảo khoa học, trao đổi khoa học nói trên, các nhà khoa học của Viện đã có báo cáo khoa học, tham luận trình bày tại hội thảo và có sự trao đổi thiết thực với các học giả nước ngoài và thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới bổ ích.

3. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU TRONG THỜI GIAN TỚI
    Khoa học Lý luận Nhà nước, Chính trị học, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính trong bối cảnh đổi mới toàn diện xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đang đứng trước những nhiệm vụ mới đòi hỏi phải tập trung giải quyết. Đó là nhiệm vụ nghiên cứu lý luận cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta với những vấn đề mới đặt ra như tính chất giai cấp của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị với một đảng duy nhất cầm quyền, đổi mới cơ chế tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị trong thời gian tới. Đó là nhiệm vụ nghiên cứu lý luận tạo cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước, tiếp tục cải cách sâu rộng nền hành chính nhà nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra việc: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội...Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại..., Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người..... Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân định lại thẩm quyền đối với chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo”.  Khoa học lý luận về Nhà nước, Chính trị học, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính  nước ta, vì vậy, có rất nhiều việc phải làm trên phương diện này. 
Trong thời gian trước mắt cần tập trung vào các mặt nghiên cứu sau:

1. Vấn đề xác định rõ các chức năng (trong đó trọng tâm là chức năng về kinh tế) của Nhà nước ta trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, đưa ra những phương hướng và giải pháp xác định rõ phạm vi cũng như mức độ của hoạt động của Nhà nước trong các hoạt động đó góp phần tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực hiện chức năng của Nhà nước. Nội dung nghiên cứu cụ thể gồm: Làm rõ vị trí, vai trò của Nhà nước ta trong đời sống xã hội nói chung, trong nền kinh tế thị trường nói riêng; Phân tích những nhận thức và thực tiễn thực hiện chức năng của Nhà nước ta qua các giai đoạn phát triển từ 1945 đến nay; Phân tích lý luận về sự chuyển đổi các chức năng của Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đánh giá toàn bộ quá trình tổ chức và thực hiện chức năng Nhà nước trong giai đoạn vừa qua và hiện tại, chỉ ra các thiếu sót và hạn chế; Làm rõ các mặt hoạt động cũng như mức độ và phạm vi của hoạt động đó của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay; Đề xuất phương hướng, giải pháp đẩy mạnh hoạt động và tăng cường hiệu lực hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. 

2. Vấn đề đổi mới hệ thống chính trị, bao gồm các nội dung:  Xác định rõ hơn hệ thống các thành tố cấu thành hệ thống chính trị nước ta, vị trí vai trò của từng thành viên trong hệ thống đó; xu hướng phát triển trong bối cảnh mới; Đổi mới cơ cấu, tổ chức, phương thức hoạt động của từng thành viên trong hệ thống; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

 3. Vấn đề đổi mới bộ máy nhà nước và quản lý nhà nước, bao gồm các nội dung: Vận dụng hạt nhân hợp lý của nguyên tắc phân quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước;  Đổi mới hệ thống, cơ cấu tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước như phận định định rõ hơn vị trí, vai trò chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chủ tịch nước. Chính phủ, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân và cơ quan chính quyền địa phương trong bộ máy nhà nước​