Một đặc điểm ở nước ta hiện nay đó là phần lớn cán bộ, công chức đều là đảng viên. Vì vậy, nếu cán bộ, công chức vi phạm pháp luật tức là cũng vi phạm Điều lệ Đảng, theo đó ngoài việc chịu trách nhiệm xử lý kỷ luật hành chính còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật về đảng. Như vậy, vi phạm của một cán bộ, công chức là đảng viên có thể bị tố cáo đến Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy Đảng đang quản lý đảng viên hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước đang quản lý cán bộ, công chức đó. Từ thực tế đó đã dẫn đến sự chồng chéo đôi khi rất khó để xác định thẩm quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa cơ quan kiểm tra đảng với chính quyền các cấp.
Do khó xác định thẩm quyền nên đã xẩy ra nhiều trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo có cùng một nội dung gửi đến nhiều cơ quan, sau khi nhận đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan này thì căn cứ vào lĩnh vực thi hành công vụ bị tố cáo để chuyển đến UBND hoặc sở, phòng, ban chuyên môn giải quyết, cơ quan khác lại căn cứ vào chủ thể bị tố cáo là đảng viên để chuyển đến cơ quan cơ quan kiểm tra đảng giải quyết... Không chỉ chuyển đơn lòng vòng mà đôi khi còn dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc bao biện làm thay.
Đơn cử như đầu năm 2009, một số người dân ở xã QH làm đơn gửi đến UBND huyện QT tố cáo lãnh đạo xã vi phạm quy định về thu chi ngân sách, vi phạm trong quản lý đất đai. Sau khi nhận đơn UBND huyện QT đã chuyển đơn cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy QT tiến hành kiểm tra. Không đồng ý với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, trong những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh Q, cử tri liên tục đề nghị Thanh tra tỉnh Q tiến hành thanh tra toàn diện đối với hoạt động thu chi ngân sách và quản lý đất đai tại xã QH. Trước đề nghị của cử tri, Thanh tra tỉnh Q từ chối việc thanh tra vì cho rằng sự việc đã được Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy huyện QT giải quyết. Hoặc như trường hợp bà Tr.T.N khiếu nại UBND huyện TH trong việc bồi thường thu hồi đất. Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND huyện TH, bà N đã gửi đơn khiếu nại đến Huyện ủy TH yêu cầu giải quyết. Lẽ ra sau khi nhận đơn Huyện ủy huyện TH phải chuyển đơn hoặc hướng dẫn bà N gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND tỉnh Q giải quyết theo thẩm quyền, ngược lại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy lại tiến hành thụ lý đơn, tiến hành kiểm tra và kết luận việc giải quyết khiếu nại của UBND huyện TH là đúng pháp luật. Do không được chuyển đơn hoặc hướng dẫn kịp thời nên khi bà N gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND tỉnh Q thì đã hết thời hạn khiếu nại lần hai nên đơn không được thụ lý.
Về tiêu chí để phân định thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo giữa cơ quan kiểm tra đảng với chính quyền các cấp thực ra chẳng có gì khó. Theo quy định của Điều lệ Đảng thì Ủy ban Kiểm tra các cấp có nhiệm vụ: Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Do đó, việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thi hành công vụ trong hoạt động quản lý nhà nước thì phải do chính quyền các cấp giải quyết mới hợp lý.
Một trong những chủ trương nhất quán trong công cuộc đổi mới của Đảng, đó là phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý nhà nước của chính quyền. Đảng không bao biện, không làm thay chính quyền trong mọi hoạt động quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, khi chưa có các quy định rõ ràng thì rất dễ xẩy ra tình trạng hoặc là đùn đẩy trách nhiệm hoặc là bao biện làm thay.
Để công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng thẩm quyền, tránh tình trạng làm thay hoặc đùn đẩy trách nhiệm, thì cùng với việc ban hành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo (thay thế Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành) cần ban hành nghị quyết liên tịch giữa Ban Bí thư Trung ương Đảng với Chính phủ để phân định rõ thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa chính quyền và Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)