Tham dự tọa đàm có TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật), đ/c Lại Thị Tố Quyên (Ủy viên Ban thường vụ Đoàn TNCS Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), đ/c Nguyễn Mỹ Hạnh (cán bộ chuyên trách Văn phòng Đoàn Viện Hàn lâm) và các đ/c đại diện cho các Chi đoàn Viện NC Văn hóa (đ/c Nguyễn Thanh Tùng), Viện NC Tôn giáo (đ/c Phạm Thị Phương Anh), Viện Sử học (đ/c Nguyễn Thu Hạnh) cùng toàn thể đoàn viên, thanh niên của Viện Nhà nước và Pháp luật.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Bí thư Chi đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật, ThS. Phạm Hồng Nhật cho biết, buổi sinh hoạt khoa học được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, sẽ là hoạt động thường niên của Chi đoàn. Đ/c Bí thư hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm cũng như sự tham gia của các Chi đoàn bạn để mở rộng quy mô tổ chức và thu hút được nhiều người tham gia hơn trong những năm tiếp theo.
TS. Nguyễn Linh Giang phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Giang chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp với những tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận bổ ích. Bà hoan nghênh sự nhiệt tình của Chi đoàn trong việc tổ chức tọa đàm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, không chỉ mang ý nghĩa về mặt chuyên môn mà còn mang ý nghĩ về mặt chính trị. Chi bộ và Lãnh đạo Viện luôn ủng hộ, tạo điều kiện và hỗ trợ Chi đoàn Viện tổ chức các hoạt động, phong trào thanh niên, nhất là trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. TS. Linh Giang mong muốn BCH Chi đoàn và các đ/c đoàn viên phát huy tinh thần thanh niên lên kế hoạch cho các hoạt động khoa học, hoạt động phong trào ngay từ đầu năm để Lãnh đạo Viện chủ động hơn trong việc hỗ trợ Chi đoàn tổ chức các hoạt động này. Trong thời gian tới, bà khuyến khích Chi đoàn hợp tác với các Chi đoàn bạn tổ chức các sinh hoạt khoa học nghiên cứu những vấn đề mang tính đa ngành, liên ngành; từ đó, các chi đoàn sẽ có sự kết nối với nhau, quy mô tổ chức rộng hơn,
Tham luận đầu tiên do ThS. Phạm Hồng Nhật trình bày có chủ đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường”. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã xây dựng Tiêu chuẩn ISO 26000:2010, đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế gồm các hướng dẫn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững toàn cầu. Trong đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường bao gồm 04 tiêu chí: (i) Phòng ngừa ô nhiễm; (ii) Sử dụng tài nguyên bền vững; (iii) Giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu; (iv) Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khắc phục môi trường sống tự nhiên.
Tác giả nêu ra các quy định pháp luật quốc tế về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường tại hai hiệp định mà Việt Nam là thành viên, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tư do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA). Cả hai hiệp định đều dành riêng một chương quy định về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Điều 20.3.(3) CPTPP và Điều 13.2.2 EVFTA quy định mỗi bên phải nỗ lực để bảo đảm pháp luật bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích bảo vệ môi trường ở mức độ cao và tiếp tục tăng cường bảo vệ môi trường.
ThS. Phạm Hồng Nhật phát biểu đề dẫn tọa đàm và trình bày tham luận
CPTPP yêu cầu các quốc gia thành viên “cần khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi lãnh thổ hoặc quyền tài phán của mình tự nguyện đưa ra những nguyên tắc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan đến môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận và các hướng dẫn đã được quốc gia thành viên ủng hộ vào các chính sách và thông lệ hoạt động của doanh nghiệp” (Điều 20.13). Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, EVFTA yêu cầu các bên cần tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về định giá các-bon, thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế thông qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, và tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ phát thải thấp và năng lượng tái tạo.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1964/QĐ-TTg ngày 20/10/2010 về kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều thực trạng đáng báo động. Ví dụ như: lượng chất thải rắn phát sinh từ các khu công nghiệp; xử lý môi trường không khí, nước, đất... xung quanh các khu vực sản xuất; chất thải nhựa vượt ngưỡng cho phép; Xử lý chất thải, rác thải tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Bên cạnh các quy định về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường, việc áp dụng có hiệu quả cơ chế mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đa quốc gia hiện đang đẩy trách nhiệm này cho người tiêu dùng để ngăn cản việc trả lại các sản phẩm thải bỏ và các doanh nghiệp sẽ không phải xử lý các sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường này.
Về công khai thông tin môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định người dân có quyền được biết thông tin về dự án và được tham gia quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường cũng như giám sát các vấn đề môi trường, nhưng lại không quy định cụ thể về thời điểm công khai dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không chủ động công khai thông tin môi trường. Bài viết còn phân tích về các vấn đề khác liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, khung pháp lý giải quyết tranh chấp môi trường…
ThS. Nguyễn Thu Dung (bên trái) thảo luận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Trao đổi tại tọa đàm, ThS. Nguyễn Thu Dung nhìn nhận, hiện nay vai trò của doanh nghiệp không chỉ đóng góp dưới góc độ phát triển kinh tế mà còn là chức năng, bổn phận với xã hội. Vậy tác giả nhận định TNXH này chính là trách nhiệm, nghĩa vụ gì khi đặt nó trong mối quan hệ với trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp. ThS. Hồng Nhật cho rằng, với quan điểm của các tổ chức thế giới như Ủy ban Châu Âu (EC) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì TNXH của doanh nghiệp là trách nhiệm tự nguyện của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp chưa có sự tự giác trong thực hiện việc này nên cần đặt ra các trách nhiệm pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện.
Tiếp theo, tọa đàm lắng nghe TS. Nguyễn Tiến Đức trình bày tham luận “Tàu dân quân của Trung Quốc ở Biển Đông: Nhìn từ khía cạnh pháp lý”.
Dân quân biển Trung Quốc có thể được xem như là một trong những công cụ quan trọng trong chiến lược cải bắp (cabbage strategy) của Bắc Kinh. Đây là chiến lược sử dụng dân quân biển, cùng với các tàu cá dân sự, cảnh sát biển và hải quân tạo nên nhiều “lớp” hiện diện khác nhau trên khắp các vùng biển tranh chấp. Dân quân có cấu trúc tổ chức quân sự riêng biệt, được tổ chức và chỉ huy trực tiếp bởi các Bộ chỉ huy quân sự địa phương của Quân đội Giải phòng Nhân dân Trung Quốc. Lực lượng dân quân Trung Quốc nằm dưới tác động của “hệ thống trách nhiệm đôi” vốn là đặc trưng cốt lõi của khái niệm lãnh đạo song hành dân sự - quân sự tại các địa phương. Lãnh đạo dân sự được bố trí vào bộ chỉ huy quân sự địa phương giúp bảo đảm rằng “Đảng kiểm soát nòng súng” và thiết lập những hỗ trợ cần thiết bằng cách điều động hợp lý các nguồn lực từ địa phương. Tác giả cũng dẫn chứng một số vụ việc như: Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào tháng 5/2014; sự kiện tàu USNS Impeccapble năm 2009…
TS. Nguyễn Tiến Đức phân tích khuôn khổ pháp luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp trên biển
Từ những sự kiện trên, TS. Nguyễn Tiến Đức đã phân tích khuôn khổ pháp luật quốc tế để giải quyết tranh chấp dựa trên các nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982, Công ước về phòng ngừa đâm va trên biển COLREGs 1972, Cẩm nang Remo, Hiến chương ASEAN… như: (i) Bình đẳng và tôn trọng chủ quyền; (ii) Tận tâm, thiện chí thực hiện điều ước quốc tế; (iii) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; (iv) Nguyên tắc áp dụng trong xung đột vũ trang biển…
Tham luận cuối của tọa đàm do ThS. Nguyễn Thanh Tùng trình bày, “An sinh xã hội lao động phi chính thức ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), an sinh xã hội (ASXH) là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua hàng loạt các biện pháp công cộng nhằm chống lại tình cảnh khốn khó về kinh tế và xã hội gây ra bởi tình trạng bị ngừng hoặc giảm sút đáng kế về thu nhập do ốm đau, thai sản, thương tật trong lao động, thất nghiệp, khuyết tật, tuổi già, tử vong, sự cung cấp về chăm sóc y tế và cả các khoản tiền trợ giúp cho các gia đình đông con.
Từ khái niệm này, tác giả cho rằng, ASXH lao động phi chính thức là các biện pháp bảo vệ, giúp đỡ của Nhà nước và xã hội nhằm chống lại những túng quẫn về kinh tế, xã hội mà lao động khu vực phi chính thức gặp phải góp phần giúp họ có được việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc. Xu hướng các nền dân chủ hiện nay đều rất coi trọng quyền con người và quyền công dân thì việc đảm bảo quyền ASXH cho người dân nói chung, lao động phi chính thức nói riêng càng trở nên cấp thiết và trách nhiệm của Nhà nước càng được đề cao. Ở Việt Nam, quyền hưởng ASXH được quy định tại Điều 34 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, bảo đảm ASXH cho người dân nói chung, lao động phi chính thức nói riêng thuộc trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm cho họ thực hiện quyền ASXH thông qua việc mở rộng các dịch vụ, loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH). Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH.
ThS. Nguyễn Thanh Tùng trình bày tham luận
ThS. Nguyễn Thanh Tùng đã đưa ra các số liệu phản ánh thực trạng tiếp cận ASXH của lao động phi chính thức ở Việt Nam hiện nay. Nhìn chung, việc tiếp cận ASXH phụ thuộc nhiều vào chính sách ASXH, truyền thông, đặc điểm lao động và thu nhập. Khi thu nhập tăng lên thì người lao động khu vực phi chính thức có xu hướng tham gia BHXH tự nguyện cao hơn. Lao động nông thôn có nhiều khả năng tham gia BHXH tự nguyện hơn so với thành thị, do họ chịu ít áp lực về việc thuê nhà, chi phí sinh hoạt và khả năng tiết kiệm của họ cũng tốt hơn. Lao động nữ trong khu vực phi chính thức có xu hướng tham gia BHXH tự nguyện cao hơn so với nam giới bởi họ có xu hướng tiết kiệm hơn.
Bài viết đã chỉ ra những rào cản trong tiếp cận ASXH của lao động phi chính thức hiện nay. Một trong số đó là rào cản về thu nhập và trình độ đào tạo. Theo số liệu năm 2021, tiền lương bình quân của khu vực lao động phi chính thức là 4,4 triệu đồng, trong khi lao động chính thức là 8,2 triệu đồng. Gần một nửa (47,0%) lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Theo điều tra của Tổ chức Oxfam Việt Nam, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình lao động phi chính thức rất thấp với nguyên nhân chủ yếu là không có tiền để mua. Về trình độ đào tạo, đa số lao động phi chính thức chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật: trung học cơ sở 32,5%; tiểu học 23,2%; phổ thông 17,7%; sơ cấp nghề trở lên 16,4%. Bên cạnh đó, lao động phi chính thức còn gặp phải những rào cản về: hệ thống chính sách, pháp luật về ASXH, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương, nhận thức chủ quan của người lao động…
Từ những rào cản, bất cập nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp, chẳng hạn như: đẩy mạnh quá trình chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm dần chênh lệch phát triển giữa các vùng; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, tác động riêng cho từng đối tượng lao động khu vực phi chính thức để chính thức hóa việc làm, tạo cơ hội việc làm bền vững.
Đ/c Lại Thị Tố Quyên trao đổi về lao động nữ khu vực phi chính thức
Trao đổi về báo cáo của ThS. Nguyễn Thanh Tùng, đ/c Lại Thị Tố Quyên mong muốn tác giả đưa ra ý kiến về đối tượng lao động nữ phi chính thức. Tác giả cho rằng, vấn đề về lao động nữ khu vực phi chính thức chủ yếu được quy định trong Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội. Trong Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ phi chính thức tiếp cận theo dạng BHXH tự nguyện, trong đó có sự ưu tiên về chế độ thai sản cũng như các ưu tiên khác về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, tuy nhiên, các số liệu xã hội học cho thấy những chính sách ưu đãi, khuyến khích này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Tọa đàm cũng đón nhận những ý kiến bình luận, trao đổi về các vấn đề khác liên quan đến 3 tham luận trên.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, đ/c Phạm Hồng Nhật mong muốn, những tham luận và các ý kiến trao đổi tại buổi sinh hoạt khoa học này sẽ là sự gợi mở để các nhà khoa học trẻ tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới và cũng là điểm nhấn để chúng ta quan tâm đến pháp luật, sự bền vững của pháp luật nhiều hơn.
Toàn thể đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm