•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam hiện nay”

07/10/2024
Ngày 25/09/2024, Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ, Báo cáo thường niên “Tình hình thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam hiện nay” tổ chức hội thảo tại trụ sở Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội. Chủ nhiệm đề tài là TS. Bùi Đức Hiển.

TS. Bùi Đức Hiển và PGS.TS. Doãn Hồng Nhung đồng chủ trì hội thảo

 

Tham gia hội thảo có các nhà quản lý, chuyên gia, thành viên đề tài và các nghiên cứu viên của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Chủ trì phiên thứ nhất hội thảo là TS. Bùi Đức Hiển và PGS.TS. Doãn Hồng Nhung (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội). Tham luận mở đầu “Một số vấn đề lý luận thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển” do TS. Bùi Đức Hiển trình bày. Theo tác giả, thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển (MTB) là các hoạt động của các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải, cộng đồng, tổ chức, cá nhân khác, có mục đích nhằm hiện thực hóa các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB, thông qua việc áp dụng, tuân thủ, chấp hành và sử dụng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB.

 

Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu nhận thấy MTB ở Việt Nam hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải nhựa, nguồn thải từ đất liền, hoạt động nuôi trồng thủy sản và từ hoạt động du lịch. Do vậy, để kiểm soát ô nhiễm môi trường được hiệu quả, đề tài hướng đến việc nghiên cứu thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB từ các nguyên nhân gây ra ô nhiễm nêu trên để đánh giá, chỉ ra bất cập, đưa ra dự báo và gợi mở giải pháp. Theo đó, đề tài tập trung vào việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB và chỉ ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB.

 

Tiếp theo, hội thảo lắng nghe tham luận có tiêu đề “Pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB do rác thải nhựa gây ra ở Việt Nam và một số gợi mở” của ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga (Viện Nhà nước và Pháp luật). Pháp luật quốc gia điều chỉnh hoạt động kiểm soát ô nhiễm MTB do rác thải nhựa gây ra có trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015, Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Đa dạng sinh học 2008, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Các quy định này liên quan đến 4 nội dung chính là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm MTB do rác thải nhựa gây ra. Về thực tiễn thực hiện pháp luật, tác giả nhìn nhận, trong công tác kiểm tra, có không ít trường hợp còn mang tính hình thức, thậm chí có trường hợp lợi dụng thẩm quyền, quan liêu, hách dịch gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà minh chứng rõ nhất là sự cố môi trường Formosa Vũng Áng được phát hiện bởi ngư dân chứ không phải từ cơ quan chức năng. Hơn nữa, đến lúc này vẫn chưa có quy định cụ thể về cách thức, thủ tục xử phạt hành chính khiến cho các vụ việc gây ra ô nhiệm không được khắc phục kịp thời và có thể gây hậu quả nặng nề hơn. Tội phạm gây ô nhiễm MTB ngày càng gia tăng về số lượng và diễn ra công khai, tuy nhiên, cho đến nay chưa có một pháp nhân thương mại nào bị xử lý hình sự về hành vi này dù đã có quy định pháp luật cụ thể trong Điều 235 và 237 Bộ luật Hình sự 2015.

 

ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga trình bày tham luận

 

Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước khẳng định đất nước cần phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII ghi nhận sự quan tâm đến vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa đại dương. Chính phủ đang đẩy mạnh việc quản lý chất thải nhựa và nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng rác thải. Từ thực tiễn thực hiện pháp luật và hiện thực hóa những chủ trương, đường lối nêu trên, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga đưa ra một số gợi mở cho nước ta, đó là:

  • Tham gia liên minh các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm rác thải nhựa đại dương;
  • Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra theo chu trình kiểm soát;
  • Hoàn thiện thể chế để ứng dụng công nghệ thuộc thế hệ cách mạng công nghiệp 4.0 vào kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do chất thải nhựa gây ra;
  • Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng.

Trong phiên này còn có báo cáo của TS. Phạm Văn Hiếu (Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường), “Pháp luật và thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB từ hoạt động du lịch ở Việt Nam và một số gợi mở”. Bài viết nhận định, hoạt động du lịch tác động đến MTB ở 3 vấn đề chính là: cảnh quan, ô nhiễm môi trường nước biển và ô nhiễm chất thải. Trong đó, khối lượng về chất thải nhựa phát sinh trong hoạt động du lịch năm 2021 là rất lớn với 8.021 tấn/ngày tương đương với 2,93 triệu tấn/năm (số liệu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam). Đảng và Nhà nước đã thông qua các văn bản có đề cập đến việc kiểm soát ô nhiễm MTB từ hoạt động du lịch như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc kiểm soát ô nhiễm MTB trong hoạt động du lịch cũng được quy định trong 02 đạo luật là Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 66 về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Điều 73 về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương) và Luật Du lịch 2017 (Điều 8 về bảo vệ môi trường du lịch; Điều 75 về trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch của Ủy ban nhân dân các cấp…) cùng nhiều nghị định và thông tư khác.

 

TS. Phạm Văn Hiếu (Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

 

Trên thực tế, tình hình thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực như: (i) Chính phủ và ngành du lịch đang liên kết chặt chẽ với ngành môi trường nhằm phát triển du lịch xanh, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; (ii) Các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, từ việc tăng cường tuyên truyền, lắp đặt hệ thống biển báo và thùng rác đến xử phạt vi phạm; (iii) Liên kết, phối hợp giữa du lịch với ngành tài nguyên và môi trường trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng cho phát triển du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, giảm lệ thuộc đối với tài nguyên tự nhiên, năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính; (iv) Nhiều hoạt động hợp tác, liên kết giữa ngành du lịch và môi trường đã được triển khai trong thời kỳ thực hiện quy hoạch, đặc biệt là các dự án phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển; giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần...

 

Tuy nhiên, việc kiểm soát ô nhiễm MTB trong hoạt động du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường du lịch biển, các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường khá đầy đủ nhưng chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, mâu thuẫn. Có sự chồng chéo, chưa rõ thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên, môi trường du lịch biển, đặc biệt là việc phân định phạm vi thẩm quyền quản lý khu vực ven biển liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan quản lý. Từ những hạn chế, bất cập trên, tác giả đề xuất một số giải pháp bảo vệ MTB trong hoạt động du lịch liên quan đến cơ chế, chính sách, quy hoạch, tổ chức, quản lý môi trường các khu du lịch. Chẳng hạn, trong quy hoạch, tổ chức không gian phát triển các khu du lịch, cần xác định phân vùng du lịch và những tác động đến môi trường để có hướng đánh giá tác động môi trường khác nhau; tính toán cụ thể và đề xuất các giải pháp về không gian, kiến trúc cảnh quan để hạn chế những tác động đến môi trường.

 

Bình luận tại hội thảo, TS. Dư Văn Toán (Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra ý kiến về một số dạng của ô nhiễm MTB mà đề tài cần đề cập đến là ô nhiễm không khí trên MTB, ô nhiễm MTB từ các phương tiện hàng hải, ô nhiễm từ việc sử dụng nhiên liệu và ô nhiễm sinh học. Trong đó, ô nhiễm sinh học xảy ra khi các tàu thuyền di chuyển mang theo sinh vật ngoại lai đến các vùng biển khác sẽ tác động đến hệ sinh thái và gây hại cho sinh vật bản địa.

 

TS. Nguyễn Sỹ Linh trao đổi về các phương thức trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia

 

Tiếp theo, hội thảo thu nhận ý kiến của TS. Nguyễn Sỹ Linh (Viện Chiến lược tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường). Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đề ra 3 phương thức, đầu tiên là phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, thứ hai là khắc phục, xử lý ô nhiễm và thứ ba là bảo tồn đa dạng sinh học. Nếu tiếp cận theo hướng này, ở giai đoạn phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, đề tài cần chỉ ra Việt Nam đã có những quy định gì và lựa chọn một số nội dung quan trọng được ghi nhận trong luật, nghị định để phân tích, đánh giá trong thực tiễn thực hiện. Cùng với đó, cần so sánh với pháp luật quốc tế, chẳng hạn như một số nước lân cận như Thái Lan, Philippines, để xem xét Việt Nam còn thiếu những quy định gì liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm.

 

Sau đó hội thảo diễn ra phiên thứ hai do TS. Bùi Đức Hiển và NCS.ThS. Nguyễn Thi (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì. Tham luận đầu tiên phiên hai là của TS. Phạm Hồng Hạnh (Trường Đại học Luật Hà Nội) có chủ đề “Pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB đối với chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ở Việt Nam và một số gợi mở”. Là một nội dung quản lý đa ngành, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trường thuỷ sản được điều chỉnh chủ yếu bởi các quy định của cả hai ngành luật thuỷ sản và môi trường. Cùng với Luật Thuỷ sản 2017 và Luật Bảo vệ môi trường 2020, hệ thống các văn bản dưới luật, hướng dẫn thi hành hai luật này đã tạo thành cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản với ba nội dung chính: (i) Điều kiện vật chất về môi trường đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản; (ii) Nghĩa vụ thực hiện các thủ tục môi trường; (iii) Nghĩa vụ quản lý chất thải từ hoạt động nuôi trông thủy sản.

 

TS. Phạm Hồng Hạnh đề xuất một số giải pháp tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường

trong hoạt động nuôi trồng thủy sản

 

Trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản, người nuôi sử dụng các loại chất thải kích thích sinh trưởng, kháng sinh và các chất chống bám cặn. Các loại hoá chất này có thể gây độc hại đối với các loài sinh vật khác và hệ sinh thái. Tác giả dẫn chứng các số liệu từ báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Pháp triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến: các loại chất thải phát sinh từ nuôi trồng thủy sản, chất lượng nước khu vực nuôi trồng thủy sản, số lượng và khối lượng rác thải nhựa trên các bãi biển, tỷ lệ số lượng rác thải nhựạ theo nguồn thải… Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022, ước tính lượng chất thải rắn từ nuôi tôm là 123 tấn/vụ/ha, nước thải hơn 5.000m3; sản xuất 1 tấn cá tra tươi tạo ra 33,3 tấn bùn thải. Ở một số địa phương, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản luôn là vấn đề đáng lo ngại. Ví dụ, tại Cà Mau, do quá trình phát triển sử dụng đất đai để nuôi tôm lâu, môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái trong vùng nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường, năng suất sinh học ngày càng giảm. Diện tích rừng ngập mặn ven biển suy giảm do chuyển đổi sang nuôi tôm từ những năm đầu và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn.

 

Từ những phân tích về số liệu có được, TS. Phạm Hồng Hạnh đề xuất một số giải pháp tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Một trong số đó là giải pháp tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm MTB và nâng cao hiệu quả trong xử lý chất thải từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản. Cụ thể là, các địa phương cần có biện pháp quản lý các nguồn xả thải như rác sinh hoạt, chất thải từ vùng nuôi, các ao hồ nuôi thủy sản ven vịnh; xử lý nghiêm các hành vi đổ chất thải trên bờ đầm, vịnh có hoạt động nuôi biển, tránh tình trạng khi nước thủy triều rút sẽ kéo theo rác xuống vùng nước nuôi.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động thuỷ sản nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nói riêng, đảm bảo nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển, đổi mới và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, các địa phương cần  xây dựng các mô hình phù hợp trong quản lý chất thải tại các khu vực nuôi thuỷ sản tập trung cũng như hộ gia đình, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản quy mô nhỏ. Có thể kể đến như mô hình thu gom, xử lý chất thải từ nuôi trồng thuỷ sản mà tỉnh Phú Yên đã thí điểm tại phường Xuân Yên từ tháng 11/2019 đến cuối năm 2020 theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng tham gia.

 

Tham luận cuối của phiên thứ hai do NCS.ThS. Nguyễn Thi trình bày, “Pháp luật và thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm MTB từ nước thải hoạt động công nghiệp ở Việt Nam và một số gợi mở”. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015, các quy định nhằm phòng ngừa ô nhiễm MTB từ nước thải hoạt động công nghiệp bao gồm: các hành vi bị nghiêm cấm; bảo vệ môi trường nước mặt; bảo vệ môi trường nước biển; công cụ ĐTM; kiểm soát nước thải; kiểm soát hát thải khí carbonic…

 

Bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm MTB và hải đảo được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Thông tư số 27/2016/TT-BTNMT ngày 29/09/2016 bao gồm 08 chỉ tiêu được đưa ra để đánh giá. Số liệu năm 2023 cho thấy 100% các tỉnh, thành phố thực hiện tốt các hoạt động kiểm soát ô nhiễm MTB và hải đảo. Tuy nhiên, trên thực tế thì một số chỉ tiêu như phân vùng môi trường, thống kê nguồn thải không thể triển khai nhưng vẫn được các địa phương xác nhận đã thực hiện. Nhìn nhận về bất cập, hạn chế, thiếu sót trong thực hiện pháp luật, ThS. Nguyễn Thi chỉ ra mấy vấn đề lớn như: chưa có quy định về phát hiện sớm và ngăn ngừa sớm trên biển; nhận thức của doanh nghiệp còn thấp, chưa chủ động tuân thủ, thiếu hiểu biết về tác hại môi trường; công nghệ xử lý nước thải lạc hậu; chưa có sự tham gia đầy đủ của cộng đồng…

 

PGS.TS. Bùi Thị An phát biểu

 

Đóng góp ý kiến về đề tài, PGS.TS. Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, đề tài nên rà soát lại toàn bộ các quy định pháp luật trong nước xem chỗ nào có sự chồng chéo thì kiến nghị loại ra, chỗ nào thiếu thì bổ sung vào. Các thành viên đề tài cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu xem các quốc gia xung quanh quản lý biển như thế nào để từ đó xem xét và học hỏi. Bà đề xuất, trong phần kiến nghị của báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài cần nêu ra những quy định cụ thể, chi tiết để làm thế nào có thể hiện thực hóa việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm MTB, chẳng hạn như việc đo mức độ ô nhiễm khi khai thác dưới đáy biển.

 

Bàn về nguồn thải, theo TS. Bùi Hồng Cường (Viện trưởng Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường), việc kiểm soát ô nhiễm ngay từ nguồn thải chảy ra lưu vực biển, dải biển đóng vai trò rất quan trọng. Về mặt nguyên tắc, theo quy định thì ở các khu công nghiệp phải lắp thiết bị camera để theo dõi, giám sát và gửi số liệu hằng ngày về phòng chuyên mông của Sở Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên, trên thực tế quy định không được thực hiện. Vì thế, khi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường thì không có minh chứng về dữ liệu để xử phạt. Nguồn nước thải thường là những hóa chất rất độc hại chảy ra sông và gần như ngay lập tức chảy ra biển nếu các khu công nghiệp này ở các tỉnh, thành phố giáp biển như Hải Phòng, Quảng Ninh.

 

Hội thảo cũng đón nhận những ý kiến của TS. Nguyễn Tiến Lập, TS. Nguyễn Văn Liêm, TS. Phạm Thị Hương Lan, :uật sư Trương Quốc Hòe và nhiều đại biểu khác.

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Bùi Đức Hiển cám ơn các diễn giả đã trình bày các tham luận cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đã nhiệt tình phát biểu trao đổi, thảo luận và khẳng định Ban chủ nhiệm sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp để chắt lọc và bổ sung vào kết quả nghiên cứu của đề tài.