•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học đề tài cơ sở tổ chức ngày 13/09/2024

24/09/2024
Vào ngày 13/09/2024, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức hoạt động khoa học của 02 đề tài cấp cơ sở năm 2024 tại Hội trường tầng 2, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng Hà Nội.

Đây là hai đề tài thuộc lĩnh vực pháp luật hình sự. Chủ trì tọa đàm là PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Phòng Pháp luật Tư pháp. Đề tài đầu tiên báo cáo kết quả nghiên cứu là của ThS. Nguyễn Ngọc Mai có tiêu đề “Các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng theo pháp luật hình sự Việt Nam”.

 

ThS. Nguyễn Ngọc Mai báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Trong Chương 1, tác giả trình bày những vấn đề lý luận về các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) bao gồm: (i) Khái niệm, đặc điểm về quyền của NTD; (ii) Các tội xâm phạm quyền lợi NTD. Theo Khoàn 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023, NTD là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại. Quyền của NTD chính là những quyền năng cơ bản cùng với những lợi ích vật chất của NTD khi họ tham gia vào quan hệ mua bán có thể kéo dài trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm. Trong đó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định NTD có 11 quyền, chẳng hạn như: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; được cung cấp hóa đơn, chứng từ; lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu; yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững…

 

Từ những nghiên cứu về quyền của NTD, ThS. Nguyễn Ngọc Mai đã làm rõ khái niệm tội phạm xâm phạm quyền lợi NTD. Theo đó, tội phạm xâm phạm quyền lợi NTD là những hành vi sản xuất, buôn bán, phân phối hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, thương nhân với động cơ vụ lợi, mục đích lợi nhuận xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, lợi ích kinh tế của NTD được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ngoài các dấu hiệu pháp lý chung được quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 thì đề tài cũng chỉ ra các dấu hiệu pháp lý đặc trưng riêng của nhóm tội xâm phạm quyền lợi NTD. Quyền quan trọng nhất là khách thể bảo vệ của luật hình sự đối với tội này là quyền an toàn về tính mạng, sức khỏe, quyền lợi về kinh tế khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Quyền này gần giống với khách thể của tội xâm phạm sở hữu và tội xâm phạm sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, tội này phát sinh trong quan hệ tiêu dùng, một quan hệ đặc thù và khác biệt về đối tượng tác động, mục đích, động cơ thực hiện tội phạm. Tác giả lấy ví dụ minh họa như nhà máy chế biến sữa cho những chất độc vào sản phẩm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe NTD nhưng không được xếp vào nhóm tội này mà được xác định là tội xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế nhà nước, trật tự công cộng và lợi ích của NTD do mục đích và động cơ của tội không phải là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe NTD. Tác giả cũng phân tích các dấu hiệu khác của tội này như: Chủ thể (cá nhân, pháp nhân), mặt khách quan, mặt chủ quan, động cơ, mục đích, hậu quả, trách nhiệm hình sự.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Nội dung trong Chương 2 của đề tài là làm rõ các quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 và thực tiễn áp dụng liên quan đến các tội xâm phạm quyền lợi NTD. Bộ luật Hình sự 2015 không có một chương riêng quy định về nhóm tội này mà nằm rải rác ở nhiều chương, trong đó tập trung chủ yếu ở chương về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Chẳng hạn, tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Khách thể của tội phạm là hàng hóa xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến lợi ích NTD; đối tượng tác động là hình thức, nội dung tin tức hàng hóa, dịch vụ mà người phạm tội đã quảng cáo; mặt khách quan là hành vi quảng cáo gian dối, đưa tin không đúng về chất lượng, hình thức, chức năng, công dụng, các tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn cho khách hàng, trái với quy định pháp luật về quảng cáo; mặt chủ quan là lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình trái với quy định pháp luật gây ra hậu quả nguy hiểm cho NTD và xã hội, nhận thức được hậu quả nhưng vẫn mong muốn để hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc; động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc; điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự là khi người phạm tội thực hiện hành vi quảng cáo gian dối đã từng bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án hoặc xóa án tích mà còn vi phạm.

 

Ngoài tội nêu trên, tác giả đã phân tích dấu hiệu pháp lý của các tội về sản xuất, buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng, vi phạm quy định về cấp phát thuốc, thiết bị, dịch vụ y tế, vi phạm quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và các tội khác nữa. ThS. Nguyễn Ngọc Mai nhìn nhận, các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD đã được quy định khá đầy đủ trong Bộ luật Hình sự với tư cách là tội phạm cụ thể, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xử lý các tội xâm phạm quyền lợi NTD. Trên thực tế, theo khảo sát với số liệu cụ thể trong 05 năm từ 2017 - 2022, phần lớn số vụ được xử lý liên quan đến hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi một số tội khác chưa từng được xử lý như tội vi phạm quy định về cung ứng điện… Dù đã có hành lang pháp lý để xử lý tội xâm phạm quyền lợi NTD nhưng Chủ nhiệm đề tài cho rằng, vẫn có những vụ án mà việc định tội danh chưa đúng, quyết định hình phạt chưa phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, làm giảm ý nghĩa của phòng ngừa tội phạm.

 

Từ những diễn giải, phân tích trên, đề tài đề xuất một số giải pháp:

  • Cần có quy định theo hướng tách bạch khách thể của tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đối với khách thể của tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;
  • Tội phạm hóa đối với một số hành vi xâm phạm quyền lợi NTD trong Bộ luật Hình sự trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa như ép buộc, quấy rối NTD, trốn tránh nghĩa vụ bảo hành;
  • Thiết kế quy định về một số loại tội phạm mới: tội làm hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng, độc hại gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng NTD (thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón…).

PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa chủ trì tọa đàm

 

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa góp ý, trong thời đại nền kinh tế số hiện nay thì xã hội đã và đang phát sinh những hành vi mà Nhà nước cần tội phạm hóa. Đề tài nên đề cập đến, nhất là khi NTD ngày càng tham gia vào rất nhiều giao dịch dân sự, thương mại. Về phần lý luận, ThS. Bùi Thị Hường cho rằng, chủ đề của đề tài có sự liên quan lớn đến quyền con người, vậy đề tài có sự lập luận thế nào về lý do vì sao lựa chọn nhóm tội xâm phạm đến quyền lợi NTD để thực hiện nghiên cứu.

 

Đề tài thứ hai thực hiện báo cáo là “Chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người bị buộc tội ở Việt Nam” của ThS. Lê Thị Hồng Xuân. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là làm sáng tỏ cơ sở lý luận chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người bị buộc tội ở Việt Nam, những bất cập hạn chế còn tồn tại trong quy định pháp luật và nguyên nhân của những hạn chế đó. Từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật tố tụng hình sự đối với người bị buộc tội ở Việt Nam. Kết cấu của đề tài gồm 03 chương:

  • Những vấn đề lý luận về chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người bị buộc tội;
  • Thực trạng chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người bị buộc tội ở Việt Nam;
  • Giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người bị buộc tội ở Việt Nam.

ThS. Lê Thị Hồng Xuân (giữa)

 

Đề tài sử dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành về luật học cũng như tiếp cận đa ngành và liên ngành trong khoa học xã hội. ThS. Lê Thị Hồng Xuân đã phân tích về khái niệm, đặc điểm, bản chất của chính sách tố tụng hình sự; nguyên tắc xử lý và tiến hành tố tụng hình sự; các yếu tố tác động đến chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người bị buộc tội.

 

Đề tài đã thu nhận các ý kiến góp ý, trao đổi thiết thực của TS. Phạm Thị Thúy Nga, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và các nhà nghiên cứu khác giúp Chủ nhiệm đề tài có chất liệu để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người bị buộc tội ở Việt Nam.

Các tin cùng chuyên mục: