•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm đề tài cơ sở tổ chức ngày 26 và 27/09/2024

14/10/2024
Trong 02 ngày, 26 và 27/09/2024, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức sinh hoạt khoa học về 04 đề tài cấp cơ sở thực hiện năm 2024.

Hai đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trong ngày 26/09 là “Bãi miễn đại biểu dân cử ở Việt Nam hiện nay” của ThS. Mai Thị Minh Ngọc và “Vai trò và hiệu lực của tập quán quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia theo pháp luật quốc tế” của ThS. Phạm Hồng Nhật.

 

Bãi miễn đại biểu dân cử là một trong những hình thức thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân cùng với quyền bầu cử. Bầu cử là hoạt động để nhân dân chọn ra người đại diện của mình vào các cơ quan nhà nước thì ngược lại quyền bãi miễn là quyền để nhân dân loại đi những người không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhận dân. Về mặt khái niệm, ThS. Mai Thị Minh Ngọc cho rằng, bãi miễn đại biểu dân cử là việc hủy bỏ tư cách đại biểu đối với đại biểu dân cử trước khi hết nhiệm kỳ theo biểu quyết của đa số cử tri nơi bầu ra đại biểu hoặc cơ quan dân cử khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

 

ThS. Mai Thị Minh Ngọc trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Mục đích đầu tiên và cơ bản nhất của việc thiết lập chế định bãi miễn đại biểu chính là kiểm soát quyền lực nhà nước, mà ở đây là trực tiếp kiểm soát các đại biểu dân cử, đồng thời, thông qua đó kiểm soát quyền lực của cơ quan quyền lực cao nhất (Quốc hội) và cơ quan quyền lực ở địa phương (Hội đồng nhân dân). Quyền bãi miễn được hình thành xuất phát từ nguyên tắc Hiến định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các đại biểu dân cử bằng việc ủy quyền, trao quyền. Bên cạnh mục đích kiểm soát quyền lực nhà nước, chế định bãi miễn còn có một mục đích quan trọng khác là bảo đảm dân chủ. Khi người đại biểu không còn đại diện cho ý chí của nhân dân mà chỉ đại diện cho ý chí của bản thân họ trong quá trình quản lý xã hội thì nhân dân có quyền bãi nhiệm người đại biểu đó và thay thế bằng một người khác.

 

Hiến pháp năm 2013 đã có những bước tiến về dân chủ so với các bản hiến pháp trước đây.  Điều 7 quy định “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”. Tiếp theo, Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành” (Khoản 1, Điều 85). Cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được ban hành. Trên cơ sở quy định của pháp luật, thời gian qua đã có một số đại biểu dân cử bị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm (bãi miễn), còn cử tri trực tiếp bãi nhiệm (bãi miễn) đại biểu dân cử thì chưa có trường hợp nào do chưa có văn bản hướng dẫn. Đề tài dẫn chứng và phân tích một số đại biểu đã bị bãi nhiệm như ông Nguyễn Thành Long (đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, cự Bộ trưởng Bộ Y tế), Hoàng Thị Thúy Lan (đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)…

 

Tuy nhiên, thực trạng bãi miễn đại biểu dân cử vẫn còn những hạn chế. Tất cả các trường hợp bãi miễn (bãi nhiệm) đại biểu đều không phải do cử tri nơi bầu ra đề nghị bãi miễn. Cơ sở cho việc đề nghị bãi miễn (bãi nhiệm) đều do bản thân các đại biểu có hành vi vi phạm pháp luật chứ chưa có trường hợp nào bị đề nghị bãi miễn (bãi nhiệm) bởi quá trình công tác không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. Từ thực trạng nêu trên, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện bãi miễn đại biểu dân cử ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, cần xác định hợp lý chủ thể có thẩm quyền bãi nhiệm trong những trường hợp cụ thể. Bởi lẽ, quy định pháp luật hiện nay chưa có sự phân định về thẩm quyền bãi nhiệm giữa Quốc hội, HĐND với cử tri, một điều có thể dẫn đến nguy cơ lạm quyền, hạn chế việc thực hiện quyền hiến định của cử tri trên thực tế. Vì vậy, cần thiết phải xác định các trường hợp nào sẽ do cơ quan dân cử thực hiện bãi nhiệm, trường hợp nào do cử tri thực hiện bãi nhiệm.

 

TS. Nguyễn Linh Giang trao đổi về đề tài của ThS. Mai Thị Minh Ngọc

 

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Giang chia sẻ với tác giả về giải pháp tham khảo chế định bãi miễn ở một số quốc gia và góp ý đề tài cần luận giải kỹ hơn về chế định này để xem xét khả năng áp dụng tại Việt Nam. Đề tài cũng thu nhận những ý kiến xoay quanh thuật ngữ “bãi miễn” và “bãi nhiệm” cũng như một số vấn đề khác.

 

Tiếp theo, ThS. Phạm Hồng Nhật trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài do mình làm chủ nhiệm. Tập quán quốc tế có thể được hiểu là hình thức pháp lý chứa đựng những quy tắc xử sự chung, hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được các chủ thể luật quốc tế thừa nhận như là luật. Về đặc điểm, tập quán quốc tế có nguồn gốc lâu đời, tồn tại trước khi hệ thống pháp luật thành văn hình thành và phát triển và chỉ bao gồm các nguyên tắc chung mà không bao gồm các quy tắc xử sự cụ thể. Về thực trạng áp dụng, tác giả đã dẫn chứng, phân tích một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn như vụ tranh chấp giữa Argentina và Uruguay liên quan đến việc Uruguay cấp phép xây dựng các nhà máy bột giấy ở bờ trái sông Uruguay.

 

Mặc dù số lượng các điều ước quốc tế đã tăng đáng kể về số lượng, nhưng đề tài nhận định, đến nay tập quán quốc tế vẫn là nguồn luật quan trọng của pháp luật quốc tế và là nền tảng để các nguyên tắc pháp luật quốc tế được xây dựng. Tập quán quốc tế được áp dụng để giải quyết tranh chấp quốc tế khi không có các điều ước quốc tế ràng buộc các bên trong tranh chấp hoặc khi điều ước quốc tế quy định không rõ ràng.

 

Theo TS. Nguyễn Tiến Đức, đề tài cần chỉ ra ngoại lệ và hạn chế của tập quán quốc tế, khả năng áp dụng tập quán quốc tế nếu các quốc gia liên tục phản đối. Nhận xét về thực trạng áp dụng, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, đề tài nên chia các vụ việc tranh chấp theo các mảng như an ninh chính trị, kinh tế thương mại… để từ đó chỉ ra với mỗi lĩnh vực thì các tập quán quốc tế nào thường được áp dụng. Đề tài cũng cần đưa những đánh giá việc áp dụng tập quán quốc tế đã là giải pháp ưu việt chưa khi trên thực tế ở một số vụ tranh chấp, việc áp dụng vừa không hiệu quả mà còn nảy sinh những vấn đề phức tạp hơn.

 

TS. Nguyễn Tiến Đức

 

Sau đó, vào ngày 27/09, TS. Nguyễn Tiến Đức báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài “Tàu dân quân của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông: Nhìn từ khía cạnh pháp lý”. Cấu trúc của đề tài gồm 3 chương:

  • Tranh chấp quốc tế tại khu vực Biển Đông và khuôn khổ pháp luật quốc tế liên quan;
  • Tàu dân quân của Trung Quốc tại Biển Đông dưới góc độ pháp luật quốc tế;
  • Khuyến nghị cho Việt Nam nhằm đối phó với tàu dân quân của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tàu dân quân Trung Quốc, còn được gọi là "dân binh biển", không chỉ đơn thuần là các tàu đánh cá thông thường mà còn là một công cụ chiến lược quan trọng trong chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tàu được trang bị hiện đại và hoạt động có tổ chức, tạo thành một lực lượng đáng gờm, thường xuyên thực hiện các hành vi gây hấn và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia ven biển.

 

Đề tài đã phân tích tính pháp lý của các hoạt động thực hiện bởi tàu dân quân Trung Quốc tại Biển Đông theo pháp quốc tế. Về luật biển và an toàn hàng hải, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) đưa ra một loạt các nghĩa vụ đối với các quốc gia về việc tôn trọng quyền, tự do và các sử dụng hợp pháp của các quốc gia khác trên biển. Điều này bao gồm các vùng biển như vùng đặc quyền kinh tế và biển cả, nơi tất cả các quốc gia có quyền tự do hàng hải, quyền đánh bắt cá và thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều 58 UNCLOS 1982 quy định tất cả các quốc gia phải có "sự tôn trọng thỏa đáng" (due regard) đối với quyền và tự do của các quốc gia khác khi hoạt động trên các vùng biển này. Trung Quốc, khi sử dụng lực lượng dân quân biển, thường xuyên đối mặt với các cáo buộc vi phạm nguyên tắc "due regard" này. Việc sử dụng tàu dân quân để ngăn chặn các tàu của các quốc gia khác, như tàu quân sự Hoa Kỳ, thực hiện các hoạt động hàng hải hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và các vùng biển quốc tế, có thể bị coi là vi phạm các quyền tự do hàng hải theo UNCLOS 1982. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng dân quân biển để cản trở các hoạt động quân sự và thương mại của các quốc gia khác, đặc biệt là tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông​.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm ngày 27/09/2024

 

Cấm sử dụng vũ lực là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, được quy định tại Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, các quốc gia không được sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, trừ khi được phép theo hai ngoại lệ chính: (1) Quyền tự vệ riêng lẻ hoặc tập thể theo Điều 51 của Hiến chương, và (2) Sử dụng vũ lực theo ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hành động cản trở quyền tự do hàng hải hoặc sử dụng tàu dân quân để đối phó với các tàu của quốc gia khác có thể được coi là một hình thức vũ lực, tùy thuộc vào mức độ và cách thức thực hiện​. Ví dụ, trong sự kiện USNS Impeccable năm 2009, các tàu dân quân biển của Trung Quốc đã có những hành động gây cản trở và đe dọa tàu Impeccable của Hoa Kỳ. Mặc dù không sử dụng vũ khí, nhưng hành vi này có thể được coi là sử dụng vũ lực theo nghĩa rộng trong luật quốc tế. Các hành động này làm tăng nguy cơ va chạm và gây thiệt hại, thậm chí có thể dẫn đến xung đột quân sự.

 

Để đối phó với các hoạt động của tàu dân quân Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam cần áp dụng một loạt biện pháp toàn diện. Trước hết, việc tăng cường năng lực bảo vệ hàng hải là cần thiết, bao gồm hiện đại hóa hải quân, cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư nhằm đảm bảo khả năng giám sát và phản ứng kịp thời. Đồng thời, Việt Nam cần củng cố quan hệ hợp tác quốc tế, thắt chặt quan hệ với các đối tác chiến lược, cũng như tăng cường vai trò tại các diễn đàn quốc tế để gây sức ép ngoại giao, thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam nên tận dụng các cơ chế pháp lý quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Song song với đó, việc đẩy mạnh truyền thông và ngoại giao công chúng sẽ giúp nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình ở Biển Đông. Sử dụng công nghệ giám sát tiên tiến và chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác là một phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, Việt Nam cần duy trì đối thoại với Trung Quốc để giảm căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình, đồng thời kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia trong mọi tình huống.

 

TS. Bùi Đức Hiển (thứ ba từ trái sang) đặt câu hỏi cho TS. Nguyễn Tiến Đức

 

Trao đổi về đề tài này, TS. Bùi Đức Hiển muốn Chủ nhiệm đề tài làm rõ sự khác biệt, điểm đặc trưng riêng của tàu dân quân biển với các lực lượng khác của Trung Quốc tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền trên biển như kiểm ngư, hải giám, hải quân, biên phòng... Trả lời câu hỏi này, TS. Tiến Đức cho biết, đặc trưng riêng biệt của lực lượng tàu dân quân biển Trung Quốc so với các lực lượng khác là địa vị pháp lý không rõ ràng. Chính vì sự không rõ ràng này mà lực lượng này được Trung Quốc ưu tiên sử dụng trong chiến thuật vùng xám. Các tàu dân quân biển này được ngụy trang thành các tàu cá, tức là những chủ thể tư chứ không phải là các chủ thể công đại diện cho nhà nước, cho quốc gia như tàu hải ngư, cảnh sát biển. Việc này đã khiến các quốc gia khác khó quy kết trách nhiệm cho Trung Quốc dưới góc độ pháp luật quốc tế.

 

Đề tài thứ hai báo cáo kết quả nghiên cứu là của TS. Võ Khánh Minh, “Đổi mới hoạt động bảo vệ quyền cong người của Tòa án trong lĩnh vực tư pháp hình sự ở Việt Nam hiện nay’’. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về hoạt động bảo vệ quyền con người của Tòa án trong lĩnh vực tư pháp hình sự, đề tài đưa ra những đánh giá thực trạng hoạt động bảo vệ quyền con người của Tòa án trong lĩnh vực tư pháp hình sự và đề xuất quan điểm, giải pháp đổi mới hoạt động của Tòa án nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự trong giai đoạn mới. Sau phần trình bày báo cáo, TS. Võ Khánh Minh đã nhận được những nhận xét, góp ý liên quan đến quyền được giám định, tòa án điện tử...

Các tin cùng chuyên mục: