•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học đề tài cơ sở tổ chức ngày 19/09/2024 và 25/09/2024

04/10/2024
Trong các ngày 19/09 và 25/09/2024, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức các tọa đàm báo cáo kết quả nghiên cứu của 04 đề tài cấp cơ sở năm 2024.

Buổi sinh hoạt khoa học đề tài cơ sở ngày 19/09/2024

 

Đề tài đầu tiên báo cáo kết quả nghiên cứu có chủ đề “Kiểm soát quyền lực hành pháp bởi Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc và tham khảo cho Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thị Hưng.

 

Năm 2018, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua sửa đổi Hiến pháp năm 1982 và ban hành Luật Giám sát. Hiến pháp và Luật Giám sát đã thiết lập một hệ thống ủy ban giám sát nhà nước được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Theo đó, hệ thống cơ quan giám sát nhà nước đã được tập hợp thống nhất từ các cơ quan kiểm tra, giám sát khá phân tán ở nhiều tổ chức khác nhau trước đó để hình thành nên cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng tầm quốc gia.

 

Thẩm quyền của hệ thống Ủy ban Giám sát không chỉ dừng lại ở việc giám sát thông thường mà còn được trao quyền điều tra và thậm chí là xử lý đối với các hành vi vi phạm kỷ luật Đảng cũng như các quy định của pháp luật. Về quyền xử lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm, thẩm quyền này của Ủy ban được thể hiện qua một số quy định trong Luật Giám sát đó là: quyền ban hành các quyết định xử lý kỷ luật theo quy định đối với công chức vi phạm pháp luật; truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo vô trách nhiệm, thực hiện trách nhiệm không nghiêm túc. Cùng với đó, đối với hành vi cấu thành tội phạm về chức vụ, Uỷ ban Giám sát Nhà nước sau khi thực hiện điều tra, sẽ chuyển kết quả điều tra cho Viện kiểm sát để thực hiện thẩm tra theo quy định pháp luật, khởi động quá trình tố tụng, đưa các kiến nghị giám sát đến đơn vị nơi đối tượng giám sát công tác. Cơ quan giám sát có thể kiến nghị hình phạt khoan hồng đến Viện kiểm sát nếu đối tượng tự nguyện đầu thú và thực sự thừa nhận, ăn năn về tội ác; tích cực hợp tác và thú nhận một cách trung thực các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động trả lại chiến lợi phẩm và giảm thiểu thiệt hại; có công lớn hoặc vụ việc liên quan đến lợi ích lớn của Nhà nước.

 

Điều 127 Hiến pháp Trung Quốc quy định cơ quan giám sát và cơ quan hành pháp độc lập với nhau nhưng cũng quy định “Cơ quan giám sát khi xử lý các vụ việc vi phạm nghĩa vụ, tội phạm phải phối hợp với cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát và cơ quan thực thi pháp luật; thực hiện chế độ kiểm tra lẫn nhau”. Bên cạnh đó, Luật Giám sát cũng quy định “Cơ quan giám sát trong việc xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm về nghĩa vụ phải phối hợp với cơ quan tư pháp, cơ quan kiểm sát các cơ quan và cơ quan thực thi pháp luật có sự kiểm tra lẫn nhau. Trường hợp cơ quan giám sát yêu cầu hỗ trợ trong công việc thì các cơ quan và đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ theo quy định của pháp luật”. Như vậy, căn cứ theo quy định trên của Hiến pháp và Luật Giám sát hiện hành, giữa cơ quan giám sát và cơ quan thực thi pháp luật trong bộ máy hành chính cũng tồn tại mối quan hệ “phối hợp và kiểm soát lẫn nhau”, chẳng hạn với những công việc cần phối hợp lẫn nhau như:

  • Người bị điều tra bị tạm giam theo luật định nếu bỏ trốn, Cơ quan giám sát có thể quyết định truy nã trong phạm vi địa phương hành chính của mình, cơ quan công an sẽ ra lệnh truy nã và tìm cách đưa về.
  • Khi phát hiện có hành vi vi phạm, các cơ quan hành pháp cũng có thể yêu cầu cơ quan giám sát điều tra, xác minh vụ việc. Theo Điều 34, Luật Giám sát quy định: “cơ quan công an, cơ quan kiểm toán và các cơ quan nhà nước khác trong quá trình làm việc của mình phát hiện bất kỳ manh mối nào về nghi ngờ tham nhũng, hối lộ, trốn tránh nhiệm vụ hoặc các hành vi vi phạm hoặc tội khác lợi dụng chức vụ của công chức, thì phải chuyển cho Cơ quan giám sát, cơ quan giám sát phải điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật…”.

Hai chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Hưng (bên trái) và TS. Lê Thương Huyền báo cáo kết quả nghiên cứu

 

Trên thực tế, sau 5 năm thành lập, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc là rất cao, đáp ứng được mục tiêu của Trung Quốc đặt ra khi thành lập ủy ban này. Trong 5 năm qua, Ủy ban Giám sát Quốc gia đã điều tra, giám sát tất cả các khu vực, bao phủ đầy đủ các lĩnh vực, kiên quyết không khoan nhượng hay để lỏng bất cứ khu vực hay lĩnh vực nào. Cơ quan này nhất quyết điều tra mọi vụ án và trừng phạt nghiêm khắc nạn tham nhũng.

 

Sau khi phân tích pháp luật về kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp ở Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Hưng lập luận về khả năng xây dựng mô hình Ủy ban Giám sát Quốc gia ở nước ta với 3 điểm chính: (i) Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; (ii) Những điểm tương đồng trong công cuộc phòng chống tham nhũng của hai nước; (iii) Sự tương đồng về chế độ chính trị, tổ chức quyền lực nhà nước của hai nước.

 

Từ đó, tác giả đưa ra một số gợi mở về việc nghiên cứu xây dựng mô hình Ủy ban Giám sát Quốc gia ở Việt Nam như sau:

  • Xây dựng hệ thống Ủy ban Giám sát theo ba cấp (cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện) từ hệ thống cơ quan thanh tra; có vị trí độc lập với các nhánh quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp nhưng vẫn có sự phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này; chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân cùng cấp; kinh phí hoạt động do Quốc hội và Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
  • Cần sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan như Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật về Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các quy định của Đảng… để tránh những mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định pháp luật, gây khó khăn cho người áp dụng pháp luật.

Đề tài thứ hai báo cáo khoa học do TS. Lê Thương Huyền làm chủ nhiệm có chủ đề “Kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với cơ quan tư pháp ở Việt Nam hiện nay”. Đề tài có kết cấu gồm 3 chương:

  • Những vấn đề lý luận về kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với cơ quan tư pháp;
  • Thực trạng kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với cơ quan tư pháp ở Việt Nam hiện nay;
  • Một số giải pháp bảo đảm kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với cơ quan tư pháp ở Việt Nam hiện nay.

Trên cơ sở làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với cơ quan tư pháp, mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá thực trạng kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với cơ quan tư pháp ở Việt Nam hiện nay; qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện kiểm soát của cơ quan hành pháp  đối với cơ quan tư pháp trong thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay.

 

Để hiểu thế nào là cơ quan tư pháp, đề tài đã đưa ra những lập luận và khẳng định Tòa án là cơ quan tư pháp còn Viện kiểm sát là cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp. Một trong số các công cụ để cơ quan hành pháp là Chính phủ kiểm soát Tòa án là qua ngân sách cho việc chi trả lương, bổ sung cơ vật chất hay trong công tác thi đua khen thưởng. Bàn về công cụ này, ThS. Nguyễn Thu Dung cho rằng, đề tài nên tiếp cận theo hướng không phải là giám sát mà là hai cơ quan phối hợp với nhau trong việc lên dự toán cũng như thu chi ngân sách…

 

Đề tài cũng đưa ra những đánh giá về việc Chính phủ kiểm soát các hoạt động tư pháp bao gồm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

 

ThS. Bùi Thị Hường (áo vàng), Chủ nhiệm đề tài "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong việc bảo đảm

quyền con người, quyền công dân"

 

Ngày 25/09, hai đề tài tiếp theo tổ chức tọa đàm thuộc lĩnh vực quyền con người. Đề tài thứ nhất do ThS. Bùi Thị Hường thực hiện, “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Về mặt lý luận, đề tài nhận định, các yêu cầu đối với việc đổi mới tổ chức của Quốc hội để bảo đảm quyền con người, quyền công dân là cơ cấu tổ chức cần đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả; trong đó, phát huy tốt vai trò của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội cũng như tổ chức lại một số cơ quan của Quốc hội. Tương tự như vậy, về phương thức hoạt động, Quốc hội cũng cần đổi mới trong hoạt động lập pháp; giám sát, chất vấn; hoạt động của đại biểu Quốc hội; hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban…

 

Trong Chương 2, tác giả phân tích thực trạng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong thời gian qua. Tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội đã chất vấn các thành viên Chính phủ về các vấn đề mà xã hội quan tâm, chẳng hạn như quyền giáo dục liên quan đến chương trình đổi mới sách giáo khoa hay những quyền con người khác liên quan đến lĩnh vực y tế, giao thông… Các phiên chất vấn hiện nay được tổ chức và phổ biến trực tiếp, công khai qua các phương tiện truyền thông giúp người dân nhanh chóng nắm bắt được những vấn đề mà họ quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành.

 

Về phương hướng đổi mới, đề tài đưa ra một số giải pháp như: Tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách; hoàn thiện tổ chức Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban; bổ sung cơ quan nhân quyền quốc gia trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội.

 

TS. Nguyễn Tiến Đức trao đổi về đề tài của ThS. Bùi Thị Hường

 

Trao đổi về đề tài, TS. Nguyễn Tiến Đức cho rằng, chủ đề nghiên cứu của đề tài khá rộng cho nên đề tài cần tập trung nghiên cứu vào hai nội dung chính có tác động trực tiếp và lớn vào viêc bảo đảm quyền con người, quyền công dân đó là chức năng lập pháp và giám sát của Quốc hội. Đề tài cần trả lời được câu hỏi mục tiêu bảo vệ, bảo đảm quyền con người được thể hiện như thế nào trong hoạt động lập pháp. Trong quá trình tham gia vào hoạt động lập pháp, các chủ thể có thể đóng góp ý kiến từ khía cạnh bảo đảm quyền con người.

 

Góp ý tại tọa đàm, theo TS. Phan Thanh Hà, về phương hướng đổi mới, đề tài nên đưa ra quan điểm rằng trong mọi khâu của quy trình lập pháp phải có sự tham vấn của người dân, các chuyên gia và thực hiện tốt hơn nữa cơ chế phản biện của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức xã hội. Đề tài cũng nên đề cấp đến vai trò của một số cơ quan như Ủy ban Bầu cử Quốc gia, Ban Dân nguyện cũng như cho ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và HĐND đang được soạn thảo.

 

TS. Phan Thanh Hà (bên phải)

 

Đề tài của ThS. Bùi Thị Hường cũng nhận được các ý kiến của ThS. Nguyễn Thanh Tùng, TS. Nguyễn Thu Hương về các nội dung khác.

 

Đề tài thứ hai trong lĩnh vực quyền con người có chủ đề “Các thiết chế hiến định độc lập trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay” của ThS. Trần Thị Loan. Đề tài bao gồm hai phần chính:

  • Lý luận về các thiết chế hiến định độc lập trong bảo đảm quyền con người;
  • Thực trạng bảo đảm quyền con người của các thiết chế hiến định độc lập ở Việt Nam hiện nay và kiến nghị hoàn thiện.

Trong phần đầu, tác giả trình bày khái niệm, đặc điểm của các thiết chế hiến định độc lập; giới thiệu các thiết chế hiến định độc lập phổ biến trên thế giới và nêu ra vai trò của các thiết chế này trong bảo đảm quyền con người và mối quan hệ của các thiết chế hiến định độc lập với các cơ quan nhà nước khác trong bảo đảm quyền con người.

 

Phần thứ hai của đề tài đang được tác giả tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện. Buổi sinh hoạt khoa học đã thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý hữu ích của các nhà khoa học để ThS. Trần Thị Loan có thêm thông tin, cách thức và chất liệu để hoàn thiện đề tài.

 

ThS. Trần Thị Loan báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài do mình là chủ nhiệm

Các tin cùng chuyên mục: