Tọa đàm diễn ra đồng thời tại trụ sở Viện Nhà nước và Pháp luật ở Hà Nội và Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Nam bộ ở Tp. Hồ Chí Minh qua phương thức trực tuyến. Chủ trì tọa đàm tại Tp. Hồ Chí Minh là PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng (Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam bộ), TS. Trương Cộng Hòa (Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại Tp. Hồ Chí Minh) và PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy (Viện KHXH vùng Nam bộ). Chủ trì tọa đàm tại Hà Nội là TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật) và TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật).

TS. Trương Cộng Hòa phát biểu khai mạc Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, TS. Trương Cộng Hòa cho biết, trải qua các giai đoạn cải cách hành chính, đặc biệt là sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có hiệu lực, nước ta đã triển khai thí điểm một số mô hình ở cấp chính quyền địa phương nhằm xác định các mô hình phù hợp hơn với yêu cầu quản lý nhà nước hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại không ít những bất cập, chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền. Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong phân định thẩm quyền, dẫn đến hiện tượng bộ máy cồng kềnh, kém linh hoạt, gây lãng phí nguồn lực, làm giảm hiệu suất phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, TS. Phạm Thị Thúy Nga cho rằng, mô hình hai cấp - nếu được thiết kế một cách khoa học và phù hợp với điều kiện thể chế - không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hành chính, mà còn tạo điều kiện để phân quyền thực chất, củng cố hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tăng cường dân chủ, trách nhiệm giải trình và hiệu quả cung ứng dịch vụ công. Tọa đàm hôm nay được tổ chức nhằm: (i) Làm rõ thực tiễn tổ chức, hoạt động và xu hướng cải cách chính quyền địa phương ở nước ta; (ii) Cung cấp thông tin, tri thức khoa học và bài học từ kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương hai cấp tiêu biểu trên thế giới; (iii) Đề xuất các kiến nghị, định hướng và giải pháp phù hợp, thiết thực, nhằm góp phần xây dựng một mô hình chính quyền địa phương tinh gọn về tổ chức – mạnh về năng lực – sâu về dân chủ – rõ về trách nhiệm.

TS. Phạm Thị Thúy Nga phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Báo cáo mở đầu tọa đàm là của GS.TS. Trần Ngọc Đường (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) với chủ đề “Chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay và những cơ hội, thách thức về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp trong thời gian tới”. Bên cạnh những kết quả đạt được, tác giả đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập cơ bản trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay như: (i) Số lượng, quy mô chính quyền địa phương các cấp chưa đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội; (ii) Phân định thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương và mỗi cấp chính quyền địa phương chưa phù hợp; (iii) Cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước của chính quyền địa phương chưa hoàn thiện và đồng bộ với yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…
Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp vừa là cơ hội, vừa đặt ra những thách thức cần phải vượt qua. Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, “đòi hỏi mỗi người phải thay đổi tư duy, tầm nhìn thống nhất về nhận thức, tư tưởng để vượt qua chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của đất nước, vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý thói quen bình thường, vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để đổi mới tư duy, tầm nhình rộng lớn hơn – đất nước là quê hương” như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu.
Tiếp theo, tọa đàm đã lần lượt lắng nghe các tham luận “Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp cơ sở trong tổ chức chính quyền địa phương hai cấp” của PGS.TS. Ngô Thành Can (nguyên Phó Trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự, Học viện Hành chính và Quản trị công) tại đầu cầu Tp. Hồ Chí Minh và “Kinh nghiệm của Nhật Bản về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp và một số gợi ý cho Việt Nam hiện nay” của TS. Phan Thanh Hà (Thư ký Tòa soạn, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật).

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp là đặc trưng và xu hướng tự quản và quản trị địa phương tốt của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Chính quyền địa phương Nhật Bản thống nhất trên khắp các thành phố, cung cấp một cấu trúc hành chính đồng nhất hơn. Đặc điểm tương đồng về mô hình Nhà nước đơn nhất này của Nhật Bản có thể là một gợi ý tốt cho Việt Nam trong xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Cả hai cấp này đều có người đứng đầu do dân bầu trực tiếp (tỉnh trưởng - đối với cấp tỉnh hoặc thị trưởng - đối với cấp cơ sở) với quyền lực mạnh mẽ, cùng một hội đồng địa phương do dân bầu. Đây là một điểm đáng lưu ý mà Việt Nam có thể tham khảo và tiếp thu ở mức độ phù hợp. Ví dụ: có thể thực hiện thí điểm bầu với lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đưa ra được phương án tốt nhất cho cả nước.
Ở Nhật Bản, chính quyền địa phương và chính quyền trung ương quan hệ trên nguyên tắc ủng hộ, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Trong đó, chính quyền địa phương có quyền độc lập tài chính và lập pháp, đây được coi là một bảo đảm giúp chính quyền phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Có thể thấy, trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, việc trao hoàn toàn quyền độc lập về tài chính và lập pháp cho địa phương là khó thực hiện và chưa phù hợp. Tuy nhiên, có thể tham khảo việc mở rộng trao quyền tự chủ tài chính trong một số phạm vi và lĩnh vực cụ thể phù hợp với địa phương, nhằm tăng cường hơn nữa tính tự chủ, sáng tạo, năng động cho các địa phương. Nhìn chung, cần bảo đảm thực hiện phân quyền trong quản lý ngân sách, nhằm tạo cơ chế cho chính quyền địa phương chủ động các nguồn lực, giúp cân đối thu, chi ngân sách địa phương.
Bên cạnh Nhật Bản, một quốc gia khác cũng được tìm hiểu, nghiên cứu là Hàn Quốc thông qua báo cáo “Mô hình chính quyền địa phương Hàn Quốc và gợi mở cho Việt Nam” của TS. Nguyễn Tiến Đức (Viện Nhà nước và Pháp luật). Tại quốc gia này, hệ thống pháp luật với Đạo luật Tự chủ địa phương làm trụ cột, bổ trợ bởi các luật chuyên ngành và các đạo luật đặc biệt theo từng giai đoạn, đã mang lại sự ổn định nhưng linh hoạt cho quản trị địa phương. Quá trình cải cách xuyên suốt các đời Tổng thống cho thấy phân quyền là một tiến trình liên tục, kế thừa và phát triển qua thời gian. Bên cạnh đó, mô hình liên kết vùng với các cơ chế hợp tác tự nguyện giữa các địa phương đặc biệt hữu ích cho các quốc gia đang đối mặt bài toán vùng đô thị và vùng kinh tế liên tỉnh như Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, tự chủ địa phương và hợp tác liên địa phương là hai mặt bổ sung cho nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp vùng. Tư duy cải cách “phân quyền trước, sửa đổi sau” của Hàn Quốc đem lại dũng khí để các nhà hoạch định chính sách dám đột phá khi cần thiết, thay vì quá thận trọng dẫn đến bỏ lỡ thời cơ.

GS.TS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh cần đánh giá tác động của việc sắp xếp chính quyền địa phương
theo mô hình 2 cấp để dư liệu các biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh
Sau khi nghe các tham luận, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra quan điểm của mình về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. GS.TS. Võ Khánh Vinh (nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nhận định, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng đổi mới tư duy về quản trị địa phương. Việc không tổ chức cấp huyện là vấn đề lớn, tư duy và hành động của chúng ta cần thay đổi để thực hiện. Ông cho rằng, giai đoạn sắp tới, cấu trúc bộ máy chính quyền các cấp có nhiều sự thay đổi. Điều đó dẫn tới cấu trúc quyền lực ở địa phương thay đổi, đòi hỏi vấn đề kiểm soát quyền lực cần được đặc biệt chú trọng. GS.TS. Võ Khánh Vinh cũng đặc biệt nhấn mạnh, cần đánh giá tác động của việc sắp xếp lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp để dự liệu được các biện pháp giải quyết thấu đáo các vấn đề phát sinh.
Phát biểu tại tọa đàm, theo TS. Huỳnh Thành Lập (nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh), việc bỏ cấp huyện là chủ trương đúng đắn, cần thiết. Việc bỏ cấp huyện là bỏ cấp trung gian, bỏ tầng nấc không cần thiết, tăng cường phân cấp ở cấp xã. Ông lấy ví dụ, cấp tỉnh quyết định nhiều vấn đề lớn của địa phương thì cấp huyện đóng vai trò trung gian truyền tải xuống xã. Nhưng cấp thực hiện cuối cùng lại là cấp xã, đơn vị sát với dân nhất. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh của tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, sự phát triển công nghệ thông tin sẽ giúp người dân giải quyết thủ tục nhanh hơn. Ứng dụng công nghệ giúp cơ quan nhà nước quản lý xã hội tốt hơn, đòn bẩy giúp phát triển kinh tế, xã hội.

GS.TS. Trần Ngọc Đường (bìa trái) và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị
Bàn về tiêu chí để thành lập, chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật) nhận thấy, bên cạnh các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cùng các yếu tố đặc thù như dân tộc, văn hóa, di tích lịch sử, mức độ khó khăn của địa phương… thì nay có một tiêu chí rất quan trọng mà Đảng nêu ra là phải tạo ra không gian kinh tế - xã hội mới, nguồn lực mới theo hướng tương đối đồng đều để các địa phương thực hiện nguyên tắc “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chú ý đến bối cảnh hiện nay, đó là sự biến đổi nhanh chóng từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế thị trường, kinh tế số, kinh tế xanh; sự già hóa dân số và chuyển dịch thường xuyên, liên tục dân cư giữa các khu vực dẫn đến thống kê dân số để xác định thế nào là tỉnh, là xã chỉ mang tính chất tương đối.
Tại tọa đàm, TS. Phí Vĩnh Tường (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới) trao đổi về tầm quan trọng của con người và nguồn lực trong quá trình sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính. Nhà nước cần phải có giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu người dân khi giảm bộ máy chính quyền, khối lượng công việc tăng. Về ngân sách, cấp xã cần được bố trí ngân sách nhằm đáp ứng dịch vụ công và nhu cầu người dân. Theo ông, cần thảo luận và nghiên cứu vấn đề giao trách nhiệm trong quá trình chuyển tiếp, cụ thể là việc theo dõi các dự án đầu tư công, xây dựng hạ tầng và các vấn đề khác để tránh lãng phí, tham ô và công trình kém chất lượng.

PGS.TS. Vũ Thư (bìa phải) trao đổi tại Tọa đàm
PGS.TS Vũ Thư (Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, cần phân cấp và phân quyền cho cấp cơ sở mạnh khi tinh gọn bộ máy. Việc phân quyền được hiểu là trao quyền cho cấp chính quyền địa phương đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Cấp trên không được can thiệp vào hoạt động trong quyền hạn của địa phương khi đã phân cấp, phân quyền. Cơ quan cấp trên chỉ kiểm tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp của cấp cơ sở khi thực hiện quản lý nhà nước. “Điều quan trọng là định hướng trong phân quyền, phân cấp một cách rõ ràng, mạch lạc cho cấp cơ sở, theo hướng công khai, minh bạch”, PGS.TS. Vũ Thư nói.
Tọa đàm cũng đón nhận những ý kiến trao đổi, thảo luận từ hai đầu cầu và trên phương thức trực tuyến của các chuyên gia, nhà khoa học khác.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng cho biết, việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp là yêu cầu khách quan từ quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng Nhà nước kiến tạo, phục vụ người dân, phù hợp xu thế phát triển hiện đại và hội nhập quốc tế. Việc giảm cấp chính quyền phải đi kèm với cải cách thể chế, phân quyền rõ ràng, ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng, các cơ quan cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm rõ chức năng giữa cấp tỉnh và cấp xã trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tăng cường chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính quốc gia.

PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng phát biểu kết thúc Tọa đàm
Kết quả của Tọa đàm sẽ được chuyển thành một Báo cáo tư vấn chính sách và sẽ được gửi đến các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương để phục vụ cho quá trình nghiên cứu và đề xuất các phương án cải cách trong hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp ở Việt Nam trong thời gian tới.