•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học quốc tế “Hiệu lực của Hiến pháp trong luật tư: Kinh nghiệm Châu Á và góc nhìn so sánh”

27/11/2024
Ngày 22/11/2024, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức Hội thảo quốc tế “Hiệu lực của Hiến pháp trong luật tư: Kinh nghiệm Châu Á và góc nhìn so sánh”. Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) trên cơ sở Đề tài nghiên cứu tiềm năng “Xây dựng mô hình hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư” mã số 18/2022/TN do PGS.TS. Bùi Tiến Đạt làm chủ nhiệm.

(Ảnh: Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội)

 

Các chuyên gia quốc tế có mặt tại hội thảo bao gồm: GS. Jongcheol Kim (Khoa Luật, Đại học Yonsei, Hàn Quốc), GS Yuichiro Tsuji (Đại học Meiji, Nhật Bản), GS. Antonios Karaiskos (Đại học Ryukoku, Nhật Bản). Bên cạnh các nhà khoa học quốc tế, hội thảo cũng đón nhận sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trong cả lĩnh vực luật tư và luật công: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Phạm Thị Thuý Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước & Pháp luật), GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Phạm Hồng Thái, PGS.TS. Trần Kiên, TS. Nguyễn Bích Thảo, TS. Đỗ Giang Nam, TS. Nguyễn Tiến Đức, TS. Hoàng Kim Khuyên, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, TS. Lê Thương Huyền…

 

Phát biểu mở đầu, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh khẳng định hội thảo này là cơ hội để trao đổi học thuật và phát triển nghiên cứu liên ngành, đặc biệt về sự giao thoa giữa luật công và luật tư. Bà gửi lời cảm ơn chân thành tới các chuyên gia quốc tế đã rất tâm huyết viết bài, trình bày tham luận và đóng góp chuyên môn cho hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh hội thảo sẽ là tiền đề mở ra cơ hội hợp tác giữa Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nhà nước và Pháp luật với các trường đại học luật có uy tín quốc tế tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh phát biểu mở đầu hội thảo (Ảnh: Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội)

 

Hội thảo bao gồm 03 phiên, với 02 tham luận được trình bày và trao đổi, thảo luận tại mỗi phiên. Các tham luận liên quan đến các chủ đề sau:

- Hiệu lực theo chiều ngang của Hiến pháp trong bối cảnh chủ nghĩa hiến pháp Hàn Quốc (GS. Jongcheol Kim)

- Phiên bản nguyên tắc tương xứng của Nhật Bản: Hiệu lực chiều dọc và chiều ngang (GS. Yuichiro Tsuji)

- Hiệu lực của Hiến pháp trong lĩnh vực luật sở hữu trí tuệ (TS. Nguyễn Bích Thảo)

- Nguyên tắc tương xứng trong luật tư Nhật Bản: Một số phân tích và góc nhìn so sánh (GS. Antonios Karaiskos)

- Đối thoại giữa luật công và luật tư ở Việt Nam trong bối cảnh lan tỏa học thuyết tương xứng ở châu Á (PGS.TS. Bùi Tiến Đạt và TS. Đỗ Giang Nam)

- Hiệu lực của Hiến pháp trong luật lao động ở một số quốc gia và ở Việt Nam (TS. Nguyễn Lê Thu)

 

Hội thảo quốc tế lần này không chỉ là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực luật tư và luật công chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu mà còn mở ra những hướng phát triển mới cho nền luật học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

TS. Nguyễn Tiến Đức, Phòng Luật Quốc tế và Quyền con người của Viện, là người bình luận tham luận của GS. Jongcheol Kim. Tiến sĩ  khái quát nội dung và lập luận chính của bài tham luận, đặc biệt là sự kết hợp giữa hiệu ứng ngang của quyền hiến pháp và nguyên tắc dân chủ hóa kinh tế trong hệ thống hiến pháp Hàn Quốc, từ đó, nêu bật các điểm tranh luận. Đồng thời, đề xuất các câu hỏi hoặc khía cạnh để tác giả và các bên tham gia thảo luận cùng trao đổi, chẳng hạn như vai trò của quyền hiến pháp trong quan hệ pháp luật tư nhân và mức độ can thiệp hợp lý của tòa án để cân bằng giữa tự do cá nhân và công bằng xã hội, tác động của hiệu ứng ngang trong việc giải quyết bất bình đẳng có tính cấu trúc. Ngoài ra, TS. Nguyễn Tiến Đức cũng là người đồng chủ trì phiên 3 với hai tham luận của PGS.TS. Bùi Tiến Đạt, TS. Đỗ Giang Nam và TS. Nguyễn Lê Thu.

 

Sự tham gia của các nhà khoa học Viện Nhà nước và Pháp luật đã đóng góp vào thành công của hội thảo nói riêng và quan hệ hợp tác khoa học giữa hai đơn vị nói chung.

 

Các chuyên gia, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội)