Tiếp cận trên phương diện nhu cầu giới
Dưới góc độ bình đẳng giới và góc độ khai thác sử dụng nguồn nhân lực, có thể thấy một số vấn đề cần quan tâm trong quy định tuổi nghỉ hưu ở nước ta hiện nay. Đó là quy định tuổi nghỉ hưu đã được thực hiện trong suốt 50 năm qua và chưa có sự thay đổi, điều chỉnh qua các thời kỳ khác nhau. Độ tuổi nghỉ hưu đang được áp dụng cho tất cả các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh, trong khi môi trường và đặc điểm lao động của các khu vực này rất khác nhau. Tuổi nghỉ hưu của nữ còn thấp, chưa thể hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ.
Từ góc độ nhu cầu giới, việc tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ vừa đáp ứng nhu cầu giới thực tế vừa đáp ứng nhu cầu giới chiến lược của phụ nữ. Đối với nhu cầu giới thực tế đã cho thấy, người phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức được tiếp tục tham gia lao động, cống hiến vừa thỏa mãn nhu cầu được làm việc của họ, vừa tạo thêm cho họ các cơ hội về việc làm, có thêm thu nhập để bảo đảm cuộc sống, góp phần gìn giữ và nâng cao vị thế của họ trong gia đình và xã hội. Về nhu cầu giới chiến lược, đối với nhóm lao động tri thức cao, vì những lý do liên quan đến thực hiện thiên chức làm mẹ nên việc định hình, ổn định về tri thức của nữ giới nhìn chung chậm hơn nam. Vì vậy, theo quy định hiện nay, khi nữ giới phấn đấu đạt được học hàm, học vị cao thì cũng đến lúc phải nghỉ hưu. Như vậy, sẽ lãng phí rất nhiều chất xám, sẽ không có những lao động nữ có học vị, học hàm cao công tác trong các đơn vị. Những nữ trí thức đã chín muồi về chuyên môn và nhân cách tham gia vào lực lượng lao động sẽ bổ sung thêm những tiếng nói có chất lượng trong các vấn đề liên quan đến phát triển của cộng đồng và quốc gia, nâng cao bình đẳng giới.
Vấn đề xác định tuổi nghỉ hưu của người lao động bao giờ cũng xuất phát từ một bối cảnh chính trị, kinh tế-xã hội cụ thể, đòi hỏi vừa bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh thực tế cho phép, vừa phục vụ hiệu quả chiến lược phát triển đất nước trong một giai đoạn nhất định. Quy định tuổi nghỉ hưu có sự phân biệt giới là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, được thực hiện từ năm 1962, đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh, ngoài Nghị định 71/2000/NĐ-CP của Chính phủ quy định kéo dài thời gian làm việc đối với những người có tài năng, có trình độ chuyên môn cao. Văn bản này đã thừa nhận khả năng làm việc kéo dài tới 5 năm của những người trí thức (nam đến 65 tuổi, nữ đến 60 tuổi) nhưng mới chú ý khai thác số ít những người có trình độ rất cao, mà chưa quan tâm đến nhóm đông có trình độ chuyên môn thấp hơn.
Thay đổi về kinh tế - xã hội: công việc nội trợ không còn là gánh nặng đối với phụ nữTrong 50 năm qua, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội nước ta đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt. Điều này làm cho những căn cứ trực tiếp để xác định tuổi nghỉ hưu như khả năng sức khỏe hay độ tuổi giảm sút về sinh học của cơ thể con người và tuổi thọ trung bình của những người lao động; môi trường pháp lý về bình đẳng giới… cũng thay đổi mạnh mẽ. Nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng liên tục trong hơn 20 năm ở tốc độ khá cao, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng và kém phát triển. Hiện nay, GDP của Việt Nam đã vượt qua mốc 100 tỷ USD, chuyển vị trí từ nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Về điều kiện sống, mức sống của người dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân/đầu người/năm đã đạt khoảng 1.200 USD (gấp 12 lần so với năm 1990, gấp khoảng 4 lần năm 1995 – thời điểm Bộ luật Lao động bắt đầu thực thi). Cùng với sự phát triển mạnh của hệ thống dịch vụ xã hội, đã làm cho cuộc sống của người dân tiện nghi và đầy đủ hơn, công việc nội trợ, chăm sóc gia đình không còn là gánh nặng đối với phụ nữ lao động trí óc như trước đây. Khi mức sống tăng lên, việc chăm sóc y tế, dinh dưỡng cải thiện đã ảnh hưởng tích cực đến thể lực, sức khỏe, độ tuổi giảm sút về mặt sinh học cũng như tuổi thọ của con người. Trong vòng 50 năm qua, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng từ 40 - 73 tuổi. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới 3 năm, càng ở nhóm cao tuổi thì số nữ càng đông hơn nam.
Ngoài ra, môi trường pháp lý về bình đẳng giới cũng thay đổi trước nhiều sự kiện quan trọng như: Việt Nam ký kết Công ước CEDAW về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (năm 1980); Thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (năm 1995) hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000; Ban hành Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010 (năm 2002) và Chiến lược quốc gia Về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020… Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới ra đời (năm 2006) làm thay đổi cơ bản môi trường pháp lý về bình đẳng giới, khẳng định Nhà nước thống nhất quản lý công tác bình đẳng giới tại Việt Nam. Qua đó, tạo nền tảng thể chế cho đề xuất bình đẳng nam nữ trên mọi lĩnh vực. Nếu tiếp tục quy định chung tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam 5 tuổi như hiện nay, sẽ là rào cản làm cho các quy định khác như quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển của cán bộ nữ.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động cần theo hướng bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động- xã hội, có nghĩa là bình đẳng lớn nhất về quyền, trách nhiệm, cơ hội, đối xử và đánh giá đối với mỗi người không phân biệt giới tính của họ. Để bảo đảm nguyên tắc này, bộ luật cần được sửa đổi theo hướng các quy định cần được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong từng chương và từng điều. Cụ thể, mọi quy định của phát luật nên có sự khác biệt khi quy định đối với lao động nam và lao động nữ; xóa bỏ các quy định bấp hợp lý, chồng chéo để lao động nữ tiếp cận tới các cơ hội việc làm.
(Theo http://daibieunhandan.vn)