Khi doanh nghiệp lợi dụng ưu tiên…
Luật Quản lý thuế hiện hành cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện đang phân loại hàng hóa trong việc quy định thời hạn nộp thuế. Đối với hàng tiêu dùng, người nộp thuế phải nộp ngay trước khi nhận hàng, thông quan. Còn các loại hàng hóa khác, nếu là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế thì được chậm nộp thuế, còn các doanh nghiệp khác phải nộp ngay. Còn nếu các doanh nghiệp nợ thuế mà có giấy bảo lãnh của ngân hàng thì có thể chậm nộp thuế trong vòng 30 ngày. Đồng thời, quy định đối với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa chấp hành tốt pháp luật về thuế thì thời gian chậm nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là hai trăm bảy lăm ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Theo Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Lỗ Thị Nhụ, bên cạnh những ưu điểm, các quy định này đã bộc lộ các hạn chế như tạo ra tâm lý chờ đợi được ân hạn thuế. Đặc biệt, với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, tại thời điểm nộp thuế, họ là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và được hưởng ưu đãi chậm nộp thuế. Nhưng trong thời gian ân hạn thuế kéo dài 9 tháng, các doanh nghiệp này nhập khẩu thật nhiều hàng hóa, sau đó gần đến thời hạn phải nộp thuế, họ bỏ về nước. Nhà nước bị chiếm đoạt các khoản thuế nợ, không có khả năng thu hồi.
Thực tế này đã và đang được ghi nhận tại Hải quan Bình Dương, Đồng Nai… Điển hình là vụ một công ty nhập khẩu nước ngoài hoạt động tại Bình Dương, được hưởng chính sách ân hạn thuế, hiện đang nợ thuế 17 tỷ đồng. Khi doanh nghiệp này bỏ về nước, trụ sở doanh nghiệp đóng cửa, các tài sản có giá trị đều đã tẩu tán hết. Khi cơ quan thuế thực hiện kê biên tài sản thì những tài sản còn lại đã thế chấp cho ngân hàng nên không có khả năng thu nợ thuế.
(Nguồn: http://baokinhteht.com.vn)
Cũng trong quy định về ân hạn thuế, các doanh nghiệp khi không có điều kiện nộp thuế ngay sẽ được ân hạn thuế nếu có bảo lãnh của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Thế nhưng, các văn bản pháp luật lại không quy định việc phạt chậm nộp, cũng như không quy định trách nhiệm đơn vị bảo lãnh là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ trả lãi chậm nộp nếu như người nộp thuế không nộp. Đồng thời, chưa có quy định cụ thể, nếu như đến thời hạn cuối cùng mà người nộp thuế không nộp thì thì trách nhiệm nộp thuế đó thuộc về ai? Điều này dẫn tới việc người nộp thuế và các đơn vị bảo lãnh được lợi, còn ngân sách nhà nước thì không.
Một tồn tại khác là hành động chuyển giá trong các giao dịch liên kết của một số công ty, tập đoàn đa quốc gia. Thời gian qua, tình trạng lỗ giả lãi thật khi lợi dụng vấn đề chuyển giá không còn là cá biệt. Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia. Hành động này nảy sinh dựa trên sự chênh lệch và khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia. Các tập đoàn, công ty lớn thường có giá trị giao dịch hàng hóa lớn, khi thực hiện hành vi chuyển giá sẽ làm cho nhà nước bị mất nguồn thu không nhỏ từ thuế đáng ra có được.
Làm thế nào để quản lý rủi ro? Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp trông chờ được ân hạn nộp thuế, các quy định về quản lý thuế sẽ phải được sửa đổi theo hướng, mọi doanh nghiệp, không phân biệt chấp hành tốt hay không tốt pháp luật thuế đều phải nộp thuế ngay khi giao dịch hàng hóa thông quan. Bên cạnh đó, vẫn cho phép các doanh nghiệp được phép phân kỳ trả nợ thuế, tức hình thức “trả góp” thuế trong thời hạn 12 tháng khi có giấy bảo lãnh của ngân hàng thương mại. Đồng thời, trong thời hạn xuất hành giấy bảo lãnh chậm nộp thuế thì người nộp thuế vẫn phải thanh toán phần lãi của tiền thuế chậm nộp. Phần lãi của tiền thuế chậm nộp được quy định là 0,05% số tiền chậm nộp/ngày.
Để kiểm soát hành vi chuyển giá trong các giao dịch liên kết, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, gồm hai giải pháp chính. Thứ nhất, việc pháp điển hóa quy định cho phép sử dụng thông tin, trao đổi thông tin với các cơ quan thế, cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia trên thế giới nhằm xây dựng dữ liệu thông tin kiểm soát và phát hiện các hành vi chuyển giá. Tăng cường học hỏi kinh nghiệm của ngành thuế các nước trên thế giới, tham vấn các chuyên gia chuyên ngành, tổ chức các hội thảo, các buổi học tập kinh nghiệm. Cử cán bộ thuế đi học tập kinh nghiệm tại một số nước. Hiện, Hải quan Việt Nam đang tiếp nhận hệ thống thông quan điện tử của Nhật Bản, trong đó bao gồm các quy định giao dịch liên quan.
Giải pháp thứ hai mà các nước phát triển, các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD và các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… đang áp dụng là cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) theo nguyên tắc thị trường giữa các cơ quan thuế và các công ty đa quốc gia, bao gồm cả các cơ quan thuế của các nước có liên quan. Theo cơ chế này, các doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá thực hiện mua bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế; cơ quan thuế Việt Nam, có thể phối hợp cùng cơ quan thuế nước ngoài có ký kết hiệp định chống đánh thuế hai lần với Việt Nam, sẽ giám sát, kiểm soát chống gian lận chuyển giá. Việc bổ sung cơ chế APA này tạo ra sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác tiến hành thu, khai thác hiệu quả bảo vệ nguồn thu trên cơ sở doanh nghiệp đa quốc gia được hưởng ưu đãi đầu tư, được tiếp cận và khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính với xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ hiện đang giao Bộ Tài chính thí điểm cơ chế này đối với Tập đoàn Samsung hoạt động tại Việt Nam. Đây là cơ chế mới, đòi hỏi cần nghiên cứu, học tập đầy đủ trước khi áp dụng. Cùng với đó, phải xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn trình tự thủ tục, quy trình thực hiện; cách phối hợp giữa các đơn vị liên quan; đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ thuế... Cơ chế này được thực hiện song song với phương pháp truyền thống, được kỳ vọng là sẽ hạn chế và kiểm soát được hành vi chuyển giá hiện nay. Nếu làm được điều này, không chỉ lợi ích của Nhà nước được bảo vệ mà lợi ích của những chủ thể khác cũng được bảo đảm trong việc duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng ở xã hội có nhiều quan hệ đa chiều như hiện nay.
Các hoạt động kinh tế xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng. Có những quy định hôm nay được coi là hợp lý, khoa học nhưng ngày mai có thể trở nên bất cập và trở thành lỗ hổng và bị lợi dụng. Việc tiếp tục sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thuế bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác thu thuế, thống nhất với thông lệ quốc tế; còn là hoạt động nhằm khỏa lấp những lỗ hổng phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách. Tuy nhiên, các chính sách đã bảo đảm tính dự báo, ngăn ngừa có điều kiện các hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi và những tình huống mới có thể phát sinh thời gian tới hay chưa? Và đã cập nhật hết những tình huống trong quá giao dịch, cũng như cách thức quản lý, giải quyết của ngành thuế nước ngoài hay chưa, cần phải tiếp tục được xem xét thấu đáo.
(Theo http://daibieunhandan.vn)