•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sửa hay giữ tên gọi Luật Kinh doanh Bất động sản?

17/10/2011
Trước những biến đổi của thực tiễn xã hội, Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS) 2006 sau hơn 5 năm thực thi đã bộc lộ không ít bất cập. Tại Hội thảo Hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Đất đai, Luật KDBĐS vừa qua, một số chuyên gia khuyến nghị rằng cần thiết phải sửa đổi tên gọi của luật thành Luật Bất động sản, mở rộng thêm một số nội dung cho phù hợp và thống nhất với Bộ luật dân sự (BLDS).
Phạm vi điều chỉnh của Luật KDBĐS là những hoạt động kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh và giao dịch bất động sản có liên quan đến KDBĐS. Báo cáo rà soát Luật cho rằng quy định này thể hiện tính không thống nhất và không hợp lý bởi những giao dịch bất động sản là hành vi dân sự trong BLDS 2005. Hơn nữa, tại khoản 4 Điều 4 luật quy định giao dịch Bất động sản có liên quan đến KDBĐS là việc mua bán chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản giữa tổ chức cá nhân không kinh doanh với tổ chức cá nhân kinh doanh BĐS là chưa thống nhất với quy định của BLDS 2005. Bởi vậy, nên đổi tên luật trở thành Luật Bất động sản và quy định rõ những nội dung có liên quan đến Bộ luật dân sự cho phù hợp và thống nhất.

Theo TS Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì việc sửa đổi tên gọi như khuyến nghị nhằm tăng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng sẽ góp phần tăng tính hợp lý, tăng tính thống nhất trong các quy định của pháp luật, tăng tính khả thi trong việc áp dụng luật. Sửa đổi tên gọi gắn liền với tăng phạm vi điều chỉnh sẽ đưa nhiều nội dung mới bổ sung làm cho Luật Bất động sản toàn diện hơn, thống nhất hơn với các quy định của Luật khác và đặc biệt sẽ cụ thể hóa nhiều hoạt động liên quan đến đầu tư kinh doanh và thị trường bất động sản hiện nay.

Không đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội cho rằng vẫn nên giữ nguyên tên gọi như cũ để tập trung điều chỉnh các hoạt động kinh doanh bất động sản, hoặc nếu cần thiết thì chỉ nên đổi tên thành Luật Giao dịch bất động sản, để không mở quá rộng đối tượng điều chỉnh phải bao gồm cả quyền sở hữu bất động sản đang khá nhạy cảm hiện nay. Tuy nhiên, nên mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật này cho cả các hoạt động mua bán BĐS thông qua các hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS và các giao dịch bất động sản nói chung khác về thế chấp, bảo lãnh, cầm cố, tặng cho mà luật hiện nay chưa điều chỉnh.

“Khuyến nghị sửa đổi tên Luật Bất động sản chưa đủ cơ sở khoa học, vì khi đó phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ rất rộng. Bởi lẽ bất động sản bao gồm cả đất đai và nhà ở; bao gồm cả tài sản được hưởng quy chế quản lý của Nhà nước đối với tài sản được quy định là bất động sản”- TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội góp ý.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh rằng: từ lâu, Nhà nước ta đã đề ra chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong đó BĐS và KDBĐS chưa phải là toàn bộ thị trường BĐS, vì vậy đáng lẽ nên ban hành sớm khuôn khổ pháp luật cho thị trường BĐS rồi sau đó mới ban hành Luật KDBĐS. Tuy nhiên, việc thay thế luật hiện hành bằng văn bản pháp luật khác gọi là Luật BĐS, trong đó luật KDBĐS chỉ là 1 chương trong số 8 chương của Luật mới chưa thực sự cần thiết. Phương án khả thi nhất là một mặt sửa đổi, bổ sung Luật KDBĐS năm 2006 và thu gọn nó trong phạm vi các hoạt động KDBĐS mà thôi. Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu soạn thảo Luật BĐS và kèm theo đó là các nghị định, thông tư có liên quan.

Việc sửa đổi tên gọi và đưa thêm một số nội dung mới vào trong luật là vấn đề lớn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu cụ thể của các chuyên gia để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất góp phần xây dựng pháp luật ngày càng toàn diện, đồng bộ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lâu dài và hoàn thiện hơn.

(Theo http://daibieunhandan.vn)