ĐBQH Hà Công Long (Gia Lai): Việc tiếp công dân là khâu đầu của quá trình giải quyết khiếu nại...
Tôi tán thành với việc UBTVQH chủ trương là tiếp tục quy định về vấn đề tiếp công dân cả trong Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Việc tiếp công dân là khâu đầu của quá trình giải quyết khiếu nại và thực tiễn hiện nay hết sức bức xúc đó là tổ chức tiếp công dân, nhất là tiếp các đoàn đông người. Vì vậy, việc quy định về vấn đề này ở trong dự thảo luật sẽ giúp cho khâu này giải quyết tốt và cũng ngăn chặn được những phức tạp có thể xảy ra trong khiếu nại đông người. Trong dự thảo luật quy định ở Điều 59 là trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân. Ở đây nói là các cơ quan, trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương tổ chức tiếp công dân theo quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Chúng tôi hiểu rằng như vậy hiện tại chỉ có trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, tới đây 63 tỉnh, thành sẽ có trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước ở địa phương. Như vậy có một hệ thống, đây là hệ thống cơ quan hay chỉ là địa điểm? Theo như luật thì đây là cơ quan. Mà đã là cơ quan thì phải có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Vậy trong dự thảo và trong Chương này sẽ giao cho các cơ quan có thẩm quyền và tổ chức có thẩm quyền là cơ quan nào? Chính phủ hay UBTVQH hay các cơ quan của địa phương ban hành quy định về tiếp công dân ở trụ sở? Vấn đề này trong luật không rõ. Tôi đề nghị phải thể hiện cho rõ.
Điều 62 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ tiếp công dân tôi cũng băn khoăn vì là cán bộ nhưng được giao nhiệm vụ rất quan trọng ở Khoản 3: "Theo dõi đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền, báo cáo kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo của người có trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo". Nếu là cán bộ lại được giao theo dõi đôn đốc người có thẩm quyền là thủ trưởng của mình chắc là khó. Chỗ này trong pháp luật hiện hành là nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, của thủ trưởng, nhưng trong luật này là trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân. Đề nghị Ban soạn thảo và UBTVQH nghiên cứu thêm để quy định cho rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ đến đâu, của cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức tiếp công dân đến đâu.
ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc): Tránh tư tưởng né tránh khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc đùn đẩy trách nhiệmVề quan điểm xây dựng Luật khiếu nại, tôi đề nghị cần tránh tư tưởng né tránh khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Một mặt tránh tình trạng khiếu nại phức tạp nhưng không vì thế chúng ta làm hạn chế quyền khiếu nại của công dân. Do vậy, tôi đề nghị xem xét thêm một số vấn đề sau:
Một, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đề nghị quy định công dân được quyền khiếu nại tất cả các văn bản hành chính trái pháp luật xâm phạm lợi ích của công dân. Vì ngoài quyết định hành chính, các hình thức văn bản hành chính khác cũng điều chỉnh quyền, lợi ích của công dân và thực tế đã xảy ra rất nhiều.
Hai, về thẩm quyền của thủ trưởng, cơ quan thuộc sở và cấp tương đương . Theo Điều 19 công dân được quyền khiếu nại đối với thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương lần đầu, lần thứ hai công dân cũng chỉ được khiếu nại đối với Giám đốc sở và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong khi đó công dân chỉ được khiếu nại 2 lần. Như vậy phạm vi giải quyết rất bó hẹp và thiếu tính khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Chính vì vậy, tôi đề nghị không quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương, mà chỉ quy định Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết lần đầu.
Ba, về thời hạn thụ lý, giải quyết khiếu nại tại Điều 27, 28, 33, 36, 38. Nếu quy định như dự thảo luật là quá ngắn. Thực tế, điều kiện tổ chức bộ máy cũng như cán bộ, trình độ, thủ tục giải quyết hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế trong khi nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức liên quan. Để xác minh và giải quyết một vấn đề khiếu nại thì phải có sự phối hợp và mất nhiều thời gian mới có thể ra kết luận được. Chính vì vậy quy định như dự thảo là khó khả thi. Việc không đáp ứng thời hạn giải quyết sẽ dẫn đến một số bất cập như khiếu nại sẽ phải chuyển sang tòa án giải quyết và có thể xảy ra tình trạng cơ quan nhà nước sẽ lợi dụng quy định này để né tránh giải quyết khiếu nại của công dân. Vì vậy đề nghị tăng thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại, tối thiểu cũng như dự thảo Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.
Bốn, về khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, đề nghị mở rộng lĩnh vực khiếu nại của cán bộ, công chức. Theo đó cán bộ, công chức được quyền khiếu nại đối với tất cả các lĩnh vực như khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, thôi việc, luân chuyển, biệt phái, nghỉ hưu, chế độ thai sản... để bảo vệ cán bộ, công chức, quyền khiếu nại của công dân. Trong Báo cáo giải trình của UBTVQH có nêu lý do việc giải quyết khiếu nại đối với lĩnh vực trên chưa được quy định trong Luật Cán bộ, công chức, tuy nhiên, tôi thấy nếu quy định trong Luật Khiếu nại thì cũng không có gì mâu thuẫn và không trái với quy định của Hiến pháp và pháp luật.
ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội): Nên đưa phần tiếp công dân thành một văn bản pháp lý riêng
Tôi đồng tình việc thể chế hóa và cụ thể hóa Luật Khiếu nại, tố cáo thành các luật khác nhau và theo quan điểm cá nhân tôi thì trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành có ba phần: một là khiếu nại, hai là tố cáo, ba là tiếp công dân. Do đó tôi đề nghị trong Điều 1 phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Khiếu nại nên đưa vào với phạm vi là khiếu nại quyết định hành chính, hành vi vi phạm hành chính của các cơ quan nhà nước, quyết định thi hành kỷ luật của cán bộ, công chức. Còn lại phần tiếp công dân trở thành một văn bản pháp lý riêng. Lý do tại sao? Bởi vì nếu đưa vào trong Luật Khiếu nại thì chỉ liên quan đến nội dung khiếu nại, còn nội dung tố cáo lại ở một văn bản luật khác. Đồng thời khi trụ sở tiếp công dân không phải cán bộ chỉ nghe công dân đến kiến nghị về khiếu nại, kiến nghị về tố cáo mà còn đề nghị, kiến nghị các ý kiến khác trong xây dựng tổ chức Nhà nước và kiến nghị những quyền lợi liên quan đến đất nước chúng ta. Do đó đề nghị phần tiếp công dân ở trong đối tượng điều chỉnh được đưa thành một văn bản pháp lý khác.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Dự thảo luật chưa đề cập đến việc phòng ngừa, ngăn chặn, nguyên nhân làm phát sinh khiếu nạiVề phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Điều 1 và Điều 3, cơ bản tôi nhất trí với dự thảo luật. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 3 đề nghị cần xác định rõ việc áp dụng Luật Khiếu nại để giải quyết loại khiếu nại nào của đơn vị sự nghiệp công lập và quy định thành chương riêng để điều chỉnh cho phù hợp.
Vấn đề thứ hai, tôi đề nghị cân nhắc bổ sung vào dự thảo luật 2 nội dung: một là việc thừa kế quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết khiếu nại. Bởi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm mà công dân đi khiếu nại có 2 nhóm: quyền nhân thân phi tài sản và quyền về tài sản. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, công dân có quyền để lại tài sản thừa kế, trong trường hợp khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến các quyền về tài sản như thu hồi đất, tịch thu tài sản... Nếu người khiếu nại bị chết trong thời gian đang xem xét, giải quyết, những người được quyền thừa kế tài sản của người khiếu nại cũng cần có quyền thừa kế việc khiếu nại đó. Hai, dự thảo luật chưa đề cập đến việc phòng ngừa, ngăn chặn, nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, nên tôi vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung một điều vào Chương I với nội dung: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình nếu trái pháp luật kịp thời sửa chữa, khắc phục tránh khiếu nại". Quản lý là một hoạt động hết sức đa dạng và phong phú diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác, hoạt động quản lý đòi hỏi sự nhanh nhạy, kịp thời để xử lý những tình huống đặt ra. Do đó, khi thực hiện công tác quản lý thông qua việc ban hành các quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính khó có thể bảo đảm chắc chắn tính đúng đắn trong quyết định cũng như hành vi của mình. Vì lẽ đó công tác kiểm tra xem xét lại quá trình thực hiện là hết sức quan trọng...
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre): Từng người khiếu nại phải có yêu cầu của mìnhĐề nghị bổ sung thêm vào Điều 6 một khoản quy định về hành vi bị nghiêm cấm. Đấy là trường hợp nghiêm cấm lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền, hoặc hoạt động chống lại Nhà nước. Bởi trên thực tế đã xảy ra tình trạng là những người khiếu nại, chưa biết đúng hay sai nhưng do bức xúc, cuối cùng thành lập hội đoàn và câu kết với các tổ chức mà chống phá Nhà nước. Thực tế gần đây cũng đã có một số án xâm phạm an ninh quốc gia mà xuất phát từ việc khiếu nại, tố cáo này.
Thứ hai, về vấn đề khiếu nại đông người, đây là vấn đề nhạy cảm, trên thực tế có những quyết định hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhưng thực tế quyền khiếu nại là quyền dân sự của mỗi công dân và cơ quan Nhà nước hay người có thẩm quyền giải quyết một trường hợp thì mỗi một người đều có quyền rất cụ thể và phải được giải quyết bằng những quyết định hành chính cụ thể cho anh A, anh B, anh C. Vì thế cho nên tôi đề nghị trong trường hợp khiếu kiện đông người thì từng người khiếu nại phải có yêu cầu của mình và cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết phải ra quyết định cụ thể giải quyết từng trường hợp để tránh trường hợp nhiều người khi khiếu nại huy động rất nhiều người vào để gây áp lực thì sẽ làm cho tình hình phức tạp.
Trong trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, đề nghị nên quy định về trường hợp giải quyết khiếu nại bằng công văn hoặc thông báo không qua quyết định cụ thể thì coi như chưa giải quyết khiếu nại để người khiếu nại được thực hiện quyền khiếu nại tiếp của mình.
ĐBQH Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn): Thế nào là khiếu nại nhiều người?Về phạm vi điều chỉnh, tôi đồng tình như dự thảo luật tại Điều 1 là chỉ điều chỉnh hai đối tượng, một là quyết định hành chính của cơ quan nhà nước, hai là hành vi hành chính của người có thẩm quyền.
Nội dung thứ hai, tôi thấy Khoản 3, Điều 3 quy định chưa rõ, đề nghị nói rõ thêm là cơ quan khác của nhà nước là cơ quan nào? Trong Khoản 3, Điều 3 có nói cơ quan khác của nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội có hướng dẫn trong việc thực hiện khiếu nại của cơ quan, tổ chức mình. Tôi thấy cần nói rõ cơ quan khác của nhà nước là cơ quan nào. Hơn nữa, trong Khoản 3, Điều 3 quy định các tổ chức này có hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về khiếu nại trong cơ quan, tổ chức mình. Như vậy trên cơ sở luật này có hiệu lực rồi, các cơ quan này hướng dẫn, vậy các hướng dẫn đó theo quy định của luật này nhưng mỗi cơ quan có khả năng sẽ quy định, một là lúng túng, hai là quy định sẽ không đồng nhất và thống nhất với nhau. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu tiếp.
Về khiếu nại nhiều người, tôi đồng tình với Báo cáo giải trình của UBTVQH. Tại Khoản 4, Điều 8; Khoản 2, Điều 31; Khoản 4, Điều 60 đã quy định khiếu nại nhiều người, ở đây không nói là đông người mà là nhiều người. Trong thực tế hiện nay cũng đang thực hiện việc này, khi đến khiếu nại có nhiều trường hợp khiếu nại đông người và không rõ ai là người đại diện để đứng ra đề nghị những vấn đề, nội dung cần khiếu nại không nhất trí với cơ quan nhà nước. Tôi đề nghị cần phải có khái niệm rõ và quy định trong luật này là từ mấy người trở lên là nhiều người.
Luật Khiếu nại mở quyền khiếu nại cho công dân, nhưng bên cạnh đó tôi thấy cần phải quy định thật cụ thể. Riêng về khiếu nại nhiều người tôi đề nghị cần cụ thể hơn...
ĐBQH Lương Văn Thành (Hải Phòng): Trình tự, thủ tục giải quyết đối với khiếu nại nhiều người phải giống như đối với từng người
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, quan điểm của tôi là thống nhất với dự thảo, vì Điều 1 điều chỉnh với các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, Luật Khiếu nại giải quyết rất nhiều đối tượng khác nhau, do vậy trong kết cấu của dự thảo xây dựng một Khoản 3 để điều chỉnh các đối tượng khác, trong đó có đối tượng là công lập. Đây là một trong những đối tượng trong thực tế điều chỉnh rất nhiều, đó là trong các trường học, trong các bệnh viện, các viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tế cũng rất nhiều loại đơn khiếu nại nếu không điều chỉnh trong Luật Khiếu nại thì sẽ rất khó khi giải quyết các trường hợp có liên quan đến các đối tượng công lập.
Về khiếu nại nhiều người, quan điểm của tôi cho rằng cần phải quy định vấn đề này trong luật để làm căn cứ giải quyết, đặc biệt là các quyết định hành chính cũng như hành vi hành chính có liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa mặt bằng bởi hiện nay, khiếu nại trong lĩnh vực này đang chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục giải quyết đối với khiếu nại nhiều người vẫn tuân theo trình tự, thủ tục chung như giải quyết đối với từng người.
(Theo http://daibieunhandan.vn)