•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi): Không nên lập quỹ bồi thường oan sai

10/01/2017
Hôm qua (9/1), tại Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn quan điểm khác nhau của Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn trong việc xác định mức bồi thường, kinh phí bồi thường, đặc biệt là đề xuất lập quỹ phục vụ bồi thường oan sai.

Cần có barem “cứng” để bồi thường

 

Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thực tế hiện nay rất khó khăn trong việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, nhất là việc định lượng, xác định mức bồi thường cho người oan sai. Có khoản dễ tính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính chẳng hạn như thu nhập tối thiểu nhân với số ngày ngồi tù oan. Nhưng có những khoản chỉ mang tính định tính, không thể định lượng, như tổn hại về tinh thần, sức khỏe,… Ông cho rằng, nếu không quy định cụ thể thì rất khó cho cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.

 

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình

 

Dẫn chứng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được bồi thường 7,2 tỷ đồng, khi kiểm điểm lại định mức bồi thường, các cơ quan cho rằng Tòa án đã vận dụng luật không đúng, chấp nhận mức bồi thường quá cao. Theo ông Bình, việc này tạo “tiền lệ” để các trường hợp bồi thường oan khác so sánh, đối chiếu. 

 

So với vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin: “Hiện chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Nén, nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén rất hạn chế và chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén 17 năm”.

 

Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, vì không cụ thể chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường nên khi thương lượng rất khó khăn. Do đó, ông Thể đề nghị, cần đưa vào Luật nhưng chi phí “cứng” như bồi thường về việc mất thu nhập tính theo số ngày ngồi tù, nhưng với những thiệt hại vô hình của người bị oan sai như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc bị mất… thì cần có barem tương đối chứ không thể yêu cầu người dân xuất trình hoá đơn, giấy tờ chứng minh được. 

 

Về vấn đề trách nhiệm bồi hoàn của người thực thi công vụ, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, cán bộ các cơ quan tố tụng thay mặt Nhà nước để làm công việc điều tra, truy tố, xét xử. Chính vì thế, khi cán bộ sai, cơ quan công quyền phải đền bù, xin lỗi là đúng. Theo ông Thể, chỉ trường hợp xác định cán bộ cố ý làm trái dẫn đến sai sót mới phải tự bỏ tiền túi ra đền. Còn vấn đề như trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại… 

 

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, người thi hành công vụ không làm việc với tư cách cá nhân, để đảm bảo quyền lợi cho người bị oan trước hết phải lấy từ ngân sách nhà nước để bồi thường, sau đó tính khoản bồi hoàn sau. Theo bà Nga, việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là vừa phải đảm bảo quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, vừa đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng; nâng cao trách nhiệm cán bộ thực thi công vụ nhưng không làm “chùn tay” của cán bộ thực thi. 

 

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng đó là trách nhiệm của các cơ quan khi gây ra oan sai. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan cuối cùng nào làm sai thì đứng ra thay mặt Nhà nước để xin lỗi và bồi thường cho người bị oan sai. Nhưng trên thực tế có tình huống sai xót xuyên suốt từ đầu quá trình điều tra đến khâu luận tội. Vậy nên, cũng phải xác định rõ trách nhiệm cho những người sai đầu tiên, chứ không có chuyện đá bóng sang sân khác. Như vậy mới có cơ hội khắc phục oan sai trong toàn hệ thống.

 

Kinh phí bồi thường lấy từ đâu?

 

Về vấn đề kinh phí để bồi thường, nhiều ý kiến cho rằng nên phân định rõ và có một “quỹ” riêng để tiến hành bồi thường oan sai. Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, hiện tại các cơ quan rất áp lực từ dư luận trong việc sử dụng tiền ngân sách đề bồi thường cho sai phạm của của cán bộ công chức, viên chức nhà nước, điều này cũng gây khó khăn cho quá trình giải quyết bồi thường. “Ngay cả trong Quốc hội các đại biểu cũng đặt vấn đề là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải để dành cho việc bồi thường những sai sót của cán bộ, cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhiều nước, đã có xây dựng quỹ để phục vụ việc bồi thường”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.

 

Là cơ quan tiếp nhận ý kiến của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri rất băn khoăn về việc lấy tiền từ ngân sách nhà nước để bồi thường. “Họ cho rằng, cần có sự tách bạch như đề xuất lập quỹ lấy tiền từ xử phạt bồi thường”, bà Hải nói. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện tại chúng ta có quá nhiều loại quỹ (khoảng 80 quỹ), và không cần thiết một quỹ như trên. “Hoạt động của Nhà nước là phải do ngân sách nhà nước chi trả. Khi Nhà nước bồi thường oan sai, rõ ràng lấy từ tiền ngân sách. Cần giải thích rõ cho người dân là tiền bồi thường lấy từ tiền thuế hay tiền khác, nhưng vẫn là từ ngân sách nhà nước. Không nên rạch ròi ngân sách khoản này chi cho việc này, khoản khác chi cho việc khác, theo tôi là không hợp lý, không đúng nguyên tắc”. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Cấp nào ra quyết định sai thì cấp đó phải bồi thường, xin lỗi. Còn khi đã sai, đúng mà còn liên quan đến cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thì trách nhiệm phải rõ”.

 

Kết luận sơ bộ nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, Dự thảo Luật là vô cùng quan trọng vì liên quan đến người dân và các cơ quan công vụ nên càng thảo luận kỹ, thận trọng càng tốt. Do đó, ông Lưu đề nghị, sau phiên họp này, các cơ quan cần ngồi lại với nhau để xử lý vấn đề tồn tại còn ý kiến khác nhau, sau đó, sớm tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách mời các cơ quan, chuyên gia tham gia, sau đó báo cáo lại Thường vụ QH trước khi trình ra Quốc hội. 

 

(Theo http://baophapluat.vn)