•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Nên có giám định pháp y khu vực?

07/04/2011
Cho rằng, việc thành lập Trung tâm pháp y tỉnh và Phòng giám định pháp y là dàn trải, lãng phí nhân lực, vật lực, Dự thảo Luật Giám định Tư pháp hướng tới thành lập Trung tâm giám định pháp y khu vực. Tuy nhiên, chủ trương này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Giám định “nóng” mà chờ khu vực: không ổn

Thực hiện Pháp lệnh giám định tư pháp, đến nay hầu hết các địa phương đều thành lập Trung tâm pháp y tỉnh hoặc Phòng giám định pháp y. Tuy nhiên theo Bộ Tư pháp do một số nơi lượng việc ít dẫn đến lãng phí về nhân lực. Một số nơi khác chưa được đầu tư về cơ sở vật chất nên hoạt động hạn chế.

Dự thảo Luật Giám định Tư pháp mới quy định tổ chức giám định pháp y vẫn duy trì ở cả 3 ngành: y tế, công an, quân đội, trong đó hệ thống tổ chức giám định pháp y trong ngành y tế là nòng cốt, tổ chức ở Trung ương và khu vực (một số tỉnh, thành phố trực thuộc TW là một khu vực, tùy theo nhu cầu và điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế xã hội ở địa phương đó). Bên cạnh các tổ chức này thì vẫn phát huy việc trưng cầu các bệnh viện, tổ chức y tế.

“Tử thi chết không rõ nguyên nhân mà đợi Giám định pháp y khu vực thì chỉ có… chết”, ông Đoàn Văn Kỉnh, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, lên tiếng. Ông Kỉnh dẫn chứng nhiều vụ việc chết không rõ nguyên nhân, dân bức xúc mang cả quan tài đến UBND gây sức ép. “Nếu không làm ngay mà chờ khu vực đến nơi thì không biết hậu quả sẽ thế nào?”. Nhìn xa hơn, theo ông Kỉnh “mô hình khu vực sẽ không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm” và việc thành lập khu vực chỉ nên đối với Pháp y tâm thần.

Quan điểm của ông Kỉnh được Viện Pháp y Quốc gia tán thành cao: Nếu là giám định tư pháp thuộc các lĩnh vực khác ( để giám định các ca không cần phải làm ngay, mà một vài ngày, hoặc vài tuần chuyển cũng không sao) thì mô hình Trung tâm pháp y khu vực là hoàn toàn phù hợp. Nhưng với các ca giám định “nóng” để xác định ngay dấu vết, hoặc thu thập chứng cứ thì mô hình trên là “không khả thi”. Viện này đề nghị giữ nguyên mô hình như hiện nay hoặc có thể thành lập thêm các Phân viện hoặc Trung tâm cụm.

“Xóa sổ” pháp y tỉnh?

Chung lo lắng, bác sỹ Phạm Văn Vân - Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị - đặt câu hỏi: “ Việc trưng cầu giám định sẽ được thực hiện như thế nào? Có còn trưng cầu tại Trung tâm pháp y tỉnh nữa hay không, nếu không ta thừa nhận “xóa sổ” Trung tâm pháp y tỉnh?”.

Khẳng định hoạt động giám định tư pháp có đặc thù riêng và mang tính chất kịp thời, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đề nghị Dự thảo Luật cần quy định mỗi tỉnh phải có tổ chức giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự, kết hợp với việc quy định có các Trung tâm giám định lớn ở mỗi khu vực (như mô hình của Tòa án).

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị, nếu đưa ra mô hình Trung tâm giám định pháp y khu vực thì cần phải có đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về hoạt động giám định của pháp y tỉnh thành để có cơ sở khoa học và thực tiễn, xây dựng các quy định đáp ứng tốt hoạt động giám định trong điều kiện hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, nếu thành lập các Trung tâm giám định pháp y khu vực mà xóa bỏ các tổ chức giám định pháp y ở các tỉnh, thành hiện có thì giám định pháp y tử thi sẽ không bảo đảm, gây khó khăn, nhất là đối với các địa phương có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…

(Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam)