Tham gia hội thảo có các đại biểu đến từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội); Hội đồng Lý luận Trung ương; Học viện Khoa học xã hội; Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện Khoa học pháp lý và đông đảo các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật.
Có 07 tham luận được trình bày tại hội thảo:
- Quan điểm, nguyên tắc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam - GS.TS. Phạm Hồng Thái (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội);
- Đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng kiến tạo phát triển – GS.TS. Võ Khánh Vinh (Học viện Khoa học xã hội);
- Nhận thức về nhà nước kiến tạo phát triển và những thành tố phổ biến của nhà nước kiến tạo phát triển trên thế giới – ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương (Viện Nhà nước và Pháp luật);
- Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật đảm bảo bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của nhà nước kiến tạo phát triển – TS. Bùi Tiến Đại (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội);
- Nhà nước kiến tạo và những vấn đề đặt ra trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay – PGS.TS. Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật);
- Lợi ích xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển đối với Việt Nam và nhu cầu, yêu cầu xây dựng, thực hiện pháp luật trong nhà nước kiến tạo phát triển – PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật);
- Quá trình tạo lập các tiền đề, điều kiện xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở nước ta trong thời gian qua và yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện pháp luật ở Việt Nam – PGS.TS. Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật).

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu kai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) gợi mở, hiện nay đã có khá nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về nhà nước kiến tạo phát triển. Ông mong muốn hội thảo này là dịp để các nhà khoa học cùng nhau trao đổi, thảo luận để đưa ra những cách tiếp cận mới, nhận thức mới. Về phần mình, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, nhà nước kiến tạo phát triển không phải là mô hình Nhà nước mà là một thể chế, cách thức vận hành và quản trị. Nhà nước kiến tạo phát triển là Nhà nước không làm thay các chủ thể mà phải có sự phân vai giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Nhà nước tạo tiền đề cho các chủ thể kinh doanh, tạo môi trường để thu hút các nguồn lực để phát triển quốc gia.
GS.TS. Võ Khánh Vinh trao đổi về đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng kiến tạo phát triển. Nội dung tham luận hướng đến trả lời 04 câu hỏi: Kiến tạo cái gì? Bằng phương thức nào? Để làm gì và như thế nào? GS Võ Khánh Vinh đưa ra câu trả lời: Kiến tạo chính sách và pháp luật bằng phương thức xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật để phát triển con người và xã hội.
Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, mục tiêu của nhà nước kiến tạo phát triển là phát triển con người, hiện đại hoá pháp quyền, hoàn thiện thể chế và nâng cao văn hoá pháp luật. Cần đưa ra hệ thống quan điểm, định hướng để Nhà nước kiến tạo ra chính sách, pháp luật để phát triển con người và xã hội.
Trao đổi tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hùng (Hội đồng Lý luận Trung ương) đồng tình với quan điểm của GS.TS. Võ Khánh Vinh. Ông mong muốn các nhà khoa học chỉ ra những đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam.
GS.TS. Lê Minh Tâm (Hội Luật gia Việt Nam) nói về cách tiếp cận nhà nước kiến tạo phát triển từ góc độ văn hóa pháp luật. Phải có văn hóa pháp luật cao với triết lý tôn trọng pháp quyền, Nhà nước cần có chính sách phát huy giá trị xã hội lớn của pháp luật thì lúc đó mới là nhà nước kiến tạo phát triển.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị trao đổi tại hội thảo
Về vấn đề lợi ích, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam nhìn chung là có lợi cho nhân dân, cho quốc gia, cho xã hội. Tuy nhiên, trong từng khu vực, đối với từng nhóm chủ thể, lợi ích trong việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển là không giống nhau. Chẳng hạn, trong khu vực nhà nước có chủ thể có lợi ích về xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển - đó là các nhà chức trách, công chức, viên chức có mong muốn về xây dựng một bộ máy nhà nước phục vụ nhân dân, một bộ máy nhà nước dân chủ pháp quyền, có trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Họ có trí tuệ, có năng lực để làm việc trong nhà nước kiến tạo phát triển Ở phía ngược lại, có một bộ phận quan chức, công chức, viên chức không những không mong muốn mà còn có hành vi cản trở việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển vì họ không còn thích hợp với những yêu cầu mới, hơn nữa việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển còn làm mất đi những “lợi ích” từ yêu cầu về bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.
Theo bà Trần Thị Quốc Khánh (Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội), những định hướng phát triển về hoàn thiện pháp luật đóng góp cho Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam cần được lập luận sâu sắc hơn để những nhà hoạch định chính sách có định hướng chiến lược cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Các nước trên thế giới đang có sự thay đổi nhận thức về nền hành chính công - nền hành chính phục vụ trong nhà nước kiến tạo với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thảo luận. Ông đã tóm tắt những kết quả đã đạt được tại hội thảo: Nhận diện được quan điểm về nhà nước kiến tạo phát triển; Bản thân khái niệm có tính chất mở nhưng cũng có những điểm chung giữa các nhà khoa học; Chức năng, vai trò của Nhà nước trong nhà nước kiến tạo phát triển cần có cách nhìn nhận mới; Nhà nước đóng vai trò xây dựng chính sách, pháp luật cho sự phát triển của quốc gia nhằm mục tiêu phát triển con người, phát triển xã hội.