•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về Hiến pháp – Kinh nghiệm của CHLB Đức”

29/01/2011
Trong các ngày 17, 18/01/2011 tại Hà Nội và 20, 21/01/2011 tại Vũng Tàu, hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về Hiến pháp – Kinh nghiệm của CHLB Đức” do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS tại Hà Nội (CHLB Đức) đã được tổ chức.

Nhiều đại biểu và nhà khoa học đến từ: Viện Nhà nước và Pháp luật, Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Tự do Berlin (CHLB Đức), Viện Từ điển học và Bách khoa thư, Viện Kiểm sát nhân dân Tp.Hải Phòng, Tòa án nhân dân Bắc Giang, Sở Tư pháp Bà Rịa – Vũng Tàu, Viện Kiểm sát nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu, Hội Luật gia Bà Rịa – Vũng Tàu, Liên đoàn Luật sư Việt Nam,… đã tham dự hội thảo.

Đồng chủ trì hội thảo là PGS.TS Nguyễn Như Phát - Viện trưởng, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; ông Amos Helms - Đại diện Viện KAS tại Hà Nội, GS.TS. Markus Heintzen - Đại học Tự do Berlin.

Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận và bình luận của chuyên gia Đức và các nhà khoa học Việt Nam đã đề cập những vấn đề lý luận cơ bản về Hiến pháp cũng như những kinh nghiệm xây dựng và thực thi Hiến pháp từ thực tiễn của CHLB Đức.

Tại cuộc hội thảo diễn ra ở Hà Nội, các đại biểu trao đổi sôi nổi về quan niệm hiến pháp hiện đại; nhu cầu sửa đổi Hiến pháp Việt Nam năm 1992; những nội dung cần được thể hiện trong Hiến pháp; cơ cấu của một bản Hiến pháp; cách thức thể hiện quyền con người, quyền công dân và chế độ kinh tế trong Hiến pháp; cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước và sự thể hiện cơ chế này trong Hiến pháp.

Các đại biểu cho rằng, các quy định của Hiến pháp không nên cụ thể mà nên là các quy định khái quát, có tính nguyên tắc. Tòa án Hiến pháp sẽ là cơ quan có chức năng giải thích Hiến pháp. Về chế độ kinh tế, có hai ý kiến. Ý kiến thứ nhất: Không nên có riêng một chương về chế độ kinh tế mà chỉ nên đưa ra những nguyên tắc chung về chế độ kinh tế trong chương Những nguyên tắc cơ bản. Ý kiến thứ hai cho rằng, vẫn nên có một chương về chế độ kinh tế.

Về quyền con người, có ý kiến đưa ra, chỉ nên có một quy định mang tính nguyên tắc: Nhà nước Việt Nam coi trọng và bảo vệ quyền con người. Ngoài ra, một số người ủng hộ ý tưởng cần “thể chế hóa” đầy đủ các quyền con người trong bản Hiến pháp.

Tại hội thảo diễn ra ở Vũng Tàu, các đại biểu đã thảo luận nhiều hơn về những vấn đề có tính phổ biến và tính đặc thù trong cơ cấu và nội dung của các bản Hiến pháp; về nhu cầu sử đổi Hiến pháp Việt Nam năm 1992; về cơ chế bảo vệ Hiến pháp; về vấn đề quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp; về quy trình sửa đổi Hiến pháp. Nhiều đại biểu nhất trí quan điểm, cần xây dựng quy trình sửa đổi Hiến pháp bằng một nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm cho việc xây dựng được một bản Hiến pháp thực sự là Hiến pháp.

Kết thúc Hội thảo, nhiều nhà khoa học cho rằng Hội thảo rất bổ ích, có ý nghĩa cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Các nhà khoa học cũng cho rẳng, nhiều quan điểm khoa học được gợi mở tại Hội thảo cần được tiếp tục thảo luận và phát triển thêm.

Bạn đọc cần tham khảo tài liệu liên quan đến 02 cuộc Hội thảo nói trên, có thể liên hệ với Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật, số 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Các tin cùng chuyên mục: