Sau khi các đảng viên dự bị Lê Phương Hoa, Phạm Xô Việt và Lã Trường Anh đọc bản tự kiểm điểm, các thành viên trong Chi đoàn đã đưa ra những ý kiến, nhận xét, nêu lên các mặt mạnh, điểm yếu với các đồng chí này. Sau khi nhận xét, 100% đoàn viên tại hội nghị đã biểu quyết nhất trí đề nghị xét chuyển Đảng chính thức lên Ban chấp hành Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Đ/c Lê Phương Hoa đọc bản tự kiểm điểm đảng viên dự bị.
Tiếp theo là buổi trao đổi khoa học với chủ đề Trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Ngoài các nhà nghiên cứu trẻ, một số cán bộ nghiên cứu khác trong Viện quan tâm đến lĩnh vực này đã đến dự. Mở đầu, ThS. Nguyễn Thu Dung, phòng Pháp luật Kinh tế, nhận định: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phải là vấn đề mới vì đã từng được đưa ra khi xây dựng Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng vào thời điểm đó, vấn đề này không được tiếp thu vì chưa có đầy đủ luận cứ khoa học. Hiện nay, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân lại được đặt ra một lần nữa. Lần này, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thẩm định các dự án luật đã chủ động nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, từ đó đề xuất xây dựng các quy phạm pháp luật tương ứng. Theo đó, có 5 vấn đề chính cần nghiên cứu và thảo luận:
- Sự cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân;
- Các loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự;
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân;
- Điều kiện áp dụng TNHS đối với pháp nhân;
- Hình phạt đối với pháp nhân phạm tội.
ThS. Nguyễn Thu Dung.
Việc xử lý các hành vi vi phạm theo trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự chưa đạt hiệu quả là do các quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp, ví dụ như mức xử phạt thấp, bộ máy thi hành công vụ rườm rà. Do đó, nhiều quan điểm cho rằng, cần cải thiện các quy định này trước khi nghĩ đến việc bổ sung quy định TNHS đối với pháp nhân. Bởi lẽ, các chế tài theo trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự của pháp nhân đều đã được quy định rõ ràng. Vấn đề chỉ là thực tiễn thực hiện pháp luật đến đâu.
Tuy nhiên, trong một vụ việc vi phạm cụ thể, nếu chỉ xử lý trách nhiệm hành chính đối với tổ chức và trách nhiệm hình sự đối với một số cá nhân thì thiếu công bằng vì trong nhiều trường hợp, các quyết định của pháp nhân đều do Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên đưa ra, cá nhân chỉ là người thừa hành. Nếu chỉ xử lý vi phạm hành chính đối với pháp nhân thì không tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Nhận định về yếu tố lỗi khi xác định trách nhiệm hình sự, ThS. Lê Thị Hồng Xuân, phòng Pháp luật Hình sự, cho rằng: Về bản chất, lỗi là thái độ tâm lý bên trong do cá nhân gây ra nhưng pháp nhân thường là tổ chức. Thực tế, ở nhiều nước đã công nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Các nước này xác định lỗi dựa trên thuyết đồng nhất hóa, hành vi có lỗi của người đại diện cho pháp nhân (người lãnh đạo, điều hành) thì được coi là lỗi của pháp nhân. Việc chỉ xử lý hình sự với cá nhân là thiếu công bằng. Trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, loại pháp nhân phải chịu trách hình sự chỉ là pháp nhân kinh tế (tội phạm xâm quạm quản lý kinh tế, tội phạm môi trường,…) nhưng ở các nước khác còn có các đối tượng khác như các hiệp hội.
Bàn về hình phạt đối với pháp nhận phạm tội quy định trong dự thảo, ThS. Bùi Thị Hường, phòng NC Quyền con người, nhận xét, các hình phạt cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đã được quy định trong luật hành chính và luật dân sự. Tuy nhiên, chế tài hình sự đối với pháp nhân còn có các hình phạt bổ sung: công khai bản án, quyết định của tòa án; cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực; cấm huy động vốn cũng như mức phạt tiền cao hơn so với mức phạt hành chính. Do đó, những hình phạt này thể hiện tính răn đe cao hơn.
ThS. Bùi Thị Hường.
Bình luận về chủ đề này, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, Phó Viện trưởng, cho rằng: Việc nghiên cứu về trách nhiệm hình sự của pháp nhân phải bắt đầu từ lý thuyết về tội phạm học. Hiện nay, trong một Nhà nước hiện đại, những tội phạm về tài chính, dạng tội phạm có tổ chức rất khó xác định để xử lý. Để xác định TNHS của pháp nhân thì phải tìm hiểu mối liên hệ với TNHS của cá nhân, là “những người đại diện theo luật”. Những người đại diện theo luật khác với người đại diện theo pháp luật, đó có thể là tài xế taxi cứu người bị nạn, là người hàng xóm cứu nhà bên cạnh gặp hỏa hoạn,...