•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học các đề tài cơ sở tổ chức ngày 26/09/2023

09/10/2023
Trong ngày 26/09/2023, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức tọa đàm báo cáo kết quả nghiên cứu của 04 đề tài cấp cơ sở năm 2023 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Tọa đàm đầu tiên về đề tài cơ sở cá nhân “Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương thức trung gian, hòa giải” của ThS. Bùi Thị Hường. Đề tài nghiên cứu cơ sở pháp luật quốc tế và thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế bằng phương thức trung gian, hòa giải gắn với điều kiện Việt Nam với phạm vi là các tranh chấp giữa các quốc gia về biên giới, chủ quyền lãnh thổ trên biển, các mâu thuẫn về chính trị và việc áp dụng chính sách thương mại giữa các nước để giải quyết vấn đề mâu thuẫn.

 

ThS. Bùi Thị Hường trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Các tranh chấp này có thể là giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền hoặc giữa quốc gia với các tổ chức quốc tế. Đây là những chủ thể có quyền năng nhất định, khác với các chủ thể tư. Mục đích cuối cùng của trung gian hay hòa giải là để các bên tranh chấp thấu hiểu nhau và đạt được kết quả là hai bên thỏa thuận được với nhau. Trong đó, trung gian mang tính thụ động, hòa giải mang tính chủ động.

 

Theo tác giả, nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng phương thức trung gian, hòa giải là: Sự đồng ý của các bên tranh chấp; bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực; không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; tính vô tư của bên trung gian, hòa giải; các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau. Sau đó, tác giả đã nêu ra thực trạng pháp luật quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng phương thức trung gian, hòa giải và đang tiếp tục triển khai nghiên cứu để rút ra bài học cho Việt Nam.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh nhận xét, Đề tài chưa có sự nhận diện cụ thể, chỉ rõ sự khác nhau giữa phương thức trung gian với phương thức hòa giải cũng như chưa so sánh trung gian, hòa giải với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Đề tài cũng cần tìm hiểu, nêu ra những ưu điểm, hạn chế và trình tự, thủ tục khi áp dụng với từng phương thức. Về thực trạng áp dụng phương thức này, tác giả nên bổ sung các vụ việc điển hình với bên thứ ba là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc cá nhân để phản ánh được thực tiễn đời sống pháp lý quốc tế.

 

Nhận định về vai trò của bên thứ ba trong hai phương thức này, TS. Nguyễn Tiến Đức cho rằng, với phương thức trung gian, bên thứ ba không tham gia sâu vào việc giải quyết tranh giữa các bên. Họ thường là cá nhân có uy tín quốc tế, là người làm xoa dịu tình hình, giúp các bên bớt căng thẳng để cùng đàm phán, trao đổi thân thiện trên tinh thần xây dựng và hợp tác. Trong khi đó, với hòa giải, bên thứ ba tham gia vào toàn bộ quá trình đàm phán, thảo luận của các bên tranh chấp, có thể đưa ra sáng kiến giải quyết vụ việc cho các bên.

 

TS. Nguyễn Thu Hương (bên trái)

 

Đề tài thứ hai tổ chức sinh hoạt khoa học là của TS. Nguyễn Thu Hương có chủ đề “Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên”. Đề tài được kết cầu gồm hai chương:

- Lý luận về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong các hiệp định thương mại tự do (FTA);

- Thực trạng về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và các giải pháp bảo đảm tăng cường hiệu quả thực hiện.

 

Chương 1 bao gồm khái niệm, đặc điểm và nội dung về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong các FTA. Về nội dung, chủ nhiệm đề tài tập trung nghiên cứu các chính sách trong các cam kết về tự do hóa đầu tư, bảo hộ đầu tư của các nước thành viên trong các FTA nhằm hạn chế sự can thiệp của nước tiếp nhận đầu tư vào hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư. Đó là các nguyên tắc như đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia, bên cạnh đó còn có các cam kết liên quan đến việc không áp dụng một số biện pháp ảnh hưởng đến nhà đầu tư (tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; không cho nhà đầu tư được chuyển tiền tự do…). Những cam kết này thể hiện sự ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch trong các hoạt động đầu tư như kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, từ đó tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam.

 

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nên cần phải có chiến lược cụ thể. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết trên 50 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta đã ban hành 12 đạo luật, khoảng 200 nghị định và các văn bản dưới luật liên quan đến tự do hóa thương mại, trong đó có các văn bản quan trọng như Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung năm 2020. Có thể nói, Việt Nam đã rà soát, sửa đổi, bổ sung toàn diện nhiều đạo luật và văn bản dưới luật để đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới, các cam kết được quy định trong các FTA cũng như cải thiện môi trường đầu tư. Số dự án được cấp mới liên tục gia tăng kể từ sau đại dịch Covid-19 với số vốn được đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Mặc dù có những kết quả tích cực nêu trên, nhiều nhà đầu tư vẫn đánh giá các quy định, thủ tục trong pháp luật còn rườm rà, chồng chéo, tỷ lệ tranh chấp có yếu tố nước ngoài cao. Cùng với đó, nguồn nhân lực thiếu hụt lao động chất lượng cao cũng là một hạn chế rất lớn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững, TS. Nguyễn Thu Hương cho rằng, Việt Nam cần đưa ra các giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy thị trường, đảm bảo thông lệ quốc tế thì các quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật phải chi tiết, cụ thể, dễ thực hiện để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước. Một giải pháp nữa cần được thực hiện là kiểm soát và sàng lọc chất lượng dòng vốn.

 

TS. Nguyễn Tiến Đức (bên phải) và TS. Võ Khánh Minh

 

Đề tài thứ ba báo cáo kết quả nghiên cứu là “Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng phương thức trọng tài quốc tế” do TS. Nguyễn Tiến Đức làm chủ nhiệm, TS. Võ Khánh Minh là thành viên.

 

Điều 2(3) Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 yêu cầu tất cả các bên liên quan phải vận dụng mọi biện pháp có thể để hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế. Điều 33(5) đưa ra các phương thức hòa bình giải quyết tranh chấp, trong đó có trọng tài quốc tế. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thuộc lĩnh vực điều chỉnh của luật quốc tế. Với phương thức này, các bên được tự do lựa chọn cách thức, luật áp dụng, thành phần trọng tài và tính bảo mật. Điều này cho các bên quyền tự chủ và kiểm soát quy trình tố tụng, từ đó tăng tính chính danh và khả năng thi hành của phán quyết trọng tài trên thực tế. Vì lẽ đó, phương thức trọng tài ngày càng trở nên thông dụng trong giải quyết tranh chấp quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực luật đầu tư quốc tế và luật biển quốc tế.

 

Lợi thế của phương thức trọng tài là các bên có thể thoả thuận đưa ra các quy định tố tụng đơn giản, linh hoạt cho phép rút ngắn quá trình đưa ra phán quyết. Do đó, phán quyết trọng tài khi đưa ra sẽ kịp thời giải quyết tranh chấp phát sinh, không để vấn đề trở nên phức tạp. Luật áp dụng cho phương thức này, về hình thức, gồm các quy tắc, thủ tục tố tụng được ghi nhận trong các điều ước quốc tế và nội quy, quy chế của cơ quan tài phán quốc tế; luật nội dung gồm các quy định của luật quốc tế làm cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề tranh chấp.

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Phạm vi nghiên cứu của Đề tài là về áp dụng phương thức trọng tài quốc tế trong hai lĩnh vực, luật biển quốc tế và luật đầu tư quốc tế. Trong luật biển quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Đề tài đã phân tích các cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS, trong đó có Tòa trọng tài theo Phụ lục VII và Tòa trọng tài theo Phụ lục VIII và liên hệ cụ thể đến vụ kiện ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc năm 2013.

 

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, tranh chấp trong lĩnh vực luật biển là tranh chấp công, còn tranh chấp trong luật đầu tư là tranh chấp tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư cho nên phương thức trọng tài áp dụng giải quyết cho hai dạng tranh chấp này về bản chất là khác nhau liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hiệu lực. Vì thế, Đề tài cần có sự so sánh về áp dụng phương thức trọng tài giữa hai dạng tranh chấp. Đồng ý với ý kiến của PGS.TS. Lê Mai Thanh, về mặt lý luận, TS. Nguyễn Linh Giang đề nghị Đề tài cần làm rõ, có sự tách bạch giữa giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo dạng luật công với luật tư. Ngoài những cái chung như thủ tục, quy trình lựa chọn trọng tài… thì còn có cái riêng, cái khác biệt như chủ thể, cơ sở pháp lý, tính chất vụ việc, thi hành phán quyết… 

 

TS. Nguyễn Linh Giang góp ý cho đề tài do TS. Nguyễn Tiến Đức là chủ nhiệm

 

Tọa đàm cuối cùng trong ngày là về Đề tài của ThS. Phạm Hồng Nhật, “Pháp luật quốc tế về di dân”. Di dân là sự di chuyển của dân cư ra khỏi nơi cư trú của họ. Pháp luật quốc tế về di dân được hiểu là thuật ngữ bao trùm để chỉ khuôn khổ pháp lý quốc tế điều chỉnh vấn đề di dân. Đối tượng điều chỉnh là mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ của các thể nhân với quốc gia và giữa các quốc gia có thể nhân của mình có hoạt động di dân. Nội dung và nguồn của pháp luật quốc tế về di dân là pháp luật của mỗi quốc gia và điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật, án lệ.

 

Tác giả đã trình bày thực trạng và thực tiễn áp dụng các nguyên tắc pháp luật quốc tế về di dân: (i) Quốc tịch; (ii) Chủ quyền quốc gia và kiểm soát biên giới; (iii) Bảo đảm quyền của người di dân. Trong đó, với nguyên tắc chủ quyền quốc gia và kiểm soát biên giới, quốc gia có quyền thực thi quyền lực đối với cá nhân sống trong lãnh thổ của quốc gia và hành động thay mặt cho những cá nhân đó. Pháp luật quốc tế thừa nhận thẩm quyền tài phán quốc gia với việc xuất, nhập cảnh và có nghĩa vụ không từ chối các cá nhân đang gặp nguy hiểm.

 

ThS. Phạm Hồng Nhật trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Sau đó, ThS, Phạm Hồng Nhật đề xuất một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho di dân hợp pháp và hạn chế, ngăn chặn di dân bất hợp pháp. Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất bao gồm: đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ cho người di dân trong suốt quá trình di dân, đảm bảo cho người di dân có giấy tờ chứng minh nhân thân và giấy tờ đi lại phù hợp, đảm bảo sự sẵn có và linh hoạt của các phương thức di dân hợp pháp.

 

Đề tài đã nhận được các góp ý, bình luận của các nhà khoa học về các vấn đề: phân loại di dân (tị nạn chính trị hay thay đổi nơi cư trú để đạt được mục đích về việc làm…); mục đích của di dân; gợi mở giải pháp hoàn thiện pháp luật theo hai hướng người Việt Nam di dân ra nước ngoài và người nước ngoài di dân vào Việt Nam…

Các tin cùng chuyên mục: