•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Bầu cử đại biểu dân cử - cấp bách và căn cơ

10/11/2010
Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND vừa được QH thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng 8/11 - được xây dựng theo phương thức dùng một luật để sửa nhiều luật và áp dụng quy trình thông qua tại một kỳ họp. Phương thức và quy trình này - cho thấy thực tiễn đang đòi hỏi cấp bách về pháp luật bầu cử.
Một tính toán cho thấy, thời gian từ nay đến ngày công bố bầu cử không còn dài. Theo pháp luật hiện hành, đến trung tuần tháng 1.2011 quốc dân đồng bào phải được thông tin về việc bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND - thì có nghĩa là chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, cơ quan có thẩm quyền phải công bố về các cuộc bầu cử. Phải dùng một luật để sửa hai đạo luật về bầu cử và phải sửa cấp bách là bởi năm 2011 sẽ là lần đầu tiên nước ta tiến hành bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND cùng một ngày trên phạm vi cả nước. Hoạt động bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đang được điều chỉnh bởi 2 luật riêng. Nếu tổ chức bầu cử cùng một ngày mà vẫn tiến hành theo quy trình riêng rẽ của hai đạo luật thì sẽ vừa phức tạp trong chỉ đạo bầu cử, vừa phức tạp, lãng phí về thời gian, tiền của, công sức… Theo tính toán của Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, nếu giữ nguyên hai đạo luật bầu cử hiện hành thì riêng việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đã cho thấy sự tốn kém và khó khăn khi phải thành lập tới 126 tổ chức phụ trách bầu cử ở các tỉnh (gồm 63 Ủy ban bầu cử ĐBQH, 63 Hội đồng bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh); nếu sửa đổi luật, thì chỉ thành lập 63 tổ chức  phụ trách bầu cử chung ở cấp tỉnh (số lượng tổ chức phụ trách bầu cử giảm được một nửa). Đi cùng với đó, thay vì phải bố trí từ 1.386 - 2.016 thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử, việc sửa đổi luật sẽ giúp giảm xuống còn từ 1.260 – 1890 người.

Thực tiễn việc tổ chức bầu cử cùng một ngày yêu cầu phải có hành lang pháp lý chung để xử lý những vướng mắc, tạo sự thống nhất giữa hai đạo luật về Hội đồng bầu cử ở trung ương, về việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, về số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu, về mẫu thẻ cử tri và phiếu bầu, về thời hạn niêm yết danh sách cử tri, thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử…

Song yêu cầu cấp bách và phạm vi sửa đổi, bổ sung luật bầu cử mới không thiên về kỹ thuật tổ chức bầu cử, mà đòi hỏi về chất lượng đại biểu dân cử và yêu cầu về năng lực hoạt động của cơ quan dân cử - ở góc độ pháp luật về bầu cử không thể chỉ giải quyết vấn đề kỹ thuật thuần túy. Cần phải nhìn và đặt vấn đề bầu cử ở góc độ con người. Và vì thế, cũng có thể hiểu tại sao ở phiên thảo luận hôm qua có khá nhiều ĐBQH đã thảo luận không trúng phạm vi sửa đổi của dự án luật, khi các ĐBQH này đi chệch sang tiêu chí lựa chọn ứng cử viên và cơ cấu đại biểu dân cử. Sự chệch hướng hoàn toàn chính đáng, là bởi chính những người trong cuộc, chính những đại biểu dân cử đương nhiệm mong muốn định lượng được tiêu chí, giản lược về cơ cấu để có những ứng cử viên tốt nhất cho cơ quan dân cử.

Theo pháp luật về bầu cử hiện hành thì ĐBQH phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn: trung thành với với Tổ quốc và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới…; có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…; có trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân…; có điều kiện tham gia các hoạt động của QH. 5 tiêu chuẩn này hoàn toàn đúng nhưng có thể áp dụng cho bất kỳ cán bộ công chức đang làm việc bất cứ ở cơ quan, tổ chức nào cũng vẫn… đúng. ĐBQH và đại biểu HĐND là một nghề không qua đào tạo chuyên ngành nhưng là nghề đặc thù cần tiêu chuẩn, phẩm chất đặc thù. Hiệp thương, lựa chọn ứng cử viên đại biểu dân cử theo định tính, cử tri cũng sẽ bỏ phiếu theo cảm tính. Có một bức xúc phần nào liên quan đến tiêu chuẩn đại biểu dân cử mà một nữ đại biểu HĐND bày tỏ là: hầu như tất cả các chức danh cán bộ chủ chốt ở địa phương đều có quy hoạch nhưng chức danh Phó chủ tịch HĐND tỉnh thì chưa bao giờ chị thấy có quy hoạch. Tương tự như thế, ĐBQH là chính khách nhưng hình như cũng không bao giờ thấy có quy hoạch. Có thể, cần có cách để tạo nguồn cho cơ quan dân cử, tạo nguồn nhân sự làm đại biểu dân cử.

Thỉnh thoảng, một số các đại biểu dân cử vẫn nói vui “cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một lần”. Nói vui để phóng đại cái sự nặng về cơ cấu trong bầu cử đại biểu dân cử. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, nặng về cơ cấu và cố ép cơ cấu dễ làm vơi tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu dân cử. Có khi một đại biểu phải gánh tới 4 - 5 cơ cấu: đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là nữ, là giáo viên, là người ngoài Đảng, là dân tộc thiểu số. Đây cũng là điều thật khó cho chính đại biểu đó. Ngay ở một số khóa QH, trong câu chuyện bên lề, một số người kể với nhau câu chuyện thật tâm của một vị ĐBQH trẻ tuổi rằng: “tham gia QH cái được lớn nhất của tôi là được học hỏi ở một trường học lớn”. Được học hỏi, nhưng mới chỉ được cho cá nhân đại biểu ấy và còn trách nhiệm thật sự với lá phiếu của cử tri thì dường như vẫn còn đó…

Tất nhiên, chẳng có ai phiến diện để nghĩ rằng, cơ cấu chỉ nặng theo hướng kể trên. Có một hướng cơ cấu khác, cũng được xem là nặng khi trong cơ quan dân cử Trung ương có quá nhiều ĐBQH là Bộ trưởng và ở cơ quan dân cử cấp tỉnh có quá nhiều đại biểu HĐND là giám đốc các sở, ngành. Bản thân các Bộ trưởng, không làm ĐBQH – đã là những chính khách thực thụ. Họ là tư lệnh lĩnh vực “lên đông đông cạn, xuống đoài đoài tan”. Nhưng cũng khó và nặng cho chính các Bộ trưởng khi tại diễn đàn QH cùng một lúc phải đóng hai vai: vai thực thi chính sách pháp luật và vai giám sát thực hiện chính sách pháp luật. Nếu không rạch ròi hai vai thì cũng có nghĩa là chính khách hành pháp đã không tròn vai chính khách lập pháp. Thiết kế phòng họp toàn thể của QH trong dự án Nhà QH mới, có một chi tiết là: có hàng ghế trang trọng dành cho các Bộ trưởng không phải là ĐBQH. Và ngay tại QH Khóa XII có một số Bộ trưởng không là ĐBQH nhưng được mời trang trọng dự các phiên họp của QH; và các Bộ trưởng này trả lời chất vấn khá thẳng thắn và thoải mái tại diễn đàn QH. Có lẽ, giảm gánh nặng lập pháp trên vai các chính khách hành pháp – có thể là một cách để nguồn nhân lực và năng lượng mới mẻ cho cơ quan lập pháp.

Mong muốn là thế, song ở thời điểm này khi áp lực về thời gian của cuộc bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND cùng một ngày – đã cận kề. Khả thi nhất chỉ có thể sửa đổi, bổ sung để hai đạo luật về bầu cử thống nhất ở khía cạnh kỹ thuật. Giải quyết vấn đề cấp bách về kỹ thuật song đây cũng là lúc cần phải nghĩ tới việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về bầu cử cho căn cơ hơn, thực chất hơn, toàn diện hơn và lâu dài hơn. Có thể, kết thúc cuộc bầu cử chung, khi QH Khóa XIII vận hành, cần nghĩ về sự căn cơ và toàn diện.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)