•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

25/11/2020
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 14/2020/TT-NHNN quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Thông tư gồm 3 chương 29 Điều quy định về thẩm quyền, tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi tắt là giám định viên tư pháp); công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi tắt là người giám định tư pháp theo vụ việc); quy chuẩn chuyên môn; quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.


Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng


Giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm giám định tư pháp về: Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành; Hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng; Hoạt động ngân hàng, bao gồm các hoạt động: cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản; Bảo hiểm tiền gửi; Các hoạt động khác liên quan đến tiền tệ và ngân hàng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.


Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp


Theo Thông tư,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền: Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; Cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; Công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc đối với người giám định tư pháp theo vụ việc của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, trừ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thành lập Hội đồng giám định.


Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc tại đơn vị mình.


Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp


Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

 

- Tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp;


- Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành tài chính - ngân hàng; kế toán; kinh tế; luật; công nghệ thông tin, mỹ thuật, công nghệ kỹ thuật in và công nghệ hóa học do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam;


- Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực mà người đó được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp.


- Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn quy định trên có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.


Trường hợp người không có trình độ đại học nhưng được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực quy định và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thực tiễn trở lên ở lĩnh vực đó thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.


Quy trình thực hiện giám định tư pháp


Thông tư quy định quy trình thực hiện giám định tư pháp gồm:


- Chuẩn bị giám định.


- Tổ chức thực hiện giám định tư pháp.


- Kết luận giám định tư pháp.


- Lập, bàn giao, lưu giữ hồ sơ giám định.


Tổ chức thực hiện giám định tư pháp


Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc:


Thuê máy móc, phương tiện, thiết bị, dịch vụ có liên quan đến nội dung, yêu cầu giám định đã được xây dựng tại đề cương giám định (nếu có) và đã được thông báo cho người trưng cầu giám định.


Khi phát sinh nội dung mới hoặc vấn đề khác trong quá trình thực hiện giám định, có văn bản thông báo ngay cho người trưng cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết.


Căn cứ từng nội dung yêu cầu giám định của người trưng cầu giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc nghiên cứu, đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật đã được cung cấp với các quy chuẩn chuyên môn để đưa ra nhận xét, đánh giá từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể.


Lập văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện giám định theo Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.


Thời hạn giám định tư pháp


Thông tư quy định thời hạn giám định tư pháp như sau:


- Tối đa 09 ngày đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư này;


- Tối đa 01 tháng đối với trường hợp giám định tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành;


- Tối đa 01 tháng đối với trường hợp giám định hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng;


- Tối đa 03 tháng đối với trường hợp giám định hoạt động ngân hàng, bao gồm các hoạt động: cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản;


- Tối đa 01 tháng đối với trường hợp giám định bảo hiểm tiền gửi;


- Tối đa 04 tháng đối với trường hợp giám định vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định tại Điều 3 Thông tư này trở lên hoặc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân.


Thời hạn giám định tư pháp quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày Ngân hàng Nhà nước nhận được quyết định của người trưng cầu giám định và nhận được đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định; hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết được bổ sung (nếu có); hoặc từ ngày giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu trực tiếp nhận được quyết định của người trưng cầu giám định và nhận được đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định; hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết được bổ sung (nếu có).


Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

 

(Theo http://moj.gov.vn)