•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”

14/07/2023
Ngày 07/07/2023, tại trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo “Quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đồng chủ trì hội thảo (từ trái sang phải): TS. Nguyễn Linh Giang, GS.TS. Võ Khánh Vinh,

TS. Phạm Thị Thúy Nga

 

Tham dự hội thảo có GS.TS. Trần Ngọc Đường (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), GS.TS. Lê Minh Tâm (nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam), TS. Nguyễn Cảnh Lam (Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương) và các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan ban ngành, cơ sở đào tạo: Viện NC Lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội), Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Viện NC Con người (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Trường đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Chu Văn An…

 

Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của GS.TS. Võ Khánh Vinh (nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật) và TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật). 

 

Khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Linh Giang nhấn mạnh: Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận tại Chương 2 Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh xu thế hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nghị quyết số 27/NQ-TW một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Việt Nam đã đạt được một số thành tựu như được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong đại dịch Covid-19, trúng cử lần thứ hai trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Tuy nhiên, cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân có nơi, có lúc còn chưa được phát huy đầy đủ, các vi phạm quyền con người vẫn xảy ra. Vì vậy, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW là một chủ đề có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.

 

TS. Nguyễn Linh Giang phát biểu khai mạc hội thảo

 

Hội thảo bao gồm hai phiên. Phiên thứ nhất có chủ đề “Những định hướng quan trọng về quyền con người, quyền công dân theo Nghị quyết 27/NQ-TW” được bắt đầu với tham luận của GS.TS. Võ Khánh Vinh về “Những nội dung trọng tâm về quyền con người, quyền công dân theo Nghị quyết 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nội dung bài viết chỉ rõ, làm sáng tỏ nhận thức mới và quan điểm tổng thể của Đảng ta về quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu và giáo dục, đào tạo quyền con người, quyền công dân ở nước ta hiện nay.

 

Về mặt nhận thức, Nghị quyết 27/NQ-TW đã đưa ra quan điểm tiếp cận mới về quyền con người, quyền công dân. Đó là quan điểm tiếp cận tổng thể, tích hợp, bao trùm, toàn diện về quyền con người, quyền công dân, gắn kết quyền con người, quyền công dân với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với tất cả các phương diện của nó. Chẳng hạn, với tiếp cận đặc trưng, giá trị đến quyền con người, quyền công dân thì quyền con người là một giá trị phổ quát của nhân loại, là một trong những giá trị toàn cầu: Hoà bình, đồng thuận, pháp quyền, quyền con người, quản trị toàn cầu. Cách tiếp cận này nâng nhận thức thực chứng về quyền con người, quyền công dân lên nhận thức triết học về đặc trưng, giá trị quyền con người, quyền công dân; gắn đặc trưng, giá trị quyền con người với các giá trị phổ quát toàn cầu.

 

Từ những nhận thức trên, nội dung Nghị quyết 27/NQ-TW thể hiện quan điểm tổng thể là quyền con người, quyền công dân xuyên suốt trong các tầng nấc, mức độ, nội dung, từ quan điểm, mục tiêu, trọng tâm đến nhiệm vụ và giải pháp của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Tiếp theo, tác giả đề xuất các vấn đề cần được đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo đa ngành, liên ngành, xuyên ngành về quyền con người, quyền công dân theo các định hướng: (i) Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người; (ii) Nghiên cứu và giáo dục, đào tạo xã hội học về quyền con người; (iii) Nghiên cứu và đào tạo triết học về quyền con người; (iv) Nghiên cứu so sánh về quyền con người; (v) Hiện đại hoá việc nghiên cứu và giáo dục, đào tạo về quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, các vấn đề cần được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh là:

  • Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quan điểm tiếp cận của Hồ Chí Minh về quyền con người, đặc trưng, bản chất, nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người;
  • Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, trước hết sự vận dụng của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình phát triển và đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHVN;
  • Phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong bối cảnh mới để phát triển đất nước.

Toàn cảnh hội thảo

 

Sau đó, hội thảo tiếp tục lắng nghe phần trình bày tham luận ThS. Dương Bạch Long (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp), “Trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Trong tham luận, tác giả nhấn mạnh đến việc cần phải có một cơ chế bảo hiến tập trung để nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ hiến pháp, đồng thời bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

 

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật nhằm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW” là tham luận do TS. Nguyễn Linh Giang trình bày. Bài viết phân tích, luận giải sự cần thiết phải xây dựng và phát triển nguồn nhân lực pháp luật (nhân lực lâp pháp, nhân lực hành pháp, nhân lực tư pháp, nhân lực pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại về quyền con người, nhân lực nghiên cứu và đào tạo về quyền con người) nhằm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực pháp luật.

 

Theo tác giả, định hướng phát triển nguồn nhân lực pháp luật nhằm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam cần được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, ngoài năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị. đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ làm việc trong lĩnh vực nhân quyền là một yêu cầu vô cùng quan trọng. Sự chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp là mục tiêu không thể thiếu trong quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực pháp luật. Đồng thời với đó là tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, độc lập, đảm bảo sự an toàn cho mọi người khi thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình.

 

GS.TS. Lê Minh Tâm thảo luận tại hội thảo

 

Trao đổi tại phiên này, GS.TS. Lê Minh Tâm nhìn nhận, Nghị quyết 27/NQ-TW là nghị quyết của Đảng đề cập đến quyền con người, quyền công dân nhiều nhất từ trước đến nay và đều gắn quyền con người với cơ chế vận hành. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta. Tuy nhiên, theo tinh thần của Hiến pháp thì vẫn còn một số vấn đề chưa được Nghị quyết 27/NQ-TW nhìn nhận rõ: Thượng tôn pháp luật, những hạn chế về thể chế, dân chủ trực tiếp. Luật Trưng cầu ý dân đã ban hành được 10 năm, là một biểu hiện rất cao của dân chủ trực tiếp nhưng đến lúc này vẫn chưa áp dụng vào cuộc sống.

 

GS.TS. Trần Ngọc Đường chia sẻ, Nghị quyết 27/NQ-TW là tổng kết của 27 chuyên đề từ các bộ, ban ngành, địa phương sau hơn 30 mươi năm đổi mới. Tuy một số  nội dung cần thiết chưa được đề cập nhưng cách viết Nghị quyết này theo hướng mở. Vì thế, trong qua trình nghiên cứu, thực hiện có thể bổ sung, mở rộng hơn. Ông cũng đồng ý với GS.TS. Lê Minh Tâm khi cho rằng tư tưởng xuyên suốt từ đầu đến cuối Nghị quyết là quyền con người, quyền công dân. Trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân không chỉ của Nhà nước mà còn từ mỗi cá nhân con người, mỗi công dân.

 

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, để có được những kết quả tích cực về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân như ghi nhận trong Nghị quyết 27/NQ-TW, Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đã nỗ lực, kiên trì phấn đấu trong suốt một thời gian dài. Ông đưa ra một số điểm cần chú ý khi tổ chức thực hiện Nghị quyết:

  • Là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo thì khi giải quyết các vấn đề nhân quyền, Việt Nam cần phải gắn với các yếu tố dân tộc, tôn giáo.
  • Để bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong giai đoạn hiện nay nhất thiết phải thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng.
  • Vấn đề quyền con người trong tình trạng khẩn cấp phải được quan tâm, lưu ý. Ví dụ, người dân khi đối mặt với thiên tai do biến đổi khí hậu thì quyền con người cần được bảo đảm, bảo vệ như thế nào.

Đồng thời, Việt Nam phải tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào các cơ chế quốc tế về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hai lần trúng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Chia sẻ về quan điểm này của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết, nhiệm vụ thứ 9 trong phần “Nhiệm vụ và giải pháp” của Nghị quyết 27/NQ-TW có nội dung về tăng cường thông tin đối ngoại về những thành tựu trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thực tế cho thấy, chúng ta đã chủ động và tích cực tham gia vào các thể chế đa phương, đặc biệt là thể chế về nhân quyền.

 

GS.TS. Trần Ngọc Đường (giữa) cùng PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (bên trái)

và PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng (bên phải)

 

Sau thời gian nghỉ giải lao, hội thảo tiếp tục diễn ra phiên hai “Các vấn đề quyền con người đặt ra trong bối cảnh mới”. Mở đầu phiên thứ hai, PGS.TS. Vũ Công Giao (Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận “Những thách thức đương đại về nhân quyền”. Có những quan điểm khác nhau trong việc xác định những thách thức (hay vấn đề) nhân quyền cần đặc biệt quan tâm trên thế giới hiện nay. Dù vậy, quan điểm của các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc có tính khái quát hơn cả. Năm 2003, trong bài phát biểu của mình, ông Bertrand Ramcharan, Quyền Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền đã khẳng định, có rất nhiều thách thức với quyền con người trong thế giới hiện đại, đồng thời xác định 12 vấn đề nổi bật. Tiếp đó, đến năm 2019, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet cũng khẳng định các vấn đề đó và bổ sung một số thách thức khác về nhân quyền. Bài viết đã tổng hợp, phân tích những thách thức nêu trên, từ đó đánh giá và gợi mở một số giải pháp giải quyết những thách thức về nhân quyền ở Việt Nam.

 

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức chung về nhân quyền trên thế giới mặc dù tính chất và mức độ ảnh hưởng của những thách thức đó với Việt Nam có thể không hoàn toàn đồng nhất với những quốc gia khác. Như vậy, giống như các quốc gia khác, chúng ta cần bắt đầu bằng việc nghiên cứu toàn diện, cụ thể hơn về những thách thức với nhân quyền trong bối cảnh hiện nay, và xác định những chiến lược, giải pháp đối phó hiệu quả phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.

 

Tiếp theo là tham luận của TS. Nguyễn Tiến Đức (Viện Nhà nước và Pháp luật) với chủ đề “Hoàn thiện cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới”, trong đó phân tích các vấn đề mà Việt Nam và các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đòi hỏi các cải cách trong cơ chế vận hành, trong đó có cơ chế về bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

 

PGS.TS. Bùi Tiến Đạt trình bày tham luận

 

Tham luận cuối phiên này của PGS.TS. Bùi Tiến Đạt (Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích về quyền tự do kinh doanh của người dân trong giai đoạn mới. Bài viết phân tích ý nghĩa của làn sóng hiến định hoá quyền tự do kinh doanh lần thứ nhất thông qua Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo ra cơ sở hiến định vững chắc cho quá trình xây dựng khung pháp lý thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Tác giả cũng phân tích những điểm mới cơ bản về đợt hiến định quyền tự do kinh doanh lần thứ hai thông qua Hiến pháp năm 2013, qua đó gợi mở một số định hướng áp dụng quy định của Hiến pháp theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW trong việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam.

 

Nhìn nhận về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp để bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một nội dung quan trọng, TS. Đinh Thế Hưng (Đại học Mở Hà Nội) đề xuất 3 nội dung chính cần nghiên cứu:

  • Nhận thức đúng đắn, đầy đủ về quyền tư pháp, tiếp cận dưới góc độ quyền lực.
  • Tiếp cận quyền trong lĩnh vực tư pháp cả về luật nội dung và luật hình thức. Trong đó, cần tiếp thu tư tưởng về tố tụng công bằng, quan tâm đến công lý thủ tục.
  • Kiểm soát nội bộ, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước và kiểm soát xã hội. Trong đó, cần tăng cường tố tụng tranh tụng để tự kiểm soát.

Ngoài ra, hội thảo cũng nhận được những ý kiến trao đổi, thảo luận của PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng, TS. Trần Văn Luyện và các chuyên gia, nhà khoa học khác,

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Linh Giang nhận định, nội dung các bài tham luận và những ý kiến thảo luận cho thấy Nghị quyết 27/NQ-TW đã thể hiện tư tưởng quyền con người, quyền công dân rất rõ nét. Tuy nhiên, để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống thì cần có sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học. Đây cũng là cơ hội cho chúng ta tiếp tục tổ chức, tham gia những hội thảo để trao đổi, thảo luận về chủ đề quyền con người, quyền công dân dưới các góc độ khác nhau trong thời gian tới.

 

Thay mặt cho Viện Nhà nước và Pháp luật, TS. Nguyễn Linh Giang chân thành cảm ơn các nhà khoa học gửi bài tham luận cũng như các đại biểu, nhà khoa học đã tham dự và nhiệt tình trao đổi, thảo luận tại hội thảo. 

Các tin cùng chuyên mục: