•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của nhóm quyền kinh tế, văn hóa và xã hội”

20/09/2011
Trong khuôn khổ Dự án “Diễn đàn về giáo dục quyền con người ở bậc đại học và sau đại học” thuộc Chương trình “Quản trị công và cải cách hành chính” theo Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của nhóm quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” vào ngày 9/9/2011, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

GS.TS. Võ Khánh Vinh và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đồng chủ trì Hội thảo.

Chương trình hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ: Viện Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Học viện Hành chính – Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Phát triển bền vững vùng Trung bộ, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Đại học Luật Hà Nội. Lãnh đạo các Viện và các Ban trực thuộc Viện KHXH Việt Nam cũng đã tham dự Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức thành hai phiên trao đổi.

Phiên buổi sáng trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhóm quyền kinh tế do GS.TS. Võ Khánh Vinh – Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, đồng chủ trì.

Phiên buổi chiều trao đổi về những vấn đề lý luận và thực  tiễn về nhóm quyền văn hóa, xã hội do PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, đồng chủ trì.

Hội thảo tập hợp hơn 30 báo cáo khoa học, trong đó có 12 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo xoay quanh nhiều vấn đề liên quan đến nhận thức về quyền con người trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, về khái niệm quyền kinh tế và quyền văn hóa xã hội của con người, về các điều kiện đảm bảo quyền kinh tế và quyền văn hóa, xã hội, về thực trạng thực hiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam hiện nay, về các giải pháp thúc đẩy và bảo vệ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam…..


PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương phát biểu tham luận.

Bàn về các điều kiện bảo đảm quyền kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho biết, xuất phát từ cách hiểu phổ biến về quyền kinh tế theo các công ước quốc tế để phân tích các yếu tố thuộc trạng thái xã hội bảo đảm quyền lao động, quyền việc làm của con người. PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương nêu khuyến nghị về một số giải pháp nâng cao các điều kiện bảo đảm quyền kinh tế ở Việt Nam. Trao đổi về vấn đề này, GS.TS. Võ Khánh Vinh bổ sung ý kiến cho rằng nên xây dựng bộ chỉ số đánh giá quyền kinh tế cũng như các nhóm quyền khác, để tìm hiểu mức độ thụ hưởng các quyền của người dân.

Về nhóm quyền văn hóa, TS. Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa) có bài tham luận “Quyền được bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hóa cộng đồng: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo TS. Phương Châm, môi trường sống và môi trường văn hóa là dạng tài sản của xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam, môi trường sống đang có nguy cơ bị tàn phá cao. Đó là do sự thay đổi về tài nguyên, nguồn nước, biến đổi khí hậu và bùng nổ dân số.

Văn hóa cộng đồng dần trở nên đồng dạng, không còn nhiều tính đặc trưng riêng, đặc biệt ở các cộng đồng đân tộc thiểu số. Đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này, TS. Phương Châm cho rằng:
    -    Hãy trao quyền hơn nữa cho người dân trong cộng đồng để họ có thể thực hiện tốt các quyền của mình
    -    Tạo sự bình đẳng giữa các tộc người
    -    Thúc đẩy và nâng cao vai trò của truyền thông
    -    Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận và thực tiễn.


Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, chúng ta càng ngày càng nhận thức rõ hơn về nhóm quyền kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhóm quyền này có liên quan đến các nhóm quyền khác và có sự bình đẳng giữa các quyền và các nhóm quyền. Ở Việt Nam, đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trên cơ sở đó, quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội đã được hiện thực hóa ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều rào cản trên cả phương diện nhận thức, kinh tế, pháp lý, xã hội…trong việc đảm bảo thực thi nhóm quyền này. Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam cần có những nỗ lực cao độ để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội, thực thi tốt các nghĩa vụ của công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội.  

Các tin cùng chuyên mục: