•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”

20/03/2023
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sáng ngày 14/03/2023, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan chủ trì Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) có TS. Phan Chí Hiếu (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm) cùng các Phó Chủ tịch là TS. Đặng Xuân Thanh và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm; Tổng biên tập các tạp chí của Viện Hàn lâm; các thành viên trong Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm cùng toàn thể viên chức Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Về phía các Bộ, Ban ngành Trung ương có sự hiện diện của đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp; đại diện Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Đảng, Quốc hội; đại diện một số Bộ; các viện nghiên cứu, trường đại học ở Hà Nội: Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cùng sự góp mặt của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan thông tấn, báo chí…

 

Chủ trì hội thảo là TS. Phan Chí Hiếu, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật).

 

Ban chủ trì hội thảo (từ trái sang): TS. Phạm Thị Thúy Nga, TS. Phan Chí Hiếu, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh

 

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, TS. Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo. Ông nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu tham dự và khẳng định, đất đai là tài nguyên, tài sản quý giá của mọi quốc gia, là nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đất đai cần được quản lý chặt chẽ, tiếp cận công bằng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh: Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đất đai cần được đặc biệt quan tâm và Luật Đất đai giữ vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng.

 

Hội thảo bao gồm 2 phiên. Tại phiên thứ nhất, các diễn giả đã trình bày các tham luận:

  • Đánh giá mức độ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật);
  • Bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ, khả thi, logic và thân thiện của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN);
  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững - một số góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (TS. Trần Thị Thu Hương và TS. Triệu Thanh Quang, Viện NC Phát triển bền vững Vùng);
  • Một số góp ý về nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam).

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (bìa phải) trình bày tham luận 

 

Trong tham luận của mình, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đã đưa ra nhận xét, đánh giá mức độ thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về một số quan điểm, giải pháp, nhiệm vụ liên quan đến đất đai. Về việc thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (sau đây viết tắt là Dự thảo) đã bổ sung 01 mục mới quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai cũng như bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa được thể hiện rõ trong Dự thảo, đó là: Chưa có các giải thích thuật ngữ “sở hữu toàn dân đối với/về đất đai”, “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”; chưa làm rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đất đai, chưa làm rõ mối quan hệ giữa “chủ sở hữu toàn dân về đất đai” và “đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”.

 

Ngoài ra, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cũng đưa ra các nhận xét, đánh giá về thể chế hóa các quan điểm: (i) Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; (ii) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (iii) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (iv) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; (v) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; (vi) Tập trung giải quyết cơ bản hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản ý và sử dụng đất”.

 

GS.TS. Lê Hồng Hạnh trình bày tham luận

 

Báo cáo của GS.TS. Lê Hồng Hạnh nhận định, để đánh giá tính đầy đủ, đồng bộ, khả thi, logic và thân thiện của Dự thảo thì cần phải đặt trong lăng kính của mục tiêu nêu trên trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Chính vì vậy, những đánh giá trong báo cáo chỉ ở mức độ khái quát và chứa đựng ít các số liệu định lượng, các trao đổi học thuật. Bàn về tính khả thi, Dự thảo khá yếu ở tính quy phạm, thậm chí yếu hơn cả với Luật Đất đai năm 2013 hiện hành. Nhiều điều trong Dự thảo được lấy nguyên nội dung từ chủ trương, chính sách của Đảng, thậm chí cả những chủ trương xử lý những vấn đề đất đai mang tính tình huống như thu hồi đất của nông trường, lâm trường kinh doanh không hiệu quả để giao lại cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, một số quy định trong Dự thảo thiếu tính quy phạm hoặc lặp lại các quy định đã có trong Hiến pháp, các luật khác như Điều 6, Điều 9, Điều 13, Điều 16…

 

Trong tham luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững, TS. Trần Thị Thu Hương cho rằng, so với Luật Đất đai năm 2013, Dự thảo đã có nhiều quy định cụ thể hơn, bổ sung nhiều điểm mới và khoa học hơn. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những góp ý cụ thể đối với quy định tại Chương V “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 60 đề cập tới nguyên tắc “Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa quy định, giải thích rõ thế nào là quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; gồm những ngành nào, lĩnh vực nào và căn cứ, cơ sở xác định các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. Vì thế, cần có quy định cụ thể về vấn đề này để tránh sự chồng chéo, nhầm lẫn giữa nhiều thuật ngữ về quy hoạch được đề cập trong Luật Quy hoạch năm 2017.

 

TS. Trần Thị Thu Hương trình bày tham luận

 

Trong báo cáo về nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đưa ra một số ý kiến cụ thể. Khoản 2 Điều 154 nêu: “Bảng giá đất được xây dựng theo vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn”. Diễn giả cho rằng, cụm từ “thửa đất chuẩn” chưa được giải thích rõ và khó định lượng thửa đất chuẩn là gì. Do vậy, cần phải có sự giải thích hoặc phải cụ thể hoá trong các văn bản dưới luật về cụm từ này. Dự thảo cũng nên làm rõ các phương pháp xác định giá đất chuẩn đối với thửa đất chuẩn để có cơ sở tham chiếu khi xác định giá đối với các thửa đất không chuẩn hoặc các thửa đất khác.

 

Dự thảo có nhiều nội dung tiến bộ trong việc ứng dụng chuyển đổi số giúp minh bạch và công khai thông tin về đất đai. Tuy nhiên, cần có quy định và chế tài rõ hơn trong việc quy định về sàn giao dịch đất đai để có đầy đủ thông tin về giao dịch đất đai làm cơ sở tham chiếu cho việc xác định giá quyền sử dụng đất.

 

PGS.TS. Dương Đăng Huệ trao đổi, thảo luận tại hội thảo

 

Sau khi nghe các báo cáo trên, Hội thảo đã tiến hành thảo luận. Theo PGS.TS. Dương Đăng Huệ (Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp), Dự thảo cần bổ sung khái niệm về quyền sử dụng đất. Hiện nay, vì chưa nhận thức đúng quyền sử dụng đất là gì nên chúng ta quan niệm và đưa ra các quy định khác nhau quyền sử dụng đất. Hiến pháp năm 2013 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Trong khi đó, Nghị quyết số 18/NQ-TW quy định quyền sử dụng đất là tài sản và hàng hóa đặc biệt mà không phải là quyền sở hữu. Vậy nên, các nhà khoa học cần phải giải thích rõ và đưa ra định nghĩa.

 

Trao đổi về việc phân loại đất, GS.TS. Lê Minh Tâm (Hội Luật gia Việt Nam) luận giải, lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng và được đưa vào trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để phát triển nhân lực chất lượng cao thì phải có cơ sở hạ tầng để đào tạo. Nhưng những vấn đề liên quan đến giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ rất mờ nhạt trong Dự thảo này. Đất dành cho những lĩnh vực này phải thuộc nhóm 1. Dự thảo cần phải có các điều luật quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ quyền sử dụng đất sao cho đúng, hiệu quả đối với đất dành cho các cơ sở giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ.

 

Hàng đầu từ trái sang phải là các đại biểu, nhà khoa học: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh,

GS.TS. Lê Minh Tâm. GS.TS. Võ Khánh Vinh và Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm TS. Đặng Xuan Thanh

 

Nêu ý kiến về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, PGS.TS. Nguyễn Thị Nga (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, đây là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất, cần phải có sự chỉnh sửa để đảm bảo làm rõ nội hàm các quy định và được áp dụng thống nhất. Theo đó, Khoản 1 Điều 78 nên sửa theo hướng sau: “Các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”. Điều này giúp cho cơ quan thực thi pháp luật, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi dễ dàng thực hiện, dễ dàng kiểm tra và giám sát việc thực thi.

 

Sau đó, Hội thảo diễn ra phiên thứ hai. Mở đầu phiên này là tham luận của TS. Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) góp ý về vấn đề cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm. Trong đó, Khoản 1 Điều 30 Dự thảo chỉ đề cập đến việc được nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp các cơ quan chức năng công nhận về quyền sử dụng đất mà không quy định các trường hợp công nhận về tài sản trên đất thì giải quyết quyền sử dụng đất nói chung, đất thuê nói riêng như thế nào. Dự thảo cần quy định rõ việc công nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đặc biệt trường hợp thi hành phán quyết của Trọng tài thương mại công nhận tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất nói chung và đất thuê nói riêng.

 

Về hình thức thuê đất, Dự thảo quy định người thuê đất được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Người thuê đất trả tiền một lần có quyền thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê lại đất. Tuy nhiên, người thuê đất trả tiền hằng năm thì không. Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật ANVI), Dự thảo cần quy định người thuê đất trả tiền hằng năm được phép thế chấp và chuyển nhượng quyền sử dụng đất tương tự như đất thuê trả tiền một lần. Việc này sẽ khuyến khích người thuê lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm, từ đó giúp ngân sách nhà nước có nguồn thu ổn định, tăng dần theo thời gian từ việc cho thuê đất. Quy định này hoàn toàn có lợi cho Nhà nước cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quyền sử dụng lâu dài đất thuê.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan trình bày tham luận

 

Trong tham luận Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư và những vấn đề góp ý trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, nhóm tác giả TS. Phạm Thị Hương Lan và TS. Bùi Đức Hiển (Viện Nhà nước và Pháp luật) tập trung đánh giá và đưa ra một số góp ý cho Dự thảo về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư nhằm hướng tới bảo đảm quyền của các nhà đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo quản lý nhà nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động được nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, Điều 122 Dự thảo quy định một trong các điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất là “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác trên địa bàn cả nước”, nhóm tác giả đề nghị Ban soạn thảo cần xác định thế nào là “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai” và việc thực hiện các quy định về giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trong những trường hợp nào thì bị coi là vi phạm pháp luật đất đai.

 

Tiếp theo, TS. Nguyễn Đình Đáp (Viện Địa lý nhân văn) trình bày tham luận với chủ đề “Hoàn thiện các quy định về lấn biển trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Tác giả cho rằng, lấn biển là hoạt động quan trọng để phát triển kinh tế đối với nhiều quốc gia trên thế giới cũng như để bảo vệ bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân. Việc lấn biển đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Khoản 3 Điều 9 Dự thảo đề cập Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai. Tuy nhiên, Dự thảo mới chỉ ghi nhận hình thức dự án lấn biển bằng nguồn vốn của Nhà nước để tạo lập quỹ đất (Khoản 3 Điều 111). Trên thực tế, các dự án lấn biển yêu cầu nguồn vốn đầu tư vô cùng lớn, cần huy động nguồn lực từ khối tư nhân để triển khai có hiệu quả. Bởi vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung các hình thức khác như: Dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài đầu tư công; sử dụng vốn hỗn hợp; theo phương thức đối tác công – tư để tạo cơ sở pháp lý triển khai.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh nêu ra một số vấn đề chính. Thứ nhất, Luật Đất đai là văn bản pháp luật quan trọng đứng sau Hiến pháp. Nên chăng cần nâng cấp lên thành Bộ luật. Nếu vậy thì sẽ có vừa luật chung và luật chuyên ngành. Những vấn đề còn bàn luận thì đưa vào luật chuyên ngành. Thứ hai, Điều 6 của Dự thảo toàn là các nguyên tắc về sử dụng đất mà chưa bao quát hết được tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết số 18-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013. Các nguyên tắc trong Điều 6 phải bao quát được các vấn đề sau: Chủ thể sử dụng đất đai; đại diện chủ sở hữu đất; người sử dụng đất; đất đai là động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước; đảm bảo hài hòa lợi ích để phát triển quốc gia.

 

Ngoài những phát biểu trên, Hội thảo còn nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu khác.

 

Phát biểu bế mạc, TS. Phan Chí Hiếu cho rằng, Hội thảo đã diễn ra đầy tính học thuật, là diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học trong Viện Hàn lâm với các chuyên gia, nhà quản lý, người hoạt động thực tiễn. Những tham luận, ý kiến tại hội thảo sẽ cung cấp luận cứ khoa học để Viện Hàn lâm chắt lọc đưa vào Báo cáo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, thực hiện chủ trương đổi mới trong quản lý và sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Sau cùng, TS. Phan Chí Hiếu bày tỏ lòng cảm ơn các đại biểu đã đến dự, tham gia trao đổi, thảo luận và tuyên bố bế mạc Hội thảo.

 

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Các tin cùng chuyên mục: