•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học quốc tế “Quan điểm và giải pháp tiếp tục yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam”

06/05/2015
Ngày 24/4/2015, tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học thuộc Đề tài cấp Nhà nước KHCN-33.08/11-15 “Nghiên cứu cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất dam cam/dioxin ở Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Như Phát làm chủ nhiệm.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật

phát biểu khai mạc hội thảo.

 

Hiện nay Đề tài đang trong giai đoạn hoàn thiện theo tiến độ. Để tham vấn thêm các chuyên gia trong nước về những vấn đề liên quan đến những đề xuất của Đề tài, Ban chủ nhiệm Đề tài tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Quan điểm và giải pháp tiếp tục yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam”.

 

Tham gia Hội thảo có ông thẩm phán Marc Spitzkatz, Giám đốc Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á thuộc Viện KAS (CHLB Đức); TS. Lê Thị Hải Lê, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33), LS. Lê Đức Tiết – Hội Luật gia Việt Nam; bà Đào Thị Nguyên – Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai; bà Nguyễn Thị Hiền, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Tp. Đà Nẵng và đông đảo các nhà khoa học trong nước, những nhà quản lý đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Y tế Công cộng, Đại học Y Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội,… và đông đảo cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh: Vụ án đã diễn ra nhiều năm nhưng vấn đề pháp lý phải theo trình tự nghiêm ngặt. Chúng ta hôm nay cùng bàn ra cách gì, phương pháp gì để đấu tranh về phương diện pháp lý để khắc phục hậu quả, đây là một vấn đề mà đa số người dân Việt Nam quan tâm.

 

Ông Marc Spitzkatz, Viện KAS (CHLB Đức).

 

Sau đó, ông Spitzkatz giới thiệu thực tiễn pháp luật CHLB Đức và đưa ra một số gợi mở về khả năng giải quyết vấn đề hậu quả chất da cam/dioxin tại Việt Nam hiện nay.

 

Tiếp theo, luật sư Lê Đức Tiết, Hội Luật gia Việt Nam trình bày tham luận “Quan điểm tiếp tục yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ giải quyết vấn đề hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam”. Bài tham luận bao gồm những mục chính: (i) Sự khác biệt về hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh tại Việt Nam so với các cuộc chiến tranh trước; (ii) Ngăn chặn thảm họa da cam/dioxin – cuộc đấu tranh không của riêng ai; (iii) Vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam; (iv) Căn cứ thực tiễn, pháp lý để tiếp tục đấu tranh đòi công lý. Dựa trên những phân tích nêu trên, ông đưa ra các kiến nghị để thu hút mạnh mẽ hơn dư luận thế giới:

-          Các nạn nhân da cam các nước mong muốn Việt Nam chủ trì sớm thành lập Hội nạn nhân da cam quốc tế để có sự thống nhất trong cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn để giành công lý;

-          Đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Nạn nhân da cam Việt Nam hàng năm có kế hoạch vận động nhân dân trong nước, các hội cựu chiến binh nạn nhân da cam các nước tổ chức ngày đoàn kết với nạn nhân da cam Việt Nam thật sôi nổi, rộng khắp trong cả nước và thu hút dư luận thế giới;

-          Các nạn nhân Việt Nam mong muốn Bộ Tư pháp Việt Nam tham gia vụ kiện để bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn Việt Nam như Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã làm để bảo vệ quyền lợi cho các công ty hóa chất Hoa Kỳ.

 

LS. Lê Đức Tiết.

 

Như đã biết, năm 2004 một nhóm các nguyên đơn Việt Nam đã tiến hành kiện Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại do hậu quả của chất da cam/dioxin gây ra. Tuy nhiên vụ kiện này đã bị Tòa án Mỹ bác bỏ ngay sau đó. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu về bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài theo pháp luật quốc tế và pháp luật Hoa Kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đó cũng đồng thời là phạm vi bài tham luận tại Hội thảo của PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh.

 

Trong bài viết này, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh phân tích và đưa ra các giải pháp yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin dựa trên 3 hướng:

-          Pháp luật nhân quyền quốc tế;

-          Bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài là nạn nhân chiến tranh trong pháp luật quốc gia;

-          Bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài theo pháp luật Hoa Kỳ và những liên hệ đến vụ việc bồi thường cho các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam.

 

Việc vụ kiện bị bác bỏ đã thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp thay thế để giải quyết tranh chấp. Các vấn đề lớn nảy sinh đối với các bị đơn trong vụ kiện này là việc chứng minh các vấn đề cần phải được giải quyết để đạt được một kết quả như mong muốn thông qua quá trình tố tụng.

 

Với giải pháp nào thì việc nhận diện được đúng các bị đơn là điều hết sức quan trọng nhưng cuối cùng việc này đã không bao giờ được kiểm chứng tại phiên toà do việc giải quyết vấn đề Hành động tập thể của Mỹ. Lý do là chất độc màu da cam được đóng trong các thùng không đánh dấu, nên không phân biệt được các sản phẩm của các công ty khác nhau, và mỗi sản phẩm của mỗi công ty lại có hàm lượng dioxin khác nhau.

 

Rõ ràng là sự phức tạp của các vấn đề pháp lý, nhiều vấn đề không được kiểm chứng về mặt pháp luật, chi phí khổng lồ cho việc khiếu kiện là những nhân tố làm cho vụ kiện này không phù hợp nếu giải quyết thông qua các hình thức xét xử mặc dù có khả năng hoặc thành công khi kháng cáo, hoặc có một quyết định của toà án có lợi ở Việt Nam hay Mỹ, hoặc thậm chí có một hình thức giải quyết trước cả khi ra toà có thể đạt được.

 

PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh.

 

Tuyên bố về lợi ích do Chính phủ Mỹ đưa ra trong Khiếu kiện tập thể của Việt Nam nêu bật ý nghĩa chính trị của bất kỳ giải pháp nào đạt được thông qua hoạt động tố tụng đối với vấn đề này. Các đơn kiện nếu được chấp thuận sẽ mở tung cánh cửa toà án của hệ thống luật pháp Mỹ cho các cá nhân và binh lính của một nước trước đây vốn là kẻ thù của Mỹ. Rõ ràng là Mỹ và các công ty hoá chất sẽ chống đối mạnh mẽ bất kỳ quá trình tố tụng nào, do lo ngại một quyết định bất lợi sẽ mở ra một luồng các khiếu kiện khác từ Afghanistan, Iraq và các quốc gia khác mà Mỹ đã từng tham gia chiến tranh tại đó.

 

Điều này cho thấy sự cần thiết có các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế khác. Một trong số đó là đàm phán. Theo đó, có hai khả năng cho việc đàm phán: (i) Các bên đàm phán thực chất nhằm giải quyết vấn đề; (ii) Các bên đàm phán để thoả thuận về một mô hình giải quyết tranh chấp mang nhiều tính tổ chức (structured) như Điều tra hay Trọng tài. Ngoài biện pháp này, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh đưa ra 2 hình thức khác như Hội đồng hòa giải và Trọng tài.

 

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, Chính phủ và người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tìm ra mọi phương cách để khắc phục hậu quả chất da cam nhưng không phải với mục tiêu cuối cùng là để giành chiến thắng tại Tòa án. Nhiệm vụ của Đề tài là đưa ra những giải pháp trên phương diện khoa học pháp lý. Qua hội thảo này, các thành viên Đề tài đã có thêm các thông tin hữu ích để tiếp tục củng cố, hoàn thiện nội dung các giải pháp để yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất.   

 

Các tin cùng chuyên mục: