•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người”

31/10/2018
Ngày 24/10/2018, tại Hội trường tầng 1, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người”.

Tham gia hội thảo có các đại biểu đến từ Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW); Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE); Viện Nghiên cứu Tôn giáo và các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát và TS. Nguyễn Linh Giang đồng chủ trì hội thảo.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh trình bày tham luận mở đầu hội thảo

 

Mở đầu là tham luận của PGS.TS. Lê Mai Thanh, “Vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và quốc gia về quyền con người”. Tham luận đã phân tích khái niệm tổ chức xã hội được các học giả quốc tế tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong khuôn khổ tham luận, tác giả nhìn nhận các tổ chức xã hội là tập hợp các thành viên có mối quan hệ tương tác với nhau và hoạt động vì mục tiêu chung phi lợi nhuận, thúc đẩy quyền con người dựa trên nguồn kinh phí tự có của tổ chức. Căn cứ vào các văn kiện quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam, có thể nhận diện vai trò của các tổ chức xã hội trong thúc đẩy nghĩa vụ quốc tế và quốc gia về quyền con người ở những nội dung sau:

  • Đề xuất sáng kiến cũng như đóng góp ý kiến vào quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy ghi nhận và thực thi các quyền con người cơ bản; đề xuất các vấn đề có thể được xem xét tại các diễn đàn quốc tế về quyền con người;
  • Giám sát và phản biện xã hội hoạt động điều hành của các cơ quan hành pháp cũng như công chức khác tác động đến việc thực hiện và thực thi quyền và tự do cơ bản của con người căn cứ theo các nghĩa vụ quốc tế  đã cam kết cũng như dựa trên Hiến pháp và pháp luật;
  • Đại diện các thành viên khiếu nại hành vi hành chính/quyết định hành chính xâm phạm quyền và tự do cơ bản của con người hoặc cử đại diện tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và tự do của các thành viên bị xâm hại;
  • Làm cầu nối giữa các quốc gia trong hợp tác vì quyền con người cũng như cầu nối giải quyết xung đột trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước và quyền con người tại các quốc gia;
  • Tiến hành các hoạt động nghiên cứu và đào tạo hướng tới nhận thức chung cũng như trao đổi các kỹ năng sử dụng quyền; nâng cao năng lực của chủ thể quyền trong tiến trình tiếp cận và thụ hưởng quyền.

Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát đã có tham luận về “Vai trò phản biện xã hội của các tổ chức xã hội đối với các vấn đề về quyền con người”. PGS.TS. Nguyễn Như Phát đã làm sâu sắc thêm khái niệm về các tổ chức xã hội và đặt nó trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Đồng thời, tham luận đã đi sâu vào phân tích các vai trò của tổ chức xã hội trong việc tăng cường hiểu biết, nâng cao trách nhiệm chính trị cho người dân cũng như là công tác giám sát, phản biện chính sách, pháp luật. Tham luận cũng đã đánh giá thực trạng cơ chế phản biện xã hội của các tổ chức xã hội ở Việt Nam hiện nay và đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới, đặc biệt là trong công tác xây dựng cơ chế pháp lý đồng bộ để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động phản biện xã hội một cách rộng rãi, chất lượng và có hiệu quả.

 

Từ phải sang: PGS.TS. Nguyễn Như Phát và TS. Nguyễn Linh Giang

 

Trong tham luận “Vai trò của các tổ chức xã hội trong Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền UPR tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc”, TS. Nguyễn Linh Giang đã nhìn nhận và bình luận về vai trò của các tổ chức xã hội trong cơ chế UPR. Tác giả cho biết, có 3 hoạt động chính mà các tổ chức xã hội có thể thực hiện trong tiến trình UPR, đó là: gửi báo cáo bóng, đóng góp ý kiến cho báo cáo quốc gia; theo dõi thực hiện các khuyến nghị của UPR; thông tin về UPR và giáo dục nhân quyền. Trong khoảng 10 năm qua, đặc biệt là sau kỳ UPR lần thứ nhất, đã có nhiều tổ chức xã hội trên thế giới và ở Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thông tin về UPR đến tổ chức của mình cũng như đến công chúng. Bản thân các cơ quan nhà nước của Việt Nam cũng đã ngày một quan tâm đến việc đưa thông tin về báo cáo UPR của Nhà nước đến các tổ chức xã hội và nhân dân.

 

Tham luận của ThS. Ngô Thị Thu Hà, đến từ Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) đã đem đến hội thảo một góc nhìn từ thực tiễn về hoạt động thúc đẩy quyền phụ nữ của các tổ chức xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nhìn chung, hoạt động của CEPEW cũng như của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực quyền phụ nữ đều tập trung vào các hoạt động xây dựng năng lực cho phụ nữ, các hoạt động kết nối mạng lưới và vận động chính sách. Mặc dù đã có nhiều thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực quyền phụ nữ, nhất là sau khi thông qua Hiến pháp 2013, tuy nhiên, trên thực tế các tổ chức xã hội cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là quan niệm xem vấn đề quyền con người là nhạy cảm, tiếp đó là vấn đề năng lực của các tổ chức xã hội không đồng đều và thủ tục phê duyệt dự án và các hoạt động còn phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức. Tham luận cũng đưa ra kiến nghị nhằm vào việc ban hành một luật theo hướng bảo vệ quyền tự do hiệp hội, đặc biệt là quyền hoạt động của các tổ chức do phụ nữ làm lãnh đạo là một hướng ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới.

 

ThS. Ngô Thị Thu Hà

 

Hội thảo tiếp tục lắng nghe tham luận của TS. Hoàng Kim Khuyên, “Bảo vệ quyền của người khuyết tật thông qua hoạt động của các tổ chức xã hội ở Việt Nam”. Một trong những hoạt động để bảo vệ quyền của người khuyết tật là tư vấn pháp lý, tư vấn cho người khuyết tật và thành viên gia đình của họ. Các tổ chức xã hội của người khuyết tật cần thường xuyên theo dõi các quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo rằng pháp luật được ban hành thực sự bảo vệ quyền của người khuyết tật và đảm bảo các cơ hội bình đẳng không bị phân biệt, đối xử đối với người khuyết tật. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Công ước về Quyền Người khuyết tật đặt ra cho các quốc gia. Theo đó, các quốc gia thành viên cam kết đảm bảo và thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ tất cả quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả những người khuyết tật, không phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở khuyết tật. Việc tư vấn pháp lý cho người khuyết tật từ phía các tổ chức xã hội góp phần bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của người khuyết tật. Tư vấn pháp lý giúp họ thực hiện đầy đủ trên thực tế quyền và nghĩa vụ, giúp họ có điều kiện sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

 

Hiện nay, thông qua tiếng nói của dư luận, của các tổ chức xã hội mà quyền lợi của người khuyết tật được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, pháp luật còn quy định mờ nhạt về vấn đề này. Đồng cảm với ý kiến trên, TS. Hoàng Kim Khuyên cho biết, các chính sách, quy định của pháp luật thường quy định không đầy đủ cho đối tượng yếu thế nói chung và người khuyết tật nói riêng. Theo đó, khi thiết kế chính sách không phải lúc nào cũng tính đến nhu cầu của họ, hoặc các chính sách và quy định hiện hành có nhưng không được thi hành trên thực tế. Các tổ chức xã hội thường là tổ chức được lập ra hoạt động vì lợi ích của các đối tượng yếu thế đó. Vì thế, trong việc xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật và dịch vụ thì các tổ chức xã hội cần được tư vấn và tích cực tham gia đóng góp. Điều này cần thiết phải có luật điều chỉnh. Ví dụ, khi sửa đổi Luật Người khuyết tật năm 2010 nên quy định thêm vai trò giám sát dịch vụ, tham gia xây dựng chính sách của tổ chức xã hội do người khuyết tật lập ra.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, theo TS. Bùi Đức Hiển, vai trò của tổ chức xã hội trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là quyền được sống trong môi trường trong lành, đã thể hiện rất rõ. Hiến pháp năm 2013 đã xác định một nguyên tắc mang tính hiến định là quyền được sống trong môi trường trong lành. Nhưng các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức xã hội trong việc bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập như quyền được thông tin về môi trường, từ phía các chủ nguồn thải... Hoặc nhiều quy định của luật không được cụ thể hóa ảnh hưởng rất lớn đến quyền của tổ chức xã hội khi tiếp cận thông tin. Luật cũng chưa quy định về quyền khởi kiện tập thể nhất là trong lĩnh vực môi trường.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Hội thảo cũng đã nghe các tham luận và đưa ra những ý kiến trao đổi, bình luận của PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Vũ Thư, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, ThS. Bùi Thị Hường, ThS. Nguyễn Tiến Đức về vai trò của các tổ chức xã hội trong các vấn đề: vận động, xây dựng chính sách pháp luật; giám sát, thực thi quyền lực nhà nước; bảo vệ quyền phụ nữ; bảo vệ quyền trẻ em; giáo dục nhân quyền.

Các tin cùng chuyên mục: