•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo lần hai Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở pháp lý nhà nước đối với đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”

06/06/2014
Sáng ngày 29/5/2014, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật đã diễn ra Hội thảo lần thứ hai của Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở pháp lý nhà nước đối với đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, do PGS.TS. Phạm Hữu Nghị làm Chủ nhiệm.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Chủ nhiệm Đề tài, chủ trì Hội thảo.

 

Các thành viên Đề tài và đông đảo cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật đã có mặt và tham gia trao đổi tại Hội thảo.

 

Mở đầu Hội thảo là bài tham luận của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, “Những tác động, hệ quả của chính sách pháp luật đất đai trong 10 năm gần đây”. Sau khi nêu ra những mặt tích cực và những tác động tiêu cực từ chính sách pháp luật về đất đai, ông cho rằng, quản lý nhà nước về đất đai đã có nhiều đổi mới theo hướng tiến bộ, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và sai sót. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đưa ra 7 điểm chính sau:   

  • Quan hệ đất đai là quan hệ chính trị giữa Đảng, Nhà nước với công dân. Quyền sở hữu đất đai, sử dụng đất đai là điều kiện tiên quyết bảo đảm quyền cư trú, quyền có nhà ở của người dân.
  • Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Tuy nhiên, để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần có nhiều hình thức chủ sở hữu hơn nữa: Nhà nước, người dân,…
  • Vai trò của Nhà nước trong các văn bản pháp luật về đất đai là chưa rõ. Nhà nước đã tác động vào quan hệ đất đai không phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.
  • Cần cẩn trọng khi thu hồi đất của nông dân, nên từ bỏ quan niệm thu hồi đất đai vào bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Có chiến lược để bảo đảm diện tích đất nông nghiệp lớn hơn đất phi nông nghiệp.
  • Bảo đảm thị trường đất đai, thị trường bất động sản được vận hành thông suốt.
  • Quá trình quản lý đất đai phải bảo đảm tính công khai, minh bạch để người dân biết được và nắm rõ, từ đó tránh xảy ra tình trạng tham nhũng, bất công.

 

Tiếp theo, Hội thảo đã nghe PGS. Nguyễn Quang Tuyến – Đại học Luật Hà Nội trao đổi về thực tiễn thực hiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với đất đai và những vấn đề đặt ra. Theo ông, Quốc hội đã ban hành khá nhiều các văn bản luật về đất đai nhưng khả năng áp dụng các quy định này vào cuộc sống còn thấp. Theo ông, cần xác định rõ Nhà nước quản lý đất đai đến đâu và tới mức nào, còn lại cần để thị trường tự quản lý, điều tiết. Hiện nay, việc áp dụng các quy định của pháp luật về đất đai chưa sát với thực tiễn, chưa hoàn toàn tuân theo quy luật của thị trường. 

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (ngoài cùng bên phải) và TS. Nguyễn Thị Nga

(thứ hai từ bên phải).

 

Trong bài tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến chỉ ra những mặt tích cực cơ bản trong thực tiễn thực hiện pháp luật về quản lý đất đai:

- Nhà nước đã từng bước xây dựng định hướng chiến lược sử dụng đất, bắt đầu có sự gắn kết giữa quy hoạch vùng, quy hoạch đất đô thị;

- Củng cố, hình thành hệ thống một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương về quản lý đất đai;

- Người dân bắt đầu sử dụng pháp luật để khiếu nại, giải quyết những tranh chấp về đất đai;

- Từng bước hình thành hệ thống thông tin về đất đai.

 

Bên cạnh những mặt tích cực, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cũng chỉ ra một số bất cập chưa đáp ứng được đòi hỏi từ  thực tiễn, từ nhu cầu của người dân:

- Tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra do việc quản lý yếu kém. Các xung đột nảy sinh do không có cơ chế giám sát quyền lực khi thực hiện quản lý đất đai;

- Việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội đã hy sinh lợi ích của người nông dân. Họ dường như bị gạt sang bên lề xã hội;

- Thiếu dân chủ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra quy định về giá đất, việc lấy ý kiến của người dân chỉ là hình thức. Cơ chế khiếu kiện hành chính về đất đai bế tắc, kéo dài.

 

Tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh – Viện Nhà nước và Pháp luật có trao đổi liên quan đến quy định về giá đất, tổ chức thẩm định giá đất, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho biết: Luật Đất đai năm 2013 quy định bảng giá đất và giá đất cụ thể do UBND tỉnh quyết định. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cụ thể cần theo cơ chế thị trường, tức là chỉ có thể xác định chính xác giá đất khi có giao dịch về đất chứ không phải do UBND tỉnh quyết định từ trước. Mặc dù UBND tỉnh có thuê Tổ chức thẩm định giá đất tư vấn nhưng bảng giá đất của Tổ chức tư vấn giá đất chỉ có giá trị tham khảo vì quyết định cối cùng là của Hội đồng thẩm định giá đất do Chủ tịch UBND tỉnh là chủ tịch hội đồng. 

 

 

Sau đó, Hội thảo đã lắng nghe TS. Nguyễn Thị Nga – Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận “Thực trạng các quy định về bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất ở Việt Nam” và ThS. Phạm Thị Hương Lan với tham luận “Tranh tra, kiểm tra trong hoạt động quản lý đất đai ở Việt Nam”.

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cám ơn các nhà khoa học đã đến dự và tham gia trao đổi tại Hội thảo và lưu ý các thành viên đề tài khi viết các chuyên đề của mình cần bám sát các quy định trong Luật Đất đai năm 2013 mới được ban hành.