•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo quốc tế “Xét xử công bằng trong tố tụng hình sự: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”

23/09/2019
Trong các ngày 05 - 06/09/2019, tại Khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á, Viện Konrad Adenauer Stiftung của CHLB Đức (Viện KAS) tổ chức hội thảo quốc tế “Xét xử công bằng trong tố tụng hình sự: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 150 lượt đại biểu, nhà khoa học đến từ các cơ quan, tổ chức sau đây:

- Các cơ quan trung ương: Hội đồng Lý luận Trung ương; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam;…

- Các cơ quan địa phương, cơ sở đào tạo: Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương; HĐND Tp. Hồ Chí Minh; Học viện Khoa học xã hội; Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Kiểm sát;…

- Các nhà khoa học quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Singapore.

 

Về phía cơ quan tổ chức hội thảo có sự tham dự của bà Susan Chan, cán bộ Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á, Viện KAS; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật. Các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật đã tích cực thảo luận tại các phiên họp của hội thảo.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, quyền được xét xử công bằng là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của con người được pháp luật quốc tế và pháp luật nhiều quốc gia quy định và bảo vệ. Khoản 2 Điều 31 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: Người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định nhiều nguyên tắc để bảo đảm xét xử công bằng như: suy đoán vô tội; không bị kết án hai lần vì một tội phạm; bảo đảm quyền được bào chữa; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm tranh tụng trong xét xử;… Ông mong muốn tại hội thảo này, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận về những khó khăn, thách thức, những vấn đề đặt ra trong việc bảo đảm xét xử công bằng ở các quốc gia; các yếu tố trong nước và quốc tế tác động đến xét xử công bằng; kinh nghiệm quốc tế và quốc gia về những điều kiện cần có để bảo đảm xét xử công bằng;…

 

Tiếp theo là phát biểu của ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn được lắng nghe các tham luận cũng như những ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam để biết được việc xét xử ở các quốc gia hiện nay diễn ra thế nào. Ông tin tưởng rằng, từ những quy định của pháp luật quốc tế thì một tòa án độc lập, không thiên vị là yếu tố cơ bản để việc xét xử diễn ra minh bạch và công bằng.

 

Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam, phát biểu

 

Phiên thứ nhất của hội thảo có chủ đề “Xét xử công bằng trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và TS. Phạm Thị Thúy Nga chủ trì. Mở đầu là tham luận của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), “Xét xử công bằng theo pháp luật quốc tế và theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam”. Bài viết tập trung làm rõ khái niệm công bằng, quyền được xét xử công bằng trong tố tụng hình sự (TTHS), phân tích pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền được xét xử công bằng.

 

Ông dẫn chứng và phân tích một số điều luật trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 (UDHR), Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR), Công ước Nhân quyền Châu Âu năm 1950 (ECHR) liên quan đến quyền được xét xử công bằng. Ở Việt Nam, xét xử công bằng là định hướng được quy định trong nghị quyết của Đảng và ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Những nội dung của xét xử công bằng được thể hiện trong các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 không chỉ phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền mà còn thẻ hiện truyền thống của pháp luật Việt Nam từ năm 1945 đến nay.

 

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí trình bày tham luận

 

Tiếp theo là tham luận của ThS. Nguyễn Tiến Đức (Viện Nhà nước và Pháp luật) với chủ đề “Pháp luật quốc tế về quyền được xét xử công bằng”. Về bản chất, quyền được xét xử công bằng không phải là một quyền đơn nhất mà là một tập hợp các quyền với mục tiêu bảo đảm công lý trong quá trình xét xử. Quyền này tồn tại trong toàn bộ quá trình tố tụng, gồm trước, trong và sau khi xét xử. Bài viết chủ yếu nghiên cứu những nhận định và kết luận của Ủy ban nhân quyền (HRC, cơ quan giám sát thực thi ICCPR) và Tòa án nhân quyền Châu Âu (ECtHR, cơ quan giám sát thực thi ECHR) liên quan đến: quyền tiếp cận và bình đẳng trước tòa án và cơ quan tài phán; quyền được xét xử bởi cơ quan tài phán có thẩm quyền, độc lập và vô tư được thành lập theo pháp luật; quyền được xét xử công khai; quyền suy đoán vô tội và không bị buộc tội bản thân; quyền bình đẳng trong hoạt động tranh tụng và các quyền con người khác trong xét xử công bằng.

 

Sau hai báo cáo, hội thảo đã tiến hành thảo luận với những câu hỏi đưa ra liên quan đến việc pháp luật Việt Nam quy định thế nào để đảm bảo xét xử kịp thời; nguyên tắc, quá trình xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội;… Bộ luật TTHS Việt Nam có các điều luật quy định cụ thể về thời hạn trong từng giai đoạn của quá trình tố tụng. Những điều luật này phản ánh tính kịp thời trong xét xử.

 

TS. Nguyễn Văn Sơn cho biết, Bộ luật TTHS hiện hành có chương riêng quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên. Về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, khi xét thấy chưa cần thiết áp dụng hình phạt tù thì tòa án áp dụng các biện pháp khác, chẳng hạn như khiển trách. Quy định này thể hiện tính nhân văn và bảo vệ người chưa thành niên phạm tội.

 

Từ trái sang phải: GS. Masahisa Deguchi, TS. Đinh Thế Hưng và ông Jinman Lee

 

Phiên thứ hai “Thực hiện bảo đảm xét xử công bằng trong TTHS” do PGS.TS. Nguyễn Như Phát và TS. Đinh Thế Hưng chủ trì. Mở đầu phiên là tham luận của GS. Masahisa Deguchi (Khoa Luật, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản), “Xét xử công bằng trong TTHS Nhật Bản và gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam”. Tác giả trình bày về thương lượng nhận tội và Ủy ban Giám sát hoạt động truy tố trong tố tụng hình sự Nhật Bản. Trong đó, thương lượng nhận tội được thiết lập vào tháng 6/2018, là một trong những cải cách của hệ thống tư pháp hình sự nhằm cải thiện và đa dạng hóa quy trình thu thập chứng cứ và hỗ trợ quá trình xét xử. Theo đó, bị can/bị cáo đồng ý cung cấp cho công tố viên những chứng cứ hoặc lời khai hỗ trợ cho việc buộc tội hoặc điều tra hành vi thực hiện một số tội phạm nhất định bởi bên thứ ba. Đổi lại, công tố viên đồng ý rút hoặc giảm các cáo buộc hình sự cho người đó.

 

Ủy ban Giám sát hoạt động truy tố Nhật Bản gồm 11 thành viên, tiến hành kiểm tra liệu quyết định truy tố của cơ quan công tố là đúng hay sai. Hoạt động này là biện pháp giúp ngăn ngừa sự tùy tiện trong hệ thống tư pháp.

 

Tiếp theo, ông Jinman Lee (Thẩm phán Tòa án cấp cao Hàn Quốc) trình bày tham luận “Bảo đảm xét xử công bằng trong tố tụng hình sự ở Hàn Quốc”. Nội dung tham luận khẳng định điều kiện thiết yếu và quan trọng để xét xử công bằng là các thẩm phán phải độc lập, có thẩm quyền và không thiên vị. Họ phải đề cao việc tuân thủ nguyên tắc tố tụng và phải có sự can đảm khi tuyên bố vô hiệu bất cứ điều gì không phù hợp với nguyên tắc này. Các thẩm phán cũng cần có sự chắc chắn để giữ quan điểm suy đoán vô tội.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh

 

Trả lời câu hỏi của GS.TS. Võ Khánh Vinh liên quan đến đạo đức của thẩm phán và sử dụng chứng cứ, ông Jinman Lee cho biết, pháp luật Hàn Quốc quy định thẩm phán không được phép liên lạc với công tố viên và luật sư. Thẩm phán có trách nhiệm giải trình trước công chúng. Sẽ rất nghiêm trọng nếu thẩm phán đánh mất đi uy tín của mình trước công chúng. Về bằng chứng, nếu luật sư biện hộ chứng minh các bằng chứng bên công tố trình lên là ko đủ căn cứ thì thẩm phán có thể tuyên bị cáo vô tội.

 

Tiếp theo, TS. Phạm Minh Tuyên (Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh) trình bày tham luận “Bảo đảm quyền bào chữa, tranh tụng, kháng cáo trong xét xử vụ án hình sự ở Việt Nam”. Bàn về bảo đảm tranh tụng trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa, tác giả cho rằng, đây là giai đoạn hết sức quan trọng của tranh tụng, là giai đoạn mà các chủ thể buộc tội và gỡ tội đưa ra các chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình. Điều 321 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định rõ bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát phải thể hiện rõ diễn biến thực tế của phiên tòa là phải căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cũng như ý kiến của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác chứ không phải là bản luận tội bỏ túi theo nội dung của bản cáo trạng. Để bảo đảm tranh tụng trong phần tranh luận, Bộ luật TTHS cũng quy định chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận.

 

Nếu người bào chữa đề nghị tranh luận nhưng kiểm sát viên không thực hiện thì chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu kiểm sát viên đối đáp lại toàn bộ ý kiến của người bào chữa. Nếu đại diện Viện Kiểm sát không đối đáp thì yêu cầu kiểm sát viên nói rõ lý do và việc này phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

 

Trong phiên này, hội thảo cũng đã lắng nghe các tham luận:

  • Bảo đảm quyền được xét xử công bằng trong giai đoạn tiền xứt xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam - TS. Hoàng Anh Tuyên (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao);
  • Quyền bình đẳng trước Tòa án và được xét xử công khai bởi Tòa án độc lập, không thiên vị: Thực tiễn của Philippines và gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam - ông Jose Midas Marquez (Văn phòng Tòa án Hành chính, Tòa án Tối cao Philippines);
  • Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân trong bảo đảm xét xử công bằng TTHS ở Việt Nam - TS. Nguyễn Ngọc Kiện (Đại học Luật, Đại học Huế).

Hội thảo cũng nhận được những trao đổi, thảo luận của PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh, TS. Đinh Thị Mai (Học viện Khoa học xã hội), TS. Đỗ Ngọc Thịnh (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và các nhà khoa học khác về các vấn đề liên quan đến: nguyên tắc xác định sự thật của vụ án; thương lượng nhận tội; bị can tự biện hộ và cơ hội cho họ tiếp cận luật sư; lạm dụng vũ lực khi thi hành công vụ ở Philippines;…

 

Từ trái sang phải: GS. Heribertus Jaka Triyana, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh

và ông Remy Choo

 

Sáng ngày 6/9/2019, hội thảo tiếp tục diễn ra phiên thứ ba với chủ đề “Vai trò của các chủ thể trong bảo đảm xét xử công bằng trong TTHS”, do PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh chủ trì. Mở đầu là tham luận “Giới hạn quyền con người trong TTHS: Thực tiễn của Indonesia và gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam” của GS. Heribertus Jaka Triyana (Đại học Gadjah Mada, Indonesia). Bài viết phân tích các mô hình, xu hướng của các vấn đề pháp lý trên thực tế về hạn chế quyền con người trong TTHS và mối liên hệ của chúng với người nước ngoài. Các khoảng trống pháp lý, sự thiên vị, các thể chế chồng chéo cũng như các xung đột vẫn tồn tại làm giảm giá trị của công lý. Tác giả đưa ra những vụ việc xảy ra trên thực tế liên quan đến tình trạng phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, tự do và an ninh cá nhân. Đây là những thách thức và cũng là cơ hội để điều chỉnh, thay đổi vấn đề quyền con người nhằm tiếp cận công lý tốt hơn.

 

Tiếp theo, TS. Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày tham luận “Thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong TTHS Việt Nam”. Trong hệ thống các nguyên tắc của TTHS, nguyên tắc suy đoán vô tội đóng vai trò hết sức quan trọng và được thừa nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản và là trụ cột chính kiến tạo nên hệ thống pháp luật TTHS. Bộ luật TTHS năm 2015 chính thức ghi nhận nguyên tắc này tại Điều 13: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

 

Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

  • Tiếp tục hoàn thiện mô hình TTHS ở Việt Nam theo hướng mở rộng hơn nữa tranh tụng trong quá trình tố tụng;
  • Hoàn thiện nguyên tắc pháp chế theo hướng không chỉ nhấn mạnh tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng của bản án mà cần khẳng định hậu quả pháp lý của việc vi phạm pháp chế;
  • Bổ sung một số quy định của Bộ luật TTHS về chứng cứ và chứng minh;
  • Bổ sung các quy định về các biện pháp điều tra.

Trong phiên này, hội thảo cũng đã nghe hai tham luận: “Quyền và các quy trình thỏa đáng: Vai trò của Tòa án Singapore trong đảm bảo xét xử công bằng” của ông Remy Choo (Giám đốc Công ty Luật Peter Low & Choo LLC); “Vai trò của luật sư, người bị buộc tội trong việc bảo đảm xét xử công bằng” của TS. Đỗ Ngọc Thịnh.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh gửi lời cảm ơn tới Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á, Viện KAS đã giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ với Viện Nhà nước và Pháp luật để tổ chức hội thảo này. Ông cảm ơn các vị khách quốc tế, các nhà quản lý, các khoa học đã tham gia nhiệt tình và đóng góp vào thành công của hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cũng tóm tắt ngắn gọn kết quả các hoạt động diễn ra trong ba phiên hội thảo.

 

Các nhà khoa học chụp ảnh kỷ niệm

Các tin cùng chuyên mục: