•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo quốc tế “Kinh doanh và quyền con người"

05/07/2013
Trong hai ngày 27-28/6/2013, Hội thảo quốc tế “Kinh doanh và quyền con người” đã diễn ra tại Khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong Dự án về Diễn đàn giáo dục quyền con người giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Trung tâm Nhân quyền Na Uy.

Tham gia Hội thảo có các đại biểu đến từ các trường đại học trong và ngoài nước giảng dạy chuyên ngành luật và quyền con người, các viện, trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý và đại diện các doanh nghiệp. Ngoài ra, hội thảo cũng có sự tham dự của các nghiên cứu sinh, học viên cao học của Khoa Luật – Học viện Khoa học xã hội.


Chủ tọa và điều hành hoạt động Hội thảo là GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Dự án Diễn đàn giáo dục Quyền con người; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Bard Andreassen – đại diện Trung tâm Nhân quyền Na Uy; Bà Larissa Falkenberg Kosanovic, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam. Điều phối viên Chương trình Việt Nam, Trung tâm Nhân quyền Nauy là TS. Nguyễn Thị Mẫu Đơn cũng đến dự.

GS.TS Võ Khánh Vinh phát biểu tại phiên khai mạc đã khẳng định quyền con người ở Việt Nam đã và đang trở thành vấn đề được xã hội quan tâm, trong đó việc bảo đảm quyền con người trong mối quan hệ với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Tại Hội thảo, các thành viên cùng tham gia lắng nghe, trao đổi những vấn đề chung về kinh doanh và quyền con người; thực trạng ở Việt Nam và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để từ đó mong muốn tạo ra những tác động tích cực, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý, các chính trị gia trong nước quan tâm và tham gia nhiều hơn đến vấn đề quyền con người và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền con người.

Tại phiên toàn thế thứ nhất, buổi sáng ngày 27/6/2013, Hội thảo đã nghe 03 tham luận liên quan đến những vấn đề chung về kinh doanh và quyền con người: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Một số vấn đề lý luận” (PGS.TS.Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); “Xác định tính chất căn bản trong các chính sách về quyền con người” (TS. Matthew Mullen, Viện Nghiên cứu nhân quyền và hòa bình, Đại học Mahidol, Thái Lan); “Bảo vệ môi trường khỏi những hủy hoại nghiêm trọng: Hướng tới một mô hình chia sẻ trách nhiệm giữa các tập đoàn đa quốc gia và các quốc gia liên quan” (GS.TS. Gentian Zyberi, Trung tâm Nhân quyền Nauy, Đại học Oslo).

 


GS.TS. Bard Andreassen, Trung tâm Nhân quyền Na Uy


Trong các bản tham luận trên, những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận tập trung chủ yếu vào: Hiệu ứng tích cực cũng như tiêu cực của doanh nghiệp và nguồn gốc của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với quyền con người (PGS.TS. Nguyễn Như Phát); Các thỏa ước toàn cầu của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong đó việc sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người (HRBA) được xem như một thước đo chất lượng phù hợp để tiếp cận quyền con người và những chỉ số mang tính chỉ dấu, chỉ báo dựa trên kết quả và bằng chứng thực nghiệm về việc thực thi quyền con người trở thành cách tốt nhất để nhận diện chính sách và đề xuất những giải pháp hoạch định chính sách ở mỗi quốc gia (TS. Matthew Mullen); Vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên trước những hủy hoại nghiêm trọng và hướng tới một mô hình chia sẻ trách nhiệm giữa các tập đoàn đa quốc gia và các quốc gia liên quan đối với quyền con người, trong đó có thể dựa vào những quy định quốc tế về bảo vệ môi trường để xác định trách nhiệm của tập đoàn đa quốc gia về môi trường, qua nghiên cứu hai trường hợp là sự cố tràn dầu của công ty Deepwater Horizon xảy ra Tháng 4 năm 2010 làm hủy hoại môi trường vùng Ogoniland và trường hợp thảm họa nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima – Nhật Bản tháng 3 năm 2011; Phân tích trách nhiệm các quốc gia chủ quản của các tập đoàn đa quốc gia, xác định trách nhiệm của các tập đoàn trong việc gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường; căn cứ vào Hiệp ước Toàn cầu của Liên hiệp quốc năm 2000, quy nghĩa vụ pháp lý đối với các tập đoàn trong việc bảo vệ môi trường (GS.TS. Gentian Zyberi).
 


PGS.TS. Nguyễn Như Phát trình bày bản tham luận


Tại phiên buổi chiều, Hội thảo tiếp tục nghe 04 bài tham luận:
    - “Khả năng tồn tại của Bộ nguyên tắc Maastricht về các nghĩa vụ ngoài lãnh thổ của các nước đối với các quyền kinh tế xã hội trong việc thúc đẩy các quyền kinh tế xã hội ở các nước đang phát triển” (NCVCC. Ebenezer Durojaye, Trung tâm Luật Cộng đồng, Đại học Western Cape, Nam Phi);
    - “Trách nhiệm của Doanh nghiệp đối với vi phạm quyền con người – Cơ sở pháp lý quốc tế và hướng dẫn giải quyết – Giải pháp khắc phục hậu quả hay chỉ là biện pháp trấn an phản tác dụng” (ThS. Itai Apter, Trưởng ban Dân sự quốc tế, Vụ Hiệp định quốc tế và Tranh chấp quốc tế, Bộ Tư pháp, Israel);  
    - “Những bước phát triển trong đặc quyền ngoại giao và pháp luật mềm: Hướng tới các biện pháp mới buộc tạp đoàn kinh tế có trách nhiệm thực hiện quyền con người” (NCS. Humberto F. Cantú Riviera, Đại học Pantheon – Assas Paris II, Pháp);
    - “Thế hệ ‘thương mại công bằng’ tiếp theo: Khung khổ quyền con người nhằm chống tham nhũng ở tập đoàn trong chuỗi cung ứng toàn cầu” (TS. Hana Ivanhoe, Fairfood international, San Francisco, Mỹ).

Trong bài tham luận của mình, ông Ebenezer Durojaye chỉ ra các nghĩa vụ ngoài lãnh thổ của các nước đối với các quyền kinh tế xã hội trong việc thúc đẩy các quyền kinh tế xã hội ở các nước đang phát triển đặt trong tương quan với Bộ nguyên tắc Maastricht, trong đó khẳng định các công ty đa quốc gia là một đối tượng của Luật Nhân quyền quốc tế. Cùng với việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại các nước sở tại, các công ty đa quốc gia cũng đồng thời cung cấp cơ hội việc làm, nâng cao tiêu chuẩn sống tổng thể của người dân nước sở tại, song đôi khi họ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc vi phạm nhân quyền trong các vùng lãnh thổ của các quốc gia chủ nhà như sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, đàn áp quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận, vi phạm các quyền thực hành văn hóa và tôn giáo, xâm phạm quyền tài sản (bao gồm cả sở hữu trí tuệ) và xâm phạm tổng thể các quyền về môi trường… Trong trường hợp này phải áp dụng Chỉ dẫn về các công ty đa quốc gia năm 1976 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để áp đặt các nghĩa vụ đối với các tập đoàn đa quốc gia, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền của những người bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của họ phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của chính phủ nước chủ nhà.
 
Tại ngày làm việc thứ hai, 28/6/2013, Hội thảo chia thành 2 tiểu ban: 1. “Kinh nghiệm quốc tế, khu vực, quốc gia” và 2.“Châu Âu, Châu Mỹ la tinh và Châu Á”.
 
Trao đổi về vấn đề người khuyết tật trong ngành công nghiệp xuất khẩu ở Ấn Độ, thông qua mẫu khảo sát với sự tham gia của 75 công ty/ nhà máy trong khu vực lãnh thổ quốc gia, TS. Ritunarna Majumdar, Đại học Gautam Buddha, Ấn Độ đã tiến hành tập trung khảo sát việc thực hiện những biện pháp, sáng kiến, quy định đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có liên quan đến phân biệt đối xử với người khuyết tật, thực trạng việc làm, sự thích ứng, thích nghi với nơi làm việc, một số quy định về nhân lực… Từ đó đưa ra một số khuyến nghị sửa đổi chính sách và thay đổi về nhận thức xã hội và tâm lý giúp cho việc hòa đồng và hội nhập chính đáng của nhóm người thiểu số vô hình vào trong xã hội.

Tại Tiểu ban 2, ThS. Ramute Remezaite, Viện Nghiên cứu quyền truyền thông, Baku, Azerbaijan đã trình bày tham luận: “Thực hiện Khung khổ Liên hợp quốc về bảo vệ, tôn trọng và khắc phục hậu quả ở Azerbaijan: Trường hợp công ty dầu mỏ nhà nước SOCAR”. Tác giả đã xem xét trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của công ty SOCAR và trách nhiệm của công ty này trước tác động của quyền con người thông qua lăng kính khung khổ nêu trên, đặc biệt tập trung vào những vi phạm về quyền tài sản cá nhân, những người dân trong lãnh thổ giàu tài nguyên mà SOCAR tuyên bố thuộc sở hữu của họ, và quyền con người được hưởng thụ tài nguyên này và đánh giá trách nhiệm của công ty này về quyền con người. Bài viết cũng làm rõ trách nhiệm của chính phủ Azerbaijan như là chủ công ty SOCAR  cũng như vai trò của một số công ty dầu mỏ phương Tây hiện đang có mặt tại Azerbaijan  cũng có phần trách nhiệm ở quốc gia này.

Đến cuối giờ chiều ngày 28/6/2013, GS.TS Võ Khánh Vinh đã phát biểu tổng kết Hội thảo:

Kinh doanh và quyền con người tại Việt Nam là một vấn đề mới, mang tính liên ngành và đa ngành và có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong giới học thuật mà còn liên quan mật thiết đến các nhà quản lý chính sách cũng như giới doanh nghiệp.

Kinh doanh và quyền con người có mối quan hệ gắn kết, vừa đồng thuận lại vừa mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Để giải quyết vấn đề này là không dễ dàng. Doanh nghiệp nào luôn hướng đến và thực hiện tốt tiêu chí kinh doanh vì quyền con người chắc chắn sẽ hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững hơn.

Những ý kiến trao đổi, thảo luận hết sức ý nghĩa của các đại biểu trong nước và quốc tế sẽ tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu một cách cơ bản hơn nữa cả về mặt lý luận và thực tiễn trong mối quan hệ giữa kinh doanh và quyền con người. Chủ đề này sẽ được đưa vào chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành quyền con người tại Học viện Khoa học xã hội.

Không những thế, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn với đối tượng là các doanh nghiệp, nhà chức trách ở trung ương và địa phương trong việc xây dựng, tổ chức và thực hiện chính sách.  

 


Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm.

Các tin cùng chuyên mục: