•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI diễn ra thành công

10/11/2021
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức, đã diễn ra trong 02 ngày, 28-29/10/2021. Trong đó, ngày 29/10/2021, Hội thảo Tiểu ban 7 “Nhà nước và Pháp luật” đã được tổ chức tại trụ sở Viện Hàn lâm, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trên phần mềm Zoom Meetings.

Tham dự hội thảo, về phía Ban Tổ chức, có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật); PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh (Phó Giám đốc phụ trách Học viện Khoa học xã hội) và PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội). Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đại diện một số Bộ, ban, ngành trung ương; các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo luật và các đại biểu quốc tế đến từ Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan…

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc hội thảo

 

Sau lời chào mừng và giới thiệu đại biểu của TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật), PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc hội thảo. Hội thảo của Tiểu ban “Nhà nước và Pháp luật” là sự kiện khoa học và văn hóa có ý nghĩa quy tụ nhiều cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Ông hy vọng sau hội thảo này, các bên sẽ phối hợp, hợp tác với nhau để tiếp tục trao đổi học thuật và tư vấn chính sách.

 

Phiên thứ nhất của hội thảo có chủ đềXây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) và quản trị nhà nước ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vữngdo GS.TS. Võ Khánh Vinh và PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm) đồng chủ trì. Mở đầu là tham luận Thể chế hóa tư tưởng pháp quyền của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh trình bày. Báo cáo đã làm rõ quan điểm của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về pháp quyền, từ đó gợi mở phương hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa quan điểm của Đảng về pháp quyền gắn với mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới. Tiếp theo là tham luận của PGS.TS. Vũ Công Giao (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Những thuận lợi và thách thức về thể chế với việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam. Bài viết đưa ra những phân tích, góp phần trả lời những câu hỏi lớn về những thách thức, thuận lợi với Việt Nam trong việc theo đuổi mô hình nhà nước kiến tạo phát triển kiểu Đông Á… Trên cơ sở đó, tác giả bắt đầu bằng việc xác định khái niệm và vai trò của xây dựng thể chế trong mô hình nhà nước kiến tạo, phát triển; phân tích những thuận lợi, thách thức và gợi mở một số giải pháp hoàn thiện thể chế cho việc xây dựng nhà nước nước kiến tạo, phát triển ở Việt Nam.  

 

Hội thảo cũng lắng nghe tham luận Quản trị dân chủ ở Việt Nam: Sự tích hợp giữa quản trị nhà nước tốt và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa” của PGS.TS. Trương Hồ Hải (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và TS. Đặng Viết Đạt (Học viện Chính trị Khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh (bên trái) và PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh đồng chủ trì hội thảo

 

Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi về điểm mới, điểm đột phá của quan điểm NNPQ tại Đại hội Đảng lần thứ XIII so với tư tưởng, quan niệm về NNPQ XHCN của Đảng trước Đại hội, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII không nói rõ nội hàm nhưng tư tưởng pháp quyền được thể hiện rõ trong việc nhấn mạnh xây dựng NNPQ với các tiêu chí cụ thể: trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ đất nước. Thứ nhất, xây dựng NNPQ là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Pháp quyền luôn luôn gắn với NNPQ. Trong giai đoạn tới phải nhấn mạnh hơn nữa xây dựng NNPQ. Thứ hai, gắn pháp quyền như cơ sở để xác định vai trò, vị trí để xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thứ ba, yêu cầu xây dựng nền hành chính gắn với NNPQ, sử dụng pháp luật để các cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

 

Bình luận về chủ đề phiên, TS. Nguyễn Ngọc Kiện (Đại học Luật, Đại học Huế) cho rằng, để xây dựng NNPQ thì cần phải đổi mới bộ máy nhà nước, trong đó Quốc hội cần có sự cải tổ mạnh mẽ về quy trình làm luật. Nhà nước cũng cần nghiên cứu định hướng vai trò của Viện kiểm sát nhân dân theo hướng chuyên môn hóa, thay đổi chức năng hoạt động để đảm bảo tính khách quan trong công tác bảo vệ pháp luật.

 

Tại phiên này, hội thảo cũng thu nhận những trao đổi, thảo luận của GS.TS. Võ Khánh Vinh, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, TS. Mai Văn Thắng, TS. Đặng Viết Đạt và các nhà khoa học khác.

 

 

Sau giờ nghỉ giải lao, hội thảo diễn ra phiên thứ hai với chủ đề Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Mở đầu phiên là tham luận của PGS.TS. Lê Mai Thanh (Viện Nhà nước và Pháp luật), “Thực trạng ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam”. Bài viết phân tích nhu cầu tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam bên cạnh quá trình hội nhập toàn cầu cũng như các yêu cầu chung thực thi FTA đối với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết đánh giá thực trạng ký kết các FTA của Việt Nam và việc tổ chức thực thi 14 FTA đã có hiệu lực theo hai nhóm gồm 7 FTA mà Việt Nam tham gia trong khuôn khổ ASEAN và 7 FTA mà Việt Nam trực tiếp ký kết với các đối tác khác. Ngoài ra, báo cáo đánh giá thực tiễn nội luật hóa các cam kết theo từng FTA và thực tiễn tổ chức thực hiện 14 FTA đang có hiệu lực.

 

Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự Việt Nam và khuynh hướng phát triển”. Bài viết của báo cáo viên tập trung vào giải quyết các vấn đề: (i) Khung pháp lý về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự ở Việt Nam; (ii) Những yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế đối với hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự ở Việt Nam; (iii) Khuynh hướng phát triển và những vấn đề đặt ra của hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự ở Việt Nam.

 

Trả lời câu hỏi của GS.TS. Võ Khánh Vinh về năng lực thực thi các hiệp định tương trợ tư pháp ở Việt Nam hiện nay, trên thực tế việc thực thi còn hạn chế. Về nhận thức pháp luật, vẫn còn thiếu những lĩnh vực quan trọng chưa có luật điều chỉnh. Ngoài ra, cơ chế phối hợp, năng lực cán bộ có thẩm quyền về tố tụng hình sự còn yếu về kiến thức pháp luật, kỹ năng và ngoại ngữ. Cán bộ có trình độ ngoại ngữ sẽ rất thuận lợi khi giải quyết nhiệm vụ trong hợp tác quốc tế.

 

Trước khi nghỉ trưa, hội thảo đã lắng nghe tham luận của TS. Nguyễn Thị Bình (Đại học Luật, Đại học Huế), “Những thách thức của an ninh phi truyền thống và vấn đề hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0”.

 

Với các tham luận trên, các đại biểu cũng đã thảo luận về các vấn đề: tình hình thực thi FTA về quyền tham gia tổ chức đại diện người lao động; sự quan tâm của tập đoàn kinh tế nhà nước đến các FTA; tội phạm an ninh phi truyền thống;…

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (bên trái) và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh

 

Buổi chiều, hội thảo tiếp tục diễn ra với sự điều hành của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh. Mở đầu là tham luận “Mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam - những vấn đề pháp lý đặt ra và định hướng hoàn thiện pháp luật” của TS. Chu Thị Hoa (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp). Báo cáo của tác giả nhấn mạnh đến toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm xuất hiện và phát triển các mô hình kinh tế mới, trong đó có kinh tế chia sẻ. Trong vài năm gần đây, kinh tế chia sẻ đã có những bước phát triển nhanh chóng và nổi lên như một hiện tượng ở Việt Nam với sự xuất hiện của hàng loạt các loại hình dịch vụ kinh doanh mới. Những câu hỏi mà mô hình kinh tế chia sẽ đang đặt ra với các nhà quản lý liên quan đến các vấn đề như: bảo đảm môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý thuế, bảo vệ lợi ích công, bảo vệ môi trường. Đối mặt với những vấn đề trên, hệ thống pháp luật Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức và bộc lộ những lỗ hổng. Vì thế, việc phân tích những bất cập và thực tiễn thực hiện pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam là việc cần phải làm hiện nay để đưa ra các định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.

 

Tiếp theo, TS. Phạm Thị Thúy Nga (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày tham luận Hoàn thiện pháp luật lao động, an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững”. Bài viết chỉ ra các tác động của bối cảnh mới hiện nay và những thách thức đặt ra đối với pháp luật lao động và an sinh xã hội. TS. Phạm Thị Thúy Nga nhấn mạnh, pháp luật cần có sự điều chỉnh thích hợp để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của hội nhập quốc tế, của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực lao động và an sinh xã hội. Các chính sách của thị trường lao động chủ động, hiệu quả sẽ giúp kết nối người lao động với việc làm, giúp người lao động chuyển dịch thuận lợi từ một công việc này tới công việc khác. Ngoài ra, tác giả cũng chỉ ra xu hướng phát triển của pháp luật lao động, an sinh xã hội trong bối cảnh mới hiện nay, các yêu cầu và giải pháp hoàn thiện pháp luật lao động và an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

 

Toàn cảnh hội thảo tổ chức tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Hà Nội

 

Tại phiên này, hội thảo đã lắng nghe trực tuyến phần trình bày tham luận của các nhà khoa học quốc tế đến từ Nga và Anh. Đầu tiên là tham luận của GS.TS. Alexander Molotnikov Sergeyevich (Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật Châu Á, Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Lomonoxov, LB Nga),Sự ảnh hưởng của pháp luật Xô Viết tới sự hình thành và phát triển của pháp luật Việt Nam: Phân tích từ khía cạnh lịch sử pháp lý”. Diễn giả tập trung phân tích những đặc điểm cơ bản của sự ảnh hưởng và đánh giá những ảnh hưởng đó tới trạng thái hiện đại của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.

 

Tham luận thứ hai Bối cảnh tội phạm kinh tế quốc tế và cái nhìn sâu sắc cho các thị trường mới nổi” của TS. Dominic Thomas-James (Ủy viên Hiệp hội Hoàng gia về khuyến khích nghệ thuật, sản xuất và thương mại, Vương quốc Anh) tiếp cận vấn đề phức tạp của các tiêu chuẩn tội phạm kinh tế quốc tế từ quan điểm phát triển. Diễn giả chia sẻ một số hiểu biết sâu sắc về bối cảnh quốc tế và những khó khăn thực tế trong việc thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn tội phạm kinh tế nhất định, đặc biệt liên quan đến tính minh bạch của doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Mục đích của việc làm này là để chứng minh rằng ngay cả ở các nước phát triển nhất, một số tiêu chuẩn vẫn được áp dụng một cách không nhất quán.

 

Từ Ba Lan, GS.TS. Anna Mlynarska-Sobaczewska (Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan) chia sẻ về một số nguyên tắc pháp luật ở Ba Lan và Châu Âu cũng như nhấn mạnh đến chức năng của cơ quan lập pháp. Ngoài ra, theo GS.TS. Anna, ở Châu Âu, về sự liên kết giữa kinh tế, thị trường và chính trị, thông qua các học thuyết về kinh tế của Chủ nghĩa Mác thì nguyên tắc của thị trường đang dần biến mất. Hiện nay, bàn tay vô hình của thị trường không còn quan trọng nữa mà có sự tham gia từ bàn tay hữu hình của Nhà nước.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Trong buổi chiều, các đại biểu, nhà khoa học cũng lắng nghe hai tham luận:

  • Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát huy giá trị thương mại của tri thức truyền thống tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển” - ThS. Lê Thị Bích Thủy (Đại học Luật Hà Nội);
  • Hoàn thiện một số quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt nam trong bối cảnh hợp tác ASEAN về phát triển thương mại điện tử” - ThS. Đoàn Quỳnh Thương (Đại học Luật Hà Nội).

 

Phát biểu kết thúc hội thảo của Tiểu ban “Nhà nước và Pháp luật”, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh trân trọng cảm ơn các nhà khoa học trong và ngoài nước đã viết bài, trình bày cũng như nhiệt tình tham gia trao đổi, thảo luận tại hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh nhận định, các bài viết của Hội thảo góp phần nhận diện một số hạn chế trong một số khía cạnh về nhà nước và pháp luật; những vấn đề lớn đặt ra, những thách thức Việt Nam cần giải quyết trong xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đề xuất các giải pháp đổi mới, cải cách Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững đất nước.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng, sau một ngày làm việc hăng say, với tinh thần làm việc hết sức tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp tâm huyết, có những ý tưởng độc đáo, những luận cứ khoa học thuyết phục, qua đó giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể và sinh động hơn về định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, về hoàn thiện pháp luật trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Những ý kiến của các đại biểu đồng thời cũng có thể là những gợi ý cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật, gợi mở các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.

Các tin cùng chuyên mục: