•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo quốc tế công bố kết quả nghiên cứu “Pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”

07/11/2022
Đây là hội thảo trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu “Pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn để đảm bảo phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam” do Văn phòng Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) tại Việt Nam tài trợ. Hội thảo diễn ra ngày 27/10/2022 tại khách sạn Sheraton, Hà Nội.

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật), TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật), ông Florian Feyerabend (Trưởng Đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam).

 

Tham gia và trao đổi tại hội thảo có các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các đại diện đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phát biểu chào mừng hội thảo

 

Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là chủ đề nghiên cứu được thế giới cũng như Việt Nam rất quan tâm. Phát triển KTTH sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Nghiên cứu KTTH vừa mang tính thời sự, vừa phù hợp với định hướng nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Viện Hàn lâm hoan nghênh, ủng hộ Viện Nhà nước và Pháp luật hợp tác với KAS trong nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thúc đẩy KTTH trong quản lý chất thải. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh chân thành cám ơn sự hợp tác nhiệt tình của Văn phòng KAS với Viện Nhà nước và Pháp luật và các đơn vị khác thuộc Viện Hàn lâm.   

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, phát biểu

 

Sau lời phát biểu khai mạc của TS. Phạm Thị Thúy Nga, đại diện cho Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì tổ chức hội thảo và ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS, hội thảo bắt đầu với phiên báo cáo tham luận. Mở đầu, TS. Nguyễn Linh Giang giới thiệu bối cảnh chung của dự án “Pháp luật về phát triển KTTH để đảm bảo phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”. Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Linh Giang chỉ ra những lý do chính cho việc lựa chọn chủ đề của dự án.

 

Ông Florian Feyerabend, Trưởng Đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam

 

Thứ nhất, xuất phát từ thế mạnh của mô hình KTTH giúp giảm thiểu khai thác tài nguyên và hạn chế ô nhiễm môi trường, việc áp dụng mô hình KTTH đã mang lại nhiều giá trị to lớn về kinh tế, môi trường, xã hội. Vì vậy, mô hình này phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

 

Thứ hai, xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế truyền thống và môi trường ở Việt Nam hiện nay, thực tiễn sau 35 năm đổi mới mở cửa và phát triển kinh tế cho thấy thực trạng phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên thô và lao động giá rẻ đã dẫn tới phát triển thiếu bền vững, đồng thời, nhiều chất thải có thể tái sử dụng, tái chế và làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất nhưng lại bị vứt bỏ rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc thúc đẩy và phát triển KTTH sẽ khắc phục được những bất cập trên và mở ra hướng phát triển mới bền vững cho Việt Nam.

 

Thứ ba, Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ động tham gia và là thành viên của các tổ chức quốc tế cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bên cạnh việc thúc đẩy thương mại thì các hiệp định này rất quan tâm đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Vì thế, khi tham gia sân chơi chung này thì Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo luật chơi chung đó, trong đó có việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển KTTH.

 

TS. Nguyễn Linh Giang giới thiệu bối cảnh chung của dự án

 

Thứ tư, xuất phát từ thực trạng chính sách, pháp luật về phát triển KTTH ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Theo khảo cứu của nhóm nghiên cứu, Việt Nam có rất ít các quy định trực tiếp về KTTH, trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ có Điều 142 ghi nhận trực tiếp về vấn đề này. Ngoài ra, các quy định khác của Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến các lĩnh vực như thu gom, xử lý rác thải, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường hay các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đều cần phải hoàn thiện trong thời gian tới.

 

Được sự tài trợ của KAS, Viện Nhà nước và Pháp luật triển khai thực hiện dự án “Pháp luật về phát triển KTTH để đảm bảo phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam” trong 3 năm từ 2022 đến 2024 với từng chủ đề khác nhau: Năm 2022 về phát triển KTTH trong quản lý chất thải; năm 2023 dự kiến về phát triển KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp; năm 2024 dự kiến về thúc đẩy, phát triển năng lượng tái tạo dựa trên nền của KTTH nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

 

Với chủ đề pháp luật về thúc đẩy phát triển KTTH trong quản lý chất thải, dự án đã triển khai một số hoạt động nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực địa tại 2 tỉnh Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Kết quả nghiên cứu được trình bày tại hội thảo tập trung vào các vấn đề chính: Kinh nghiệm một số nước trên thế giới, rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam, thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam thông qua khảo sát tại Hưng Yên và Vĩnh Phúc, từ đó đưa ra các kiến nghị về thúc đẩy phát triển KTTH trong quản lý chất thải ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Tiếp theo, TS. Bùi Đức Hiển trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của dự án. Về kinh nghiệm một số nước trên thế giới, dự án lựa chọn 4 quốc gia là CHLB Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc và Singapore để nghiên cứu so sánh. Các quốc gia đều có một hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải tương đối phức tạp, gồm nhiều đạo luật, điều chỉnh các đối tượng khác nhau. Do nằm trong Liên minh châu Âu (EU) nên quản lý chất thải tại Đức và Thụy Điển ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật từng quốc gia thì còn phải tuân thủ hệ thống các quy định pháp luật của EU. Hàn Quốc và Singapore cũng có hệ thống pháp luật của quốc gia điều chỉnh về quản lý chất thải.

 

TS. Bùi Đức Hiển trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu

 

Sự phát triển của các chính sách, quy định pháp luật về thúc đẩy KTTH trong quản lý chất thải ở các quốc gia cho thấy có sự tiếp cận khác nhau với sự tham gia rộng rãi của tất cả các bên liên quan (nhà sản xuất, người tiêu dùng) và hướng tới mục tiêu là tuần hoàn tài nguyên trong quản lý chất thải. Ví dụ, tại CHLB Đức, thúc đẩy KTTH đã được ghi nhận trong quy định về Trách nhiệm của nhà sản xuất đối với chất thải bao bì năm 1991, trước khi có Chỉ thị quản lý chất thải và chu trình chất thải khép kín năm 1996. Hoặc cách tiếp cận của EU cũng cho thấy, bên cạnh các luật khung, chỉ thị khung thì EU cũng ban hành một loạt các quy định áp dụng cho từng dòng chất thải riêng biệt như: Chỉ thị của Hội đồng Châu Âu 2006/66/EC về pin và ắc quy có chứa một số chất nguy hiểm, Chỉ thị của Hội đồng 86/278/EEC về bảo vệ môi trường và đặc biệt là cát, bùn thải được sử dụng trong nông nghiệp,…

 

Hoặc tại Hàn Quốc, trước khi có Luật Khung về tuần hoàn tài nguyên năm 2016 thì các quy định về khuyến khích tái chế chất thải xây dựng, các quy định về tuần hoàn tài nguyên là thiết bị điện, điện tử cũng đã được ban hành năm 2003, 2007. Cách tiếp cận này cho phép các quốc gia này giải quyết được những nhu cầu bức thiết về quản lý rác thải trong từng ngành công nghiệp, đưa ra những ưu tiên lựa chọn cho các nguyên vật liệu có khả năng tái sử dụng, tái chế cao.

 

Về tái chế, tái sử dụng chất thải, trách nhiệm của nhà sản xuất được coi là chế định trung tâm để thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải. Tại Hàn Quốc, pháp luật quy định rõ xác định nhà sản xuất nào có nghĩa vụ tái chế và nhà sản xuất nào được miễn trừ và quy định tỷ lệ tái chế cho từng lĩnh vực, ngành hàng. Ngoài ra, các quốc gia cũng đưa ra các quy định về phân loại rác tái chế và rác không thể tái chế; quy trình tái chế; các công cụ tài chính thúc đẩy tái chế, tái sử dụng như các loại thuế khuyến khích hoạt động tái chế, tái sử dụng;…

 

Về xử lý chất thải, để cải thiện tỷ lệ tái chế và tái sử dụng, một số quốc gia đã thực hiện chính sách cấm chôn lấp rác mạnh mẽ. Thụy Điển ban hành lệnh cấm chôn lấp rác có khả năng đốt cháy từ năm 2002 và chất thải hữu cơ từ năm 2005. Tuy nhiên, lệnh cấm chôn lấp chất thải thường được thực hiện khi các quốc gia này đã có hệ thống thu hồi rác thải tái chế. Ví dụ, Đức thiết lập “Hệ thống thu hồi chất thải” (take-back system) để thu hồi các chất thải có thể tái chế. Các quốc gia cũng sử dụng các công cụ quản lý khác như giấy phép môi trường, xử lý vi phạm và kiểm soát tuân thủ được thực thi bởi đội ngũ công vụ.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Dự án đã rà soát pháp luật Việt Nam về phát triển KTTH trong quản lý chất thải. Việt Nam vẫn chưa có đạo luật về thúc đẩy phát triển KTTH hay nghị định riêng nào điều chính về thúc đẩy hoạt động phát triển KTTH mà vẫn chủ yếu được quy định rải rác trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP với những quy định bước đầu về quản lý chất thải theo vòng đời sản phẩm nhưng còn chung chung, thiếu cụ thể và chưa rõ ràng.

 

Chẳng hạn, để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải, năm 1999, Việt Nam đã ký cam kết thực hiện Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn. Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng có các quy định mang tính chất vừa nghĩa vụ, vừa khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, công nghệ sản xuất sạch hơn. Mặc dù vậy, sản xuất sạch hơn mới chỉ được ghi nhận ở tính nguyên tắc mà chưa có quy định pháp luật cụ thể làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai trên thực tiễn.

 

Nhà nước cũng đã ban hành các quy định cụ thể về tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường trong sản xuất và tiêu dùng tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT,… Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện vẫn còn hạn chế và chưa hiệu quả, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chú trọng sản xuất các sản phẩm xanh do thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh.

 

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Trong hoạt động thảo luận nhóm và tham quan mô hình KTTH tại Hưng Yên và Vĩnh Phúc, dự án đã chỉ ra 9 vấn đề chính trong các lĩnh vực: ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải; tái chế, tái sử dụng chất thải; xử lý chất thải. Trong đó, với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, hai địa phương đều ban hành đơn giá dịch vụ. Tuy nhiên, đơn giá trần này không đủ bù đắp chi phí và thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Công nghệ xử lý chất thải ở Hưng Yên theo dạng hiện đại (đốt rác phát điện, tận thu năng lượng...) cũng như sản xuất phân hữu cơ chưa phổ biến. Trong khi đó, kinh phí để thực hiện xử lý chất thải rất lớn, cần huy động nguồn vốn không chỉ từ doanh nghiệp, Nhà nước mà còn cần nguồn xã hội hóa. Vì vậy, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt ở Hưng Yên hiện nay chủ yếu là chôn lấp, gây tốn kém quỹ đất, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiêm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm nặng hơn và việc thu hút nhà đầu tư vào xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn.

 

Từ những nghiên cứu và khảo sát trên, dự án đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật, có thể kể đến như: Bổ sung các chính sách, quy định nhằm thúc đẩy thị trường tái chế; tuân thủ nghĩa vụ lồng ghép các nội dung của KTTH trong việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển KTTH; tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ công chúng đối với các dự án quản lý chất thải;…

 

Những người chủ trì và bình luận kết quả nghiên cứu của dự án (từ trái sang): Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng,

TS. Nguyễn Thi, TS. Bùi Đức Hiển, TS. Nguyễn Linh Giang, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, ông Nguyễn Thành Nam

và TS. Vương Thị Lan Anh

 

Sau đó là phiên thảo luận. Hội thảo đã lắng nghe các bình luận và trao đổi. TS. Nguyễn Thi (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị của KTTH là tái chế và tái sử dụng, một mắt xích quan trọng, là yếu tố quyết định tính tuần hoàn của quá trình này. Báo cáo nghiên cứu của dự án khá chi tiết khi đã có những nghiên cứu, phân tích về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, những quốc gia có xuất phát điểm giống Việt Nam hoặc cao hơn để chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn.

 

Dựa trên kết quả nghiên cứu, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) nêu ra các vấn đề để dự án tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo. Về kinh nghiệm quốc tế, ngoài việc nêu ra những chính sách, quy định pháp luật về phát triển KTTH trong quản lý chất thải ở 4 quốc gia thì dự án nên lý giải vì sao họ đã làm được những việc này dựa trên triết lý, nhận thức và điều kiện kinh tế - xã hội của các quốc gia này. Tập thể tác giả đã rà soát khá kỹ các quy định pháp luật Việt Nam nhưng chủ yếu vẫn là chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong khi đó, để hình thành và thực hiện phát triển mô hình KTTH thì liên quan nhiều đến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực khác nữa, ví dụ như pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp với trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong quản lý chất thải.

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Tái chế cao su Long Long

 

Hội thảo cũng đón nhận những chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp có những hoạt động liên quan đến môi trường về thực tiễn hoạt động; những bất cập trong đầu tư, đấu thầu, cạnh tranh; sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp mà dự án đã đến tham quan, khảo sát: ông Nguyễn Thành Nam (Tổng Giám đốc Công ty Sa mạc xanh), doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực môi trường với tiêu chí hoạt động là tái chế, tận thu và xử lý triệt để các vật chất là rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt; ông Nguyễn Văn Thanh (Giám đốc Công ty Tái chế cao su Long Long). 

 

Ngoài ra, dự án cũng nhận được những trao đổi, thảo luận của TS. Vương Thị Lan Anh (Đại học Công nghiệp Hà Nội), TS. Bùi Thị Thanh Hương (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Trần Văn Nam (Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc dân), ông Lại Minh Chức (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty TNHH Khoa học công nghệ môi trường Việt Nam), Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối), Luật sư Trương Tiến Hùng (Giám đốc Công ty Luật Hồng Phú) và các đại biểu khác về các vấn đề: Các kiến nghị giải pháp về phát triển KTTH trong quản lý chất thải (xây dựng hệ thống thông tin trong quản lý chất thải); trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì, nguyên vật liệu xây dựng; vai trò của người tiêu dùng trong phát triển mô hình KTTH;…

 

Ông Lại Minh Chức và PGS.TS. Trần Văn Nam (bên trái)

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, hội thảo diễn ra rất sôi nổi, có chất lượng với nhiều ý kiến, bình luận, trao đổi từ các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, luật sư cũng như doanh nghiệp. Bà mong muốn sau hội thảo nhóm nghiên cứu tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ của những người quan tâm đến chủ đề này để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu.

Các tin cùng chuyên mục: