•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo "Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong nghiên cứu khoa học xã hội"

01/07/2013
Đây là hoạt động khoa học do Chi đoàn Viện Địa lý nhân văn phối hợp với BCH Đoàn TNCS HCM Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức ngày 26/6/2013, tại số 1 Liễu Giai, Hà Nội.
Hội thảo do Chi đoàn Viện Địa lý nhân văn tổ chức.
 
Hội thảo có sự tham gia của Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, TS. Trần Ngọc Ngoạn và đại diện BCH Đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, TS. Võ Xuân Vinh cùng đông đảo các đồng chí đoàn viên trong các cơ sở Đoàn trực thuộc.
 
Hai nhà khoa học giới thiệu về chủ đề này tại Hội thảo là PGS.TS. Phạm Văn Cự - Trung tâm quốc tế nghiên cứu biến đổi toàn cầu, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Bùi Quang Bình – Viện Địa lý nhân văn.
 
Những lĩnh vực trong nghiên cứu khoa học xã hội mà GIS có thể được áp dụng là rất rộng, trong đó có thể kể đến dân số, địa lý, văn hóa, nông thôn, đô thị, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế.
 
Trong lĩnh vực dân số, thông qua phân tích dữ liệu không gian với bản đồ và cơ sở dữ liệu, ta có thể hiểu được hệ thống văn hóa, chính trị, kinh tế và đô thị; tỷ lệ sinh/tử vong và di cư.
 
Dựa trên ứng dụng GIS và các phương pháp khác có thể đánh giá không gian và địa điểm của các nhóm văn hóa theo định nghĩa về ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc, dân tộc và giới tính trong hiện tại cũng như quá khứ. Thông qua các bản đồ và mô hình, có thể hiểu được sự khuếch tán văn hóa qua thời gian và không gian. 
 
Về vấn đề nông thôn và sử dụng đất nông nghiệp, thông qua ứng dụng GIS và viễn thám, chúng ta sẽ thu thập được những chỉ số liên quan đến tác động của sự thay đổi đất canh tác lên chất lượng sống và môi trường; cho biết chức năng từng khu vực có hoạt động nông nghiệp; kiểm tra phân bổ các vùng sản xuất cây trồng chủ lực của vùng hoặc địa phương,…
 
Tương tự như vậy là những thông tin, kết quả trong nghiên cứu khoa học xã hội về đô thị và sử dụng đất đô thị. Chẳng hạn như: các chức năng kinh tế và văn hóa, các loại hình liên kết giao thông vận tải và thông tin liên lạc đều có thể được nghiên cứu qua các bản đồ, hình ảnh và cơ sở dữ liệu; so sánh cấu trúc và cảnh quan của thành phố trong quá khứ và hiện tại thông qua hệ thống GIS.
 
Hiện nay, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) ở nước ta còn chưa phổ biến và ít được thực hiện. Các bài báo khoa học về lĩnh vực này không nhiều và chưa được nghiên cứu một cách sâu rộng. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà chức trách quan tâm và áp dụng phương pháp nghiên cứu này vào việc quy hoạch và quản lý các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
 
Qua hội thảo này, các nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã biết thêm về GIS, từ đó tìm hiểu nhiều hơn để có thể áp dụng vào công tác nghiên cứu của mình. 

Các tin cùng chuyên mục: