•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Khởi kiện trong lĩnh vực đất đai, môi trường ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”

24/07/2023
Đây là hoạt động khoa học do Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức ngày 17/07/2023 tại Hội trường tầng 2, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong Viện. Chủ trì và điều hành hội thảo là TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện) và TS. Phạm Thị Hương Lan (Trưởng phòng Phòng Pháp luật Kinh tế).

         

TS. Phạm Thị Thúy Nga (bên phải) và TS. Phạm Thị Hương Lan chủ trì hội thảo

 

Mở đầu hội thảo là tham luận “Một số vấn đề lý luận về khởi kiện trong lĩnh vực đất đai ở Việt Nam” do TS. Phạm Thị Hương Lan trình bày. Nội dung tham luận gồm các phần về: Khái niệm, đặc điểm pháp lý, các yếu tố ảnh hưởng và ý nghĩa của khởi kiện trong lĩnh vực đất đai.

         

Theo Điều 161 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, các cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo nghĩa đó, tác giả bài viết cho rằng, khởi kiện trong lĩnh vực đất đai là hành vi của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa vấn đề có tranh chấp ra trước tòa án có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục pháp luật quy định nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khởi kiện trong lĩnh vực đất đai có thể thực hiện theo hai hình thức là khởi kiện vụ án dân sự và khởi kiện vụ án hành chính.

         

Đơn khởi kiện và các tài liệu, giấy tờ kèm theo đơn khởi kiện chính là cơ sở để Tòa án thụ lý hay không thụ lý vụ án. Việc nộp hồ sơ khởi kiện là căn cứ mở ra quá trình tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính để giải quyết vụ việc tại Tòa án.

         

Toàn cảnh hội thảo

 

Bài viết chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến khởi kiện trong lĩnh vực pháp luật đất đai. Chẳng hạn, nếu pháp luật tố tụng quy định không rõ ràng, không đầy đủ, mâu thuẫn thì không những Tòa án gặp khó khăn trong việc xem xét thụ lý, giải quyết vụ án mà đương sự cũng khó có thể bảo vệ tốt được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cùng với đó, nếu pháp luật tố tụng không quy định rõ ràng, cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng thì đương sự sẽ không biết được người tiến hành tố tụng có trách nhiệm như thế nào trong việc đảm bảo thực hiện quyền tố tụng của họ, dẫn tới ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền tố tụng của đương sự.

         

Ngoài những yếu tố trên, TS. Phạm Thị Hương Lan còn phân tích các yếu tố khác như: Hoạt động hỗ trợ đương sự của tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý; vai trò của UBND các cấp trong quá trình thu thập chứng cứ; trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của đương sự…

         

Tiếp theo, hội thảo lắng nghe tham luận của TS. Nguyễn Thị Hường (Phòng Pháp luật Dân sự) về một số vướng mắc trong trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai bằng Tòa án ở nước ta hiện nay. Trên thực tế, từ khâu hòa giải đến hoạt động tố tụng tại Tòa án đều có những vướng mắc, bất cập. Đó là sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền với Tòa án trong hoạt động thu thập chứng cứ. Tòa án ban hành văn bản yêu cầu cung cấp chứng cứ nhưng nhiều cơ quan chuyên môn có liên quan không cung cấp. Đó còn là sự tham gia quá sâu của Viện kiểm sát tại phiên tòa. Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Nhưng thực tế cho thấy, ở một số phiên tòa, phần phát biểu của Kiểm sát viên có nội dung về việc đưa ra ý kiến giải quyết vụ án.

         

ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga (thứ hai từ trái sang) trình bày tham luận

 

Một chủ đề khác được trình bày tại hội thảo là của ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga (Phòng Pháp luật Kinh tế) về “Pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đất đai ở Việt Nam hiện nay”. Tham luận chỉ ra những bất cập trong thực trạng pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Một trong số đó là những khó khăn gặp phải của UBND các cấp cũng như Tòa án khi giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có thông tin gì trong sổ địa chính. Bình luận về tình trạng này, TS. Phạm Thị Hương Lan cho biết, để giải quyết vụ việc tranh chấp, một số địa phương thành lập hội đồng giải quyết tranh chấp đất đai gồm các bô làng ở thôn, họ đưa ra ý kiến để tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp đất đai của hộ gia đình, cá nhân.

         

Ngoài ra, sự nhập nhằng trong phân định thẩm quyền chung và riêng khi giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính gây hệ lụy rất lớn. Pháp luật hiện hành quy định không cụ thể về thẩm quyền của Chủ tịch UBND mà hầu hết giao chung chung, dẫn đến nhận thức tất cả đều là trách nhiệm tập thể. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của UBND. Tuy nhiên, tập thể UBND họp mỗi tuần một lần nên chỉ bàn những chủ trương hệ trọng, còn vấn đề cụ thể, cá biệt đều do Chủ tịch UBND xử lý. Đến khi UBND bị kiện ra tòa thì vấn đề lại thành trách nhiệm tập thể.

         

Trên cơ sở lý luận, phân tích và đánh giá thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả cho rằng cần chuyển đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sang Tòa án theo lộ trình với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được liên thông điện tử. Phán quyết của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật sẽ do cơ quan thi hành án là một cơ quan chuyên trách và có đầy đủ bộ máy, phương tiện thực hiện.

         

TS. Bùi Đức Hiển (giữa) và TS. Nguyễn Thị Hường (bên phải)

 

Sau đó, TS. Bùi Đức Hiển (Phòng Pháp luật Kinh tế) trình bày tham luận “Một số bất cập trong quy định pháp luật về giải quyết môi trường bằng con đường Tòa án ở Việt Nam hiện nay”. Theo đó, giải quyết tranh chấp môi trường bằng tòa án được quy định cả trong pháp luật nội dung và pháp luật thủ tục. Tác giả tập trung chỉ ra các bất cập, hạn chế, thiếu sót trong quy định, thực hiện pháp luật về vấn đề này, từ: chủ thể nào có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp môi trường; phương thức giải quyết tranh chấp môi trường; thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp môi trường; trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu giải quyết tranh chấp môi trường; các loại thiệt hại do ô nhiễm môi trường và cách xác định… Ngoài ra, Việt Nam hiện chưa có thẩm phán chuyên trách, tòa án chuyên trách về môi trường; vai trò của luật sư, kiểm sát viên trong giải quyết tranh chấp môi trường vẫn chưa được quy định cụ thể cũng là những vấn đề bất cập, hạn chế khác. 

 

Đối với các tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường bằng Tòa án, chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại là UBND cấp xã, huyện, tỉnh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường dựa trên phạm vi khu vực, mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan nhà nước nào khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường mà thường áp dụng hình thức xử phạt hành chính và yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu hoặc phương thức thương lượng.

 

TS. Bùi Đức Hiển cũng phân tích một số bất cập trong quy định, thực hiện pháp luật về bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạnh, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường bằng Tòa án trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…

         

Trong phần thảo luận, các nhà khoa học viện dẫn các vụ việc tranh chấp đã xảy ra để cùng thảo luận, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, bất cập từ căn cứ khởi kiện, thủ tục thực hiện và những vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, từ đó gợi mở một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật.

Các tin cùng chuyên mục: