•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

11/04/2024
Hội thảo diễn ra vào ngày 03/04/2024, là hoạt động khoa học của Đề tài cấp Bộ “Chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay” do TS. Hoàng Kim Khuyên là chủ nhiệm.

TS. Hoàng Kim Khuyên, Chủ nhiệm đề tài, phát biểu đề dẫn hội thảo

 

Tham gia hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục, đào tạo: Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lao động - Xã hội,… cùng các thành viên đề tài và các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Hoàng Kim Khuyên cho rằng, trong xu thế của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, cùng với định hướng xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thì hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp của các quốc gia đòi hỏi đội ngũ nhân lực từ nhà quản lý đến nhà nghiên cứu và những người trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực, chất lượng thực hiện công việc. Ở Việt Nam, nguồn lực trong lĩnh vực nông nghiệp đang thừa lao động chân tay, lao động giản đơn nhưng lại thiếu lao động tay nghề cao, thiếu người quản lý, tổ chức giỏi. Về mặt chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối đầy đủ khi có 15 đạo luật được thông qua trong 4 ngành sản xuất: thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động nguồn lực trong đó có nguồn nhân lực nông nghiệp để phát triển đất nước. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiếu vấn đề cần phải làm sáng tỏ.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện trình bày tham luận

 

Tọa đàm mở đầu với tham luận “Bàn về doanh nhân nông nghiệp Việt Nam: thực trạng và giải pháp” của PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện (Viện Xã hội học). Tác giả đã chỉ ra những thách thức của doanh nhân nông nghiệp như: yếu tố nguồn nhân lực, xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Dẫn chứng từ các bảng biểu số liệu, tác giả cho rằng, về đại thể, mặc dù doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở nước ta gia tăng về số lượng và loại hình sản phẩm hàng hóa, nhưng so với các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thì số lượng doanh nghiệp nông nghiệp rất thấp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, phương thức và công nghệ sản xuất còn hạn chế. Thực tế này phản ánh Việt Nam chưa phát huy và khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của quốc gia nông nghiệp. Điều này cũng cho thấy một số bất câp về mô hình phát triển chưa cân đối hài hòa giữa nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…

 

Trên cơ sở phân tích thực trạng, cơ hội và thách thức phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, để tạo đột phá mới đối với doanh nghiệp này cần quan tâm đến các hướng giải pháp sau:

  • Đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp, làm nhân tố trung tâm - chủ lực liên kết với các hợp tác xã và kinh tế hộ nông dân trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới;
  • Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nông dân, đội ngũ doanh nhân nông nghiệp hiện đại, nhất là nguồn nhân lực trẻ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới;
  • Thúc đẩy mạnh mối liên kết 4 nhà, đồng thời đổi mới và hoàn thiện cơ chế đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng cao trình độ và năng lực ứng dụng khoa học – công nghệ của nông dân, nhất là nông dân trẻ.

ThS.NCS. Nguyễn Thu Dung

 

Tiếp theo là tham luận “Chính sách, pháp luật về nguồn lực tài chính đầu tư cho nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam” của ThS.NCS. Nguyễn Thu Dung. Bài viết cho biết, đầu tư vào vốn nhân lực nông nghiệp mang lại lợi nhuận kinh tế, giúp tăng nâng suất và giảm nghèo. Tuy nhiên, đầu tư vào vốn nhân lực nông nghiệp cũng mang lại những lợi ích quan trọng khác như khả năng sáng tạo, đổi mới, sự tự tin, chất lượng cuộc sống, trao quyền, tư duy phê phán. Những lợi ích này liên quan đến các yếu tố vô hình hơn như phúc lợi và sinh kế. Ví dụ, trao quyền giúp người sản xuất tự đưa ra quyết định thay vì tuân theo khuyến nghị của người khác. Do đó, trao quyền đôi khi còn quan trọng hơn các giải pháp kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp.

 

Theo tác giả, nguồn lực tài chính đầu tư cho nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm 3 hình thức chính: Ngân sách nhà nước; vốn hỗ trợ phát triển chính thức; tài chính tư nhân. Về dịch vụ khuyến nông trong hình thức ngân sách nhà nước, mức kinh phí phân bổ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động khuyến nông. Các nghiên cứu đều cho thấy kinh phí đầu tư cho các hoạt động khuyên nông còn hạn chế, do đó, rất khó để triển khai các mô hình ứng dụng tiễn bộ kỹ thuật theo hướng công nghệ cao vào sản xuất. Một trong những dạng của hình thức nguồn tài chính tư nhân là sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên thực tế, thu hút FDI vào các lĩnh vực dịch vụ giáo dục, dịch vụ khuyến nông, dịch vụ R&D trong nông nghiệp còn tương đối thấp. Ví dụ, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 18% trong tổng số vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, các lĩnh vực R&D như nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa thu hút được nhiều dự án FDI. Có thể nói, các dự án FDI trong nông nghiệp chủ yếu là các dự án thuần túy sản xuất, số lượng các dự án đầu tư vào vốn nhân lực nông nghiệp không nhiều.

 

Để thúc đẩy hiệu quả nguồn tài chính tư nhân, bài viết nêu ra một số giải pháp như: Tăng cường môi trường thuận lợi hơn bằng cách giảm chi phí cho các công ty, tăng cường phát triển năng lực cho họ; cải thiện dịch vụ vận tải để tăng khả năng tiếp cận thị trường, cho phép các dịch vụ khuyến nông tiếp cận được với nhiều nông dân hơn; giảm chi phí vận hành doanh nghiệp; đề ra các biện pháp khuyến khích phi tài chính…

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Tiếp theo, TS. Phạm Thị Hương Giang trình bày tham luận “Chính sách, pháp luật về xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động, thị trường hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam”. Sau khi phân tích lý luận và thực trạng chính sách, pháp luật, bài viết đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về hệ thống thông tin thị trường lao động lĩnh vực nông nghiệp. Về khái niệm, hệ thống thông tin về thị trường lao động là mạng lưới tổ chức, thể chế, quy trình và công cụ được thiết lập để thu thập, tổng hợp, lưu trữ, phân tích, dự báo, phổ biến thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và hoạch định chính sách, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường lao động. Khái niệm này đã bao trùm trong đó có thị trường lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần sửa đổi vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm phục vụ cho công tác quản lý nghiên cứu, hoạch định chính sách, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường. Chúng ta cũng cần lập sàn giao dịch việc làm để các thông tin được liên thông với nhau, giúp cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường lao động.

 

Hội thảo tiếp tục lắng nghe báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga về chính sách, pháp luật liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Ba nhóm chủ thể chính liên quan đến vấn đề này là: (i) Nhân lực trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp; (ii) Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp; (iii) Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Về nhân lực trực tiếp, từ việc đánh giá thực trạng và thực tiễn thực hiện pháp luật, tác giả nhìn nhận, tỷ lệ và chất lượng lao động qua đào tạo thấp, trung tâm dạy nghề không đủ năng lực đào tạo (nhất là tại cấp huyện). Dù chính sách, pháp luật về thu hút, đãi ngộ nhân lực được tuyên truyền, phổ biến và triển khai rộng rãi nhưng mức thu hút và đãi ngộ còn thấp, không đáp ứng được mong muốn của người dân, việc tiếp cận còn khó khăn do thủ tục rườm rà… Sau khi chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga đề xuất một số giải pháp chung cũng như các giải pháp riêng với từng nhóm chủ thể. Chẳng hạn, giải pháp cho nhóm cán bộ quản lý là:

  • Thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các chính sách của Đảng riêng cho cán bộ ngành; phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế;
  • Gắn với công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng trên quy mô đơn vị, địa phương, vùng và cả nước;
  • Cần quy định theo hướng mở để các đơn vị, các địa phương cụ thể hoá và linh hoạt áp dụng tại đơn vị và địa phương mình; chú trọng xây dựng môi trường làm việc văn minh, đủ không gian phát huy sở trường, cống hiến cho công việc; xây dựng hệ thống hình thức, mức đãi ngộ căn cứ trên chất lượng và hiệu quả công việc để đảm bảo tính công bằng cho sự cống hiến…

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (ngồi giữa) trao đổi tại hội thảo

 

Trao đổi tại hội thảo, PGS. TS. Phạm Hữu Nghị gợi ý đề tài nên đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ở các khía cạnh: Số lượng nguồn nhân lực; Chất lượng, kỹ năng của nguồn nhân lực; Xem xét nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số, cạnh tranh quốc tế hay chưa. Đề tài cũng cần tìm hiểu các điều kiện phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp như điều kiện chính trị, điều kiện tài chính và điều kiện xã hội (nhận thức xã hội, ý thức xã hội, dư luận xã hội). Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, đề tài đề ra các giải pháp hữu hiệu để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

 

Có một thực tiễn phổ biến là tình trạng người dân nông thôn không làm nông nghiệp mà di cư ra các vùng đô thị, khu công nghiệp để làm các công việc khác. Nhưng đang có một xu hướng như TS. Ngô Trung Thành (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ, dựa trên dự án khảo sát, đó là sau khi di cư với thời gian trung bình 07 năm thì phần lớn người dân quay lại vùng nông thôn. Trong nhóm này có một số lượng người mất kỹ năng trong công việc nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực.

 

TS. Ngô Trung Thành (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phát biểu

 

Hội thảo cũng thu nhận ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện về hiệu quả từ chính sách thu hút vốn bên ngoài nhà nước (nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn từ tổ chức phi chính phủ). Ông cho biết, trong thời gian vừa qua, nhiều dự án phát triển nông thôn phát triển cộng đồng triển khai ở những vùng quê nghèo, dân tộc thiểu số sau khi kết thúc thì kết quả không đạt được như mong muốn. Các chính sách của dự án không được chính quyền khai thác hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy, tạo điều kiện cho người dân thực hiện.   

 

Sau giờ nghỉ giải lao, hội thảo tiếp tục với tham luận của ThS. Nguyễn Thanh Tùng, “Nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp”. Tác giả nhìn nhận, nông nghiệp công nghệ cao là sự áp dụng triệt để những thành tựu của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từ đó thay đổi phương thức sản xuất, gia tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì cần các điều kiện đảm bảo bao gồm: cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, vốn, khoa học công nghệ…, và đặc biệt là nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Có thể kể đến một số hạn chế về nhân lực trong vấn đề này như: lao động nông thôn còn lại chủ yếu ở độ tuổi trên trung niên và già, sức khỏe không đảm bảo lại không được đào tạo tay nghề hoặc sử dụng máy móc, thiết bị, áp dụng kiến thức khoa học hiện đại vào sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu về lao động nông nghiệp qua đào tạo cần đạt từ 40 – 50%, nếu  sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì tỉ lệ này còn cao hơn nhiều ở mức 85 - 90%.

 

Theo ThS. Nguyễn Thanh Tùng, giải pháp cho vấn đề này là: tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường các hoạt động đào tạo cho lực lượng lao động nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, giảm dần chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, đặc biệt cần có những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm tại các vùng nông thôn, miền núi nơi có tỷ lệ di dân lớn.

 

ThS. Nguyễn Thị Thúy An

 

Tham luận cuối tại hội thảo do ThS. Nguyễn Thị Thúy An (Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn) trình bày với chủ đề “Thực trạng và chính sách chuyển dịch lao động nông nghiệp, nông thôn Việt Nam”. Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp. Chênh lệch năng suất giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng tăng. Năm 2022, năng suất lao động ngành nông nghiệp đạt 82 triệu đồng/lao động trong khi với ngành công nghiệp – dịch vụ đạt 229 triệu đồng/lao động.

 

Rút lao động ra khỏi ngành nông nghiệp, giữ lại đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp” là giải pháp căn bản để nâng cao năng suất lao động nhưng hiện nay chưa có chính sách này. Tác giả cũng đề xuất, cần có chính sách đột phá để tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp hoặc tập trung vào những lao động nông nghiệp chuyên nghiệp làm toàn thời gian để tăng năng suất lao động, thu được mức thu nhập cao với hợp đồng lao động rõ ràng và tham gia bảo hiểm đẩy đủ. Đồng thời, lực lượng lao động còn lại chuyển đổi sang các ngành công nghiệp chế biến, ngành phi nông nghiệp khác có mức thu nhập cao hơn.

 

Hội thảo cũng đã lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận của TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật), TS. Đào Xuân Hội (Khoa Luật, Trường Đại học Lao động – Xã hội), NCS. Lê Quý Dương (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ThS. Nguyễn Thu Dung và các đại biểu khác về các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo.

Các tin cùng chuyên mục: