•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức tọa đàm khoa học các ngày 22/05/2024 và 27/05/2024

08/06/2024
Đây là hai tọa đàm nằm trong chương trình hoạt động khoa học chung của Viện được tổ chức tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

TS. Nguyễn Thu Hương chủ trì tọa đàm thứ nhất

 

Tọa đàm thứ nhất có chủ đề “Quyền con người trong kinh doanh – chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam” diễn ra ngày 22/05/2024 do Phòng Luật Quốc tế và Quyền con người tổ chức. Chủ trì tọa đàm là TS. Nguyễn Thu Hương, Phó Trưởng phòng.

 

Tham luận đầu tiên “Khái quát chung về quyền con người trong kinh doanh” của ThS. Trần Thị Loan khẳng định: Hoạt động kinh doanh tác động đến quyền con người chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như bối cảnh quốc gia, địa phương, sự phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa và mang tính đa chiều, cả tích cực và tiêu cực. Tính tích cực trong hoạt động kinh doanh tác động đến quyền con người bao gồm cung cấp việc làm, nâng cao kỹ năng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế ở cấp địa phương và quốc gia… Tuy nhiên, mặt tiêu cực của hoạt động này có thể kể đến như: Lạm dụng lao động trẻ em, phân biệt đối xử với một số nhóm người nhất định, không đảm bảo điều kiện lao động an toàn đầy đủ, không tôn trọng tính độc lập của tổ chức công đoàn…

 

Bài viết nhìn nhận, những tác động từ hoạt động kinh doanh tác động gần như hầu hết đến các quyền con người như: quyền có mức sống thích đáng, quyền có điều kiện làm việc công bằng, thỏa đáng, quyền giáo dục, quyền tiếp cận thông tin, quyền không bị phân biệt đối xử…

 

Về khung pháp lý quốc tế về kinh doanh và quyền con người, điều đầu tiên phải nói đến là nghĩa vụ và trách nhiệm về quyền con người. Việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của nhiều chủ thể bao gồm Nhà nước và phi Nhà nước, ví dụ như:  Chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế…

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Theo Luật Nhân quyền quốc tế, các doanh nghiệp không có nghĩa vụ pháp lý trực tiếp về quyền con người. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và đề cao việc phát triển bền vững thì các quốc gia mong muốn và thúc đẩy các doanh nghiệp cần có trách nhiệm tôn trọng quyền con người. Điều này được thể hiện trong việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người năm 2011. Tuy nhiên, hiện nay, Liên hợp quốc vẫn chưa có điều ước quốc tế mang tính ràng buộc nào liên quan đến chủ đề này. Dù vậy, ThS. Trần Thị Loan cho rằng, điều ước quốc tế này cần phải có các nội dung chính sau:

  • Doanh nghiệp phải hiểu về quyền con người, trách nhiệm xã hội của mình và trách nhiệm này không mang tính chất tự nguyện;
  • Thúc đẩy cơ chế thực hiện các quy tắc và luật pháp nhân quyền quốc tế đối với các doanh nghiệp về quyền con người;
  • Các tổ chức tài chính và tín dụng quốc tế cần gây áp lực để doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ thúc đẩy về quyền con người, áp dụng công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, minh bạch, công khai hoạt động của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm.

Tiếp theo, ThS. Phạm Hồng Nhật trình bày báo cáo có chủ đề “Khung pháp lý thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam hiện nay”. Nững nỗ lực thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm được nhìn nhận thông qua lăng kính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội này. Đây là một trong những nội dung trọng tâm để xem xét những cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm và ngăn chặn hành vi kinh doanh thiếu đạo đức.

 

Để triển khai nguyên tắc kinh doanh và quyền con người của Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đã nỗ lực xây dựng Chương trình hành động quốc gia để từ đó có văn kiện pháp lý đầy đủ nhằm hiện thực hóa nguyên tắc này. Hiện nay, chúng ta đã ban hành các văn bản như: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII đề cập đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thực hiện văn hóa doanh nghiệp, khuyến khích doanh nhân tham gia phát triển xã hội, Nghị quyết số 99 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ và nhiều văn bản khác nữa.

 

Nhìn chung, Việt Nam đã xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khá chặt chẽ liên quan đến việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Báo cáo đã dẫn chứng và phân tích các điều luật trong Hiến pháp 2013, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Bộ luật Lao động và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực khác. Từ đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam như xây dựng chương trình, chuyên đề để phổ biến kiến thức pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như bổ sung chương trình này vào các hoạt động của doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản hiện hành, đặc biệt là luật đấu thầu, luật lao động (chất lượng người lao động, đảm bảo tương thích với tiêu chuẩn tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết), xây dựng chính sách việc làm và bảo vệ quyền lợi người lao động…

 

ThS. Bùi Thị Hường trình bày tham luận của mình

 

Tọa đàm tiếp tục diễn ra với phần trình bày tham luận của ThS. Bùi Thị Hường, “Quyền của trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh - thực tiễn quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay”. Bài viết gồm 3 nội dung: (i) Các quy định của pháp luật quốc tế về quyền của trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh; (ii) Thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền của trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh và thực tiễn thực hiện; (iii) Một số kiến nghị. Nội dung thứ nhất được ghi nhận trong các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua năm 2011 mà hai tham luận trước đó đã nêu ra. Năm 2017, trên cơ sở sáng kiến từ Hiệp ước toàn cầu của LHQ và tham vấn từ các chuyên gia, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã ban hành chuyên đề về quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh. Theo đó, chuyên đề đã đưa ra 10 nguyên tắc chung cho doanh nghiệp, tiêu biểu như: bảo đảm trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em, cam kết hỗ trợ quyền con người của trẻ em; góp phần xóa bỏ lao động trẻ em trong tất cả các hoạt động và mối quan hệ kinh doanh; bảo đảm sự an toàn của các sản phẩm dịch vụ và sự hỗ trợ quyền trẻ em thông qua các sản phẩm, dịch vụ này…

 

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã và đang nhận thức rõ và thể hiện sự có trách nhiệm trong việc tuân thủ các nguyên tắc chung này. Từ những tìm hiểu trên, ThS. Bùi Thị Hường đưa ra khung pháp lý về trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh để bảo vệ quyền trẻ em với 03 nội dung chính: (i) Không phân biệt đối xử và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; (ii) Đảm bảo quyền sống, tồn tại, phát triển của trẻ em; (iii) Bảo đảm quyền lắng nghe của trẻ em. Về nội dung đầu tiên, tác giả cho rằng, doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định về lao động trẻ em cũng như bảo đảm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ.

 

Việt Nam đã có khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính cũng như luật hình sự khi vi phạm đến quyền trẻ em như trong hoạt động kinh doanh, hàng không có nguồn gốc xuất xứ… Tuy nhiên, các hình phạt này chưa đủ sức răn đe do nhiều nguyên nhân, trong đó lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh trái phép này là quá lớn. Từ thực trạng trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong nguyên tắc kinh doanh nhằm đảm bảo quyền trẻ em như: Tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hoàn thiện quy định pháp luật để bảo đảm quyền con người trong kinh doanh nói chung cũng như quyền trẻ em nói riêng. Cụ thể hơn, đó là việc sửa đổi quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 về lao động trẻ em với những hướng dẫn cụ thể, cùng với đó thì cần có các hình thức khen thưởng, chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ này. Ngoài ra, trong tương lai gần, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chỉ số đánh giá doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc kinh doanh để bảo đảm quyền trẻ em và thực hiện chế độ kiểm tra, đánh giá định kỳ.

 

TS. Nguyễn Tiến Đức

 

Sau đó, TS. Nguyễn Tiến Đức trao đổi tại tọa đàm với tham luận “Trách nhiệm về quyền con người của các doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam tham gia”. Tác giả đã giới thiệu, phân tích tiêu chuẩn về quyền con người liên quan đến hoạt động kinh doanh được ghi nhận trong các FTA theo các mảng vấn đề chính: (i) Tiêu chuẩn lao động quốc tế; (ii) Tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; (iii) Kinh doanh có trách nhiệm, minh bạch, chống tham nhũng; (iv) Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

 

Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu), CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương), RCEP (Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực). Bàn về tiêu chuẩn lao động quốc tế, EVFTA dẫn chiếu đến các thông lệ, công ước quốc tế trong khuôn khổ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với nguồn nội dung được quy định cụ thể tại Chương 13. Theo đó, Việt Nam và các quốc gia thành viên khác cam kết bảo đảm quyền tự do hiệp hội, thương lượng tập thể, tôn trọng quyền của người lao động trong việc thành lập và tham gia các tổ chức đại diện cũng như quyền thương lượng tập thể về điều kiện làm việc. Những nội dung khác về tiêu chuẩn lao động cũng được tham luận nêu ra như loại bỏ lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh…

 

Liên quan đến việc kinh doanh có trách nhiệm, các quy định về vấn đề này mang tính khuyến khích, gợi mở và đối tượng hướng tới phần lớn là chủ thể tư, tuy nhiên Chính phủ của các quốc gia thành viên cũng phải đóng vai trò trong việc thúc đẩy các hình thức kinh doanh có trách nhiệm. Về nội dung, các FTA hướng đến việc minh bạch trong sản xuất kinh doanh, công khai thông tin về chuỗi cung ứng, thực hiện các báo cáo định kỳ về việc thực hiện cam kết về quyền con người.

 

Về cơ chế thực thi các tiêu chuẩn này, nhìn chung, các FTA hướng đến sự hợp tác và trao đổi thông tin với nhau thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, hợp tác giữa các bên nhằm tạo điều kiện cho thông tin được truyền tải đến các bên một cách nhanh nhất cũng như giải quyết các vấn đề khúc mắc hoặc tranh chấp liên quan đến quyền con người và thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế.

 

Tham luận cuối tại tọa đàm do TS. Phạm Thị Hương Giang trình bày có tên “Trách nhiệm bảo đảm quyền của người lao động trong doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam hiện nay”. Hai chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền của người lao động là Nhà nước và người sử dụng lao động. Trong đó, Nhà nước đã xây dựng hành lang pháp lý khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Những chủ trương, chính sách theo hướng xã hội hóa việc làm đã tuân theo quy luật của thị trường đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên, người sử dụng lao động và người lao động. Bài viết đã phân tích cụ thể một số quyền của người lao động được quy định trong pháp luật Việt Nam như: Bảo đảm sức khỏe của người lao động (thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi theo tính chất công việc); tiền lương (mức lương tối thiểu, trả lương bình đẳng không phân biệt theo giới tính…); bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

 

TS. Nguyễn Linh Giang (bên trái) phát biểu bình luận

 

Bình luận tại tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, tiêu đề tọa đàm là chủ đề đang được Nhà nước và xã hội quan tâm tại Việt Nam ở thời điểm này bởi lẽ, ngày 14/07/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027. Quyết định này đã được Chính phủ và Bộ Tư pháp triển khai và phân công cụ thể cho các đơn vị thực hiện. TS. Linh Giang gợi ý, phòng nên nghiên cứu để xây dựng phương án tổ chức hội thảo có chủ đề về thực hành kinh doanh có trách nhiệm lên quan đến quyết định mới này của Thủ tướng.

 

Thảo luận về quyền lao động, TS. Hoàng Kim Khuyên nhìn nhận một số quy định trong Bộ luật Lao động 2019 có sự vượt trội nhưng cũng có quy định tiệm cận so với tiêu chuẩn quốc tế. TS. Kim Khuyên cũng trao đổi về nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên khi Nhà nước chia ra thành 03 nhóm: dưới 13 tuổi, từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi, từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Với mỗi nhóm này, Nhà nước có những quy định khác nhau về thời gian làm việc, công việc phải làm, địa điểm làm việc. Việc đánh giá thực trạng thực hiện các quy định này thế nào.

 

ThS. Nguyễn Thu Dung chia sẻ ý kiến về cam kết quốc tế về nghĩa vụ trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người của doanh nghiệp. So với thế giới thì trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam có phải là thách thức lớn không và cụ thể là gì? Liệu chăng thách thức lớn nhất có phải là từ nhận thức không?

 

Tọa đàm cũng thu nhận được những ý kiến khác về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, mức độ uy tín của doanh nghiệp khi không bảo đảm quyền con người…

 

Sau đó, ngày 27/05/2024, tọa đàm thứ hai được tổ chức có chủ đề “Chính sách pháp luật về phát triển kinh tế xanh: Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra” do TS. Phạm Thị Hương Lan, Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, chủ trì.

 

PGS.TS. Trần Đình Hảo phát biểu

 

Mở đầu, PGS.TS. Trần Đình Hảo đưa ra quan điểm hiểu thế nào về thuật ngữ “chính sách pháp luật” và thuật ngữ này khác gì với thuật ngữ “chính sách, pháp luật”. Để hiểu được cặn kẽ về thuật ngữ này, ông đã đưa ra quan điểm của mình về quá trình hình thành thuật ngữ theo từng giai đoạn lịch sử trước đây. Đầu tiên, giới khoa học nói đến pháp luật là gắn với Nhà nước còn chính sách pháp luật thì được nói đến sau này, rồi sau đó mới thấy có sự xung đột giữa chính sách và pháp luật. Pháp luật đã có, nhưng chính sách thay đổi dẫn đến chính sách chưa khớp với pháp luật và ngược lại pháp luật phá vỡ chính sách. Để hài hòa thì chu trình chính sách và chu trình pháp luật cần phải được giải quyết. Bản thân Nhà nước đã có chính sách, nếu vấn đề xung đột đó cần phải được giải quyết ở tầm chính sách thì được gọi là “chính sách pháp luật”. Theo đó, để sử dụng được công cụ đó một cách hài hòa thì cần dùng đến “chính sách pháp luật”, nó gắn với nội dung của chính sách nhưng sử dụng những đặc tính của pháp luật. Chủ đề của tọa đàm này là vấn đề mới thì cần phải được nghiên cứu ở tầm chính sách. Chính sách phát triển kinh tế xanh đặt ra các quan hệ gì và mục tiêu, mục đích cuối cùng có phải là quyền con người.

 

Tiếp theo là phần trình bày các tham luận. TS. Bùi Đức Hiển với báo cáo “Thực trạng chính sách pháp luật về tín dụng xanh ở Việt Nam hiện nay”. Trên cơ sở kế thừa các quan điểm về chính sách pháp luật của một số chuyên gia và thực tiễn áp dụng các văn bản của Đảng, tác giả cho rằng: "Chính sách pháp luật về tín dụng xanh là tổng thể lập trường, tư tưởng, nguyên tắc, quan điểm, chủ trương, định hướng, chương trình của Nhà nước trong xác định vai trò và hướng điều chỉnh của pháp luật về cấp tín dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động, dự án xanh trong từng giai đoạn hoặc thời kỳ phát triển, làm căn cứ và cơ sở để xây dựng pháp luật thúc đẩy, tăng cường, hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ  chức, cá nhân được tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, từ Nhà nước, từ các tổ chức tín dụng để đầu tư các dự án xanh, thân thiện môi trường, đưa pháp luật về vấn đề này vào cuộc sống và duy trì hiệu lực pháp luật tín dụng xanh trong giai đoạn hoặc thời kỳ đó nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”. 

 

Bàn về thực trạng quy định về chính sách pháp luật về tín dụng xanh trong pháp luật hiện hành, đầu tiên là Hiến pháp 2013 thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ khi lần đầu tiên ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); thực hiện phát triển bền vững (Điều 50); bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (Điều 63). Đây là các yêu cầu nền tảng để thực hiện tín dụng xanh tại Việt Nam.

 

TS. Bùi Đức Hiển trình bày tham luận

 

Ngoài ra, các chính sách pháp luật này cũng được ghi nhận cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính… Ngoài việc đưa ra các quy định pháp luật khá cụ thể liên quan đến tín dụng xanh nhưng bài viết cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Đó là việc bố trí nguồn vốn để tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh vẫn chỉ mang tính khuyến khích mà chưa phải là bắt buộc; quy định về lộ trình thực hiện tín dụng xanh còn chung chung, thiếu cụ thể.

 

Bên cạnh đó, TS. Bùi Đức Hiển cũng chỉ ra thực trạng thực hiện các quy định về chu trình chính sách pháp luật về tín dụng xanh. Quy định về mục tiêu của chính sách pháp luật về tín dụng xanh là tạo ra nguồn vốn lớn, đa dạng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án, hoạt động đầu tư xanh có thể tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nhưng pháp luật hiện hành chưa xác định rõ mục tiêu này trong Luật, cũng như văn bản dưới luật cũng như chưa có quy định cho vay vốn đầu tư dự án xanh là bắt buộc. Ngoài ra, tác giả cũng nêu ra các vấn đề còn tồn tại như: quy định về công cụ chính sách pháp luật trong tín dụng xanh, quy định về phương pháp chính sách pháp luật về tín dụng xanh.

 

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, tham luận gợi mở một số kiến nghị hoàn thiện. Đó là việc chính sách pháp luật về tín dụng xanh phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư các dự án xanh với Nhà nước và người dân. Chủ đầu tư các dự án xanh phải được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này một cách thuận lợi và có sự kiểm soát thực hiện hợp lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần nhanh chóng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh dù đã được lên kế hoạch nhưng hiện nay vẫn chưa xây dựng xong.

 

ThS. Nguyễn Thu Dung

 

Tọa đàm cũng lắng nghe tham luận “Kinh tế tuần hoàn: Từ khái niệm kinh tế đến công cụ pháp lý cho phát triển bền vững” của ThS. Nguyễn Thu Dung. Về khái niệm, theo Quỹ Ellen MacArthur, mục đích của nền kinh tế tuần hoàn là loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thiểu chất thải bằng cách đưa nó trở lại nền kinh tế, từ đó loại bỏ nhu cầu đưa nguyên liệu thô mới vào quá trình sản xuất và tiêu dùng. 

 

Tác giả đã minh họa về kinh tế tuần hoàn qua chính sách công của Liên minh châu Âu (EU). Ủy ban châu Âu đã thông qua Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới vào tháng 3 năm 2020 như một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu. Kế hoạch hành động nhằm mục đích làm cho nền kinh tế EU bền vững và linh hoạt hơn bằng cách thúc đẩy tính tuần hoàn trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, mô hình tiêu dùng và quản lý chất thải. Nó bao gồm các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát sinh chất thải và thúc đẩy việc sử dụng vật liệu tái chế. 

 

ThS. Nguyễn Thu Dung sau đó chỉ ra các công cụ pháp lý liên quan đến kinh tế tuần hoàn: luật về quản lý chất thải, pháp luật về sản phẩm (thiết kế sinh thái, dán nhãn sinh thái và hóa chất), luật tiêu dùng.

 

 

Một báo cáo nữa được trình bày tại tọa đàm là của TS. Hoàng Kim Khuyên về các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam. Trong đó, tác giả đề cập đến các yếu tố về: chính trị và chính sách; quản lý tài nguyên thiên nhiên hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế - xã hội; tác động của môi trường và đổi mới công nghệ; truyền thông và thông tin; truyền thống, lịch sử.

 

Hiện nay, việc đổi mới công nghệ là nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế và hiện thực hóa tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, việc thay đổi công nghệ mới không hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế xanh, nhưng theo thời gian, tác động của việc đổi mới công nghệ đối với tăng trưởng của nền kinh tế sẽ chuyển sang hướng tích cực. Ví dụ như  hiệu quả sử dụng vật liệu và năng lượng trong các quy trình sản xuất hiện tại là những yếu tố then chốt để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, cũng cần có sự đổi mới công nghệ sâu sắc hơn và thậm chí triệt để hơn.

 

Một yếu tố quan trọng và trở thành giải pháp cơ bản trong mở rộng và phát triển nền kinh tế xanh là truyền thông, thông tin và tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt yếu tố này sẽ giúp cho mọi người trong xã hội được tận hưởng sự phồn vinh, hạnh phúc. Bởi lẽ, nền kinh tế xanh lấy con người làm trung tâm, tập trung vào việc tăng cường phúc lợi xã hội. Điều này không chỉ tạo ra tài chính mà bao gồm cả nguồn nhân lực, xã hội, vật chất. Nó mang lại cơ sở cho sinh kế xanh và bền vững cho các chủ thể kinh doanh. Và để có được một nền kinh tế xanh bắt buộc phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục vì lợi ích cộng đồng.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan phát biểu kết thúc tọa đàm thứ hai