•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học các đề tài cấp cơ sở ngày 30/09/2022

11/10/2022
Vào ngày 30/09/2022, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức hoạt động khoa học của 04 đề tài cấp cơ sở năm 2022 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

ThS. Phạm Thị Hiền trình bày đề tài cơ sở do mình làm chủ nhiệm

 

Tọa đàm đầu tiên là về đề tài cơ sở cá nhân “Hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong nền kinh tế số ở Việt Nam” của ThS. Phạm Thị Hiền. Mở đầu, tác giả trình bày những vấn đề lý luận về hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong nền kinh tế số: tác động của kinh tế số tới cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh; nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong nền kinh tế số.

 

Kinh tế số là một phần của nền kinh tế và vận hành, phát triển dựa trên công nghệ số và hệ thống dữ liệu điện tử gồm các giao dịch điện tử thông qua Internet. Các ứng dụng của nền kinh tế số ngày càng mở rộng và đa dạng như thương mại điện tử xuyên biên giới, bán lẻ trực tuyến, các dịch vụ khác như học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến,… Từ các đặc điểm của thị trường kinh tế số cũng như các yếu tố tác động đến cạnh tranh cho thấy chính sách, pháp luật cạnh tranh hiện nay cần nắm rõ được sự năng động của thị trường này cũng như các hành vi phản cạnh tranh làm cho thị trường bị hạn chế phát triển. Việc đánh giá khả năng thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh, ví dụ như lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không thể chỉ dựa vào yếu tố thị phần với sự cạnh tranh năng động của thị trường mà còn phải kể đến các yếu tố khác như mô hình kinh doanh đa bên hoặc các rào cản gia nhập thị trường bao gồm cả hiệu ứng mạng kết nối.

 

Giống như trong kinh tế truyền thống, hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong kinh tế số gồm 3 nhóm chính: (i) Hành vi cạnh tranh không lành mạnh; (ii) Hành vi hạn chế cạnh tranh; (iii) Hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Trong đó, hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của các chủ thể, nhóm các chủ thể có sức mạnh thị trường nhằm cản trở, sai lệnh cạnh tranh hoặc làm tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của đối thủ trên cùng một thị trường liên quan. Trong thị trường kinh tế số, các hành vi cạnh tranh này có điểm khác biệt nhất định so với thị trường truyền thống, đó là sự thông đồng giữa các doanh nghiệp qua việc sử dụng các thuật toán công nghệ tạo ra sự phối hợp ngầm với nhau và gây hạn chế cạnh tranh hoặc thỏa thuận ngang giá giữa các nền tảng.

 

Sau khi nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, tác giả phân tích thực trạng hành vi vi phạm pháp luật trong nền kinh tế số ở Việt Nam theo 3 nhóm trên. Với nhóm hành vi vi phạm pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh, thực tiễn cho thấy số lượng vụ việc tiếp nhận còn ít, mỗi năm chỉ hơn chục vụ việc. Hiệu quả xử lý các vụ việc này còn rất thấp, thậm chí không tiến hành điều tra, xử lý được do thiếu thiết chế xử lý vụ việc là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Trong khi đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ đưa ra các khuyến nghị cho bên gửi đơn khiếu nại.

 

Sau đó, đề tài đưa ra một số kiến nghị về xử lý hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong nền kinh tế số. Trước mắt, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, bởi đây là cơ chế để góp phần thực thi hiệu quả việc xử lý vi phạm. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận có nghiệp vụ chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế số.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, về mặt lý luận, đề tài cần bổ sung thêm nguồn pháp luật, ngoài Luật Cạnh tranh 2018 cần nêu ra các luật chuyên ngành khác. Khi nói đến nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh với đối tượng bị tác động và hậu quả xảy ra thì có thể giải quyết ở khuôn khổ liên quan đến tranh chấp dân sự. Đề tài cũng nhận được những góp ý, bình luận của TS. Phạm Thị Hương Lan, TS. Phạm Thị Thúy Nga, ThS. Nguyễn Thu Dung về các vấn đề khác.

 

TS. Trương Vĩnh Khang báo cáo kết quả nghiên cứu

 

Đề tài thứ hai báo cáo kết quả nghiên cứu có chủ đề “Kiểm soát quyền lực nhà nước từ kinh nghiệm thời nhà Nguyễn” do TS. Trương Vĩnh Khang làm chủ nhiệm, ThS. Cao Việt Thăng là thành viên. Phạm vi nghiên cứu về thời gian là từ thời vua Gia Long đến vua Tự Đức. Đầu tiên, tác giả giới thiệu về bối cảnh kinh tế - xã hội, pháp luật, hoạt động đối ngoại của thời nhà Nguyễn.

 

Nhà Nguyễn kiểm soát quyền lực nhà nước bằng 4 phương thức chính:

  • Hệ thống các cơ quan giám sát chuyên môn ở trung ương;
  • Hệ thống các cơ quan chuyên môn ở địa phương;
  • Luật hồi tỵ;
  • Giám sát đặc biệt.

Trong đó, hệ thống các cơ quan giám sát chuyên môn ở trung ương là chế độ giám sát độc lập thông qua sự giám sát của các viên quan, cơ quan giám sát theo nguyên tắc lớn nhỏ, trong ngoài ràng buộc lẫn nhau. Bộ máy nhà nước được thiết lập giúp nhà vua cai trị đất nước cho nên việc thiết lập các cơ quan giám sát chuyên môn ở trung ương để nhằm mục đích nhà vua nắm được quyền cai trị của mình. Các cơ quan này có các tên khác nhau như Lục khoa, Ngự sử đài tạo thành hệ thống liên hoàn, chặt chẽ và quy củ. Hệ thống cơ quan này tồn tại trong mối quan hệ vừa phối hợp, cộng tác với nhau để thực hiện nhiệm vụ cũng như kiềm chế, giám sát lẫn nhau để tạo nên hệ thống giám sát chéo trong hoạt động thanh tra của Nhà nước.

 

Nhà Nguyễn còn kiểm soát quyền lực nhà nước bằng việc cải tổ các đơn vị hành chính ở địa phương. Cơ quan chính quyền cấp trên giám sát cơ quan chính quyền cấp dưới và hoạt động giám sát này do các viên quan phụ trách các đơn vị hành chính địa phương ở cấp trên đảm nhiệm nhằm phát hiện sai trái của thuộc hạ ở cấp dưới hoặc cấp dưới trực tiếp. Năm 1831, vua Minh Mạng đã tiến hành cải cách bộ máy hành chính bằng việc chia tỉnh thành 3 loại khác nhau: liên tỉnh, tỉnh vừa và tỉnh nhỏ. Những vị quan đứng đầu 3 loại tỉnh này lần lượt là quan tổng đốc và quan tuần phủ. Để chi phối và giám sát quyền lực đối với cấp tỉnh, vua Minh Mạng đã bổ nhiệm các vị đại thần thân cận làm quan tổng đốc.

 

Ngoài ra, các phương thức khác để kiểm soát quyền lực nhà nước là áp dụng luật hồi tỵ và kiểm soát đặc biệt. Theo đó, luật hồi tỵ quy định quan hàm tỉnh, quan hàm huyện không được làm tại quê hương của mình, cũng như những người có mối quan hệ thân thích như họ hàng, thày trò thì không cùng làm quan ở một nơi để tránh lồng nghép công việc chung với lợi ích riêng, lợi dụng quyền lực để làm trái pháp luật. Còn hình thức kiểm soát đặc biệt là giám sát theo vụ việc. Theo đó, nhà vua trực tiếp thực hiện hoặc do đoàn giám sát của nhà vua thực hiện. Việc giám sát được thực hiện qua các cuộc vi hành, nhà vua trực tiếp xuống địa phương để kiểm tra các hoạt động của quan lại và dân chúng trong các công việc như đắp đê trị thủy, sản xuất nông nghiệp, hoạt động xét xử, kiểm tra lại các vụ án đặc biệt,…

 

Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học

 

Từ những phân tích, diễn giải nêu trên, đề tài đưa ra các bài học chính về kiểm soát quyền lực nhà nước, đó là:

  • Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát mang tính độc lập trong bộ máy nhà nước;
  • Nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cơ sở;
  • Tăng cường kiểm tra chuyên đề, đi xuống cơ sở thăm hỏi người dân và kiểm tra người đứng đầu bộ máy nhà nước ở địa phương;
  • Xây dựng cơ chế giám sát nội bộ trong cùng cơ quan;
  • Lựa chọn cán bộ có đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.

Đề tài cũng gợi ý một số bài học về chống tham nhũng: (i) Xét xử nghiêm minh, tăng nặng hình phạt đối với các tội tham nhũng để người có ý định vi phạm phải sợ mà không dám tham nhũng; (ii) Xây dựng hệ tư tưởng coi tham nhũng là giặc từ người dân đến cán bộ công quyền; (iii) Sử dụng cán bộ theo hướng chức vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng tương xứng với lợi ích, quyền lợi được hưởng.

 

Bình luận tại tọa đàm, TS. Phạm Thị Thúy Nga nhìn nhận, phần trình bày của đề tài hay và có điểm nhấn, tuy mang chủ đề lịch sử nhà nước và pháp luật nhưng vẫn có giá trị cho thời điểm hiện nay. TS. Phạm Thị Thúy Nga cho rằng, nhà Nguyễn đã xây dựng hệ thống kiểm tra giám sát quyền lực bên trong khá tốt, trong đó luật hồi tỵ là một trong những phương án tiêu biểu. Ngoài ra, đề tài cần giải thích rõ tư tưởng Nho giáo về thanh liêm, đạo đức của người làm quan vì đây chính là tiêu chuẩn để đánh giá về kiểm soát quyền lực.

 

Theo ThS. Nguyễn Thanh Tùng, đề tài có thể phân tích, làm rõ hơn các khía cạnh khác như cơ chế tự quản địa phương, phép vua thua lệ làng và liên hệ với bối cảnh hiện nay.

 

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy

 

Đề tài thứ ba thực hiện báo cáo kết quả nghiên cứu là “Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự ở Việt Nam hiện nay” do TS. Nguyễn Thị Thu Thủy làm chủ nhiệm. Về phần lý luận, tác giả đề cập đến các nội dung: khái niệm, đặc điểm, vai trò của chứng cứ trong tố tụng dân sự (TTDS); khái niệm, đặc điểm, nội dung hoạt động chứng minh trong TTDS.

 

Tiếp theo, tác giả phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về chứng cứ và chứng minh trong TTDS ở Việt Nam hiện nay. Với chứng cứ, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy tập trung phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về: nguồn chứng cứ; cung cấp, thu thập, giao nộp chứng cứ; đánh giá, bảo vệ chứng cứ. Trong đó, về phương thức cung cấp, giao nộp chứng cứ, ngoài các phương thức trực tiếp, so với Bộ luật TTDS năm 2004, Bộ luật TTDS năm 2015 bổ sung phương thức gửi chứng cứ bằng phương tiện điện tử qua Cổng thông tin điện tử của tòa án. Ngoài ra, Bộ luật TTDS năm 2015 bổ sung quy định về nghĩa vụ gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác hoặc người đại diện của họ đồng thời cũng quy định thời hạn cung cấp và giao nộp chứng cứ. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều vụ việc các bên không thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.

 

Sau đó, đề tài đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chứng cứ và chứng minh trong TTDS ở Việt Nam hiện nay:

  • Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường hợp tòa án áp dụng các biện pháp lý để thu thập chứng cứ, bao gồm cả trường hợp đương sự không có yêu cầu nhưng thông tin, tài liệu cần thu thập có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án;
  • Cần có các quy định về chế tài áp dụng khi tòa án có hành vi vi phạm tố tụng dẫn đến giải quyết vụ việc thiếu khách quan, toàn diện, không chính xác;
  • Tòa án cần định hướng, hướng dẫn đương sự trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ mà đương sự không thể hoặc gặp khó khăn trong quá trình thu thập;
  • Tòa án cần vận dụng các quy định pháp luật linh hoạt hơn, tăng cường quá trình tuyển chọn, công nhận và áp dụng các án lệ để đưa ra các phán quyết khách quan, chính xác.

Đề tài đã nhận được các ý kiến thảo luận, góp ý của TS. Dương Quỳnh Hoa, TS. Phạm Thị Hương Lan, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương về các vấn đề: bản chất, tính hợp pháp của chứng cứ; giá trị chứng minh trong TTDS; vai trò của tòa án trong thu thập chứng cứ;  mối quan hệ giữa chứng cứ và chứng minh; giám định và chi phí giám định chứng cứ;…

 

ThS. Nguyễn Thu Dung

 

Tọa đàm cuối cùng trong ngày là về đề tài của ThS. Nguyễn Thu Dung, “Một số vấn đề pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”. Nhu cầu năng lượng gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự cạn kiệt dần các nguồn nghiên liệu hóa thạch đã đòi hỏi các quốc gia phải nhanh chóng tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế và các nguồn nhiên liệu này được biết đến là nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, nước, sinh khối... Do đó, lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo đã trở thành chiến lược phát triển tại nhiều quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu cung cấp năng lượng sạch, tin cậy, đầy đủ và bền vững.

 

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo lại là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro đối với khu vực tư nhân như đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tính không ổn định do phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời tiết... Vì vậy, cách tiếp cận tốt nhất đối với lĩnh vực đầu tư này là coi năng lượng tái tạo như một dạng hàng hóa công bởi xét cho cùng, việc cung cấp năng lượng tái tạo sẽ liên quan mật thiết tới việc cung cấp rất nhiều dịch vụ công khác như môi trường, sức khỏe, giáo dục, an ninh năng ượng, an ninh quốc gia. Do đó, chủ thể chịu trách nhiệm trong việc cung cấp năng lượng tái tạo trước tiên phải là Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải hợp tác với khu vực tư nhân để có thể vượt qua những rào cản, hạn chế về ngân sách, năng lưc quản lý. Trong đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được coi là một trong các công cụ chủ yếu để đầu tư năng lượng tái tạo. 

 

Mục tiêu chung của đề tài là làm sáng tỏ một số khía cạnh pháp lý liên quan đến PPP tại một số quốc gia phát triển và đang phát triển, từ đó, gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Để thực hiện mục tiêu chung, đề tài đặt ra các nhiệm vụ cụ thể: (i) Khái quát một số vấn đề pháp lý về PPP trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; (ii) Tìm hiểu, đánh giá kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật ở một số quốc gia; (iii) Gợi mở bài học cho Việt Nam.

Các tin cùng chuyên mục: