•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học các đề tài cấp cơ sở tuần từ ngày 04/10 đến 07/10/2022

17/10/2022
Trong các ngày từ 04/10 đến 07/10/2022, Viện Nhà nước và Pháp luật tiếp tục tổ chức các tọa đàm báo cáo kết quả nghiên cứu của 03 đề tài cấp cơ sở năm 2022.

Tọa đàm tổ chức ngày 04/10 là báo cáo đề tài cơ sở “Sự hình thành và phát triển của nền dân chủ qua các bản Hiến pháp Việt Nam” do ThS. Mai Thị Minh Ngọc làm chủ nhiệm. Thành viên đề tài là ThS. Vũ Hoàng Dương và ThS. Nguyễn Lê Dân. Mở đầu, ThS. Mai Thị Minh Ngọc trình bày những vấn đề lý luận về nền dân chủ trong Hiến pháp: khái niệm, đặc điểm, vai trò của nền dân chủ; nội dung của Hiến pháp về dân chủ; yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của nền dân chủ trong các bản Hiến pháp.

 

Dưới góc độ pháp lý, thể chế và các quyền hiến định thì dân chủ được hiểu là chế độ chính trị, một hiện thực toàn vẹn của nền dân chủ. Dân chủ được thể chế hóa thành chế độ dân chủ. Chế độ này được hình thành trong đời sống xã hội, lối sống, văn hóa. Với tư cách là một chỉnh thể hiện thực, nền dân chủ được cấu thành bởi nhiều yếu tố, bộ phận bao gồm vật chất, tinh thần, các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật. Với cách tiếp cận này, nền dân chủ được hiểu là một chỉnh thể xã hội trong đó có các giá trị chuẩn mực theo nguyên tắc dân chủ được ghi nhận trên tất cả các giá trị cơ bản của đời sống xã hội. Từ những lập luận trên, đề tài nhận định nền dân chủ là khái niệm phản ánh chỉnh thể xã hội được tổ chức, vận hành theo các nguyên tắc, yêu cầu, chuẩn mực dân chủ, với quyền lực thuộc về nhân dân, được thực hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Đề tài đã nghiên cứu về nội dung của dân chủ trong các bản Hiến pháp Việt Nam (từ Hiếp pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013). Trong đó, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới về nội dung và kỹ thuật lập hiến so với các bản Hiến pháp trước. Một trong số đó là sự thể hiện sâu sắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đặc biệt là chủ quyền nhân dân được đề cao một cách nhất quán, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ bản Hiến pháp. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 khẳng định nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lập hiến và là sự kết tinh ý chí của toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước xác định nhân dân là chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp và quan điểm này đã được ghi rõ trong phần Lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là quy định nền tảng, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất sức mạnh quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thông qua Hiến pháp, nhân dân ủy thác quyền lực của mình cho Nhà nước, một phần quyền lực của mình thì nhân dân giữ lại để thực hiện, chẳng hạn như việc thực hiện quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

 

Từ việc phân tích quá trình hình thành và phát triển của nền dân chủ qua các bản Hiến pháp Việt Nam, đề tài đưa ra một số gợi mở cho việc hoàn thiện Hiến pháp Việt Nam trong quy định về dân chủ, đó là: (i) Hiến định quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân thông qua trưng cầu ý dân; (ii) Quy định trong Hiến pháp các chủ thể (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, ít nhất 1/3 số đại biểu Quốc hội,…) được thực hiện các quyền về lập hiến như đề nghị xây dựng, sửa đổi Hiến pháp. Ngoài ra, đề tài cũng đề xuất một số giải pháp khác như xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện tốt, có hiệu quả dân chủ và quyền lực nhà nước, tạo lập môi trường xã hội lành mạnh để mở rộng dân chủ và tăng cường pháp chế,…

 

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Lê Thương Huyền trao đổi về một số vấn đề liên quan đến sự hình thành nền dân chủ trong Hiến pháp năm 1946, mối quan hệ giữa nhân dân với quyền lực công cộng. Khi bàn về dân chủ, TS. Phan Thanh Hà cho rằng, đề tài cần tiếp cận theo khía cạnh chế độ dân chủ. Nếu các tác giả phân tích, làm rõ các phương diện và hình thức biểu hiện của dân chủ qua các bản Hiến pháp thì nội dung đề tài sẽ sắc nét hơn.

 

Đề tài cũng nhận được những góp ý của TS. Đinh Thế Hưng, ThS. Cao Việt Thăng, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và các nhà khoa học khác.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Buổi sinh hoạt khoa học thứ hai trong tuần (ngày 06/10) là của đề tài cơ sở do ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương thực hiện: “Khung pháp luật về kinh doanh theo hình thức đa cấp ở Việt Nam hiện nay”. Kết cấu của đề tài gồm 3 phần:

  • Kinh doanh theo hình thức đa cấp và khung pháp luật về kinh doanh theo hình thức đa cấp;
  • Thực trạng pháp luật về kinh doanh theo hình thức đa cấp ở Việt Nam hiện nay;
  • Các yêu cầu đặt ra và giải pháp hoàn thiện khung pháp luật về kinh doanh theo hình thức đa cấp ở Việt Nam.

Đề tài đưa ra những điểm đặc trưng của kinh doanh theo hình thức đa cấp (sau đây gọi là bán hàng đa cấp). Về bản chất, bán hàng đa cấp là hoạt động bán lẻ. Với hoạt động bán lẻ theo kiểu truyền thống thì hoạt động tiếp thị, quảng cáo sản phẩm được triển khai trên nền tảng đa phương tiện với chi phí chiếm đến 70% giá thành sản phẩm. Với bán hàng đa cấp, hoạt động tiếp thị, quảng cáo được thực hiện thông qua những con người cụ thể giới thiệu và bán sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Bởi vậy, hình thức bán hàng đa cấp giúp giảm chi phí tiếp thị, quảng bá, cùng với đó sẽ là giảm giá thành sản phẩm. Cùng với thời gian, số lượng hàng hóa nhiều hơn, số lượng người tiêu dùng tăng lên đã thúc đẩy nhu cầu mở rộng mạng lưới người tiếp thị, bán hàng trực tiếp. Họ là những nhà phân phối độc lập thực hiện tuyên truyền, marketing đến từng khách hàng cụ thể mà không thông qua khâu trung gian hay người bán lẻ.

 

Khung pháp luật về bán hàng đa cấp là hệ thống các quy định pháp luật xác định hoạt động này là gì, chỉ ra những rủi ro có thể gặp phải và các hành vi bị cấm cũng như xử lý vi phạm. Các chủ thể trong hoạt động bán hàng đa cấp gồm có doanh nghiệp, nhà phân phối độc lập và người tiêu dùng. Trên thực tế ở Việt Nam, 70% nhà phân phối độc lập cũng là người tiêu dùng. Họ trực tiếp dùng sản phẩm và cũng có nhu cầu kiếm thêm thu nhập khi tham gia bán các sản phẩm này. Đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam với các nước phương Tây khi người phân phối không phải là người tiêu dùng.

 

Các nhà nghiên cứu lắng nghe phần trình bày của ThS. Ngô Vĩnh Bach Dương

 

Tác giả đã chỉ ra các vấn đề bất cập trong hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam dẫn đến phát sinh các tranh chấp từ các vụ việc trên thực tế, đó là:

  • Những nhà phân phối tuyến trên chỉ tập trung tuyển dụng nhà phân phối tuyến dưới để hưởng hoa hồng mạng lưới thay vì trực tiếp bán sản phẩm cho người tiêu dùng;
  • Doanh nghiệp và nhà phân phối đưa ra các tuyên bố sai lệch gây nhầm lẫn về cơ hội kinh doanh, thu nhập và tiềm năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường cũng như công dụng, tính năng của sản phẩm;
  • Nhà phân phối mua tích trữ sản phẩm với khối lượng lớn vượt quá khả năng tiêu dùng và cũng không được bán hay trả lại do bị doanh nghiệp hoặc nhà phân phối tuyến trên ép buộc;
  • Nhà phân phối phải đóng một khoản tiền lớn để tham gia vào mạng lưới;
  • Nhà phân phối lợi dụng nghề nghiệp, các mối quan hệ cá nhân để dụ dỗ mua hàng hay lôi kéo người khác tham gia vào mô hình.

Các vấn đề trên đã được pháp luật Việt Nam nhận diện và có quy định cụ thể nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Chẳng hạn, nhà phân phối tuyến dưới phải thực hiện những công việc nhất định để giữ mối quan hệ về mặt xã hội (không phải mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh) với nhà phân phối tuyến trên. Đến một thời điểm nhất định, nhà phân phối tuyến dưới không chịu đựng nổi sẽ dẫn đến mâu thuẫn và xảy ra tranh chấp.

 

Sau khi phân tích các vấn đề bất cập trong bán hàng đa cấp, đề tài đề xuất một số giải pháp. Với trường hợp nhà phân phối tuyến trên chỉ tập trung tuyển dụng nhà phân phối tuyến dưới để hưởng hoa hồng mà không trực tiếp bán hàng, giải pháp sẽ là áp dụng quy tắc 10 khách hàng và 70%. Theo đó, nhà phân phối trong mỗi tháng phải bán được sản phẩm cho ít nhất 10 người tiêu dùng trở lên để hưởng hoa hồng hệ thống. Quy tắc 70% thì yêu cầu các nhà phân phối phải bán được ít nhất 70% số lượng sản phẩm mua từ công ty, nếu không bán hết 70% số hàng thì nhà phân phối không được tiếp tục mua hàng từ công ty, theo đó sẽ không có doanh số cá nhân, không đủ điều kiện hưởng hoa hồng hệ thống cho dù tuyển dụng được nhiều nhà phân phối tuyến dưới. Đề tài cũng đưa ra một số kiến nghị mang tính định hướng như nghiên cứu để tiến hành can thiệp việc tiếp thị đa cấp đối với dịch vụ.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga nhìn nhận, nội dung nghiên cứu của đề tài đã được tác giả trình bày khá hay và cuốn hút. Ngoài ra, đề tài cần tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến khung pháp luật về bán hàng đa cấp như: điều kiện bán hàng đa cấp để xác định kinh doanh hợp pháp, phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng giữa công ty bán hàng đa cấp với nhà phân phối, xử lý các hành vi vi phạm khi bán hàng đa cấp,… Đề tài này cũng nhận được những trao đổi, góp ý của các nhà khoa học khác.

 

Đề tài cấp cơ sở “Kinh nghiệm cải tạo người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam” do ThS. Nguyễn Ngọc Mai làm chủ nhiệm cũng đã tổ chức sinh hoạt khoa học vào ngày 07/10. Thành viên đề tài là NCV. Trần Tuấn Minh. Chủ trì buổi sinh hoạt khoa học này là TS. Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Luật Hình sự.

 

Từ trái sang phải: TS. Đinh Thế Hưng, NCV. Trần Tuấn Minh, ThS. Nguyễn Ngọc Mai

 

Cải tạo người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù (sau đây gọi là cải tạo người phạm tội) để họ có thể trở thành người có ích cho xã hội là một trong các mục đích chính của hình phạt, đồng thời đó cũng là mục tiêu hướng đến của hoạt động thi hành án hình sự. Cải tạo người phạm tội bao gồm các hoạt động từ tiếp nhận người phạm tội đến tổ chức phân loại, thực hiện chế độ chính sách, giáo dục chính trị, pháp luật, văn hóa, đạo đức, lối sống... Đây được coi là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong quá trình thi hành án hình sự bởi mục đích của nó là thay đổi nhận thức, tư tưởng lệch lạc, hướng tới phục hồi và hoàn thiện nhân cách của người phạm tội để họ có thể trở thành người có ích cho xã hội.

 

Hiện nay, ở nước ta, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã có những quy định về giáo dục, cải tạo người phạm tội, trong đó chủ yếu được thực hiện bằng các biện pháp như phổ biến pháp luật, giáo dục văn hóa và lao động, dạy nghề. Theo đó, trong suốt thời gian chấp hành hình phạt, người phạm tội phải học tập để thay đổi tư tưởng, nhận thức được lỗi lầm và được giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời, họ phải lao động để thấy được trách nhiệm, thấy được giá trị của lao động và dần hình thành thói quen lao động. Qua quá trình học tập và lao động, người phạm tội sẽ được cải thiện cả về thể chất và tinh thần từ đó tạo được môi trường lành mạnh để họ yên tâm chấp hành hình phạt, hướng đến phấn đấu cải tạo tốt để được giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Trên thực tế, việc cải tạo người phạm tội phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động của đội ngũ cán bộ tại các cơ sở giam giữ. Tuy nhiên, nhân lực của đội ngũ này còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng cán bộ, trình độ, năng lực chuyên môn cũng như sự lành nghề và đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp.

 

Tham khảo một số quốc gia trên thế giới cho thấy, mỗi quốc gia có những lựa chọn hình thức cải tạo người phạm tội phù hợp với các đặc điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội riêng. Ba quốc gia được đề tài lựa chọn để tìm hiểu và nghiên cứu thuộc 3 khu vực khác nhau trên thế giới là Na Uy, Mỹ, Thái Lan.

 

Ở Na Uy, hình phạt tù trong luật hình sự Na Uy được thực hiện theo 3 cấp độ: nhà tù đóng, nhà tù mở, nhà tù chuyển tiếp. Trước khi gần hết bản án thì phạm nhân sẽ được xem xét chuyển sang cơ sở nhà tù mở, nơi phạm nhân có cơ hội được hưởng nhiều tự do hơn với sự giám sát ít nghiêm ngặt hơn, các tường rào được gỡ bỏ. Các hoạt động chính tại nhà tù mở là cải tạo tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi phạm nhân thực hiện xong công việc của mình, họ có thể đi lại tự do trong khuôn viên nhà tù mở, thậm chí còn được đi lại ở các khu vực công cộng trong địa phương.

 

Qua số liệu về thực tiễn cải tạo người phạm tội từ năm 2015 - 2018 cho thấy tỷ lệ tái phạm ở Na Uy rất thấp, đặc biệt năm 2017 tỷ lệ tái phạm chỉ là 11%, mức gần như thấp nhất thế giới. Đề tài đưa ra 3 lý do chính để chứng minh cho tỷ lệ tái phạm thấp này, đó là: (i) Phạm nhân có trình độ học vấn cao, được tạo điều kiện học tập trong khi chấp hành hình phạt tù; (ii) Áp dụng nguyên tắc bình thường hóa trong hệ thống nhà tù giúp tăng khả năng tái hòa nhập cho phạm nhân; (iii) Tăng cường giáo dục, tái hòa nhập suôn sẻ giúp hỗ trợ việc tiếp nhận, duy trì việc làm cho phạm nhân sau khi ra tù cũng như giúp phạm nhân nhanh chóng tương tác với cộng đồng.

 

PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn phát biểu góp ý cho đề tài

 

Ở Mỹ, qua các số liệu thống kê, khác với Na Uy, công tác cải tạo người phạm tội chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ tái phạm cao, cuộc sống sau khi ra tù của người phạm tội bấp bênh do không có việc làm hoặc có việc làm nhưng mức thu nhập rất thấp.   

 

Từ thực tiễn cải tạo người phạm tội ở 2 quốc gia nói trên cùng Thái Lan, đề tài đưa ra một số kiến nghị chính nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác cải tạo người phạm tội ở Việt Nam: xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tổ chức thực hiện việc giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng, trình độ đội ngũ làm công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân; đảm bảo các điều kiện cần thiết về kinh tế để phục vụ giáo dục, cải tạo phạm nhân.

 

Nhìn nhận về kết quả nghiên cứu của đề tài, TS. Đinh Thế Hưng cho rằng, các thành viên trong đề tài đã triển khai được hầu hết các nội dung của đề tài theo đúng đề cương và có tính logic. Phần pháp luật và thực tiễn cải tạo người phạm tội ở Na Uy được trình bày khá kỹ với nhiều thông tin, số liệu cụ thể.

 

Góp ý cho đề tài, theo PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn, đề tài nên được triển khai bằng phương pháp nghiên cứu luật so sánh. Vì thế, đề tài cần so sánh về chính sách, pháp luật, chế độ, mục đích, nội dung, nguyên tắc thực hiện việc cải tạo người phạm tội trên thực tế được thực hiện như thế nào ở 3 quốc gia và ở Việt Nam. Từ đó, chỉ ra những mặt tốt, mặt phù hợp để Việt Nam học hỏi và áp dụng trên tinh thần chính sách, pháp luật ngày càng nhân văn hơn.  

Các tin cùng chuyên mục: