•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học các đề tài cơ sở ngày 26/09/2022

03/10/2022
Ngày 26/09/2022, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức tọa đàm về hai đề tài cấp cơ sở do ThS. Phạm Hồng Nhật và TS. Nguyễn Thị Hường làm chủ nhiệm.

Mở đầu là tọa đàm đề tài của ThS. Phạm Hồng Nhật có chủ đề “Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài” do TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Luật Quốc tế và Quyền con người) chủ trì.

 

Kết cấu đề tài gồm 2 chương:

  • Chương 1: Một số vấn đề lý luận về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
  • Chương 2: Thực tiễn ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài và một số khuyến nghị

ThS. Phạm Hồng Nhật trình bày kết quả nghiên cứu chính của đề tài

 

Trong Chương 1, về phần khái niệm, sau khi giới thiệu Công ước Viên năm 1969 và văn bản của Ủy ban Pháp luật của Liên hợp quốc, tác giả cho rằng, theo cách hiểu rộng, thoả thuận quốc tế (TTQT) có nội hàm rộng hơn điều ước quốc tế. Theo đó, TTQT là sự thỏa thuận giữa các chủ thể của pháp luật quốc tế (quốc gia, tổ chức quốc tế, chủ thể phi nhà nước như Tòa thánh Vatican, các vùng lãnh thổ độc lập…) dưới các hình thức khác nhau và có thể không được pháp luật quốc tế điều chỉnh.

 

Còn theo nghĩa hẹp, TTQT được sử dụng ở những lĩnh vực hẹp hơn so với điều ước quốc tế, được ký kết giữa các cơ quan, đơn vị thuộc một quốc gia không nhận sự ủy quyền của Nhà nước, Chính phủ với các điều khoản không có giá trị ràng buộc đối với quốc gia. Các TTQT này có nhiều tên gọi khác nhau như các thoả thuận thực thi, cam kết chính trị, tuyên bố chung; phần lớn được thể hiện dưới hình thức văn bản. TTQT thường được quy định theo pháp luật quốc gia thay vì pháp luật quốc tế, trong đó một số quốc gia có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng như Việt Nam, Hoa Kỳ, Mexico...

 

Ở Việt Nam, văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về việc ký kết, thực hiện TTQT là Nghị định số 20/2002/NĐ-CP. Đến năm 2020, Luật Thỏa thuận quốc tế ra đời quy định: “TTQT là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế” (Khoản 1 Điều 2).

 

Tiếp theo, ThS. Phạm Hồng Nhật đề cập đến các vấn đề: đặc điểm của TTQT, vai trò của ký kết và thực hiện TTQT, chủ thể và trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện TTQT.

 

Về các nội dung nghiên cứu trong Chương 2, tác giả đã phân tích thực tiễn thực hiện việc ký kết và triển khai việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế ở Việt Nam. Báo cáo đánh giá của Bộ Ngoại gia năm 2020 cho biết số lượng các thỏa thuận quốc tế đã ký kết tăng dần theo từng năm. Với chủ thể ký kết bên Việt Nam là các cơ quan trung ương thì các lĩnh vực thỏa thuận chính là giao thông vận tải, khoa học công nghệ, hợp tác kỹ thuật, đào tạo nhân lực,… Đối với chủ thể ký kết là chính quyền địa phương thì mục đích chính là trao đổi thông tin, thúc đẩy hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nhân lực, đảm bảo trật tự an ninh (với các chính quyền cấp huyện, cấp xã sát biên giới).

 

Đánh giá về hoạt động này, đề tài cho rằng, pháp luật điều chỉnh và giá trị ràng buộc của các TTQT không cao và cách hiểu giữa các bên không có sự thống nhất do nhiều quốc gia chưa có quy định pháp luật cụ thể về TTQT. Sự thiếu rõ ràng này ảnh hưởng lớn đến giá trị ràng buộc từ đó làm giảm đi hiệu quả thực hiện các TTQT này. Với các cơ quan ở địa phương, việc không xác định rõ trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện TTQT cũng như trách nhiệm của cơ quan giám sát thực thi TTQT thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính địa phương.

 

Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học

 

Từ những hạn chế, tồn tại trong việc ký kết, thực hiện TTQT, đề tài đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ký kết và thực hiện TTQT. Trong đó, về giải pháp hoàn thiện pháp luật, cần có các văn bản quy phạm pháp luật cũng như sổ tay hướng dẫn quy định cụ thể hơn về hình thức, nội dung của TTQT. Chẳng hạn, quy định về hệ thống các từ ngữ được sử dụng, cung cấp các thỏa thuận quốc tế mẫu để các chủ thể bên Việt Nam áp dụng và tham khảo. Ngoài ra, đề tài đề xuất một số khuyến nghị khác như: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TTQT; xây dựng các căn cứ, tiêu chí để cấp có thẩm quyền quyết định ký kết TTQT trong trường hợp có các ý kiến khác và một số khuyến nghị về nâng cao hiệu quả thực thi.

 

Bình luận về đề tài, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, đề tài có tính mới nhưng đến nay Luật Thỏa thuận quốc tế mới có hiệu lực hơn 01 năm (từ 01/07/2021) nên chưa có nhiều dữ liệu để đánh giá thực tiễn. Tuy nhiên, đề tài đã đưa ra một số kiến nghị phù hợp với bối cảnh hiện nay.

 

Trao đổi tại tọa đàm, theo PGS.TS. Lê Mai Thanh, đề tài cần làm rõ bản chất của TTQT, trên cơ sở đó so sánh với điều ước quốc tế. Trong khi điều ước quốc tế xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của quốc gia, của chủ thể theo pháp luật quốc tế và đồng thời cũng thiết lập, bổ sung nguồn luật quốc tế thì TTQT chỉ xác lập quan hệ hợp tác giữa các bên ký kết (chủ yếu mang tình thực hành). Sự khác biệt giữa điều ước quốc tế và TTQT còn nằm ở thẩm quyền, trình tự thủ tục ký kết, quản lý và giám sát thực hiện thỏa thuận quốc tế,…

 

Buổi sinh hoạt khoa học thứ hai trong ngày là của đề tài “Bồi thường thiệt hại do xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo pháp luật Việt Nam hiện nay” do TS. Nguyễn Thị Hường là chủ nhiệm. Chủ trì tọa đàm là TS. Dương Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Luật Dân sự.

 

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một trong những quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Đây là nhóm quyền nhân thân bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, sự xâm phạm các quyền riêng tư trong thời đại kỷ nguyên số đang rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình đang thiếu và có nhiều “khoảng trống”. Vì thế, pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình cần phải được nhất thể hóa về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm.

 

TS. Nguyễn Thị Hường (bên trái)

 

Tác giả nhận diện một số hành vi điển hình xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như:

- Thu thập, lưu giữ những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân không được sự đồng ý của cá nhân có đời tư đó;

- Sử dụng những thông tin do mình thu nhập và lưu giữ hoặc tiếp nhận thông tin từ người thứ ba nhằm hạ thấp uy tín, danh dự cá nhân;

- Nghe lén điện thoại, bóc và đọc trộm thư từ, các hợp đồng dân sự, thương mại mà hộ gia đình tham gia với tư cách chủ thể thông qua người đại diện;

- Tung tin thất thiệt, thêm bớt, bịa đặt, vu khống nhằm hạ uy tín, danh dự, nhân phẩm của các thành viên gia đình người khác;

 

Về khái niệm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là một loại của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà trong đó người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của người khác, gây ra thiệt hại thì phải có nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần do chính mình gây ra mặc dù giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không hề có quan hệ hợp đồng. Dựa vào nhận định trên, đề tài cho rằng, pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là tổng thể các quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh khi có hành vi xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình nhằm để bảo vệ các quyền đó không bị xâm phạm một cách tùy tiện.

 

Đề tài cũng đưa ra các nguyên tắc bồi thường, đó là: (i) Bồi thường toàn bộ và kịp thời; (ii) Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình; (iii) Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

Tiếp theo, tác giả phân tích nội dung và thực trạng pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo các nhóm quy phạm chính: căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chủ thể bồi thường, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường, thiệt hại và mức bồi thường. Theo đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả và có lỗi. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì yếu tố lỗi không được xét để làm căn cứ. Theo tác giả, việc xác định lỗi và hình thức lỗi của bên bồi thường và bên được bồi thường vẫn đóng vai trò nhất định trong việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm bồi thường do xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình nói riêng. Chẳng hạn, nếu xác định thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ không phát sinh và đề tài đã chỉ ra một số vụ việc trên thực tế để dẫn chứng cho quan điểm này.

 

Dựa trên những phân tích về thực trạng pháp luật nêu trên, đề tài đã đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật tương ứng với từng nhóm quy phạm. Ngoài ra, đề tài cũng gợi ý các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật.

 

ThS. Lê Thị Hồng Xuân bình luận

 

Bàn luận về yếu tố lỗi, ThS. Lê Thị Hồng Xuân cho biết, các tội về xâm phạm danh dự, nhân phẩm trong luật hình sự có quy định yếu tố lỗi là căn cứ xác định về mức bồi thường. Chẳng hạn, người thực hiện hành vi xúc phạm danh dự người khác có thể cho rằng hành vi của mình là bình thường, không làm nhục người khác. Đối với trường hợp này thì yếu tố lỗi đến từ ý thức chủ quan. Khi đó yếu tố lỗi không đủ làm căn cứ để xác định mức bồi thường mà cần phải xem xét đến các yếu tố khác như phong tục tập quán, môi trường sống xung quanh.

 

TS. Dương Quỳnh Hoa góp ý, trong nội dung và thực trạng pháp luật về bồi thường thiệt hại thì ngoài việc đã phân tích thực trạng thiệt hại thì đề tài cần bổ sung phần xác định thiệt hại. Ngoài ra, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, ngoài việc diễn giải quy định pháp luật thì đề tài cần bổ sung nhiều hơn các vụ việc thực tế để đánh giá thì sẽ nêu bật được vai trò của tòa án.

 

Đề tài cũng nhận được những trao đổi của các nhà khoa học khác về các vấn đề: bồi thường thiệt hại trong hợp đồng (một bên trong hợp đồng để lộ bí mật kinh doanh), công thức tình bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại với người nổi tiếng…

Các tin cùng chuyên mục: