•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học các đề tài cơ sở tổ chức ngày 25/09/2023

29/09/2023
Ngày 25/09/2023, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức tọa đàm về hai đề tài cấp cơ sở do ThS. Nguyễn Lê Dân và ThS. Cao Việt Thăng làm chủ nhiệm.

Mở đầu là Tọa đàm Đề tài cá nhân của ThS. Nguyễn Lê Dân với chủ đề “Trách nhiệm kỷ luật của viên chức theo pháp luật Việt Nam hiện nay”. Kết cấu đề tài gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận về trách nhiệm kỷ luật của viên chức

Chương 2: Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với viên chức

Chương 3: Một số giải pháp góp phần hoàn thiện quy định về trách nhiệm kỷ luật của viên chức ở Việt Nam hiện nay

Trong Chương 1, Đề tài viện dẫn các quy định của pháp luật để đưa ra khái niệm về viên chức, phân loại viên chức, chỉ ra sự khác biệt giữa viên chức với cán bộ, công chức. Từ đó, Đề tài cho rằng, trách nhiệm kỷ luật của viên chức được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi do chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với viên chức vi phạm quy định pháp luật, điều lệ, đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc trong hoạt động nghề nghiệp của mình, làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Viên chức và các quy định pháp luật khác có liên quan.

 

ThS. Nguyễn Lê Dân trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Theo ThS. Nguyễn Lê Dân, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến trách nhiệm kỷ luật của viên chức: Phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn; công tác quản lý đối với viên chức; các yếu tố khác (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…).

 

Trách nhiệm kỷ luật của viên chức được quy định cụ thể trong Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, trong đó Điều 15 quy định các hình thức kỷ luật và các Điều 35, 36, 37 quy định về trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật. Nhìn nhận về những hạn chế trong thực trạng trách nhiệm kỷ luật viên chức trên thực tế, Đề tài cho rằng, một số lượng viên chức (kể cả đối với viên chức lãnh đạo) có nhận thức chính trị chưa đầy đủ, còn chịu những tác động, ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường nên có những hoạt động "thương mại hóa" trong khi thực hiện các nhiệm vụ, công việc của mình, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức. Các hành vi vi phạm của viên chức rất phong phú, đa dạng, ở nhiều hoạt động, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.

 

Dựa trên những đánh giá về những hạn chế, bất cập trên, Chủ nhiệm đề tài đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện quy định về trách nhiệm kỷ luật của viên chức hiện nay.

 

TS. Lê Thương Huyền (giữa) góp ý cho đề tài cùng TS. Nguyễn Linh Giang (bên trái)

và TS. Phan Thanh Hà (bên phải)

 

Góp ý tại tọa đàm, TS. Lê Thương Huyền cho rằng, ngoài các quy định trong đạo luật và các văn bản quy phạm dưới luật thì Đề tài cần xem xét trong Hiến pháp 2013 có điều luật nào liên quan đến trách nhiệm kỷ luật của viên chức không, cùng với đó cần tìm hiểu, bổ sung các quy định mới tại Nghị định số 71/2023/NĐ-CP vừa ban hành ngày 20/09/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

 

Theo ThS. Nguyễn Thanh Tùng, tại Chương 2, tác giả cần đánh giá khái quát quan điểm của Đảng về trách nhiệm kỷ luật của viên chức là đảng viên, vi phạm kỷ luật của Đảng có liên quan, chi phối đến trách nhiệm kỷ luật của viên chức không.

         

Đề tài cũng nhận được các góp ý, thảo luận của TS. Phạm Thị Thúy Nga, TS. Nguyễn Linh Giang, TS. Phan Thanh Hà, ThS. Cao Việt Thăng và các nhà khoa học khác về các vấn đề: phân biệt trách nhiệm hành chính với trách nhiệm kỷ luật của viên chức, vấn đề kỷ luật viên chức là đảng viên, cơ chế khiếu nại khi đưa ra quyết định kỷ luật sai, xác định vị trí việc làm để quyết định trách nhiệm kỷ luật…

 

Tiếp theo là buổi sinh hoạt khoa học thứ hai của Đề tài “Văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án ở Việt Nam hiện nay” do ThS. Cao Việt Thăng là chủ nhiệm, thành viên là ThS. Nguyễn Thanh Tùng.

 

ThS. Cao Việt Thăng (giữa) và ThS. Nguyễn Thanh Tùng (bên trái)

 

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 400-500 định nghĩa về văn hóa. Điều đó nói lên sự phong phú và sự không xác định cụ thể của khái niệm văn hóa. Văn hóa, xét đến cùng, là sự điều chỉnh tự nhiên vào chuẩn mực, trật tự của cộng đồng, nhờ nó, con người vượt lên trên tự nhiên để tiến hóa thành người. Huyền thoại, tôn giáo, chính trị đóng vai trò tiên phong trong sự kiến tạo ấy thông qua các cấm kỵ. Cũng chính quá trình kiến tạo đó, văn hóa tồn tại như một hệ thống ảo, bao gồm các biểu trưng và ký hiệu.

 

Đối với văn hóa pháp luật, các biểu trưng, ký hiệu đó thể hiện những giá trị, triết lý mà nhân loại hướng tới, nhằm xây dựng một xã hội có trật tự, bảo vệ quyền con người, lẽ công bằng. Trong hoạt động xét xử của Tòa án, những biểu trưng đó có thể thể hiện qua bài trí không gian xét xử, trang phục những người tham gia, ngôn ngữ sử dụng, những điều cấm kỵ, những điều kỳ vọng ở Thẩm phán, niềm tin của người dân vào công lý trong hoạt động xét xử.

 

Từ những quan điểm trên, Đề tài đưa ra khái niệm: Văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án là sự điều chỉnh vào chuẩn mực, trật tự của hoạt động xét xử tại Tòa án nhằm kiến tạo các giá trị niềm tin công lý, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, lẽ công bằng, đáp ứng nhu cầu kiểm soát, cân bằng quyền lực, góp phần thúc đẩy xã hội ổn định và phát triển.

 

Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học

 

Sau đó, Đề tài đã giới thiệu, phân tích đặc điểm, vai trò và nội dung của văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án cũng như chỉ ra thực trạng ý thức, hệ thống pháp luật và hành vi thể hiện văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử.

 

Nhìn nhận về những điểm tích cực trong thực trạng văn hóa pháp luật, các tác giả cho rằng, tiến độ và chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án ngày càng được hoàn thiện, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào công lý được bảo đảm nơi Tòa án; công tác tổ chức phiên tòa xét xử luôn đổi mới, bảo đảm sự uy nghi thể hiện tính quyền lực nhà nước. Đề tài đưa ra các thống kê cụ thể trên thực tế để chứng minh cho nhận định này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Đề tài cũng chỉ ra những vấn đề còn hạn chế về văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử như: sự tôn nghiêm chưa được bảo đảm, những bảo đảm cho sự độc lập, vô tư của Thẩm phán còn nhiều hạn chế; tiến độ và chất lượng xét xử giữa các cấp Tòa án và giữa các địa phương không đồng đều làm ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của người dân…

 

Từ những lập luận trên, Đề tài đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, tiêu biểu là:

  • Xây dựng đội ngũ Thẩm phán có đủ trình độ và bản lĩnh để không chỉ “muốn”, “có khả năng” mà còn “dám” thực thi quyền độc lập xét xử mà pháp luật và xã hội trao cho mình, từ đó củng cố niềm tin của người dân vào công lý;
  • Nhà nước cần có chính sách quan tâm đến đội ngũ Thẩm phán hơn nữa cả về đời sống vật chất và đào tạo nghiệp vụ, pháp luật;
  • Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội trong hoạt động tư pháp, bảo vệ công lý, bảo đảm sự minh bạch, liêm chính của hoạt động tư pháp, sự trong sạch của các cơ quan bảo vệ pháp luật…

TS. Phạm Thị Thúy Nga trao đổi tại tọa đàm

 

Góp ý cho đề tài, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, về mặt lý luận, ngoài việc đưa ra khái niệm văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử thì các tác giả cần chỉ ra khái niệm cũng như nội hàm của hoạt động xét xử, cụ thể là các hoạt động nào, chẳng hạn như hoạt động nghị án, hoạt động tranh tụng...

 

Theo TS. Phan Thanh Hà, Đề tài cần phân tích hai yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử là mô hình tố tụng tranh tụng và tố tụng xét hỏi, chỉ ra những ưu điểm của mỗi mô hình. Ngoài ra, Đề tài cũng cần phân tích cách xử sự của Thẩm phán trong phiên tòa về thái độ, cách ứng xử, đạo đức, quy tắc xử sự…

 

Đề tài cũng nhận được ý kiến góp ý của TS. Phạm Thị Thúy Nga. Bà gợi ý, Đề tài nên mở rộng yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử qua việc phân tích yếu tố về phương tiện truyền thông, bối cảnh hội nhập quốc tế. TS. Thúy Nga cũng chia sẻ với ý kiến của TS. Phan Thanh Hà khi đề xuất Đề tài cần coi trọng đến văn hóa tranh tụng trong hoạt động xét xử.

Các tin cùng chuyên mục: