•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta”

28/05/2024
Tọa đàm nằm trong hoạt động khoa học chung của Viện năm 2024 do phòng Pháp luật về tư pháp tổ chức thực hiện được tổ chức ngày 20/05/2024 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội. PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Phòng Pháp luật về tư pháp, chủ trì tọa đàm.

Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016 và được sửa đổi, bổ sung năm 2021. Qua gần 8 năm áp dụng, Bộ luật TTHS đã đóng góp rất lớn vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng, những quy định của Bộ luật không còn phù hợp với thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong khi đó, quan điểm của Đảng về việc xây dựng một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, trong sạch, thực thi công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân được khẳng định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022. Muốn làm được điều này, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đổi mới thủ tục TTHS bằng một thủ tục tiến bộ hơn, hạn chế những khiếm khuyết mà thủ tục này đã bộc lộ trong thời gian qua.

 

TS. Nguyễn Thị Hường (ngồi giữa) trình bày tham luận

 

Mở đầu là phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Hường với tham luận có chủ đề “Bàn về nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật TTHS Việt Nam”. Nguyên tắc suy đoán vô tội là những phương châm, định hướng quan trọng phải tuân theo trong TTHS. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại Khoản 1 Điều 31: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

 

Bộ luật TTHS 2015 đã cụ thể hoá quy định của Hiến pháp 2013 tại Điều 13 như sau: …Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Ngoài Điều 13, nội dung của nguyên tắc này còn được quy định tại các điều luật khác của Bộ luật TTHS 2015, mà một trong số đó phải kể đến là ở các Điều từ 58 đến 61 đã ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội. Theo đó, người bị buộc tội có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Lời nhận tội của người bị buộc tội chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

 

Có thể thấy, Bộ luật TTHS 2015 đã có những thay đổi tiến bộ so với Bộ luật TTHS 2003, trong đó quy định khá đầy đủ về nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, Bộ luật 2015 vẫn còn một số bất cập như sau:

 

Thứ nhất, nội dung trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại Điều 15 với tên gọi “Xác định sự thật của vụ án” là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc quy định Toà án có trách nhiệm chứng minh tội phạm là không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội, trách nhiệm này chỉ thuộc về cơ quan buộc tội (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát).

 

Thứ hai, mặc dù đã ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội song Khoản 3, Điều 466 Bộ luật TTHS 2015 lại quy định người bị buộc tội có thể bị xử lý về hành vi từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật. Quy định này mâu thuẫn với quyền không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Bên cạnh đó, một nguy cơ đe doạ đến nguyên tắc suy đoán vô tội là từ các phiên toà xét xử lưu động nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng không đảm bảo quyền được suy đoán vô tội của bị cáo bởi các cơ quan tố tụng, đặc biệt là tòa án đã ngầm kết tội bị cáo trước khi xét xử.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Từ những phân tích trên, để nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả, ngoài việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về quyền được suy đoán vô tội thì người viết đề xuất cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật TTHS 2015. Trong đó, Điều 13 cần bổ sung một ý, cụ thể là: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”; cũng như sửa đổi, bổ sung ở một số điều khoản liên quan khác.

 

Thảo luận về nguyên tắc suy đoán vô tội, TS. Nguyễn Linh Giang nhìn nhận, xã hội ngày nay đã thừa nhận nguyên tắc này ngay từ hình thức tại phiên tòa. Bị cáo không còn phải mặc bộ quần áo tù cũng như không còn vành móng ngựa trước vị trí đứng. Điều này thể hiện một sự thay đổi lớn trong tư duy của con người. TS. Nguyễn Linh Giang cũng đưa ra câu hỏi về việc mặc cả có tội có gì mâu thuẫn với nguyên tắc suy đoán vô tội không? Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Thị Hường, cho rằng, nhiều quốc gia đã có quy định về chế định mặc cả có tội hay còn gọi là thương lượng nhận tội, chẳng hạn như ở Anh, Mỹ. Theo đó, bên bào chữa cho người bị buộc tội sẽ thương lượng với bên công tố để người bị buộc tội thú tội, nhận tội. Khi đó, mức án dành cho người nhận tội sẽ nhẹ hơn so với khung luật định. Ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật TTHS 2015, chế định thương lượng nhận tội đã được đưa ra trao đổi nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nguyên tắc này chưa phù hợp nếu áp dụng ở Việt Nam. Bởi lẽ, quy trình xét xử các vụ án hình sự kéo dài mà không có sự giám sát nghiêm ngặt thì có thể dẫn đến sự thoái hóa của cán bộ khi thực hiện việc mặc cả với người bị buộc tội cũng như có thể làm tăng số lượng tội phạm.

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Ngọc Mai trao đổi tại tọa đàm với tham luận “Một số vấn đề về đổi mới thủ tục TTHS Việt Nam đảm bảo tăng cường tranh tụng”. Tác giả cho rằng, các quy định của Bộ luật TTHS 2015 vẫn chưa thể hiện hết tinh thần bảo đảm tranh tụng trong xét xử ở nhiều phương diện, chất lượng tranh tụng trong thực tế chưa cao. Nghị quyết số 27/NQ-TW tiếp tục nhấn mạnh vấn đề tranh tụng, coi đây là một nhiệm vụ của cải cách tư pháp trong thời gian tới:Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”. Dựa trên lý luận về tranh tụng trong TTHS, bài viết đánh giá thực trạng pháp luật TTHS Việt Nam trong thể hiện nguyên tắc tranh tụng cũng như thực hiện tranh tụng trong thực tiễn TTHS để từ đó đề xuất một số kiến nghị đảm bảo tranh tụng trở thành vấn đề đột phá của TTHS Việt Nam từ cả hai phương diện pháp luật và thực tiễn.

 

ThS. Nguyễn Ngọc Mai (bìa trái) và ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương (đứng)

 

Theo ThS. Nguyễn Ngọc Mai, pháp luật TTHS Việt Nam xét trên phương diện bảo đảm tranh tụng vẫn còn những hạn chế, bất cập sau: (i) Nhược điểm của mô hình TTHS; (ii) Chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể trong TTHS; (iii) Hạn chế trong thủ tục tại phiên tòa. Hiện nay, mô hình TTHS đã và đang tiếp tục được hoàn thiện, các yếu tố tranh tụng được cài đặt nhưng thực chất vẫn là mô hình TTHS  thẩm vấn lấy việc trấn áp tội phạm, hiệu quả của việc phát hiện, xử lý tội phạm làm nhiệm vụ quan trọng của TTHS, trong khi đó TTHS tranh tụng coi trọng sự cân bằng giữa phát hiện tội phạm và yêu cầu bảo vệ quyền con người. Muốn tranh tụng thì phải tách bạch về chức năng nhưng Bộ luật TTHS 2015 chưa có sự phân chia rành mạch các chức năng dẫn đến chồng chéo. Mô hình TTHS thẩm vấn dễ kiểm soát tội phạm nhưng khó bảo đảm quyền con người, làm giảm hiệu quả hoạt động tranh tụng của luật sư trong phiên tòa hình sự sơ thẩm, chức năng tố tụng chưa rõ ràng thể hiện ở việc Tòa án vẫn còn có những hoạt động mang tính chất buộc tội như: Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 280), khởi tố vụ án hình sự (Khoản 4 Điều 153), Tòa án vẫn xét xử khi Viện kiểm sát đã rút toàn bộ quyết định truy tố (Điều 326)…

 

Những hạn chế trên cho thấy việc đổi mới thủ tục TTHS trong đảm bảo tranh tụng là rất cần thiết và tác giả đã đưa ra một số kiến nghị. Chẳng hạn như, cần quy định đầy đủ các quyền và xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của người bị buộc tội trong TTHS, đề cao vai trò của người bào chữa, mở rộng những bảo đảm tố tụng cho chức năng bào chữa để bảo đảm hơn nữa quyền của các chủ thể này, mở rộng tính tranh tụng ngay từ giai đoạn điều tra. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế để người bào chữa, trong đó có luật sư, thu thập chứng cứ thực hiện tranh tụng tại phiên tòa và các đề xuất khác nữa.

 

Chia sẻ với những ý kiến của ThS. Nguyễn Ngọc Mai về chất lượng của mô hình tranh tụng, PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa dẫn chứng, ở nhiều phiên tòa, kiểm sát viên không thực hiện đầy đủ việc đối đáp với người bào chữa, họ bảo lưu quan điểm luận tội dù không phù hợp với hồ sơ vụ án cũng như chủ tọa phiên tòa hạn chế quyền được hỏi, quyền tranh tụng của người bào chữa.

 

Bàn về tranh tụng xét dưới góc độ quyền được xét xử công bằng, TS. Nguyễn Tiến Đức đồng ý với quan điểm của ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương khi cho rằng yếu tố tranh tụng trong môi trường tòa án tập trung nhiều hơn so với môi trường ngoài tòa án. Trong môi trường tòa án, việc tranh tụng được coi như là một “câu chuyện” dựa trên việc các bên công tố và bào chữa lập luận, đưa ra quan điểm trên cơ sở các bằng chứng thu thập được để chứng minh cho tòa án rằng quan điểm của bên kia là không đúng, không hợp lý. Tính tranh tụng thể hiện rõ ở đây khi bên này đưa ra lập luận để phản bác quan điểm của bên kia và ngược lại. Còn trong môi trường ngoài tòa án như tạm giam, tạm giữ thì đó chưa phải là “câu chuyện” mà mới chỉ là những bảo đảm pháp lý riêng lẻ nếu việc tạm giam, tạm giữ xâm phạm đến yếu tố quyền được xét xử công bằng.

 

TS. Nguyễn Tiến Đức (đứng) phát biểu thảo luận

 

Tham luận thứ ba tại tọa đàm là của NCS. Trần Tuấn Minh, Gợi mở về hòa giải trong vụ án hình sự tại Việt Nam theo hướng tư pháp phục hồi”. Tư pháp phục hồi (TPPH) là một phong trào tương đối mới trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung, bao gồm những mô hình mới để giải quyết tội phạm và hành vi phạm khác và được nhiều quốc gia lựa chọn để xử lý tội phạm vì nó mang lại kết quả tích cực cho cả nạn nhân và người phạm tội. Trong các chương trình TPPH, nạn nhân, người phạm tội và các thành viên bị ảnh hưởng bởi tội phạm trong cộng đồng được tham gia trực tiếp vào quá trình ứng phó với tội phạm. Họ sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình tư pháp hình sự, còn các đại diện của Nhà nước và cơ quan tư pháp trở thành người hỗ trợ cho những hoạt động hướng tới trách nhiệm giải trình của người phạm tội, việc bồi thường cho nạn nhân và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của nạn nhân, người phạm tội và cả cộng đồng nhằm mục đích xác định trách nhiệm của người phạm tội, bồi thường cho nạn nhân.

 

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thừa nhận hòa giải thông qua quy định về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự tại Khoản 3 Điều 29. Việc thừa nhận kết quả hòa giải giữa người phạm tội và bị hại trong một số vụ án nhất định là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự đã gián tiếp thừa nhận hòa giải trở thành phương thức giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hình sự nước ta về hòa giải còn rất hạn chế. Bài viết đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần nghiên cứu hoàn thiện để xây dựng chế định về hòa giải vụ án hình sự theo hướng TPPH:

 

Một là, pháp luật Việt Nam đang thiếu các quy định để khuyến khích hòa giải vụ án hình sự thể hiện ở các khía cạnh: Hòa giải chưa được thừa nhận là nguyên tắc cơ bản của luật TTHS; Hậu quả pháp lý của hòa giải thành mang tính tùy nghi, quy định này chưa khuyến khích được hòa giải trên thực tế…

 

Hai là, thiếu quy định về trình tự, thủ tục hòa giải rõ ràng và sự hỗ trợ của hòa giải viên chuyên nghiệp làm cho việc giải quyết vụ án hình sự bằng phương thức hòa giải gặp khó khăn, không đảm bảo hiệu quả.

 

Việc gián tiếp thừa nhận hòa giải vụ án hình sự ở Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự hiện hành là một thay đổi lớn trong quan điểm xử lý tội phạm. Tuy nhiên, để áp dụng được phương thức này vào quá trình giải quyết vụ án hình sự thì điều quan trọng là trình tự, thủ tục hòa giải ở Việt Nam cần bảo đảm các yếu tố:

  • Điều kiện để vụ án được hòa giải phải rõ ràng và chủ thể có thẩm quyền phải chủ động chuyển vụ án sang thủ tục hòa giải khi đủ điều kiện;
  • Các bên hoàn toàn tự nguyện và được phép yêu cầu trở lại thủ tục tố tụng truyền thống ở bất kỳ thời điểm nào trong khi vụ án đang được hòa giải;
  • Có sự tham gia của hòa giải viên chuyên nghiệp;
  • Kết quả hòa giải thành là căn cứ để kết thúc quá trình giải quyết vụ án hình sự  và ngược lại vụ án có thể tiếp tục thủ tục tố tụng thông thường nếu các bên không đạt được thỏa thuận.

 

Từ trái sang phải: PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và NCS. Trần Tuấn Minh

 

Tọa đàm tiếp tục lắng nghe tham luận “Văn hóa pháp luật trong phòng xử án hình sự của Tòa án ở Việt Nam” do ThS. Nguyễn Thanh Tùng trình bày. Đầu tiên, bài viết đưa ra 4 yếu tố chính định hình văn hóa pháp luật trong phòng xử án hình sự bao gồm: mô hình TTHS, sự cách ly công cộng, môi trường chính trị, những định kiến truyền thống. Trong thực tiễn, bên cạnh những mặt tích cực như tiến độ và chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án ngày càng được hoàn thiện, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào công lý được bảo đảm nơi Tòa án, công tác tổ chức phiên tòa xét xử luôn đổi mới bảo đảm sự uy nghiêm, thể hiện tính quyền lực nhà nước thì văn hóa pháp luật trong phòng xử án hình sự vẫn còn bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, hạn chế.

 

Việc tổ chức phiên tòa xét xử còn bất cập, gây khó khăn cho luật sư tham gia bào chữa. Điều 76 Bộ luật TTHS 2015 quy định, trong các trường hợp bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.Tại Điều 60, Điều 61 quy định bị can, bị cáo bỏ trốn thì phải truy nã. Nhưng Điều 260 quy định Tòa án vẫn có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu “Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả…”. Quy định này có thể dẫn đến tình trạng luật sư và những người trợ giúp pháp lý khác không hề biết thân chủ của mình như thế nào mà vẫn phải bảo vệ, điều này gây ra những lúng túng, khó khăn cho họ trong việc bảo vệ thân chủ tại tòa.

 

Bên cạnh đó, việc thực hiện nội quy phòng xử án đôi khi cứng nhắc không cần thiết. Một số phiên tòa cấm mang vào phòng xử án những chai nước bằng nhựa. Chủ tọa nhiều lần cảnh báo việc cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm, đưa tin sai lệch lên mạng xã hội. Luật sư lên bục bào chữa nếu không đeo cà vạt chuyên dùng cũng bị mời ra ngoài, đồng nghĩa với việc họ không được tiếp tục tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ.

 

Để nâng cao văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử vụ án hình sự, ThS. Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị, cần có những cải cách tập trung vào thẩm phán, coi đây là trọng tâm của cải cách tư pháp theo hướng các thẩm phán phải tuân theo pháp quyền, ngay cả khi làm như vậy có thể dẫn đến việc họ phải đối mặt với sự phản đối của bạn bè và đồng nghiệp. Các thẩm phán cũng phải được cách ly khỏi những áp lực chính trị do mối quan hệ giữa Tòa án và chính quyền địa phương. Để phần nào thực hiện được giải pháp này thì tác giả cho rằng, cần nghiên cứu thành lập Tòa án khu vực, thu gom đầu mối các cơ quan tòa án, tạo cơ sở tiến hành rà soát, sàng lọc và bố trí lại đội ngũ cán bộ tư pháp.

 

Ngoài các giải pháp trên, ThS. Nguyễn Thanh Tùng đề xuất một số ý tưởng như: Tòa án nhân dân tối cao cần có những khảo sát để xác định các quy tắc của tòa án liên quan đến xét xử vụ án hình sự đang bị nhiều người bỏ qua hoặc không còn cần thiết; tiếp tục khẳng định vai trò của lãnh đạo tòa án đồng thời huy động sự tham gia, gắn kết trách nhiệm của các thành viên tòa án vào việc nâng cao hiệu quả xét xử; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm nước ngoài để nâng cao văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử vụ án hình sự…

 

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (bìa trái) giới thiệu báo cáo nghiên cứu của mình

 

Tọa đàm tiếp tục lắng nghe tham luận “Thời hạn TTHS một số quốc gia và những kinh nghiệm cho hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Thu Thủy. Thời hạn TTHS là giới hạn thời gian do pháp luật TTHS quy định để các chủ thể TTHS thực hiện các hoạt động, hành vi tố tụng nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu cụ thể. Tiếp theo, tác giả đã nêu ra những đặc điểm cơ bản của thời hạn TTHS, giới thiệu khái quát thời hạn TTHS quy định ở Pháp, Đức, Anh… và gợi mở những giá trị có thể áp dụng ở Việt Nam.

 

Tham luận cuối tại tọa đàm do PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa trình bày, “Thủ tục giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự”. Do vấn đề dân sự được giải quyết trong cùng vụ án hình sự nên Bộ luật TTHS không quy định thủ tục riêng mà vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ tuân theo trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự. Xuất phát từ đặc thù của quan hệ dân sự nên khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự còn phải tuân theo những nguyên tắc riêng của tố tụng dân sự nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của các đương sự khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án không thể đồng thời áp dụng cả thủ tục TTHS và thủ tục tố tụng dân sự để giải quyết một vụ án mà chỉ có thể áp dụng thủ tục TTHS trên cơ sở kết hợp với những nguyên tắc và thủ tục của tố tụng dân sự để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án đó. Bài viết đã lập luận, phân tích cụ thể về thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự  qua các điều luật và đưa ra các ví dụ minh họa liên quan đến các vấn đề: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, bồi thường thiệt hại…

 

Từ những luận giải của mình, PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa cho rằng, để hoàn thiện thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, khi sửa đổi Bộ luật TTHS, một trong những giải pháp trọng tâm là cần xác định rõ chế định kiện dân sự trong vụ án hình sự bằng một chương hoặc một số điều luật. Để đảm bảo đúng bản chất và phạm vi vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, cần thay cụm từ “vấn đề dân sự” bằng cụm từ “việc kiện dân sự”. Cùng với đó, Bộ luật TTHS khi sửa đổi, bổ sung cũng cần xác định rõ tư cách của người tham gia tố tụng hình sự có liên quan đến việc kiện dân sự trong vụ án hình sự. Phạm vi của việc kiện dân sự là giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra, là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ở đây cần phân biệt việc kiện dân sự với biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự và xử lý vật chứng theo quy định của Bộ luật TTHS.

 

Tọa đàm cũng nhận được những ý kiến trao đổi của TS. Phạm Thị Hương Lan, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, TS. Nguyễn Thị Hường, ThS. Cao Thị Lê Thương về quy trình tranh tụng, mối liên quan giữa suy đoán vô tội và cấp độ chứng minh… và các vấn đề khác.