•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Tiếp cận xã hội học pháp luật trong nghiên cứu luật học”

06/06/2023
Chiều ngày 02/06/2023, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tiếp cận xã hội học pháp luật trong nghiên cứu luật học” tại hội trường trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội. Người thuyết trình là GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tham gia tọa đàm có TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện và TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng cùng đông đảo các nhà nghiên cứu của Viện.

 

Xã hội học pháp luật là lĩnh vực nghiên cứu được GS.TS. Võ Khánh Vinh đặc biệt quan tâm và nghiên cứu trong thời gian dài. Ông đã công bố các cuốn sách có tính chất khai phá ở Việt Nam về xã hội học pháp luật. Hiện nay, ông vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị xuất bản các cuốn sách chuyên khảo khác.

 

 

Nội dung của buổi tọa đàm gồm ba phần chính:

  • Khái quát chung;
  • Đối tượng nghiên cứu theo cách tiếp cận xã hội học pháp luật;
  • Những vấn đề xã hội học pháp luật cấp bách hiện nay.

Về mặt lý luận, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, xã hội học pháp luật là một khoa học, là một cách tiếp cận, là phương pháp. Có hai loại nghiên cứu trong xã hội học pháp luật là xã hội học pháp luật lý luận và xã hội học pháp luật ứng dụng. Phải nắm được, hiểu được xã hội học pháp luật lý luận thì mới có thể thực hiện được xã hội học pháp luật ứng dụng. Xã hội học pháp luật được nghiên cứu theo nhiều cấp độ khác nhau, đó là: (i) Xã hội học pháp luật nói chung; (ii) Xã hội học pháp luật ngành; (iii) Xã hội học pháp luật tiểu ngành; (iv) Xã hội học pháp luật chế định; (v) Xã hội học pháp luật quy phạm. Chẳng hạn, trong nghiên cứu xã hội học pháp luật ngành thì có xã hội học pháp luật hình sự, xã hội học pháp luật dân sự…

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Đối tượng nghiên cứu theo cách tiếp cận xã hội học pháp luật là nghiên cứu pháp luật từ phương diện xã hội, trong xã hội, từ xã hội, đến xã hội. Theo đó, GS.TS. Võ Khánh Vinh chỉ ra có hai hướng nghiên cứu cơ bản với nhiều đối tượng nghiên cứu khác nhau. Hướng nghiên cứu thứ nhất trong cách tiếp cận xã hội học pháp luật là nghiên cứu mối liên hệ của các quan hệ xã hội thực tế và pháp luật. Không có mối quan hệ xã hội thực tế thì không có các quy định pháp luật ứng với các quan hệ xã hội trong đời sống. Pháp luật là hình thức thể hiện các quan hệ xã hội xảy ra trên thực tế. Các đối tượng khác trong hướng nghiên cứu thứ nhất còn là: Nguồn gốc của pháp luật; tính quyết định xã hội của pháp luật; cơ chế tác động của xã hội đến pháp luật; nhu cầu, lợi ích, mong muốn, phương thức thể hiện…

 

Hướng nghiên cứu thứ hai trong cách tiếp cận xã hội học pháp luật là nghiên cứu tác động xã hội của pháp luật (tác động ngược lại). Đó còn là các hình thức tác động của pháp luật đến xã hội (các quan hệ xã hội). Có thể kể đến các hình thức tác động của pháp luật là thông tin, giá trị, khuyến khích và cưỡng chế. Ngoài ra, hiệu quả của pháp luật cũng là một đối tượng của hướng nghiên cứu thứ hai này. Tính hiệu quả này phải được thể hiện ở mục tiêu đề ra và có kết quả trong thực tiễn.

 

Từ những nội dung được giới thiệu ở trên, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã nêu ra những vấn đề xã hội học pháp luật cấp bách ở nước ta hiện nay. Đó là việc cần nghiên cứu các mô hình pháp luật ứng với các cấp độ nghiên cứu xã hội học pháp luật. Tiếp theo là các vấn đề nghiên cứu xã hội học pháp luật trong xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật, thiết chế pháp luật, quyền con người…

 

TS. Nguyễn Linh Giang trao đổi tại tọa đàm

 

Trao đổi tại tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Giang cám ơn GS.TS. Võ Khánh Vinh đã nhiệt tình phổ biến những kiến thức, phương pháp luận, cách tư duy trong nghiên cứu xã hội học pháp luật. TS. Linh Giang nhìn nhận, các dự án nghiên cứu xã hội học pháp luật hiện nay còn gặp nhiều rào cản và tốn kém, đặc biệt trong nghiên cứu xã hội học dựa trên quyền con người. Tuy nhiên, đây là hướng nghiên cứu được xã hội quan tâm và rất thiết thực.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên đặt câu hỏi về xã hội học pháp luật trong vấn đề an sinh xã hội và được GS.TS. Võ Khánh Vinh giải đáp như các yếu tố hình thành và tác động đến mô hình pháp luật an sinh xã hội, mối quan hệ giữa xã hội với chính sách pháp luật về an sinh xã hội.

 

Tọa đàm cũng nhận được các câu hỏi, ý kiến thảo luận của TS. Phạm Thị Thúy Nga, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, PGS.TS. Đinh Thị Mai, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và GS.TS. Võ Khánh Vinh đã nhiệt tình giải đáp và trao đổi. Ông cũng đã gợi ý các chủ đề nghiên cứu chính để Viện Nhà nước và Pháp luật tập trung nhân lực tìm hiểu và lựa chọn thực hiện trong các hệ đề tài cũng như các hoạt động khoa học khác.