•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Thực hiện pháp luật kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp”

07/12/2023
Đây là hoạt động khoa học nằm trong khuôn khổ Đề tài cấp nhà nước KX.04.14/21-25 do TS. Phạm Thị Thúy Nga là chủ nhiệm, “Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế - Nội dung trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.

Tọa đàm do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 28/11/2023 tại Tp. Hồ Chí Minh.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc tọa đàm

 

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thành viên chính đề tài) cho biết, Tp. Hồ Chí Minh thuộc nhóm đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục với quy mô kinh tế, quy mô dân số và tốc độ đô thị hóa lớn nhất Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2023, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhất là về công nghiệp và thương mại, dịch vụ, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường. Chính quyền Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến các giải pháp để thúc đẩy phát triển. Ngày 27/9, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Tổ Công tác tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Minh cũng nhấn mạnh, Toạ đàm sẽ tập trung thảo luận nhằm đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện thực tiễn thực hiện pháp luật kinh tế tại Tp. Hồ Chí Minh; tổng kết những kinh nghiệm tốt, phát hiện những yêu cầu đổi mới chính sách, pháp luật kinh tế. Toạ đàm cũng xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá mà Thành phố cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

 

TS. Phạm Thị Thuý Nga, chủ nhiệm đề tài phát biểu đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đúng những thành tựu, kết quả đạt được và những hạn chế, nguyên nhân; chỉ ra những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc; những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh và các địa phương, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

 

PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng trình bày tham luận về cơ chế, chính sách vượt trội cho Tp. Hồ Chí Minh

trong bối cảnh mới

 

PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng (Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ)  cho biết, mới đây, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh. Việc có nghị quyết riêng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho sự phát triển của Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Để làm tốt điều đó, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng đưa ra một số giải pháp như: Thành phố cần tinh giản đầu mối và biên chế của cơ quan nhà nước, hướng đến một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, giảm gánh nặng chi ngân sách thường xuyên. Đồng thời, Thành phố cũng nên đề xuất tỷ lệ đóng góp ngân sách trung ương phù hợp để tạo động lực và khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đóng góp, kiến tạo phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

 

Cùng với cơ chế, chính sách mới, các chuyên gia cũng cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh nên thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng. Từ đó góp phần đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và phát triển của Tp. Hồ Chí Minh nói chung và 5 huyện nói riêng, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Thực hiện tốt vấn đề này, sẽ giúp Thành phố phát triển năng động, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển của các vùng, địa phương khác trong thời gian tới.

 

Tiếp theo, TS.Trần Thị Bích Nga (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh) với tham luận “Thực tiễn thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường ứng phó biến đối khí hậu (BĐKH) tại Tp. Hồ Chí Minh” cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Khí tượng thủy văn, trong đó dành một chương quy định về giám sát BĐKH. Đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định tương đối đồng bộ và đầy đủ các giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Nhìn chung, ứng phó với BĐKH ở nước ta đã đạt được một số thành công bước đầu, được quốc tế ghi nhận. Các chính sách ứng phó với BĐKH này đã giúp giảm thiểu tác động của BĐKH, tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái và cộng đồng dân cư, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng và thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan. Tuy vậy, TS. Trần Thị Bích Nga cũng thẳng thắn nêu rõ, hệ thống chính sách ứng phó với BĐKH ở Việt Nam vẫn còn những lỗ hổng, vẫn còn những nội dung chưa hoàn toàn phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế.

 

Một vấn đề quan trọng được trao đổi, thảo luận tại tọa đàm là chính sách, pháp luật về thị trường cacbon. Trong đó, các đại biểu đề xuất việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, một xu thế hiện nay cho lộ trình “Net Zero”. Ngoài ra, cần thành lập một cơ quan chuyên trách có vai trò phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan trong việc xác định tỷ lệ đóng góp lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn Thành phố cho mục tiêu giảm phát thải quốc gia. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, Tp. Hồ Chí Minh nên cân nhắc tham gia tích cực vào quá trình hoàn thiện khung pháp luật tại Việt Nam về thị trường mua bán phát thải.

 

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã phân tích, bình luận về các nội dung: Một số bất cập trong công tác quản lý rừng phòng hộ tại Tp. Hồ Chí Minh và gợi mở những kiến nghị, giải pháp; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bất động sản của trọng tài thương mại; Thực tiễn thực hiện các quy định về an sinh xã hội; Những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện quyền tự do kinh doanh…

 

Chủ nhiệm đề tài, TS. Phạm Thị Thúy Nga phát biểu kết thúc tọa đàm

 

Kết thúc tọa đàm, TS. Phạm Thị Thúy Nga phát biểu cám ơn các đại biểu đã nhiệt tình tham gia qua việc trình bày tham luận, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, đặc biệt là những phát hiện về các bất cập trong thực hiện pháp luật và những đòi hỏi của thực tiễn yêu cầu đổi mới chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư, lao động, an sinh xã hội… Những phát hiện, gợi mở sẽ được kết nối với nhau để các thành viên đề tài nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và đề xuất những giải pháp nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Các tin cùng chuyên mục: