28/03/2022
Giữa pháp luật và khoa học – công nghệ có nhiều tác động qua lại. Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do dẫn đến cần phải cải cách pháp luật nói chung là khi có sự ra đời của công nghệ mới mà pháp luật hiện hành không đủ khả năng điều tiết (1). Công nghệ phát triển làm nên cuộc cách mạng của pháp luật, thậm chí làm mất cả nền tảng của pháp luật (2). Sự trở lại của công nghệ hiện nay là do chúng ta đang sống giữa thời điểm cao trào của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới. Lịch sử loài người đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn với những phát minh then chốt làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của toàn nhân loại như: phát minh ra động cơ hơi nước, động cơ điện, điện tử, máy tính kỹ thuật số,… Đầu thế kỷ XXI, chúng ta chứng kiến thêm một cuộc cách mạng công nghiệp có ảnh hưởng to lớn và toàn diện đến nhiều mặt của cuộc sống, đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất các công nghiệp, làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cuộc cách mạng này đã phát triển thành các xu hướng công nghiệp lớn và ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ in 3D, thiết bị tự lái, công nghệ chuỗi khối,… Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi phương thức sống của con người. Những thay đổi đột phá về khoa học và công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như hệ thống pháp luật ở mỗi quốc gia. Hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật theo các phương thức truyền thống đang bị tác động sâu sắc bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn nữa, trong khoa học pháp lý Việt Nam mới chỉ có rất ít các công trình nghiên cứu về Luật Dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, Luật Dân sự Việt Nam hiện nay mới chỉ manh nha tiếp cận ở mức khiêm tốn một số thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chưa mang tính hệ thống và còn nhiều bất cập.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với khuynh hướng phát triển như hiện nay đã bắt đầu và sẽ thúc đẩy sự cải cách của tất cả các ngành luật như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Lao động, Luật Tài chính… và Luật Dân sự cũng không phải là ngoại lệ. Là một ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta, Luật Dân sự bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa các chủ thể được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Với các công nghệ mang tính đột phá, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, vừa là cơ hội, vừa là thách thức liên quan đến ngành Luật Dân sự, gây sự quan tâm, chú ý của giới luật học như: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tiền điện tử, tài sản ảo, tiền ảo (tiền mã hóa), hợp đồng điện tử, hợp đồng thông minh, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng… đòi hỏi phải có sự nghiên cứu để làm rõ khung nhận thức lý luận, đồng thời đánh giá thực trạng Luật Dân sự Việt Nam hiện hành đã đáp ứng được các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở mức độ nào, từ đó đưa ra các giải pháp xây dựng và hoàn thiện cho phù hợp.
Trong bối cảnh đó, được sự đồng ý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách: Luật Dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện Luật Dân sự, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nội dung cuốn sách mang tính thời sự trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và nghiên cứu xây dựng Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cuốn sách sẽ góp phần cung cấp luận cứ cho việc hoàn thiện lĩnh vực Luật Dân sự, phục vụ cho việc xây dựng, ban hành Chiến lược pháp luật Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về Luật Dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành trên cơ sở đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Viện Nhà nước và Pháp luật là tổ chức chủ trì. Công trình nghiên cứu này không những có ý nghĩa về mặt lý luận, mà còn cần thiết đối với thực tiễn xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật dân sự; đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy Luật Dân sự.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
- TS. Ngô Huy Cương (2006), Góp phần bàn về cải cách pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.15.
- GS. Yves Poullet (2009), “Pháp luật và Internet”, Kỷ yếu hội thảo: “Những thách về mặt pháp lý của sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông: thực trạng và triển vọng”, Hà Nội, tr.11.