•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giới thiệu sách “Cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam”

11/03/2024


Năm xuất bản: 2024

Số trang: 266

Cuốn sách chuyên khảo do TS. Phan Thanh Hà, nghiên cứu viên chính Viện Nhà nước và Pháp luật, biên soạn, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành quý I năm 2024.

Trong thế giới đương đại, sự phát triển các giá trị văn minh, dân chủ dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong nhận thức về vai trò, chức năng của Nhà nước hiện đại, đánh dấu bằng sự chuyển đổi mô hình Nhà nước từ cai trị, điều hành sang Nhà nước phục vụ. Một Nhà nước được thừa nhận có tính chính đáng chỉ khi đáp ứng được những yêu cầu, mong đợi của đa số nhân dân về chính quyền cần có. Nhà nước trong quan niệm hiện đại không còn ở vị trí đứng trên, ban ơn, trao quyền cho dân chúng, mà có mối quan hệ bình đẳng, tương hỗ, đồng trách nhiệm với công dân trước pháp luật, chủ động và tích cực hơn trong việc thực hiện chức trách của mình trước công dân.

 

Những vận động nội tại trong xã hội hiện đại cũng làm xuất hiện và gia tăng các nguy cơ gây cản trở, xâm hại đến quyền con người, quyền công dân. Trước những nguy cơ này, yêu cầu về tính chính đáng của Nhà nước lại càng đặt ra các đòi hỏi gắt gao đối với việc phải thiết lập chế độ pháp lý đầy đủ, thích đáng và hiệu quả hơn các cơ chế hiện có, nhằm ràng buộc hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền, lợi ích của người dân, tạo điều kiện, bảo đảm cho công dân thực thi một cách hiệu quả hơn các quyền cơ bản của mình. Một trong những cơ chế pháp lý có thể đáp ứng những yêu cầu này chính là cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân.

 

ở Việt Nam, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh và phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ và phát huy quyền con người trong quá trình hội nhập quốc tế cũng đã và đang đặt ra yêu cầu pải xây dựng, hoàn thiện hơn nữa mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, thiết lập vị thế bình đẳng, hợp tác giữa hai chủ thể thông qua những cơ chế pháp lý thiết thực và hiệu quả. Nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền cũng đòi hỏi việc thiết lập một cơ chế bảo hộ công dân dựa trên các nền tảng pháp lý vững chắc – như một cam kết về trách nhiệm từ phía Nhà nước đối với người dân nhằm kiến tạo môi trường để họ có thể chủ động, tích cực hơn khi sử dụng, bảo vệ các quyền cơ bản của mình.

 

Trong thời gian qua, một loạt các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề cập các nội dung liên quan đến cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân như: tiến hành cải cách tư pháp, xây dựng và vận hành cơ chế bồi thường nhà nước, xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp… Đặc biệt, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đề cập trực tiếp vấn đề bảo hộ công dân, chỉ rõ yêu cầu: “Hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chế độ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là Tòa án trong việc bảo vệ các quyền đó; xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”. Về mặt pháp lý, có thể thất vấn đề bảo hộ pháp lý đối với công dân ở nước ta đã được thể hiện từ trong tinh thần Hiến pháp năm 1946 và các quy định cụ thể về bảo hộ trong các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và tiếp tục được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013. Đây có thể xem là những nền tảng chính trị - pháp lý vững chức đồng thời cũng đặt ra yêu cầu bức thiết phải là sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân – vốn là một chủ đề còn khá mới ở Việt Nam.

 

Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 với tư tưởng lập hiến mang tính thời đại đã tiếp tục khẳng định và củng cố những cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam. Nội dung sửa đổi quan trọng nhất của Hiến pháp năm 2013 chính là việc thông qua các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II. Bên cạnh đó, còn có các quy định trực tiếp về vấn đề bảo hộ công dân tại 10 điều khoản khác nhau trong Hiến pháp năm 2013. Do đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là tiếp tục làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, trong đó có nội dung quan trọng là cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam.

 

Trên thực tế, do nhận thức về những quyền cơ bản, quyền con người còn chưa đầy đủ nên việc xác lập cơ chế bảo hộ đối với những quyền này từ phía Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Ở nhiều nơi, mới tư duy về “bảo vệ” hoặc “bảo đảm” quyền con người, quyền côn dân mà chưa thật sự quan tâm đến “bảo hộ”. Thuật ngữ “bảo hộ” trong “cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân” vẫn còn rất mới đối với nhiều người. Những hạn chế trong nhận thức đã tạo ra sự thiếu vắng những nền tảng lý luận vững chắc trong việc bảo hộ công dân ở Việt Nam. Cũng bởi vậy mà việc ghi nhận và điều chỉnh cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam hiện nay còn hạn chế, chưa mang tính hệ thống.

 

Có thể thấy rằng, việc nghiên cứu, làm rõ một cách có hệ thống và cơ bản các vấn đề lý luận và thực tiễn của cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam là hết sức cần thiết trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, họi nhập quốc tế, phát triển ở nước ta hiện nay.

 

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách chuyên khảo Cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam do TS. Phan Thanh Hà biên soạn, với mong muốn làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn của cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân xuất phát từ bối cảnh đã nêu.

 

Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc./.