26/02/2024
Khu vực kinh tế phi chính thức (KV KTPCT) là một trong các khu vực kinh tế của nền kinh tế quốc gia, luôn tồn tại một khách quan và tất yếu, nhất là ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Đây là khu vực chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhận định KV KTPCT là khu vực của các hoạt động kinh tế diễn ra bên ngoài khu vực kinh tế chính thức nhưng là khu vực tạo ra nguồn sinh kế cho người nghèo trong xã hội (tạo việc làm đa dạng, tạo thu nhập và ổn định đời sống). Đặc biệt, KV KTPCT còn giúp nền kinh tế tồn tại trong thời kỳ suy thoái và là động lực của đổi mới và tăng trưởng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hoạt động bình thường của KV KTPCT; bảo vệ, bảo đảm về mặt pháp lý cho các chủ thể trong KV KTPCT… thì Nhà nước cần phải thông qua hoặc cải thiện khuôn khổ pháp luật quốc gia và phát triển chính sách nhằm giải quyết các thách thức của nền kinh tế phi chính thức; trong đó có vấn đề về an sinh xã hội.
Đứng trước những nguy cơ, thách thức như phần lớn lao động KV KTPCT không được bảo vệ bởi các thể chế của thị trường lao động; họ phải đối mặt với nguy cơ trở thành tầng lớp lao động nghèo trong xã hội; với việc làm bấp bênh; thu nhập thấp, thiếu ổn định, không thường xuyên, giờ làm việc dài; không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng; làm việc ở khu vực kinh tế có quy mô rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, không đăng ký kinh doanh, hiệu suất kinh tế thấp, điều kiện lao động bấp bênh, thực hiện trong các nhóm ngành nghề phi nông nghiệp là chủ yếu, không tuân thủ quy định pháp luật về lao động như không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác; ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề… Hay nói cách khác, quyền an sinh xã hội của lao động KV KTPCT không được ghi nhận hoặc nếu có thì họ gặp phải rất nhiều rào cản khi tiêp cận. Điều này có nghĩa rằng, những vấn đề liên quan đến việc làm, chế độ an sinh xã hội dành cho lao động KV KTPCT chưa được đưa vào trong chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ không phải là đối tượng điều chỉnh của các chính sách, pháp luật an sinh xã hội. Đây không chỉ là khoảng trống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội với lao động KV KTPCT ở Việt Nam mà còn tồn tại ở các quốc gia khác trên thế giới.
Như vậy, về mặt pháp lý, ở KV KTPCT đang đặt ra rất nhiều nội dung cần làm rõ như về đo lường nhóm đối tượng lao động nào, việc làm nào được xếp vào khu vực kinh tế phi chính thức; vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho KV KTPCT là gì, như thế nào, đến đâu… Ngoài ra, quan hệ an sinh xã hội của lao động KV KTPCT ở Việt Nam phần lớn là chưa có chính sách, pháp luật điều chỉnh hoặc có cơ sở pháp lý nhưng lao động KV KTPCT chưa chạm tới được do không được thực hiện một cách có hiệu quả trên thực tế. Những câu hỏi trên chỉ có thể được trả lời thông qua việc nghiên cứu, đánh giá để cung cấp thông tin cho việc phân tích, thiết kế và thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội cho lao động KV KTPCT. Nhất là gần đây, vấn đề an sinh xã hội trong KV KTPCT đã trở thành tâm điểm đáng chú ý trong các chương trình nghị sự, các cuộc tranh luận về cải cách an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đặc biệt là về mức độ bao phủ của chính sách, pháp luật an sinh xã hội đến lao động KV KTPCT.
Nhằm cung cấp kiến thức một cách có hệ thống cho độc giả về một số vấn đề lý luận, thực trạng pháp luật an sinh xã hội đối với lao động KV KTPCT ở Việt Nam trong thời gian qua để từ đó chỉ ra định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về an sinh xã hội đối với lao động KV KTPCT ở Việt Nam trong thời gian tới, được sự ủng hộ của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tập thể tác giả đã biên soạn cuốn sách “Pháp luật an sinh xã hội đối với lao động khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam”.
Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc.