•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giới thiệu sách “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

08/09/2023


Năm xuất bản: 2023

Số trang: 687

Cuốn sách là sản phẩm của Hội thảo khoa học quốc gia “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Trường Đại học Luật, Đại học Huế và Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức. Hội thảo diễn ra ngày 19/05/2022 nhằm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Chủ biên sách là GS.TS. Võ Khánh Vinh (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), PGS.TS. Đoàn Đức Lương (Đại học Luật, Đại học Huế), PGS.TS. Nguyễn Duy Phương (Đại học Luật, Đại học Huế) và TS. Nguyễn Linh Giang (Viện Nhà nước và Pháp luật). 

 

Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra và trở thành tư tưởng xuyên suốt trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng này cũng đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Những bài viết của các tác giả giúp nhận diện rõ hơn những yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ đó định hướng, xác định những bước đi, giai đoạn phù hợp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.

 

Cuốn sách bao gồm 36 bài viết chất lượng được chọn lọc trong số 70 bài tham gia hội thảo, trong đó các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật là tác giả hoặc đồng tác giả của 12 bài viết. Cuốn sách có nội dung về các vấn đề:

 

(1) Lý thuyết nhà nước pháp quyền, nguyên tắc pháp quyền và kinh nghiệm quốc tế: Các bài viết có hàm lượng khoa học cao, đi sâu vào việc nhận diện, làm rõ cội nguồn của khái niệm nhà nước pháp quyền, nguyên tắc pháp quyền và yêu cầu về nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng nhà nước pháp quyền, rút ra những kết luận về các giá trị phổ quát, giá trị đặc thù về quả trình phát triển của khái niệm nhà nước pháp quyền và nguyên tắc pháp quyền có thể áp dụng cho Việt Nam.

 

(2) Lý thuyết Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu về hoàn thiện pháp luật: Các bài viết bàn về xu hướng hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền con người, quyền công dân. Nhóm các bài viết này đi sâu vào nhận diện nội hàm khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đặc biệt là việc nhấn mạnh vào việc làm rõ những yếu tố mang tính quy luật từ xã hội đòi hỏi phải có những thay đổi về khung thể chế đáp ứng yêu cầu bảo đảm dân chủ; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền côn dân; lấy phát triển con người làm trung tâm; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

(3) Hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể: Các bài viết nghiên cứu sâu trên từng khía cạnh: Hiến pháp, hành chính, tư pháp hình sự, tư pháp dân sự, thương mại, lao động, môi trường, an sinh - xã hội, quyền con người…

 

Có thể khẳng định cuốn sách là công trình khoa học của nhiều nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực pháp luật, công trình này góp phần vào việc xây dựng lý thuyết nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cũng là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam.

 

Sách do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành quý 2 năm 2023. Xin được trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.