•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giới thiệu sách “Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay”

22/12/2023


Cuốn sách chuyên khảo do TS. Phan Thanh Hà là chủ biên cùng tập thể tác giả, được hình thành trên cơ sở Đề tài cấp Bộ cùng tên. Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành tháng 11 năm 2023.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển các giá trị văn minh, dân chủ dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong nhận thức về vai trò, chức nằn của Nhà nước hiện đại, đánh dấu bằng sự chuyển đổi mô hình Nhà nước từ cai trị, điều hành sang Nhà nước phục vụ, Nhà nước kiến tạo – phát triển… Một loạt các lý thuyết mới về vai trò, chức năng của Nhà nước ra đời như tính chính đáng của Nhà nước, quản trị tốt… cũng ảnh hưởng lớn đến nội dung mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong mỗi quốc gia. Như vậy, một trong những lý do dẫn đến nhu cầu nghiên cứu mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong giai đoạn hiện nay xuất phát từ thực tiễn những quan niệm mới về vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của từng chủ thể trong mối quan hệ (Nhà nước và công dân) cũng như về bản chất của mối quan hệ này trong xã hội hiện đại.

 

Quan hệ giữa Nhà nước và công dân luôn là mối quan hệ chính trị - pháp lý quan trọng nhất ở bất kỳ quốc gia nào. Một Nhà nước được thừa nhận có tính chính đáng chỉ khi đáp ứng được những đòi hỏi, mong đợi trong con mắt của đa số nhân dân về những phẩm chất, năng lực mà chính quyền cần có. Lúc này, Nhà nước không còn ở vị trí đứng trên, ban ơn, trao quyền cho dân chúng, mà có mối quan hệ bình đẳng, tương hỗ, đồng trách nhiệm với công dân trước pháp luật, chủ động và tích cực hơn trong việc thực hiện chức trách của mình trước công dân.

 

Đồng thời, sự gia tăng trách nhiệm của mỗi bên trong mối quan hệ hai chiều đặt ra những câu hỏi rất cần được giải mã nghiên cứu cả về góc độ lý luận lẫn thực tiễn ở Việt Nam hiện nay như: Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền của các bên cần được phát triển hay giới hạn ở mức độ nào, theo triết lý, góc độ tiết cận nào?

 

Thứ hai, những vận động nội tại trong xã hội hiện đại hiện nay đang làm xuất hiện và gia tăng những nguy cơ truyền thống và phi truyền thống (chiến tranh, dịch bệnh, khủng bố…), có khả năng đe dọa, cản trở, xâm hại đến quyền con người, quyền công dân. Trước những nguy cơ này, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền, lợi ích của công dân lại càng được đặt ra với yêu cầu cao hơn bao giờ hết. Đồng thời, cũng cần thấy, không chỉ Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện, bảo đảm cho người dân thực thi một cách hiệu quả hơn các quyền cơ bản của mình, mà ngược lại, công dân cũng phải có ý thức và trách nhiệm hợp tác với Nhà nước trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể. Đây là một nội dung không quá mới nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống cần tiếp tục được đào sâu nghiên cứu hơn nữa.

 

Thứ ba, bối cảnh mới trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước kiến tạo – phát triển, nhu cầu đảm bảo và phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong quá trình hội nhập và phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam… cũng đặt ra những nội dung mới cần được giải quyết liên quan tới mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

 

Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trong thời kỳ hiện đại đang làm thay đổi căn bản tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, trực tiếp dẫn đến những biến đổi về kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng, lối sống và cả chính trị, nhà nước… Đồng thời, làm gia tăng sức mạnh phạm vi và khả năng kiểm soát quyền lực phi truyền thống; làm thay đổi chức năng (giao tiếp và huy động chính trị, v.v…) và cấu trúc (tạo ra sự phân tán quyền lực, v.v…) của các thể chế quyền lực nói chùn; làm thay đổi các chức năng của Nhà nước nói riêng (chức năng điều tiết và cung ứng dịch vụ công, v.v…); làm thay đổi phương thức và hình thức vận hành quyền lực (từ cưỡng ép là chủ yếu sang thuyết phục là chủ yếu và xuất hiện hình thức “chính phủ điện tử”). Sự phát triển của khoa học – công nghệ cũng góp phần tạo ra những cuộc cách mạng về thể chế, về chức năng của các thể chế chính trị, nhất là thể chế nhà nước, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung và tính chất của mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

 

Việc làm sáng tỏ các nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam trong bối cảnh mới chính là nhằm đảm bảo sự vận hành kinh tế, chính trị, xã hội được đồng bộ, phù hợp với quy luật phát triển trong công cuộc cải cách, mở cửa ở Việt Nam hiện nay.

 

Thứ tư, về cơ sở chính trị - pháp lý. Từ sau Hiến pháp năm 1992, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân đã có những tiến bộ mới về chất. Về mặt chủ trương, chính sách, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã có những cải cách lớn nhằm củng cố, hoàn thiện mối quan hệ này thông qua một loạt các văn kiện quan trọng như: cải cách tư pháp, xây dựng và vận hành cơ chế bồi thường nhà nước, xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp… Đặc biệt, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định yêu cầu: “Hoàn thiện thể chế bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chế độ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là tòa án trong việc bảo vệ các quyền đó; xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.

 

Về mặt pháp lý, tiếp tục phát huy bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Hiến pháp năm 2013 đã đặt những nền tảng pháp lý quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam thông qua các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II. Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến các quy định trực tiếp về ván đề bảo hộ công dân tại 10 điều khoản khác nhau trong Hiến pháp hiện hành. Sự kiện này đặt ra những yêu cầu cấp bách về việc tiếp tục làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến mối quan hệ này ở Việt Nam.

 

Thứ năm, xuất phát từ những hạn chế về nhận thức, lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ này trong bối cảnh động, đặc biệt, nhận thức, lý luận về Nhà nước với vai trò là một tổ chức quyền lực công có tính quan liêu, đứng trên xã hội với thực tiễn sinh động về quản lý và điều hành đất nước.

 

Trong nhận thức hiện nay, vẫn còn tồn tại tư duy về sự bất bình đẳng trong mối quan hệ này dẫn đến những hạn chế trong cách hành xử  của cơ quan công quyền đối với người dân. Ngược lại, từ những sai lầm trong nhận thức, tâm lý của người dân mà năng lực thực hành quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân ở Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế.

 

Về mặt lý luận, những vấn đề xung quanh khái niệm về công dân và quyền công dân tiếp tục cần được làm rõ hơn như: Công dân là cá nhân hay bao gồm cả nhóm người; Doanh nghiệp có được coi là công dân không; Quyền cơ bản của công dân khác với quyền không cơ bản như thế nào? v.v… Đồng thời với đó là sự thay đổi trong quan niệm về vai trò, vị trí và chức năng của Nhà nước trong xã hội hiện đại cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân hiện nay.

 

Thứ sáu, về tình hình nghiên cứu, có thể thấy trong khoa học pháp lý Việt Nam hiện nay, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân là vấn đề được quan tâm nghiên cứu khá sâu sắc và toàn diện. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mới của Việt Nam trong giai đoạn với sự vận động của thực tiễn xã hội nói chung và hệ thống chính trị nói riêng, cũng như trong sự phát triển về thực tiễn chính trị - pháp lý trên thế giới, các nội dung liên quan đến mối quan hệ này trong mỗi quốc gia cũng như ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển từ trong nhận thức, quan niệm đến nội dung, quy mô, tính chất, cấu trúc quan hệ. Nhiệm vụ của khoa học pháp lý là phải nhận thức rõ được những yêu cầu mới của cuộc sống đối với mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, giải mã, làm sáng tỏ những câu hỏi khoa học và thực tiễn xoay quanh mối quan hệ này, từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, bất cập và tiếp tục hoàn thiện.

 

Trong bối cảnh đó, cuốn sách chuyên khảo “Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay” là công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết của tập thể tác giả, là một nghiên cứu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao trong bối cảnh hiện nay. Cuốn sách không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam đồng thời cũng là tài liệu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy môn Lý luận - Luật Hiến pháp – Luật Hành chính.

 

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc.