26/11/2020
Ngày 03/6/2017, lần đầu tiên kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân – Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây được kỳ vọng là một Nghị quyết 10 nữa trong lịch sử của nước Việt Nam hiện đại, tiếp tục đặt dấu mốc mới vẻ vang cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong thời kỳ mới.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây và chiếm tới gần 40% GDP. Khu vực này đóng góp chính cho tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam. Nếu không tính khu vực hộ kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tạo ra trung bình trên dưới 600.000 việc làm mới mỗi năm. Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước về phương diện tạo thu nhập cho người lao động và khoảng cách này ngày một nới rộng hơn. Việc làm do các doanh nghiệp khu vực tư nhân tạo ra đã giúp hàng triệu người lao động dịch chuyển từ các công việc có thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có năng suất cao hơn với mức lương cao hơn. Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp đáng kể vào sự mở rộng phạm vi che phủ các chương trình an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội,…
Mặc dù kinh tế tư nhân ở nước ta đã được khẳng định chính thức; được tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho sự phát triển. Tuy nhiên, sự bền vững và lành mạnh của nó vẫn đang là dấu hỏi cần được bàn luận và lưu tâm.
Đó là năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực này còn thấp; chỉ số hiệu quả hoạt động tài chính còn nhiều điểm đáng quan ngại; mối liên kết giữa các cấu phần của khu vực tư nhân còn rất thấp, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp; nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối diện với sự suy giảm của những nguồn lực vốn một thời được coi là dồi dào và phong phú. Việt Nam ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn về chi phí nhân công vì tiền lương của người lao động gia tăng liên tục trong những năm gần đây; môi trường kinh doanh chưa thật sự được bình đẳng, vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân lớn, doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ trong nước; khả năng tiếp cận nguồi lực, dịch vụ công và khoa học – công nghệ còn chênh lệch và còn thấp so với khu vực; hệ thống quản trị công chưa thay đổi như kỳ vọng để phục vụ sự phát triển của khu vực tư…
Rất nhiều nguyên nhân được các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế chỉ ra, tuy nhiên, từ góc độ pháp luật có nhiều việc phải bàn luận, xem xét, phân tích và luận giải, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền khi pháp luật phải là công cụ chính yếu, quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Nghiên cứu nhiều năm qua cho thấy, môi trường pháp lý của Việt Nam đã có nhiều đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển lành mạnh và bền vững của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta như kỳ vọng của Nghị quyết số 10-NQ/TW thì cần có sự nghiên cứu, thảo luận chuyên sâu để có những khuyến nghị, đề xuất phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Đảng đang quyết tâm đổi mới và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang tới gần.
Ngày 12/11/2019, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân”. Nhận thấy nội dung và các kiến nghị, đề xuất của Hội thảo rất có giá trị, cần được lan tỏa, góp phần đưa tiếng nói của Hội thảo và các khoa học tâm huyết đến các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan xây dựng pháp luật để góp phần triển khai kiệu quả Nghị quyết nói trên từ góc nhìn luật học, Khoa Luật đã biên soạn để xuất bản cuốn sách “Xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân”.
Trong đó, cuốn sách có nhiều bài viết của các nhà khoa học Viện Nhà nước và Pháp luật, đó là: PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, TS. Hoàng Kim Khuyên, NCS. Vũ Hoàng Dương và ThS. Lê Thương Huyền.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!